Từ Langlands, thử xác định "bổ đề giáo dục"

Cập nhật lúc 13:31, 26/10/2010 (GMT+7)

- Nhà nghiên cứu giáo dục Quang Dương nói, tròng mắt không thể thiếu con ngươi. Nền giáo dục không thể thiếu “bổ đề cơ bản” để tỏa sáng mọi giải pháp trồng người.

Xem phần trước của bài viết: Cần xác định một "Bổ đề cơ bản" cho sự nghiệp trồng người

Mô tả ảnh.
HS Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam ngày tựu trường (Ảnh Hương Giang

Chủ nghĩa nhân văn là nền tảng cơ bản trong kho tàng ý tưởng văn minh của loài người, nhằm tới việc phát huy chất người cao nhất trong mỗi người.

Nếu nhà nước là của dân, do dân và vì dân, thì một nền giáo dục nhân bản (lấy chủ nghĩa nhân văn làm gốc) sẽ là nền giáo dục của con người, do con người và vì con người.

Như vây, một phương châm chiến lược được đặt ra là "phải coi trọng văn hóa nhân bản trong giáo dục" với ý nghĩa: văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển giáo dục và đào tạo con người.

Trong đào tạo con người, có việc trau dồi học vấn, nhưng bao trùm trên đó và xuyên suốt qua đó là rèn luyện văn hóa, để HSSV thấm nhuần và thực thi văn hóa làm người.

TIN LIÊN QUAN
Khi rèn luyện văn hóa làm người, không chỉ chú trọng rèn kỹ năng văn hóa, mà căn bản hơn: rèn thái độ văn hóa và tư chất văn hóa.

Nói cách khác, đó là rèn luyện một "nhân cách văn hóa", để người HSSV có một phông văn hóa, đạt chuẩn mực văn hóa khi vào đời, lập nghiệp và hướng tới tương lai.

Với phương châm như thế, văn hóa nhân bản được coi là chìa khóa để mở cánh cửa nhân văn, lựa chọn con đường, tìm kiếm cách thức vận động và phát triển bền vững của nền giáo dục. Muốn ngành giáo dục vươn lên và tránh tụt hậu thêm nữa, cần luôn luôn cảnh giác cao độ trước nguy cơ lệch pha giữa đào tạo chuyên sâu và trau dồi chuẩn mực văn hóa.

TIN LIÊN QUAN
Và bởi vậy, song song với việc định chuẩn các kiến thức, cần xác định cụ thể các chuẩn mực văn hóa trong hành vi, thái độ, ngôn ngữ, kỹ năng, nhất là kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng hợp tác bè bạn và hòa hợp cộng đồng. Trên đó nữa, cần vạch rõ các chuẩn mực giá trị người trong lối sống, trong quan hệ, trong sự lập thân và tiến thân.

Những nội dung đó được xây dựng thành những bài tập tình huống, lồng ghép khéo léo trong các bài học nội khóa và hoạt động ngoại khóa, có tổng kết ôn tập, có kiểm tra thi cử, có đánh giá và kiểm định chất lượng thực hành. Trong văn bằng tốt nghiệp, phía trên những kết quả về học vấn, cần ghi rõ những nhận xét vắn tắt và kết quả cụ thể đã đạt được về chuẩn mực văn hóa.

Từ những dẫn giải trên đây, từ ánh sáng của bổ đề cơ bản trong toán học, có thể nêu lên “bổ đề cơ bản” cho sự nghiệp trồng người là gì?

Xin có lời đáp:

Xây dựng nền giáo dục nhân bản, lấy chủ nghĩa nhân văn làm gốc. Mọi chiến lược, mục đích, nội dung phương pháp và tổ chức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân đều phải dựa trên nền tảng chủ đạo là chủ nghĩa nhân văn.

Nếu bổ đề toán học Langlands chỉ ra sự liên thông và khăng khít giữa đại số và giải tích, giữa số học và hình học, giữa lý thuyết số và lý thuyết nhóm… thì "bổ đề giáo dục" nói trên chỉ rõ và khẳng định trong sản phẩm NGƯỜI của việc trồng người có sự liên kết và thống nhất giữa các cặp phạm trù sau đây: dạy chữ và dạy người, số lượng và chất lượng, kiến thức và thái độ, học vấn và văn hóa, lý thuyết và thực hành, học đường và cuộc sống, danh nghĩa và thực chất. Đặc biệt, giữa đào tạo và tuyển dụng, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.

Về phía xã hội, sẽ không còn (hoặc giảm thiểu đến mức cá biệt) các “nỗi đau văn hóa” như phần trên đã đề cập, vì các lỗ hổng trong giáo dục đã được bù đắp. Đó là những hệ quả quan trọng do bổ đề cơ bản nói trên đem lại, nếu được chú trọng áp dụng và thực thi đúng hướng.

Tròng mắt không thể thiếu con ngươi. Nền giáo dục không thể thiếu “bổ đề cơ bản” để tỏa sáng mọi giải pháp trồng người.

CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở CÁC NƯỚC

  • Quang Dương (TP.HCM)

Ý kiến của bạn

Các tin khác