Bản đồ tư duy- kiểu học mới giúp HS thoát “lối mòn”

Cập nhật lúc 07:55, 21/11/2010 (GMT+7)

- Đem phương pháp “Bản đồ tư duy” so sánh với lối học truyền thống giống như so sánh ưu điểm của xe máy với xe đạp. Hơn nữa, cách dạy học này không thể ‘’đọc chép’’ nữa.

tưduy1.jpg
HS Lạng Giang- Bắc Giang đang lập BĐTD trong giờ học.

Trở thành người thông minh nhất thế giới nhờ BĐTD


Sơ lược lại lịch sử, người phát minh ra  Bản đồ tư duy (BĐTD) là giáo sư Tony Buzan (SN 1942, tại London- Anh). Khi ông 13 tuổi, trong một lần lớp tổ chức kiểm tra đọc nhanh, ông chỉ đứng thứ hai, sau một bạn gái. Lập tức ông hỏi cô giáo cách để có thể đọc nhanh hơn, và nhận được câu trả lời là không thể. Lý do là ông đã có thế mạnh để phát triển về cơ bắp và thể chất thì khả năng tư duy và đọc nhanh sẽ chậm hơn bạn.

Không chấp nhận điều này, Tony Buzan đã tìm cách rèn luyện trí nhớ của mình bằng BĐTD (Mind Maps), nhờ đó mà sau này ông đạt danh hiệu một trong những người có trí thông minh và sáng tạo nhất thế giới. Tờ Thời báo London sau đó viết rằng: “…những gì Buzan làm cho tư duy nhân loại cũng giống như Stephen Hawking đã làm cho vũ trụ”.

Ông Tony Buzan đã tới Việt Nam vào năm 2007, cho rằng, "Bất cứ ai cũng có thể tạo ra BĐTD ở dạng đơn giản, theo nguyên tắc: từ một chủ đề tạo ra nhiều nhánh lớn, và từ một nhánh lớn lại tạo ra nhiều nhánh nhỏ các vấn đề liên quan."

Ví dụ như BĐTD cho một tuần làm việc, bạn hãy vẽ một vòng tròn giữa tờ giấy trắng - đó là trung tâm tuần làm việc; sau đó vẽ 7 nhánh mọc ra từ vòng tròn tượng trưng cho 7 ngày làm việc, rồi từ mỗi ngày làm việc lại “mọc” ra những nhánh công việc mà bạn định thực hiện trong ngày đó. “Cái bạn có được cuối cùng trên trang giấy chính là công việc của cả một tuần lễ”, ông Buzan nói, “cái hay của BĐTD là giúp bạn có cái nhìn tổng thể, không bỏ sót ý tưởng”.

Giúp giáo viên dạy học sáng tạo, chống “đọc, chép”, góp phần hạn chế tiêu cực trong kiểm tra thi cử

Từ những năm 2006 đến 2009  nhóm nghiên cứu của Dự án THCSII (Bộ GD&ĐT) và Viện KHGD đã ấp ủ,  nghiên cứu, dạy  thử nghiệm thành công  thiết kế BĐTD trong dạy học ở một số trường ở Hà Nội, Bắc Giang về thiết kế BĐTD và đã “trình làng” qua kết quả nghiên cứu đề tài khoa học. Nhiều bài báo  khoa học của nhóm nghiên cứu này  được công bố ở một số Tạp chí Khoa học và tờ báo chuyên ngành có uy tín đã  thu hút sự quan tâm và áp dụng vào dạy học của nhiều giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục khắp cả nước.

tuduy2.jpg
Thiết kế BĐTD là một phương pháp mới, hiện nay đã có một số  trường tham gia Dự án Phát triển giáo dục THCSII và một số giáo viên qua đọc sách, báo cũng đã áp dụng thành công vào dạy học. Nhờ BĐTD, ghi chú bài giảng của giáo viên trở nên linh hoạt, giúp người dạy tiết kiệm được thời gian và công sức, có điều kiện để  dạy học sáng tạo.

Khác với bài soạn trước đây trình bày nội dung theo kiểu tuần tự, BĐTD giúp bài giảng không những biểu thị sự kiện mà còn cho thấy mối liên hệ giữa các sự kiện ấy, giúp HS hiểu sâu hơn chủ đề. Học sinh qua đó cũng biết cách học cách học và  tự học một cách hiệu quả.

Nói về  BĐTD trong dạy và học, kết quả thu về từ những giáo viên tham gia dạy thử nghiệm mà Dự án THCSII triển khai  ở trường  THCS Đống Đa, THCS Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội),  nhiều trường ở huyện Lạng Giang (Bắc giang), huyện Hương sơn (Hà Tĩnh), 35 trường THCS tham gia Dự án ở Bắc Kan, Lao Cai, Lai Châu cho rằng, phương pháp dạy học mới này sẽ trợ giúp cho học sinh sử dụng sức mạnh của bộ não để học và ghi nhớ những gì đã học. Quan trọng hơn, phương pháp học này làm cho bài học được trình bày một cách sáng tạo, khiến cho cả thầy và trò đều thấy lý thú.

