Đầu tư gần 7.000 tỷ "mua" sự xuống cấp

Cập nhật lúc 07:45, 26/10/2010 (GMT+7)

- "Diện tích đất không theo kịp với tăng quy mô đào tạo ĐH, CĐ; Khu học tập, nhà cửa và công trình xuống cấp nghiêm trọng, thấp kém và lạc hậu phải đi thuê mướn; Phòng thí nghiệm còn thiếu nhiều...". Đây là những thông tin đưa ra từ kết quả khảo sát thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị trường học ở 196 trường ĐH, CĐ công lập trên cả nước được Bộ GD-ĐT công bố sáng 25/10.

q
Quy định, trường ĐH phải có thư viện nhưng thực tế nhiều trường không có thư viện

Trong các trường được khảo sát, số phòng thí nghiệm hiện có là 5.572. Hầu hết, các phòng thí nghiệm có yêu cầu đặc biệt về môi trường chưa được trang bị thiết bị đặc thù như: xử lý chất thải, tủ hút hơi độc, tủ đựng quần áo đặc biệt, ống thoát hơi độc...

Ở 196 trường, chỉ có 172 thư viện truyền thống. Thực tế này được nhìn nhận "đây là tình trạng báo động vì các trường ĐH trên thế giới luôn coi thư viên là linh hồn, là trái tim của một trường ĐH".

Đặc biệt, số sinh viên được ở ký túc xá chiếm tỷ lệ 19,50% trong số hơn 850.000 em đang học hệ chính quy. Do quỹ đất hạn hẹp, nên trong 196 trường được khảo sát, chỉ có 2.350 chỗ ở cho cán bộ giảng dạy.

Theo Bộ GD-ĐT, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2001-2009 cho 196 trường ĐH, CĐ là 6.973 tỷ đồng. Trong số này, vốn ngân sách nhà nước cấp chiếm khoảng 79%; vốn ODA chiếm khoảng 3,2%; vốn tự cân đối của các đơn vị chiếm khoảng 12,7%; vốn cho - biếu - tặng của các cá nhân trong và ngoài nước chiếm 0,5%; vốn khác chiếm khoảng 4,2%.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho biết, điều đáng lo nhất hiện nay trong câu chuyện "cơ sở vật chất" là diện tích đất không theo kịp với tăng quy mô đào tạo.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học Trần Thanh Bình cho biết, thực trạng quy mô đất, quy hoạch xây dựng các trường ĐH, CĐ và hai vùng trọng điểm Hà Nội, TP.HCM cho thấy: bình quân diện tích đất quá thấp so với tiêu chuẩn hiện hành, tổng quỹ đất của từng trường rất nhỏ, chủ yếu dưới 10 ha. Thâm chí, có 3 trường diện tích dưới 1 ha; 12 trường diện tích bằng hoặc nhỉnh hơn 1 ha; 8 trường diện tích bằng hoặc nhỉnh hơn 3 ha...Trong khi đó, sự bùng nổ về quy mô sinh viên đã "đẩy" các trường vào thực trạng thiếu các khu chức năng cơ bản, môi trường sư phạm không đảm bảo..., ông Bình dẫn giải.

Đại diện Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM so sánh, chuẩn của Việt Nam năm 1985 quy định trường dưới 2.000 sinh viên thì phải có 20 ha xây trường. Thế nhưng, quy mô hiện có của trường là 1.500 sinh viên mà diện tích đất chỉ chưa đầy 1 ha.

Bộ GD-ĐT cho rằng, nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí về cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo cho các trường ĐH chậm đổi mới, cơ chế tài chính trong giáo dục chưa có những thay đổi kịp thời...là nguyên nhân khách quan làm cho việc đầu tư cơ sở vật chất gặp khó.

Thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức làm việc với các trường ĐH, CĐ để thực hiện khung học phí mới theo lộ trình thích hợp để các trường trích kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, mạng lưới các trường ĐH, CĐ hiện nay đáp ứng về cơ bản nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Số lượng trường ĐH, CĐ ở các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ đã tăng. Cơ sở vật chất các trường ĐH, CĐ đã có một số cải thiện... Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy nhiều bất cập trong hệ mạng lưới giáo dục ĐH như: hệ thống nhà trường bị phân tán, cơ sở vật chất vẫn còn nghèo nàn...

  • Kiều Oanh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

văn thành lê, gò vấp-tp.hồ chí minh, 08:16, 26/10/2010

Chỉ mong ước các trường có diện tích lớn hơn đừng như hiện nay sv học chen chúc trên một diện tích nhỏ hẹp. Tại cơ sở chính trường ĐH GTVT tp.Hồ Chí Minh sân trường chỉ một mục đích duy nhất là giữ xe vì diện tích quá nhỏ lấy diện tích đâu cho sinh viên nghỉ giải lao giữa giờ. Nhìn cách nhà nước đầu tư vào ĐH Quốc gia tp.Hồ Chí Minh mới thấy sự khác biệt về đầu tư. Cùng là ĐH Công lập nhưng đầu tư cứ như là con chung với con riêng, thật đáng buồn.

Lương Văn Chính, 08:14, 26/10/2010

Chính Bộ Giáo dục cấp phép cho mở trường, mở lớp... nhưng không kiểm soát được tình trạng trên thì lỗi đó thuộc về ai?
Hậu quả thì ai chịu đây- Chính là sinh viên và những người dân phải gánh chịu?

Các tin khác