221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
149897
Quy hoạch Hà Nội mới nặng về kinh tế
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Quy hoạch Hà Nội mới nặng về kinh tế
,

(VietNamNet) - Hà Nội phải làm thế nào để khắc phục vấn đề môi trường trong quy hoạch chung về kinh tế, văn hóa, xã hội? Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên nêu một số nhận định và giải pháp trong cuộc trao đổi với phóng viên VietNamNet.

Lồng quy hoạch môi trường vào quy hoạch chung là hết sức cần thiết.

- Trước đây, khi quy hoạch Hà Nội, người Pháp chỉ làm quy hoạch chung về kinh tế, văn hoá, xã hội trong đó có môi trường cho khoảng 50 vạn dân sinh sống. Nhưng hiện nay thì số dân của Hà Nội đã lên tới 3,5-4 triệu (tính cả dân ngoại tỉnh) mà về cơ bản vẫn sinh sống trên nền tảng quy hoạch cũ. Thực tế đã nảy sinh tình trạng quá tải, trong đó có môi trường. Theo ông làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

- Thời gian qua, Hà Nội rất quan tâm giải quyết bài toán quy hoạch và đã nỗ lực rất cao trong việc giải quyết các vấn đề môi trường trên địa bàn thành phố. Ví dụ: tập trung kè bờ và tiến tới xử lý ô nhiễm nước thải của 4 con sông: sông Lừ, sông Sét, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu; xử lý ô nhiễm làng nghề Bát Tràng; công tác thu gom, vận chuyển, và xử lý rác thải bệnh viện, rác thải sinh hoạt có nhiều tiến bộ; các nhà máy gây ô nhiễm môi trường trong nội thành đều đang được di chuyển ra khỏi nội thành, xa các khu dân cư; các dự án, công trình đều thực hiện nghiêm túc đánh giá tác động môi trường. Đối với các phần quy hoạch mới vấn đề môi trường cũng đã được quan tâm lồng ghép, điều này có thể thấy qua việc bố trí và sắp xếp các khu công nghiệp, khu dân cư hợp lý hơn.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh, quy hoạch hiện nay và đặc biệt đối với các cơ sở hạ tầng, khu dân cư cũ thì chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là về mặt môi trường. Vì vậy, thành phố cần tiếp tục rà soát lại quy hoạch phát triển đô thị hiện nay, chỉnh sửa, bổ sung và lồng ghép vấn đề môi trường vào trong quy hoạch một cách hiệu quả, hợp lý, cung cấp nguồn lực thích đáng để thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi và dự báo đúng các kịch bản. Thành phố cũng đang xây dựng bản quy hoạch môi trường của mình, tuy nhiên bản quy hoạch này nên tham khảo rộng rãi ý kiến của các ban, ngành hữu quan và của nhân dân và cần được lãnh đạo thành phố thông qua sớm, tạo tiền đề phấn đấu để thành phố thực sự trở thành một thành phố sinh thái.

- Hà Nội đang thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành. Phải làm thế nào để việc di dời bảo đảm sự phát triển hài hoà và thuận lợi cho sản xuất mà vẫn bảo đảm môi trường cho khu vực dân cư, thưa ông?

- Hà Nội cần có một quy hoạch đúng về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và môi trường, trong đó bảo đảm việc lồng ghép vấn đề môi trường vào quy hoạch phát triển khắc phục được các khó khăn đang tồn tại. Đồng thời, kết hợp các chỉ tiêu môi trường với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đánh giá được tác động đối với môi trường, đề ra một cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ban, ngành, và lôi kéo được sự tham gia của cộng đồng.

Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành là một chủ trương lớn mà hiện nay nhiều địa phương đang làm để thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cần phải có những cơ chế thích hợp, có sự phối hợp và liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương có liên quan để vừa bảo đảm lợi ích của cộng đồng và lợi ích của doanh nghiệp.

- Trong bài phát biểu tại một hội thảo, ông có nêu lên vấn đề là có những cơ sở sản xuất được xây dựng xong thì dân kéo đến ở xung quanh. Sau này, do tác động của vấn đề môi trường thì những người dân đó lại yêu cầu di dời nhà máy đi chỗ khác. Theo ông, đây có phải là một vòng luẩn quẩn không?

