Chuyện khó quên của cô giáo "cưỡi lưng hổ"
- Các bậc tiền bối đã cảnh báo: Làm chủ nhiệm sẽ khiến việc dạy văn kém hay đi một nửa. Nhưng tôi nhủ thầm: “Cứ thử cưỡi lưng hổ”.
Ngày mới ra trường, tôi hăm hở nhận công việc với biết bao nhiệt huyết và đam mê. Cứ nhớ lại cảm giác ngưỡng mộ của mình đối với các thầy cô giáo trẻ ngày xưa, tôi lại càng tự nhủ: Mình phải thật sự cố gắng để dành được sự yêu mến và cảm phục của học sinh. Lớp tôi chủ nhiệm năm ấy là một lớp cá biệt, hầu hết học sinh nam mê game online, học sinh nữ thì đua đòi ăn diện; chuyện học sinh bỏ học tụ tập đi chơi xảy ra như cơm bữa.
Nhiều phụ huynh trong lớp cũng bất lực với chính con của mình. Phong trào của lớp luôn đứng cuối cùng của toàn trường.
Khi bắt đầu nhận lớp, tôi thực sự lúng túng vì tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lí các tình huống khó. Hơn nữa đây là lớp cá biệt lại càng đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm vất vả hơn.
Các bậc tiền bối đã cảnh báo: Làm chủ nhiệm sẽ khiến việc dạy văn kém hay đi một nửa. Nhưng tôi nhủ thầm: “Cứ thử cưỡi lưng hổ”.
Những ngày đầu tiếp quản lớp, tôi mặc kệ cho tất cả học sinh muốn làm gì thì làm. Công việc của tôi trong tuần đầu chỉ là đến kiểm tra sĩ số hàng ngày cùng với các thủ tục hành chính khác.
Nhưng do vậy mà sau nửa tháng tôi nắm bắt được đặc thù của từng học sinh và nhận diện được tình hình chung của lớp: Các em vô kỷ luật vì a dua nhau.
Bài kiểm tra lấy điểm hệ số 2 đầu tiên, tôi cho các em được chọn một trong hai đề.
- Em hãy trình bày cảm nhận của mình về nghệ thuật thiết kế hình ảnh trong game online.
- Suy nghĩ của em về tác hại của game online.
TIN LIÊN QUAN |
Học sinh đa số chọn đề 1. Có những bài tôi cũng cho hẳn 9 điểm vì các em viết rất hay. Và hình như sau việc này, cả lớp có cái nhìn khác hơn về môn văn và giáo viên chủ nhiệm. Biểu hiện cụ thể là nhìn thấy tôi các em đã bắt đầu biết nói câu: "Em chào cô".
Trong những tiết dạy ở lớp, tôi cố gắng giảng thật cô đọng kiến thức, chủ yếu dành thời gian cho các em tham gia các trò chơi liên quan đến môn học của mình như: Đóng các hoạt kịch ngắn (khi học truyện cười); thi giải ô chữ (khi học tiếng Việt); vẽ các bức tranh (khi học về thơ Đường); cho các em đóng vai làm người hiền tài ở ẩn để viết tờ tấu trả lời vua Quang Trung (khi học “Chiếu cầu hiền”)….
Dần dần các em đã hào hứng hơn khi học môn này.
Dù học sinh tham gia nhiệt tình vào môn học nhưng bản tính láu cá vẫn không đổi nên có nhiều tình huống tôi đã phải dở khóc dở cười.
Chẳng hạn như khi dạy tác phẩm “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ - bài thơ được viết theo thể loại hát nói (một điệu của ca trù) - tôi hỏi các em:
- Những ai đã nghe ca trù rồi thì giơ tay cho cô biết.
Có khoảng chục cánh tay giơ lên, tôi gọi một em nam, hỏi:
- Theo em, giai điệu của ca trù có gì đặc biệt?
Em đó đáp tỉnh queo:
- Thưa cô, em đã từng nghe nhưng em chẳng thích, vì người ta vừa hát vừa “ứ hự”, rên rỉ.
Cả lớp cười, tôi cũng không nhịn được cười nhưng cũng phải đế theo với em đó một câu:
- Em nói đúng, ca trù đặc trưng nhất ở chỗ ứ hự và rên rỉ ấy.
Một lần, đang giảng bài, tôi đi xuống cuối lớp chợt nhìn thấy vở ghi của em Nam quá cẩu thả, chữ viết không thể đọc được.
Tôi nói: - Em chịu khó viết chữ cho cẩn thận, viết xấu thế này làm sao có thể đọc được?
Em đó nói ngay:
- Thưa cô, tuy là nó xấu nhưng kết cấu nó đẹp ạ.
Tôi hỏi: - Đâu? Kết cấu của em đâu? Chỉ ra cho cô và cả lớp xem xem nào?
Cả lướp cười ầm lên còn cậu ta xấu hổ không nói gì.
Một hôm khác, tôi không có tiết dạy nên không xuống trường, nhưng nghe một giáo viên dạy của lớp thông báo lại là 2 học sinh cá biệt hôm đó nghỉ học. Nhìn tờ giấy phép, cô giáo biết ngay là 2 em này giả vờ ốm để bỏ học đi chơi.
Tôi liền mua ngay đường sữa, hoa quả và đi đến trường. Chờ đến khi tan học, tôi mời 4 em khác cũng thuộc diện cá biệt của lớp đến nhà 2 em đó thăm.
Đến nơi, một em không có ở nhà, một em đang đánh điện tử, nhìn thấy bóng cô giáo và các bạn liền chạy luôn vào giường đắp chăn.
Tôi tỉnh bơ như không biết gì, vào giường hỏi han sức khỏe em rồi động viên em cố gắng tĩnh dưỡng. Dù giả vờ rất kịch, nhưng trên mặt cu cậu vẫn lộ vẻ ngượng ngùng. Bốn em đi cùng biết rõ bạn mình giả vờ nên cũng chỉ tủm tỉm cười với nhau và ngượng thay cho bạn.
Từ đó, không còn tái diễn chuyện học sinh nghỉ học không phép.
Sau một thời gian, lớp hầu như không còn học sinh vi phạm nề nếp. Phong trào thi đua học tập của lớp luôn xếp hạng khá trong khối. Các em đã gần gũi với giáo viên hơn, nhiều em có tiến bộ rõ rệt trong học tập. Lớp đã có phong trào thi đua khá sôi nổi. Thậm chí, có em còn được nhà trường khen thưởng vì thành tích học tập tốt.
Tuy vậy, trong buổi họp phụ huynh cuối năm học, mẹ em Vinh (học sinh được khen thưởng) phàn nàn: “Cô giáo cần phải nghiêm khắc hơn nữa vào, con tôi về nó bào “Cô giáo con hiền lắm”. Vậy nên chúng tôi vẫn chưa yên tâm lắm đâu”.
Nhiều năm học sau đó, tôi vẫn tiếp tục làm chủ nhiệm, tiếp tục gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười, thậm chí có khi bức xúc, buồn tủi đến tột cùng. Nhưng những lá thư, những cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe của học sinh cũ đã khiến tôi ấm lòng và tự tin hơn.
Tôi lại tự nhủ mình: Giáo viên mà, lại làm chủ nhiệm nữa, “nghề chơi” này thực sự phải “lắm công phu”.
-
Mai Lan (Hà Nội)