Với phương pháp dạy học này, học sinh trung bình cũng nắm vững và ghi nhớ sâu kiến thức nên khi kiểm tra, các em “lôi” được kiến thức trong đầu nên không “quay cóp” mà vẫn dễ dàng được điểm 5 - 7 điểm.

Cũng trong khuôn khổ triển khai Đề tài sáng tạo Giáo dục do Bộ GD&ĐT(Dự án THCSII và Vụ GDTrH) triển khai, giáo viên  toán - tin Nguyễn Đình Phú (trường THCS Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng đã bước đầu áp dụng thành công phương pháp dạy  học này ở trường THCS Bá Hiến.

“BĐTD vô cùng hữu ích cho các em “có vấn đề về học tập”, đặc biệt là các em mắc chứng khó đọc", giáo viên Nguyễn Đình Phú cho hay, “bằng cách giúp các em thoát khỏi sự áp chế về mặt ngữ nghĩa (nguyên nhân của 90% hội chứng khó đọc), BĐTD mang lại cho các em khả năng tự diễn đạt trọn vẹn, nhanh chóng và tự tin hơn”.

Tóm tắt cuốn sách 400 trang vào 16 trang A4

Nhiều giáo viên tham gia thử nghiệm phương pháp dạy học này cho biết, phương pháp thiết kế BĐTD tuy rất đơn giản song mang lại hiệu quả cao và chi phí thấp, do đó rất dễ áp dụng vào dạy và học.

Còn thầy Lê Phương (giáo viên môn vật lí ở tỉnh Bình Phước) thì lại có kinh nghiệm về sử dụng màu sắc trong BĐTD, "Trước khi dùng BĐTD để ôn lại kiến thức thì đừng nhìn chăm chú quá vào BĐTD mình đã tự vẽ lần trước, mà hãy tập trung hình dung mình đã vẽ những gì, gồm những nhánh ra sao, gồm những dòng chữ gì."

Thực ra sử dụng màu sắc trong lúc vẽ rất quan trọng, nó giúp ta liên tưởng và ghi nhớ tốt hơn là dùng BĐTD kiểu đơn sắc. Nếu bạn làm được như vậy thì thiết kế BĐTD chẳng có gì là khó và mất nhiều thời gian nữa.

Cuộc thi thiết kế bản đồ tư duy  chào mừng 20/11/2010 đầy hào hứng

Trường THCS Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội)  sau khi Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn tham gia khóa tập huấn rất ngắn gọn (chỉ trong 1 ngày) do Dự án THCSII Bộ GD&ĐT tổ chức đã triển khai áp dụng việc thiết kế bản đồ tư duy.

Cô Lương, Hiệu trưởng THCS Tô Hoàng cho biết,  BĐTD giup  học sinh biết cách hiểu, ghi chép bài học ngắn gọn và diễn đạt được theo cách hiểu của mình,  biết liên hệ giữa kiến thức trong sách vở  với cuộc sống, là cách làm hay đẩy mạnh vế “học sinh tích cực” như mục tiêu của phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà Bộ GD&ĐT đang triển khai rất có hiệu quả.  Nhà trường và công đoàn  đã phát động cuộc thi thiết kế Bản đồ tư duy đổi mới PPDH chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2010.

Cô giáo An, Chủ tịch Công đoàn trường vui mừng cho biết, tất cả 100% học sinh toàn trường đã tham gia ở các bộ môn như môn Văn, Toán, Địa, Giáo dục công dân, Sinh…. GV  các môn đều tích cực tham gia như môn Văn có cô giáo Nguyễn Thị Thuận- Phó hiệu trưởng nhà truờng, cô Trần Thị Hoa; môn Toán  có cô Đoàn Thị Kim Dung, cô Lê Thị Lâm- phó hiệu trưởng nhà trường, môn Sinh là thầy Nguyễn Văn Ân, môn GDCD cô Vũ Hồng Nhung…  đã có rất nhiều học sinh tham gia thiết kế  BĐTD với chất lượng tốt.

tuduy3.jpg
Ngày 19/11/2010, nhà trường đã trao thưởng trước toàn trường cho  5 giải nhất, 7 giải nhì, 4 giải ba thuộc các môn Văn, Sinh, GDCD, Toán…Nhiều HS tham gia thiết kế BĐTD ở nhiều môn học khác nhau. Tiêu biểu là em  Nguyễn Huyền Trang  lớp 9A2 thiết kế bản đồ tư duy ở cả 2 môn Văn và môn GDCD. Em Nguyễn Bình An - lớp 6G, Lê Thúy Vân - lớp 6D đã có sự sáng tạo  trong thiết kế BĐTD bộ môn Tiếng Việt và môn Địa….

Sau đây là 1 vài BĐTD tư duy do HS trường THCS Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thiết kế.

tuduy4.jpg
tuduy5.jpg
Qua  thực tiễn thử nghiệm cũng như cuộc thi  cho thấy sự sáng tạo rất phong phú của  các em HS. Nhiều em thiết kế  được những BĐTD kiến thức chính xác, kích thích được khả năng sáng tạo và  góp phần nuôi dưỡng niềm say mê học tập.

  • P.T

Ý kiến của bạn

Các tin khác