"Đuổi học HS đánh nhau là rơi vào bẫy"

Cập nhật lúc 22:24, 27/10/2010 (GMT+7)

- Trước hiện tượng bạo lực học đường đã trở thành vấn đề nóng, báo động, đã có luồng ý kiến đề xuất "xử lý kỷ luật, thậm chí có hình phạt thích đáng để răn đe", luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty luật Fanci cho rằng, đó không phải là biện pháp được lựa chọn hàng đầu và không bao giờ là đúng đắn để giúp học sinh hình thành nhân cách.

Mô tả ảnh.
Luật sư Nguyễn Văn Tú.

- Anh thấy thế nào khi ngày càng nhiều bạo lực xảy ra trong giới học sinh, sinh viên. Mức độ không dừng ở đấm, đá, đánh, đập mà còn dùng vũ lực với ý đồ làm nhục đối phương?

Trong khoảng thời gian từ 2008 trở lại đây, hiện tượng trên trở thành vấn đề nóng, báo động không chỉ thách thức nhà trường, phụ huynh mà còn thách thức cả nhà quản lý giáo dục và xã hội.

Bởi nó diễn ra ngày một nhiều, trên diện rộng gây hậu quả nghiêm trọng, nguy hiểm và vì nhiều động cơ mục đích khác nhau.

- Theo anh, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành vi bạo lực, quay clip phát tán đưa lên mạng là gì?

Với suy nghĩ cá nhân, tôi cho rằng, đây là vấn đề của giáo dục. Học sinh sinh viên chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi giáo dục trong gia đình và trong nhà trường.

Đời sống vật chất nâng lên và đặc biệt là các yếu tố về hạ tầng xã hội như công nghệ thông tin, phương tiên liên lạc cá nhân (điện thoại cầm tay có công nghệ cao), hạ tầng giao thông phát triển, các quan hệ kinh tế, dân sự, thương mại phát triển quá mạnh và đan xen dày đặc đã tác động đến các cháu mạnh mẽ.

Trong khi đó, giáo dục gia đình ngày càng bị buông lỏng bởi chính các bậc phụ huynh tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội nhiều hơn gấp bội. Còn giáo dục nhà trường, mặc dù chương trình đào tạo tuy có cải cách đang kể, nhưng so với các yếu tố trên thì quả thực không tương xứng.

Do vậy, giáo dục nhà trường và gia đình không bao phủ đáng kể việc hình thành nền nếp, nhân cách cho các cháu. Còn các yếu tố thuộc về xã hội thì không được lựa chọn, lọc bẩn đã thâm nhập vào quá trình hình thành nhân cách các cháu.

Tâm lý chưa ổn định, sinh lý và thân thể lại phát triển, kiến thức lại có quá nhiều lượng độc hại, không được sàng lọc, thẩm thấu đã dẫn đến hàng loạt hành vi không chỉ sai trái, lệch lạc mà còn vi phạm luật pháp, thậm chí là tội phạm.

Lúng túng

- Công tác trong ngành luật, anh có cho rằng, các vụ bạo lực học đường ngày càng nhiều là do biện pháp xử lý chưa đủ răn đe?

TIN LIÊN QUAN

Xử lý kỷ luật, thậm chí có hình phạt thích đáng để răn đe không phải là biện pháp được lựa chọn hàng đầu và không bao giờ là đúng đắn để giúp các cháu hình thành nhân cách đúng đắn.

Các cụ đã nói: “Gậy không làm cho đạo đức con người tốt đẹp hơn”. Có bạo lực học đường là phải xử lý. Tuy nhiên, biện pháp xử lý như thế nào cho phù hợp trước hết theo tôi phải lắng nghe ý kiến của những nhà tâm lý, nhà giáo dục.

- Cũng có đề xuất, phải đưa một vụ ra xử lý điểm để hiệu ứng lan truyền. Học sinh sẽ biết tiết chế hơn trong các mối quan hệ?

Theo tôi, có vi phạm thì phải xử lý và xử lý triệt để. Chứ không chỉ làm một vụ. Tuy nhiên, vấn đề là xử lý theo quan điểm nào là phù hợp và thông minh nhất mà thôi.

