Nhiều nước sẽ "khổ" vì mâu thuẫn tiền tệ Trung-Mỹ?

Cập nhật lúc 09:15, 26/10/2010 (GMT+7)
Trong một bài bình luận đăng trên tạp chí Financial Times, ông Filipe Larrain, Bộ trưởng Bộ Tài chính Chile, đã chỉ ra rằng, bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh vấn đề tỷ giá không chỉ là chuyện của hai nước, mà đang gây ảnh hướng không nhỏ tới nhiều quốc gia khác. Dưới đây là nội dung lược dịch của bài viết này.

1

Chính sách tỷ giá của Trung Quốc đang là vấn đề kinh tế toàn cầu hàng đầu và là chủ đề then chốt tại nhiều cuộc gặp đa phương gần đây.


Nhìn bề ngoài, câu chuyện tỷ giá tưởng chừng như chỉ là cuộc tranh cãi giữa Bắc Kinh và Washington. Nhưng trên thực tế, tác động của nó đã vượt xa khỏi hai quốc gia này. Nhiều nền kinh tế mới nổi lên, đặc biệt là ở châu Á và Mỹ Latin, có nguy cơ mất mát nhiều nếu những căng thẳng này không sớm được giải quyết. Mà để đạt được điều đó, cả Trung Quốc và Mỹ cùng phải hành động.

Hiện nay, khoảng cách giữa tốc độ tăng trưởng và mức lãi suất của Mỹ và các nền kinh tế mới nổi đang ngày càng tăng. Do vậy, đồng USD cần giảm giá so với đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi mới là điều hợp lý. Tuy nhiên, đồng USD chỉ có thể giảm giá so với những đồng tiền vận động theo đúng quy luật thị trường.

Điều này có nghĩa là, nếu tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD ít thay đổi, thì các nền kinh tế mới nổi sẽ hứng chịu thiệt hại một khi đồng USD giảm giá so với những đồng tiền khác.

Các quốc gia như Brazil, Chile, Columbia và Peru, cũng như các nền kinh tế phát triển nhưng vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao như Australia và Hàn Quốc, đang phải đối mặt với áp lực tăng giá đồng nội tệ không hề dễ chịu. Áp lực này tạo gánh nặng đối với hàng xuất khẩu và những mặt hàng trong nước phải cạnh tranh với nhập khẩu, đặc biệt là trong các ngành nông nghiệp và sản xuất công nghiệp.

Một số quốc gia cảm thấy gánh nặng tỷ giá lớn hơn nếu họ bị mất thị phần vào tay Trung Quốc ở một thị trường thứ ba.

Chẳng hạn, Trung Quốc và Mexico cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2009 tới nay, đồng Peso của Mexico đã tăng giá 9% so với USD, trong khi đồng Nhân dân tệ chỉ tăng giá 3% so với đồng bạc xanh, đồng nghĩa với việc đồng Peso mạnh lên so với Nhân dân tệ. Điều này gây áp lực đối với các nhà sản xuất Mexico và áp lực này sẽ càng nặng nề hơn nếu xu hướng trên còn tiếp diễn.

Do phải đối mặt với tình huống chẳng mấy dễ chịu như vậy, nhiều nền kinh tế mới nổi đã buộc phải ra tay hành động, bằng những biện pháp như cho phép tăng tỷ giá nội tệ kết hợp với gom mua ngoại tệ trên thị trường nội địa để tích lũy dự trữ ngoại hối, đồng thời kiểm soát dòng vốn.

Các quốc gia khác ở Mỹ Latin như Peru và Columbia đã đẩy mạnh tích lũy dự trữ ngoại hối và cho phép đồng nội tệ tăng giá. Các quốc gia khác như Brazil đã thúc đẩy kiểm soát dòng vốn, trong khi một số nước khác có khả năng sẽ hành động tương tự nếu tình hình không được cải thiện.

Mỹ Latin không phải là một khu vực đồng nhất. Các nước ở Nam Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào tài nguyên thiên nhiên, nhưng lại ít phụ thuộc hơn vào thị trường Mỹ hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực như Mexico - nước có nhiều mặt hàng xuất khẩu hơn, một phần nhờ lĩnh vực sản xuất công nghiệp phát triển mạnh. Các nước Trung Mỹ thì ở giữa hai xu hướng này.

Tuy nhiên tất cả các quốc gia này đều đang có một điểm chung là chịu áp lực tăng giá đồng tiền mạnh mẽ. Trong đó, hậu quả nặng nề nhất thuộc về các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu các loại hàng hóa cơ bản như đồng và quặng thép vốn có nhu cầu mạnh tại thị trường Trung Quốc.

Để thế giới không rơi vào một vòng xoáy can thiệp tiền tệ và kiểm soát dòng vốn đầy nguy hại, Trung Quốc và Mỹ cần có những giải pháp sáng suốt. Các nền kinh tế mới nổi hiện đang rất lo ngại về hậu quả của một đợt nới lỏng định lượng mới tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, đặc biệt là khi mà hiệu quả của chính sách này trong việc hỗ trợ tăng trưởng vẫn còn nằm trong vòng nghi ngờ.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) gần đây đã đi đầu trong việc ngăn sự tăng giá của đồng nội tệ băng cách can thiệp vào thị trường ngoại hối, hạ lãi suất và bơm tiền vào thị trường để mua tài sản. Trong khi đó, khả năng áp dụng chính sách nới lỏng định lượng tại Mỹ là rất cao, khi mà những số liệu gần đây tiếp tục cho thấy sự yếu kém của thị trường việc làm tại Mỹ.

Đợt nới lỏng định lượng đầu tiên của Mỹ được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính được đánh giá là cần thiết, mặc dù đã làm gia tăng gấp đôi lượng cung tiền của nước này. Tuy nhiên, một đợt nới lỏng định lượng mới sẽ làm gia tăng mạnh mẽ thêm lượng thanh khoản trong nền kinh tế Mỹ và những dòng vốn dư thừa có thể sẽ chảy ra nước ngoài để tìm kiếm tài sản, làm gia tăng thêm áp lực tăng giá đồng tiền tại các nền kinh tế mới nổi.

Về phía Trung Quốc, chính sách tỷ giá hối đoái cần linh hoạt hơn. Trên thực tế, một chính sách như vậy có thể làm lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ. Bằng cách cho phép các lực lượng thị trường có ảnh hưởng nhiều hơn tới tỷ giá đồng Nhân dân tệ, Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt sự cần thiết phải áp dụng chính sách nới lỏng định lượng ở Mỹ, và như thế sẽ làm giảm những áp lực phải áp dụng chủ nghĩa bảo hộ ở các quốc gia khác.

Điều này sẽ cho phép Trung Quốc chia sẻ với các đối tác thương mại là các nền kinh tế mới nổi một phần hợp lý hơn trong gánh nặng điều chỉnh tiền tệ toàn cầu đang diễn ra.

Nói cách khác, cả Mỹ và Trung Quốc đều cần đóng góp vào việc giải quyết những mất cân đối toàn cầu và những áp lực về tỷ giá mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt. Nếu không làm vậy, Mỹ và Trung Quốc sẽ đặt một gánh nặng lớn hơn nữa lên các nền kinh tế mới nổi vốn có tiềm năng tăng trưởng có thể giúp đưa thế giới vào một kỷ nguyên thịnh vượng bền vững mới. Cách hành động sáng suốt của Bắc Kinh và Washington vì thế sẽ đóng góp cho lợi ích của tất cả các quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ.

(VnEconomy/FT)

Các tin khác