Tiến sĩ ở Mỹ ngày càng khó tìm việc

Cập nhật lúc 05:22, 24/06/2010 (GMT+7)

- Khi ngân sách giáo dục ĐH bị cắt giảm, những tiến sĩ của Mỹ không kiếm được việc làm trong trường ĐH để trả nợ tiền vay cho những năm học hành.

TIN LIÊN QUAN

6 năm học TS chơi bài để kiếm sống

Khi bước đi trong bộ áo choàng trên nền nhạc của nghi lễ trang trọng trong buổi lễ nhận bằng, nhiều tân TS mơ về việc sẽ đầu quân cho một trường ĐH để bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một giảng viên.

Tuy nhiên, khi Elena Stover nhận được tấm bằng TS vào tháng 9 năm ngoái thì cô lại ‘đầu quân’ cho những chiếc bàn chơi poke. Thất vọng về những cơ hội hiếm hoi và cuộc sống tằn tiện của nghiệp giảng dạy, Stover, 29 tuổi quyết định tạm cất tấm bằng TS chuyên ngành Khoa học Thần kinh của mình vào một chỗ để trở thành một người chơi bài poke chuyên nghiệp.

Để tìm được một vị trí giảng dạy trong trường ĐH chưa bao giờ là dễ dàng. Trong năm nay, việc cắt giảm ngân sách quốc gia, đặc biệt là ở California đã làm cho mục tiêu này khó khăn hơn bao giờ hết. Hiện tại, nhiều tân TS với tấm bằng trên tay đang phải tìm những công việc không liên quan gì đến giảng đường ĐH – những công việc không cần phải mất từ 5 đến 6 năm dùi mài kinh sử cộng với khoảng 10 nghìn đô la nợ nần để chi trả cho học tập.

Mô tả ảnh.
Elena Stover đã nhận được bằng TS chuyên ngành Khoa học Thần kinh tại ĐH California – Los Angeles (UCLA), song hiện tại cô kiếm tiền bằng cách chơi bài poke chuyên nghiệp.

Thảm cảnh tăng giảng viên bán thời gian

Năm ngoái, hệ thống ĐH bang California đã mất 10% nhân lực giảng dạy, tương đương với 1230 giảng viên làm toàn thời gian. Tiền ngân sách nhận được năm 2009-2010 của ĐH California trong tổng ngân sách 2,6 tỉ đô ít hơn cách đây 2 năm là 20%.

Nhiều trường ĐH đang cắt giảm chi phí bằng cách giảm nhân viên toàn thời gian và thuê các giảng viên làm bán thời gian hoặc các trợ lý. Lượng giảng viên làm toàn thời gian ở các trường ĐH chỉ còn 51% vào năm 2007.

Tình trạng của những người tốt nghiệp TS các ngành xã hội còn ‘bi thảm’ hơn. Năm 2008, 86% TS xã hội, 15% TS ngành kĩ thuật bỏ công việc trên giảng đường.

Hội Toán học Mỹ cho biết, cơ hội nghề nghiệp ở các giảng đường ĐH cho một TS toán học đã giảm 40% trong năm 2009-2010 so với năm trước đó.

Thất nghiệp nhưng… vẫn đào tạo

Thời điểm này, các trường vẫn tiếp tục đào tạo TS. Số TS được nhận học bổng từ các trường ĐH và cao đẳng của Mỹ năm 2008 đạt đến con số cao nhất từ trước tới nay với 48.802 người – gần gấp đôi con số của năm 1970.

Tính trung bình thì những người có bằng TS kiếm được nhiều tiền hơn những người có trình độ thấp hơn. Theo Cục Số liệu Lao động, thu nhập mỗi tuần của một TS vào năm 2009 là 1.532 đô – cao hơn 50% so với thu nhập của những người chỉ có bằng cử nhân.

Tuy nhiên, những TS có thu nhập cao nhất lại có xu hướng nghiêng về các TS ngành khoa học tự nhiên và đang làm việc cho các khu vực tư nhân. Theo Quỹ Khoa học Quốc gia, năm 2008, gần ba phần tư các TS khoa học kĩ thuật tìm được việc làm trong ngành công nghiệp hoặc thương mại, trong khi đó con số này với các TS xã hội là 3%. Ông Mike Breen, Hội Toán học Mỹ cho biết, vẫn còn nhiều cơ hội việc làm cho các TS ngành Toán học.

Với những TS ngành xã hội thì đó là một việc khó khăn. Ông Pannapacker cho biết, những TS ngành xã hội đang muốn chuyển sang làm cho các khu vực tư nhân hiện đang phải cạnh tranh với những sinh viên tốt nghiệp cao đẳng – những người có kĩ năng tốt hơn bởi họ được đào tạo vốn là nhằm mục tiêu phục vụ các doanh nghiệp.

Không nuối tiếc khi bỏ nghề

Erin Williams Hyman sau khi nhận được bằng TS Văn học từ ĐH California, Los Angeles vào năm 2005, cô mất 3 năm để tìm một vị trí giảng viên song cô đã không thành công. Hiện tại, cô là tư vấn viên tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại San Francisco.

Bà Alexandra Lord – người thành lập Beyond Academe (một website cung cấp cho các nhà sử học những cơ hội nghề nghiệp ngoài giảng đường ĐH) nói rằng các TS không nhất thiết phải gắn chặt với nghiệp giảng dạy. Bà Lord cũng là một TS Lịch sử, hiện đang làm việc cho Hệ thống Công viên Quốc gia. Bà đã từng là một giảng viên ĐH trong vòng 4 năm trước khi quyết định bỏ nghề.

Stover – một TS chơi bài poke thì không cảm thấy cay đắng về việc đổi nghề của mình. Cô nói rằng cô phát ốm về những giờ giảng dài dằng dặc và về một thế giới rút kiệt tâm hồn của giảng đường ĐH. Cô cũng có những người bạn đang làm việc trên giảng đường với mức lương bèo bọt và muốn bỏ nghề.

“Nhìn lại tất cả thì việc giành được một tấm bằng TS không đáng để mất 6 năm trong cuộc đời tôi. Song quá trình để đạt được nó đã dạy cho tôi rất nhiều về cách làm việc chăm chỉ.”

  • Nguyễn Thảo (Theo LATimes)

Ý kiến của bạn

Các tin khác