- Đi vào từng vụ việc cụ thể cũng đã có vụ - cơ quan chức vào cuộc điều tra. Nhưng hình thức xử lý cao nhất mới ở mức độ đình chỉ học tập. Anh có nghĩ nhân sự kiện "nữ sinh Cẩm Phả bị lột áo, cắt tóc" - pháp luật cần có những điều chỉnh?

Rõ ràng, chúng ta vẫn lúng túng trong việc lựa chọn hình thức và mức độ xử lý đối với các vụ việc này. Việc đình chỉ học tập đôi khi là mục đích của các cháu khi thực hiện hành vi bạo lực, đối với các cháu không muốn đi học. Và như vậy là chính nhà trường và chúng ta mắc vào bẫy mà các cháu đặt kế hoạch. Còn pháp luật có chính sách rõ ràng cho từng hành vi vi phạm, tôi không nghĩ, pháp luật bảo vệ các cháu vô căn cứ.

- Cảm ơn anh!

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trương Thị Mai

"Khi làm Luật Trẻ em, đề cập những điều cấm trẻ em chúng tôi cũng đã thảo luận cấm trẻ em đánh nhau. Nhưng lúc đó, rất nhiều đại biểu Quốc hội trao đổi và cho rằng, đối với Việt Nam trẻ em có xích mích, va chạm cũng là bình thường, mình có đưa ra cũng chẳng có chế tài xử lý.

Tuy nhiên, với những hành vi như vừa rồi thì tôi lại thấy nghiêm trọng, không thể suy nghĩ như khi chúng tôi làm Luật Trẻ em, bởi nó trở thành vấn đề thuộc về ý thức, hành vi, rất cần phải suy nghĩ.

Vừa rồi, một số trường hợp chúng ta xử lý rất mạnh, nhưng sự việc vẫn tái diễn, cho nên tôi cho rằng, cần một giải pháp căn cơ hơn. từng gia đình không quan tâm con mình, nhà trường sao quan tâm nổi. Hàng ngàn cháu tới một ngôi trường như thế, trong khi từng giáo viên cũng có cuộc sống của họ, họ cũng có gia đình, cũng có con. Nếu gia đình không có sự quan tâm đồng bộ thì nhà trường cũng rất khó khăn." - Theo Dân Trí

  • Kiều Oanh (Thực hiện)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

bonza huỳnh, 07:13, 30/10/2010

Nên để xã hội giáo dục. Nhà trường không phải là trại quản giáo.

Lê Thị Hải, 17:54, 29/10/2010

Khi mà nạn tham nhũng dễ nhận diện qua lối hành xử của con cái, người nhà quan chức. Khi đằng sau nhiều dự án, công trình có kẻ bảo kê thì còn lâu chúng ta mới giáo dục tốt các em được.

Ý kiến của luật sư chỉ là lý thuyết suông! Xin hỏi vì sao người thầy ngày xưa luôn được học trò kính trọng suốt đời? Vì cách giáo dục nghiêm. Có một thời kì cứ nói đến xã hội phong kiến, dính đến xã hội cũ là cho xấu xa nhưng bây giờ nhìn lại mới thấy ngày xưa có tôn ti trật tự vì xã hội xưa nhân cách văn hoá cao hơn bây giờ.

Xã hội này biết nhiều thứ hơn ông cha xưa nhưng cao hơn thì không! Ngày xưa người làm quan được dạy dỗ đến nơi đến chốn. Quan lại có luật nghiêm trị, gia có gia uy, quốc có quốc pháp ra trò cho nên xã hội bớt suy đạo như ngày nay.

phamducthinh, thành công ba đình hà nội, 13:06, 29/10/2010

Kính Vietnamnet và các Quý vị!
Trước những hiện tượng cá biệt trong môi trường giáo dục, luôn là cách đầu tiên và sẽ là hiệu quả nhất cho mọi trường hợp bạo lực học đường là: TÌNH THƯƠNG - Thái độ đồng cảm, sự vị tha và cách của tình thương để tạo lên sự tế nhị trong cuộc sống.
Dear!

