Nỗi khiếp sợ đến trường của cậu bé lớp 4
- Bị cô giáo đánh nên kiên quyết không chịu đến trường, mỗi lần nhắc đến chuyện đi học thường tỏ ra hoảng sợ, chấn động mạnh về tâm lý. Vấn đề của cậu học sinh lớp 4 tên Nguyễn Văn Đức ngụ tại quận 4, TP.HCM đang làm cho cha mẹ cũng như bác sĩ hết sức lo lắng.
Sau khi dùng tất cả các biện pháp can thiệp từ động viên nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm sự, thậm chí là đánh mắng, mẹ cậu bé vẫn không thể thay đổi được tình hình. Đức cứ nằm lì trên giường mỗi sáng, không chịu dậy.
Lo lắng con nghỉ học lâu ngày sẽ không theo kịp bạn bè, không được lên lớp, mẹ Đức gọi điện thoại cho chồng đang đi công tác xa, đề nghị anh về ngay để cùng nghĩ cách giải quyết.
Chị buồn rầu than thở:
“Gặng hỏi mãi, cháu mới nói không muốn đi học do hay bị cô giáo đánh vì quên làm bài tập. Không những thế, cô giáo còn mang cháu ra làm tấm gương xấu để cảnh tỉnh các bạn. Cháu rất thất vọng và suy sụp bởi chính cô giáo này là vị giáo viên cháu ngưỡng mộ và thần tượng nhất.”
Thương con, mẹ Đức đến gặp cô giáo, giãi bày vấn đề của con trai, mong cô giáo có cách xử trí tốt hơn. Tuy nhiên, vài ngày sau, Đức vẫn tiếp tục bị cô đánh.
Càng ngày, triệu chứng sợ đi học của Đức càng trầm trọng. Cậu la khóc thảm thiết mỗi khi bị bố mẹ ép chở đến cổng trường. Ngay cả lúc đã được đổi lớp và giáo viên Đức cũng không hòa nhập được với bạn bè.
Trước khi xảy ra sự việc trên Đức là một cậu học sinh năng động, linh hoạt, học lực khá.
Quá lo sợ cho việc học hành cũng như sức khỏe của con, cha mẹ đành đưa Đức đến khoa Tâm lý của Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ.
Tiếp xúc với bác sĩ, Đức chia sẻ hiện giờ mình vẫn chưa sẵn sàng đi học lại, trong suy nghĩ bệnh nhi xuất hiện nhiều mâu thuẫn, không có hứng thú hay bất cứ ước mơ gì.
Không thể kiên nhẫn thêm, ba Đức đã quyết định dùng các biện pháp cứng rắn để ép con mình đi học lại.
Ông cho rằng chính sự mềm dẻo, nuông chiều của người mẹ đã làm Đức…hư.
Ngay buổi sáng hôm sau, ông không cho cậu bé gặp mẹ trước lúc đến trường.
Trong lần khám thứ 2 tại bệnh viện, bác sĩ nhận thấy Đức buồn hơn, ít chia sẻ và hợp tác hơn. Khi được hỏi bao giờ đi học lại cậu bé chỉ…im lặng.
Bác sĩ Hoàng Vân, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết sau 3 lần tiếp xúc vấn đề đi học của trẻ vẫn chưa giải quyết được. Các bác sĩ mới chỉ có thể giúp gia đình bệnh nhi giảm bớt sự căng thẳng.
Theo bác sĩ Vân, vấn đề của bé Đức không chỉ đơn thuần do một yếu tố. Bên cạnh đó, nền tảng gia đình có thể gây trở ngại và làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh nhi.
Bác sĩ Vân nhận ra một số vấn đề liên quan đến văn hóa gia đình, ảnh hưởng đến triệu chứng của trẻ.
Những điều đã xảy ra với Đức gây tổn thương quá lớn, cậu bé cần có thời gian lâu hơn để tự hồi phục.
(*) Tên và địa chỉ của nhân vật đã được thay đổi.
- Thanh Huyền