- Thực tế đã xảy ra như vậy và đây cũng là vấn đề rất “đau đầu” với các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, điều này xảy ra là do chúng ta thiếu sự quản lý đồng bộ và chặt chẽ, thiếu quy hoạch tổng thể và tầm nhìn dài hạn, ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung còn nhiều hạn chế. Khắc phục được những vấn đề đó thì sẽ giải quyết được câu hỏi trên.

- Vấn đề môi trường cần được lồng ghép vào trong chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được đề cập nhiều, thực tế thì sự lồng ghép này đến đâu, thưa ông?

- Đây là một quá trình khó khăn, phức tạp, xuất phát từ những nguyên nhân: Các nhà hoạch định chính sách và lập quy hoạch thường chưa nhận thức đầy đủ sự cần thiết của việc gắn kết môi trường vào các quy hoạch phát triển. Trong khi đó, các nhà quản lý môi trường thường bị “đứng ngoài” quá trình xây dựng các quy hoạch phát triển đó. Nhiều ngành kinh tế phát triển nhanh gây áp lực lớn đến môi trường, nhưng khi lập quy hoạch phát triển lại hầu như không đề cập đến phát triển bền vững theo khía cạnh môi trường. Đa số các bản quy hoạch này thường nặng về phát triển kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến môi trường.

Quá trình lập quy hoạch thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương, vì vậy hiệu quả và tính thực thi các quy hoạch là thấp; thiếu một hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn kết các xem xét về môi trường vào trong quá trình lập kế hoạch và chưa có cơ chế nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia và lợi ích địa phương, giữa các ngành kinh tế với nhau; thiếu các điều kiện hỗ trợ tài chính trong việc thực thi các quy định đã ban hành.

Các hướng đề xuất một quy trình lồng ghép các cân nhắc về môi trường vào các quy hoạch phát triển hiện nay đều có thể dẫn đến các quy hoạch thiếu căn cứ, không có tính khả thi và hiệu quả của quy trình lồng ghép là rất thấp.

- Ông từng nhận xét: ''Dưới góc độ môi trường đánh giá thì quy hoạch ở nông thôn hiện nay cũng có nhiều bất cập''. Xin ông cho biết cụ thể đó là những bất cập gì?

- Đối với quy hoạch ở nông thôn, hiện nay ở nhiều nơi còn chưa được tiến hành, có nơi đã xây dựng quy hoạch, nhưng chưa chú ý đến vấn đề môi trường, và chưa có nguồn lực để thực hiện quy hoạch đó. Ví dụ, có nhiều xã không có bãi rác thải, chưa có hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nước thải,... có xã có bãi rác thải nhưng không làm đúng quy cách, quy trình nên dẫn đến tình trạng chuyển từ ô nhiễm phân tán thành ô nhiễm tập trung do bãi rác gây ra (nước rác, mùi hôi...).

Vấn đề môi trường bức xúc nhất hiện nay ở nông thôn là tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề, ví dụ các làng nghề ở Bắc Ninh, Hà Tây, Ninh Bình... Việc quy hoạch các làng nghề, đầu tư và bố trí hợp lý khu vực sản xuất, khu dân cư và hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải là vấn đề bức thiết cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và trước hết là của chính các nhà lãnh đạo của các địa phương này.

- Được biết, có nhiều đơn từ kiện cáo gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến vẫn đề môi trường, trong đó có liên quan cả vấn đề quy hoạch. Xin ông cho biết những đơn từ kiện cáo về môi trường tập trung vào vấn đề gì?

- Gần đây, số đơn từ kiện cáo về môi trường đã và đang tăng, chứng tỏ nhận thức của nhân dân về môi trường được nâng lên và đòi hỏi được sống trong một môi trường trong lành là một nhu cầu bức thiết. Các đơn từ kiện cáo về môi trường chủ yếu tập trung vào các vấn đề ô nhiễm của các cơ sở sản xuất ngay sát khu dân cư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan khẩn trương xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách thích hợp nhằm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Đặc biệt chú trọng đến việc phát huy vai trò của nhân dân, cộng đồng ngay từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch. Lấy ý kiến của đại diện cộng đồng và nhân dân sở tại trong quá trình lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư và các quy hoạch phát triển. Tuy nhiên, người dân cũng phải tự ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường và cần thay đổi cách nghĩ và hành vi của mình đối với môi trường xung quanh để bảo vệ, cải thiện môi trường của đất nước chúng ta ở đâu cũng thực sự xanh - sạch - đẹp.

- Xin cảm ơn ông!

  • Kiều Minh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,