Kiều Quyên, Biên Hòa, 22:48, 28/10/2010

Luật sư bị rơi vào bẫy của các em thì đúng hơn. Nữ sinh đánh nhau ngày càng phổ biến nếu không ngăn chặn và răn đe thì sẽ thế nào?

Các em đã đủ tuổi trưởng thành là một công dân thì phải chịu trách nhiệm khi hành xử sai trái. Chúng ta đừng quá lo sợ "Liệng chuột sẽ bị bể đồ", một cái bình hỏng nhưng sẽ tác dụng răn đe thì cũng cần làm.

nguyễn Văn Tuấn, vinh phuc, 20:38, 28/10/2010

Tôi thấy chúng ta lý thuyết nhiều quá, mấy nhà làm luật thì quá nhiều lý lẽ.

Nhưng thử hỏi luật của các ngài có thấy mấy bạn trẻ đó để ý đâu.
Đã nói đến Luật thì phải nghiêm, phải sử đúng người đúng tội. Chúng ta đừng có ầm ĩ rồi lại sử nhẹ hều thế thì ai còn tin vào pháp luật,

diradivo, Hà nội, 20:32, 28/10/2010

Theo tôi đuổi học không ổn.

Vì các em này lại càng lêu lổng hơn, vừa vẫn cho học nhưng bắt đi lao động công ích nhiều vào, không có thời gian lang thang ngoài đường kết bè bạn ăn chơi bay nhảy vũ trường.... vừa rèn luyện lao động vừa tốt cho sức khỏe các em ( tất nhiên cũng phải để các em có thời gian nghỉ ngơi )

Nguyễn văn Thành, Thanh Chương Nghệ An, 19:34, 28/10/2010

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện đai giới trẻ không những làm những việc mà các bạn nhỏ xem la ga lăng nhưng đối với bậc làm cha làm mẹ cần phải hiểu tâm lý trẻ.

Trước khi hiểu các chau chúng ta phải là người bạn cùng các cháu cách làm đó mới phát huy hiệu quả khi giáo dục con hay học sinh cũng vậy.

tran hieu, ha noi, 16:27, 28/10/2010

Tôi không đồng tình với quan điểm của Bà Trương Thị Mai và anh Tú.

Tôi thấy 2 vị nói cho có vẻ ta đây là người đại lượng, nhân từ. Xin nói thật là các hình thức kỷ luật của Nhà trường đối với các vụ trước đó không có tác dụng giáo dục gì. Có câu “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ” là thế.

Nếu không dùng các biện pháp của pháp luật, thì chúng ta đẻ ra luật pháp làm gì. Tại sao khi ra nước ngoài, người Việt nam, dù ở nhà có chầy bửa đến đâu cũng phải “tự giác” chấp hành các qui định của nước sở tại đến thế. Vì luật pháp họ rất nghiêm khắc, nhẹ thì phạt tiền, nặng thì vào tù, không có hình thức kỷ luật theo kiểu “phê bình một cách sâu sắc” như ở Việt nam. Theo tôi phải xử lý hình sự, nhẹ cũng đưa vào trại phục hồi nhân phẩm số đối tượng này.

Trần Trọng Tuệ, 14:30, 28/10/2010

Quả thật tôi không hiểu rơi vào bẫy là ai rơi vào bẫy, chẳng nhẽ học sinh muốn mình bị đuổi học đến mức phải giăng bẫy cho chúng ta rơi vào rồi đuổi học học sinh đó.

Cứ nhìn những hiệu quả ngày càng phát triển của việc học sinh đánh nhau thì thấy cách xử lý không đuổi học có hiệu quả nhỉ, chẳng nhẽ không có cách nào khác nữa sao?

Phạm Thị Quyên, Tuyên Quang, 14:07, 28/10/2010

Không thể bỏ qua những hành động thiếu văn hoá như thế được, các cơ quan chức năng phải vào cuộc và giải quyết ngay những vấn đề đó.

Người có tội phải xử lý đấm, đá, đánh, đập mà còn dùng vũ lực với ý đồ làm nhục đối phương, xử theo đúng pháp luật dù người đó là ai.

Nguyễn Đức Vinh, Hà nội, 12:41, 28/10/2010

Luật sư nói đúng, Bác Hồ đã đúng, không có trẻ em hư, chỉ có trẻ chưa ngoan.

Chúng ta cần một chiếc áo lành thay vì một chiếc áo vá (rách đâu vá đấy). Các cháu chưa khôn mới phải đi học, chúng ta lớn khôn rồi phải nghĩ ra cách dạy chúng, vứt chúng đi rồi những đứa còn lại sẽ phản ứng mạnh hơn..

Hà Huy, 11:14, 28/10/2010

Đọc bài này chắc những quái nữ sinh hả hê lắm? Phải chăng người lớn đang sợ những cái “bẫy” của các em nên sẽ chẳng bao giờ dám hành động? Sai thì phải xử lý, vậy thôi. Tại sao người ta cứ phải phức tạp hoá câu chuyện ra như thế nhỉ?

Tran, Quang Nam, 10:36, 28/10/2010

Hiện nay, tình trạng này xảy ra rất nhiều chứ không phải là một vài clip đưa lên đâu. Nó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng thôi. Theo tôi, nếu môi trường này chúng ta không thể giáo dục được con người thì chúng ta có những môi trường khác thích hợp hơn cho những đối tượng này chứ làm gì có chuyện bẫy hay không bẫy ở đây.

Hồng Hạnh, 09:56, 28/10/2010

Hãy cắt bỏ vết đau nếu cần thiết để cứu một con người. Hãy xử lý nghiêm khắc một con người xấu nếu cần thiết để cứu một xã hội.

Nguyet Anh, 09:52, 28/10/2010

Chẳng ai lại đi sợ phạm nhân sẽ tìm đến đường cùng khi bị kết án ngồi tù cả. Luật là luật chứ không thể nguỵ biện. Tôi e rằng, phát biểu như anh Nguyễn Văn Tú và chị Trương Thị Mai thì chẳng khác nào vẽ đường cho hươu chạy. Những đứa trẻ hư sẽ luôn có cảm giác thoải mái mỗi khi chúng vi phạm pháp luật vì người lớn luôn cảm thấy sợ trừng phạt chúng.
Nếu không có những đứa trẻ (trên 18 tuổi cả rồi) bị nghiêm trị thì gia đình và nhà trường còn thấy “hoàn thành nghĩa vụ” và như vậy thì không thể tìm đâu ra giải pháp căn cơ được.

Ngô Đề, Nam Định, 09:36, 28/10/2010

Nếu như không có biện pháp cứng rắn thì tình trạng bạo lực học đường là chuyện quá bình thường với học sinh.

Những việc làm của học sinh đưa video clip vào mạng làm công luật thức tỉnh rộng rãi.

Học sinh thì coi đó là chuyện bình thường vì đã quá quen ! Nhà trường nói riêng,Bộ giáo dục nói chung suy nghĩ như thế nào...?

Gia đình thì sao? Các bậc phụ huynh quan tâm đến con thì QUAN TÂM QUÁ học sinh đòi gì được lấy đòi điện thoại di động có di động đòi tiền tiêu có tiền tiêu khi mức sống của học sinh thành cậu ấm cô chiêu rồi thì YÊU ĐƯƠNG,GAME ONLINE..

.Dễ gây ra bạo lực học đường nên cần có pháp chế để đủ mức răn đe đã đau thì đau một lần không để âm ỉ ray rứt

Huy, TP.HCM, 09:12, 28/10/2010

"Đuỗi học sinh đánh nhau là rơi vào bẫy" , tôi không đồng tình với câu tiêu đề này mà phải là " Bất cứ ai, độ tuổi từ 15 trở lên nào đánh người khác vô cớ là phải xử lý hình sự, cụ thể là tù giam từ ít nhất một năm sẽ đem lại trật tự cho xã hội". Có như vậy xã hội mới yên bình, bởi đơn giản chúng ta nên sẵn sàng xóa bỏ không thương tiếc một số người coi thường luật pháp ra khỏi xã hội chúng ta để tạo cuộc sống vui tươi, yên bình cho những người còn lại, đó là lẻ phải.

Tuấn, 08:50, 28/10/2010

Tôi hoàn toàn không đồng tình với ý kiến của các vị luật sư và Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Tất cả những điều các vị nói chỉ là cảm tính và có đôi chút lạm dụng ý thức của các nhà “tâm lý học” quá.

Thứ nhất, chúng ta vẫn hô hào (và thậm chí có cả những băng rôn rất lớn) “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Nước ta là một nước pháp quyền, quản trị xã hội bằng pháp luật.

Chẳng có lý gì khi dùng pháp luật để điều chỉnh hành vi của một người (có tác động lớn đến xã hội), chúng ta lại bị trùn tay bởi “cái tình” sao? Xin nhớ rằng, văn hoá ứng xử “có lý, có tình” giàu đạo lý nhưng cũng đã nhiều lần làm chúng ta phải dở khóc, dở cười. Điều đáng nói là sẽ chẳng có nhiều người biết, tôn trọng và tuân thủ pháp luật nữa (dễ nhận thấy nhất, ý thức chấp hành luật giao thông là một ví dụ).

Thứ hai, các vị cho rằng “một số trường hợp chúng ta xử lý rất mạnh, nhưng sự việc vẫn tái diễn” nên cần một giải pháp căn cơ hơn. Giải pháp căn cơ nhất định cần và phải thực hiện rồi.

Nhưng cũng thưa các vị, nếu thiếu những trường hợp “xử mạnh” vừa qua thì có lẽ bây giờ xã hội đã loạn rồi chứ không dừng lại như mấy vụ đình đám của nữ sinh ở Hà Nội, Hà Tĩnh hay Quảng Ninh nữa.


Là những người làm luật, theo tôi tốt nhất các vị không nên phát biểu như vậy dù có thương cho số phận của mấy nữ sinh kia (đang trở thành số 1, số 2 như quỷ và ma) đến đâu.

huynhvanthai, an giang, 08:12, 28/10/2010

không nên đuổi học, nếu đuổi học mấy trò này sẽ trở thành phần tử nguy hại cho xã hội do đó nên xây dựng khung giáo dục (hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn giáo dục) rỏ ràng nếu vi phạm quá quy định chuyển sang trường cải tạo nhân cách hoặc giáo dưỡng theo quy định.

Nguyễn Văn Nhiệm, B19A Tổ 34B KP7 P Tân Phong TP Biên Hòa, 08:11, 28/10/2010

Vấn đề bạo lực học đường không phải mới xuất hiện từ năm 2008, mà có từ lâu rồi! Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây thì dư luận mới sốt lên như vậy là do:

- Công nghệ thông tin phát triển mạnh ở VN, Các bậc phụ huynh trang bị cho con mình những phương tiện kỹ thuật số ( Điện thoại, máy quay KTS...) các em mới thực hiện những đoạn phim bạo lực này và chiếu miễn phí trên mạng.


- Trào lưu gây shoc, scandal để được nỗi tiếng là ăn theo cách làm của một bộ phận ca sĩ trẻ ( Vốn là thần tượng của các em) nhằm thu hút dư luận.

Tôi đồng ý với ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Tú là nếu chúng ta dùng biện pháp kỹ luật thôi học là mắc bẫy của các đối tượng học sinh này.

Vì bản thân các em - đa phần là con cái của những gia đình lắm tiền nhiều của nhưng lại thiếu sự quan tâm, giáo dục - không muốn học tập và rèn luyện. Các em đã quen với môi trường hưởng thụ, sự chiều chuộng và lối sống ích kỷ, vô kỷ luật.

Nên chăng chúng ta cần phải có một trường học đặc biệt dành cho những đối tượng này. Ví dụ một trường do quân đội quản lý chẳng hạn.

Các em phải sống trong môi trường kỷ luật của quân đội, học một buổi và phải lao động một buổi để tự nuôi bản thân, suất ăn phụ thuộc vào thành quả lao động.

Mỗi năm học được " Về phép" 10 ngày , nếu tiếp tục vi phạm kỹ luật " Trường quân đội thì sẽ cắt phép, hoặc nhiều hình thức kỹ luật khác. Kết quả rèn luyện của mỗi năm học ( Học lực , hạnh kiểm...) loại khá trở lên thì sẽ được " tốt nghiệp" trường quân đội để năm sau quay lại trường dân sự củ tiếp tục học. ( Chi phí rèn luyện do gia đình đóng góp, thậm chí là cưỡng chế nếu phụ huynh cũng "cá biệt" như con em mình)
Có thể là hơi phản giáo dục nhưng chúng ta sẽ có 2 cái được.

1. Với các em cá biệt này, nếu trường quân đội không làm cho các em trở thành những con người xuất chúng thì ít ra cũng thành những công dân tôn trọng pháp luật.

2 . Gạn đục khơi trong môi trường giáo dục Việt Nam, Răn đe những em đang có ý định nổi loạn.


Nếu có sự thống nhất, phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường ,sự chung sức của toàn xã hội thì tôi tin những mầm mống của sự bạo lực xã hội sẽ bị dập tắt từ trong trứng nước.

Còn nếu chúng ta còn xem nhẹ chuyện này theo kiểu " ối dzời ! Chuyện trẻ con í mà" thì đến một ngày những " trẻ con" này thành người lớn thì không biết xã hội Việt Nam sẽ Down về đâu nữa.

Viet, Bien Hoa, 07:52, 28/10/2010

Tôi thấy, cứ ông này có ý kiến này, ông kia có ý kiến nọ mà chả giải quyết được gì. Luật phải nghiêm. Là lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo theo tầm vĩ mô thì phải quyết đoán, không thể nhu nhược. Việt Nam mình thiếu gì người tài, đối với những con người hư hỏng, tha hóa đạo đức , ung nhọt của xã hội như thế này cần phải răn đe cho những người khác. Có như thế xã hội mới thái bình được.

Bùi Hải Anh, Thái Nguyên, 07:42, 28/10/2010

Tôi không hiểu nhiều lắm về những vấn đề tổng thể mà luật sư và rất nhiều cá nhân khác đưa ra một cách rất "nhân văn" đối với hiện tượng học sinh đánh nhau trong trường học.

Trong một nhà nước pháp quyền thì tất cả các hành vi có tính xâm phạm đến thân thể, danh dự của người khác đều phải bị nghiêm trị theo đúng mức độ vi phạm.

Tôi không đồng ý với cách mà chúng ta đang làm " Phụ huynh có con bị đánh xin bãi nại", hoặc đổ trách nhiệm cho gia đình, cho sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa gia đình và nhà trường.

Cần phải dùng luật pháp để cho các cháu được giáo dục bằng pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Lấy đó làm gương cho các cháu, kể cả làm gương cho bố mẹ các cháu nếu đã trót thiếu quan tâm đến con cá

i. Xin thưa rằng: con gái tôi có 7 tuổi thôi nhưng nó cũng đã thường xuyên nhắc bố khi đi xe máy phải đổi mũ đấy.

Vì nó bảo "Không đội mũ là không văn minh, các chú công an bắt đấy bố ạ" Và như thế theo tôi hiểu, Nó đã có ý thức tuân thủ pháp luật. Mong Luật sư và mọi người lượng thứ nếu trình bày chưa được rõ ràng.

Đinh Kim Nguyệt, F5, Q3, Tp HCM, 04:53, 28/10/2010

Đối với học sinh, nhất là học sinh nữ, biện pháp hay nhất là buộc các em nghe phân tích và giải thích tình huống.

Mời các em dự một buổi họp có toàn thể học sinh của Trường, và đặt các em vào từng vị trí( bên bị ,bên nguyên) rồi mời các bạn góp ý công khai dưới sự hướng dẫn của cô thầy và hiệu trưởng.

Lời phê công khai và công tâm của toàn thể học sinh trong trường sẽ làm các em phải suy nghĩ để đi đến việc nhận ra sự sai của mình và những cách hành xử hay hơn mà vẫn bảo vệ được lập trường của các em.

Theo tôi cách làm này luôn mang lại nhiều hiệu quả trong việc ngăn chặn và sửa đổi nhân cách các em hơn là áp dụng hình phạt mà không giải thích cặn kẽ tại sao. Vì các em dưới tuổi Vị Thành Niên, nên phạm lỗi mà không hề biết là mình đang phạm lỗi.

Lương Thế Minh, Nam định, 02:07, 28/10/2010

LS Tú nói đúng vế nguyên nhân sâu xa của bạo lực tuổi thanh thiếu niên (ko nên dùng khái niệm "bạo lực học đường" - vì từ này ko chính xac,ko đầy đủ).

Song chỉ do giáo dục gia đình và giáo dục trong nhà trường yếu kém cũng là chưa đủ.

Mà nguyên nhân bao trùm là tình trạng bạo lực trong xã hội quá phổ biến, lại được cac phương tiện truyền thông "hào hứng" tung ra "quảng cáo" ào ạt tới đám trẻ ,đã kich động chúng làm theo để khẳng định "cái tôi", khẳng định "cá tính" của mình!

Và ko ai có thể quên ko nói tới tác động của sach báo,phim ảnh và nhất là cac game độc,mà chúng ta đang "điên đầu" trong việc quản lí ngăn chặn.

Riêng ý kiến của LS Tú mà ai đó lấy làm tựa của bài phỏng vấn này là ko chính xac. Kỉ luât đuổi học ko hề là nhà trường "mắc bẫy", vì số hs "giăng bẫy" là rất ít, cac em muốn "được" đuổi học ko thiếu gì cach "phi bạo lực" hiệu quả hơn nhiều.

Về cach xử lí cac hs này,chúng ta ko đuổi cac em ra ngoài đời, mà đuổi khỏi cac trường phổ thông thuộc ngành GD, đưa cac em vào học tại cac tru72ng Giáo dưỡng của ngành công an. Như vậy thì chẳng khi nào ta "mắc bẫy" như LS Tú nói!

Tôiđược biết ngành công an có hệ thống trường này rất hiệu quả. Cac em vẫn được hoc văn hóa như trường PT,nhưng đồng thời còn phải tu dưỡng rèn luyện rất nhiều về tư cach đạo đức, sửa chữa để ko bao giờ tái phạm những lệch lạc trong cuộc sống như rước khi vô trường giáo dưỡng>

Mạnh, 50 Văn Chương, 23:17, 27/10/2010

Từ trước tới nay cũng chưa thấy vụ đánh nhau nào của học sinh mà bị đuổi học cả (nặng nhất cũng chỉ đình chỉ một năm) nên tình trạng bạo lực học đường càng ngày càng có chiều hướng gia tăng vì học sinh đâu có "sợ" vì cùng lắm bị tạm đình chỉ thôi mà ! Theo tôi nghĩ những học sinh mà đã muốn cho người lớn vào "bẫy" thì họ cũng chẳng thiết tha gì học hành nên có cố cũng vô ích, nên cho ra khỏi môi trường sư phạm để khỏi ảnh hưởng đến đại đa số các em học sinh khác (nên cho những thành phần bất hảo này vào trung tâm giáo dục thường xuyên). Không nên theo anh luật sư Tú này để khuyến khích, gia tăng thêm nạn bạo lực học đường.

Nguyễn Quang, 23:11, 27/10/2010

Làm gì có bẫy ở đây. Muốn nghỉ học thì nghỉ chứ làm gì đến mức phải đánh nhau để bị kỷ luật rồi mới được nghỉ. Từ các trường hợp đánh nhau khác có thể thấy đánh nhau to chưa chắc đã bị đuổi học. Có trăm, ngàn lí do khác để nghỉ học, dễ quá mà.

phanduonganh, Ba Đình - Hà nội, 23:00, 27/10/2010

Đọc bài này tôi thấy phần trả lời trên của luật sư còn đúng, nhưng câu trả lời cuối cũng là (Kỷ luật thôi học là rơi vào bẫy của học sinh) thế luật sư cho rằng vi phạm như vậy là phải xử lý kiểu gì, khiển trách, hay phạt hành chính rồi vẫn tiếp tục cho đi học sao. Nếu không muốn học thì học sinh có thể bỏ học đi chơi nhiều lần sẽ bị đuổi học, cần gì phải đánh nhau. Hành vi này phải xử lý mạnh tay không để tình trạng này xảy ra.

Tin liên quan

Các tin khác