Động đất ở Haiti và kỹ nghệ chính trị của Obama

Cập nhật lúc 14:34, 15/01/2010 (GMT+7)

Obama tỏ ra rất “cao tay” khi gần như ngay lập tức đưa ra các kế hoạch trợ giúp cho Haiti và thông báo tới công chúng. Bên cạnh tính nhân đạo không thể phủ nhận, động thái này cũng có thể hiểu là một kĩ nghệ chính trị. 

o2.jpg
Tổng thống Obama phát biểu về thảm họa động đất ở Haiti (Ảnh: Reuters)
  
Ngay sau khi cố vấn an ninh quốc gia Denis McDonough thông báo rằng Haiti vừa trải qua một trận động đất mạnh chưa từng có, Nhà Trắng tuyên bố tổng thống Obama muốn có một kế hoạch trợ giúp “mạnh mẽ và có sự phối hợp nhịp nhàng”.
 
Tổng thống liên tục được cập nhật thông tin: 2 lần vào tối thứ 3, 4 lần nữa bởi 4 cơ quan khác nhau và các thông báo cá nhân trực tiếp vào trước 10 giờ sáng ngày thứ 4. Ông đã hủy một buổi phát biểu về việc tạo công ăn việc làm trong ngành năng lượng sạch cùng với một chuyến đi tới Maryland; dành cả buổi chiều nói chuyện trên điện thoại với đại sứ Mỹ ở Haiti, với Ngoại trưởng Mỹ, với các lãnh đạo của tổ chức cứu trợ USAID và những người đứng đầu các nước Canada, Mexico, Brazil, Chile và Liên hợp quốc. Website của Nhà trắng cũng đã tổ chức việc quyên góp để trao cho Hội chữ Thập đỏ thế giới cũng như gửi thư điện tử đến các địa chỉ quen biết với lời kêu gọi ủng hộ.

Cho đến nay mọi thông tin về vụ động đất kinh hoàng này vẫn chưa đầy đủ. Và chúng ta cũng phải chờ thêm vài tuần nữa thì mới biết được tính hiệu quả thực sự của các động thái từ phía chính phủ Mỹ. Bởi lẽ, ngay thứ tư vừa qua, nước Mỹ vừa tuyên bố họ đã ngăn chặn 30.000 người Haiti nhập cư trái phép. Chính quyền Obama nên vào cuộc bằng cách cho phép những người này được hưởng cơ chế bảo vệ tạm thời – giống như sự đối xử với những người sống sót trong trận động đất ở Mỹ Latinh – để những người Haiti lưu vong trên đất Mỹ có thể được phép lao động và gửi tiền về nhà cho người thân.
 
Nhưng có lẽ không phải nghi ngờ về việc Obama đang nhân cơ hội này để lần thứ hai thể hiện ông là một tổng thống có khả năng lãnh đạo vượt qua thảm họa. Thực tế là trong những tháng ngày đầu tiên của năm 2010, chính quyền Obama đã thể hiện là một chính quyền mạnh mẽ, vì nhân dân và rất trách nhiệm khi đối mặt với khủng hoảng.
 
Cơ hội thể hiện đầu tiên chính là sự phản ứng lại vụ đánh bom hụt trong ngày lễ Giáng sinh. Các cố vấn của Obama cảm thấy “nóng mặt” sau khi nhận được những lời chỉ trích từ báo chí nước này. Ban đầu Obama đã chọn giải pháp phớt lờ dư luận, làm việc sau cánh gà và trước thất vọng của của các nhà báo, ông này dành thời gian để chơi gôn. Tuy nhiên sau khi trở về Washington, Obama đã có 2 bài phát biểu trước công chúng, chối bỏ các cáo buộc về thái độ hờ hững của ông và sau đó là hai lần lên tiếng chỉ trích các thất bại của tình báo Mỹ đã để lọt lưới vụ tấn công.
 
Lần nay, Obama lại tỏ ra rất “cao tay” khi gần như ngay lập tức đưa ra các kế hoạch trợ giúp và thông báo tới công chúng. Bên cạnh tính nhân đạo không thể phủ nhận, động thái cũng có thể hiểu là một kĩ nghệ trong chính trị. Một cuộc điều tra của Quinnipiac công bố ngày thứ 4 vừa qua cho thấy hầu hết là các thông tin đều bất lợi cho Obama: Tỉ lệ ủng hộ ông đang giảm sút, rất nhiều chính sách của ông không được ủng hộ và đảng Dân chủ đang gặp khó khăn cho nhiệm kỳ tới (chỉ có 45% người dân Mỹ cho rằng TT của mình có cùng quan điểm với họ trong các vấn đề quan trọng). Bản điều tra cũng chỉ ra rằng: 35% người được hỏi nghĩ rằng các chính sách của Obama làm giảm tính an toàn cho nước Mỹ so với 24% cho rằng đất nước đang được bảo vệ an toàn hơn và 38% nhận thấy tình hình không có mấy thay đổi.
 
Tuy nhiên khả năng giải quyết vấn đề của Obama vẫn đang được ngợi ca. Bản điều tra cho thấy 66% người dân Mỹ, trong đó có 45% người của Đảng cộng hòa và 64% không thuộc đảng phái này nói rằng Obama có “những tố chất lãnh đạo mạnh mẽ”.

  •  Ngọc Diệp (Theo Time)

Tin liên quan

Các tin khác