Khủng hoảng kinh tế “níu chân” SV Việt Nam tới Mỹ

Cập nhật lúc 15:55, 16/11/2010 (GMT+7)

- Báo cáo thường niên của Viện Giáo dục Quốc tế IIE cho thấy số lượng SV Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ năm 2009 - 2010 tăng 2,3% so với năm học trước, chỉ bằng 1/20 so với tốc độ tăng trưởng “phi mã” của các năm trước đó.

Tăng trưởng chỉ bằng 1/20 năm trước

IIE Việt Nam cho rằng nguyên nhân chính của sự gia tăng rất khiêm tốn này có thể là do tình hình kinh tế ở Việt Nam trong thời điểm sinh viên nộp đơn xin học năm 2009 – 2010. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 9 trong các quốc gia có số lượng SV du học tại Hoa Kỳ và có lượng SV lớn nhất so với các nước khác ở Đông Nam Á.

Trong 3 năm liên tiếp trước đó, số lượng SV sang Mỹ đều tăng rất ấn tượng với con số lên tới hơn 40%/năm, giúp Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia có số lượng SV du học tại Hoa Kỳ.

Lan Anh, SV Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết gia đình đang chuẩn bị tài chính cho em đi học MBA ở nước ngoài.

“Mỹ và Anh là hai “điểm đến mơ ước” nhưng có nguy cơ em phải chọn một nơi vừa tiền hơn do năm qua cửa hàng của bố mẹ em kinh doanh không tốt như trước nữa mà tiền Việt mất giá ghê quá,” Lan Anh chia sẻ.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất mà làn sóng du học Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế. Lượng SV quốc tế tới Mỹ trong năm học qua chỉ tăng rất nhẹ, giảm hẳn so với mức tăng hơn 15% của năm trước đó.

Hơn một nửa trên tổng số 25 nước có lượng SV theo học ở Mỹ nhiều nhất có tăng trưởng âm trong năm nay, trong đó Nhật Bản, một đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng khoảng, giành vị trí “quán quân” với lượng sụt giảm tới 15%.

Ngược lại, Trung Quốc với sự tăng trưởng nóng bất chấp khủng hoảng, thế chỗ Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng có lượng SV tới Mỹ học tăng cao nhất trong năm qua, với 30%.

Dù chứng kiến sự chững lại đáng kể của dòng du HS đổ về nước, Hoa Kỳ vẫn đứng đầu thế giới về thu hút lượng SV quốc tế, đạt con số gần 700.000 vào năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng con số này đã cho thấy sức hấp dẫn của hệ thống giáo dục ĐH của quốc gia này.

Thị trường “phi truyền thống” hút SV Mỹ

Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế cũng khiến lượng SV Mỹ du học ở nước ngoài trong năm 2008 - 2009 cũng giảm nhẹ so với năm trước, đạt 260.000 SV.

Tuy nhiên, số sinh viên Mỹ học tập tại những quốc gia không phổ biến cho việc đi du học lại tăng lên đáng kể. 19 trong số 25 điểm đến của sinh viên Mỹ là những quốc gia mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính. Riêng Việt Nam, năm vừa qua đã có tới gần 700 SV Mỹ theo học, tăng khoảng 3% so với năm trước.

Đây là cơ hội cho các “thị trường phi truyền thống” thu hút SV Mỹ bởi giáo dục là ngành dịch vụ cao cấp thu hút nguồn tiền rất lớn cho các quốc gia phát triển.

Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, mỗi năm, du học sinh đóng góp tới gần 20 tỷ USD vào kinh tế nước này thông qua học phí, ăn ở và các chi phí liên quan. Bên cạnh đó, còn có một nguồn thu lớn từ du lịch do người nhà học sinh sang thăm và dự lễ tốt nghiệp hàng năm.

Trong khủng hoảng, các trường ĐH Hoa Kỳ càng tìm cách thu hút SV quốc tế mạnh mẽ hơn, để cạnh tranh với các thị trường khác có chi phí thấp hơn như Australia hay Singapore.

“Chúng tôi muốn gặp gỡ, trao đổi với SV quốc tế để tìm hiểu xem trường có thể làm gì để giúp SV có những trải nghiệm học thuật ý nghĩa,” bà Shyanmei Wang, Trợ lý Dự án, Trung tâm Giảng dạy Xuất sắc của ĐH Northwestern, bang Illinois, cho biết.

Trường sẵn sàng mở các lớp học tiếng Anh miễn phí, tổ chức học thêm ngoài giờ (tất nhiên cũng miễn phí), thậm chí cả các lớp học về văn hóa dành cho SV quốc tế.

  • Lan Hương

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác