"Bổ đề cơ bản" cho nền giáo dục yếu chữ "Nhân"
Cập nhật lúc 07:32, 25/10/2010 (GMT+7)
- Lời tòa soạn: Sau khi đăng tải thông tin"Bộ trưởng Giáo dục tặng sách cải cách cho Bí thư Trung ương Đảng", và những tiếng nói khác "góp ý cho văn kiện ĐH Đảng 11", VietNamNet nhận được bài viết của nhà nghiên cứu giáo dục Quang Dương với tựa đề: "Để nền giáo dục Việt Nam là cội nguồn của nguyên khí quốc gia: Cần xác định một "Bổ đề cơ bản" cho sự nghiệp trồng người". Dưới đây là bài viết của ông.
|
Bé đến trường ngày khai giảng. Ảnh: Phạm Hải |
Thành công của GS. Ngô Bảo Châu không chỉ có ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực Toán học. Nó cũng lớn lao đối với nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt với nền giáo dục đang có nhiều bất cập như ở Việt Nam.
Bài học minh triết tổng quát rút ra từ “bổ đề cơ bản” Langlands là, phải nhìn nhận vấn đề, giải quyết vấn đề từ nguồn gốc, từ chiều sâu cơ bản, từ mối liên kết nội tại, mới hy vọng đạt kết quả mong muốn.
“Bổ đề cơ bản” là một mệnh đề mà từ đó, ta có thể đạt tới các kết quả quan trọng khác (gọi là hệ quả). Nó là điểm nhấn cho tầm nhìn chiến lược bao quát. Nó như kim chỉ nam của nhận thức và hoạt động.
Trong khoa học và trong quản lý giáo dục, nếu thiếu nó hoặc xác định không đúng, ta sẽ có nguy cơ “lạc đường”. Bởi vậy, nên chăng, ngành giáo dục và sự nghiệp Trồng Người của Việt Nam cần xác định một “bổ đề cơ bản” cho đúng hướng.
|
HS Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Tú Uyên |
Tại sao các nước có nền giáo dục nhân bản dễ sản sinh nhiều nguyên khí quốc gia?
Nhiều nhà văn hóa và nhà khoa học đã đặt vấn đề trước nền giáo dục ở mọi quốc gia trên thế giới: Do đâu mà từ lâu nay, các giải thưởng quốc tế có giá trị cao nhất (như giải Nobel, giải Fields, giải Oscar… ) hầu hết đều được trao cho những người có tài năngđược đào luyện từ những nước có nền giáo dục nhân bản?
Họ là những “nguyên khí quốc gia” được hun đúc và chăm bón từ vườn ươm của những nền giáo dục lấy chủ nghĩa nhân văn làm trọng. Họ đã được “trồng người” như thế, nghĩa là được gieo trồng theo môi trường văn hóa và môi trường hoạt động (trong học thuật, nghệ thuật…) lấy yếu tố con người làm trung tâm.
Đó là một vấn đề liên quan khăng khít đến "triết lý giáo dục".
"Triết lý giáo dục" là cơ sở phương pháp luận khoa học sát sườn nhất cho việc hoạch định quan điểm và chiến lược Trồng Người. Hạt nhân của nó là tính nhân bản – yếu tố làm nên chất người trong nhân lực. |
Nếu hạt nhân của triết lý giáo dục là tính nhân bản thì, nền giáo dục tiến bộ phải là một nền giáo dục nhân bản, lấy chủ nghĩa nhân văn làm gốc. Đến lượt nó, nền giáo dục nhân bản mới là bệ phóng, làm thăng hoa những bậc hiền tài.
Các nhà khoa học từ xưa nay đều khẳng định rằng, chủ nghĩa nhân văn (Humanisme) vừa là sản phẩm minh triết, vừa có giá trị văn minh đặc trưng của loài người. Vì vậy, nó tồn tại như một bửu bối và là tài sản chung của toàn nhân loại, không của riêng ai.
Học thuyết đó chú trọng khơi dậy và thực thi những quyền lợi, nghĩa vụ, giá trị và phẩm chất cao cả của mỗi người. Theo đó, mỗi người không chỉ nhắm vào việc mưu cầu hạnh phúc cá nhân mà còn tự kích hoạt ý thức hợp tác, chia sẻ, cần thiết cho sự cộng sinh của cộng đồng và những lợi ích của xã hội.
Như thế, chủ nghĩa nhân văn coi trọng giá trị con người và văn hóa làm người. Với nền giáo dục, đó là thứ văn hóa “dạy làm người” và văn hóa “học làm người”.
Chủ nghĩa nhân văn đã giúp những xứ sở có nền giáo dục nhân bản thực sự giải phóng con người, làm thăng hoa các giá trị người, từ đó mà có nhiều hiền tài đất nước, nhiều nguyên khí quốc gia.
Từ "lỗ hổng giáo dục" lâu nay tới "nỗi đau văn hóa" hiện nay...
35 năm hòa bình, nền giáo dục Việt Nam tuy có nhiều thành tựu to lớn, nhưng đã bộc lộ những bất cập rất trầm trọng về chiến lươc đào tạo nhân lực, gây nên những lỗ hổng đáng tiếc trong sự nghiệp trồng người.
Tại đó, hai mặt yếu kém nhất là chất văn hóa và tính chuyên nghiệp tồn tại trong đa số nhân lực trẻ được đào tạo trước khi dấn thân vào cuộc sống. Hai mặt đó làm nên một lỗ hổng “kép” ngay trong các thành tựu giáo dục.
Khi những giá trị cuộc sống bị đảo lộn thì những giá trị ảo và các phẩm chất phi nhân “được” lên ngôi, cái xấu đẩy lùi cái tốt. Số HSSV có bản lĩnh văn hóa, sống lịch sự, làm tử tế, học đàng hoàng… thì đã ít lại ngày càng ít hơn, thậm chí còn bị cô lập trước số đông coi đó là “dân Hai Lúa”. |
Cần thẳng thắn nhìn vào thực trạng là hầu hết học sinh, sinh viên (HSSV) học rất nhiều về khoa học và công nghệ, về sách vở và lý thuyết, về quản trị và kinh doanh… nhưng lại không được rèn kỹ về thái độ nhân bản và tinh thần hướng nghiệp khi giao tiếp cộng đồng và hội nhập quốc tế.
Công trình nghiên cứu năm 2009 của Viện Nghiên cứu Giáo dục “Nhận thức và thái độ của HSSV về định hướng tương lai” đã chỉ rõ: Hơn 80% HSSV có nhiều ước mơ đẹp cho tương lai, nhưng lại thiếu hẳn sự tự tin và thái độ dấn thân vào đời, thiếu cả văn hóa ứng xử, phong cách chuyên nghiệp và kỹ năng hoạch định tương lai.
Thực tế ấy đã làm giảm thiểu nặng nề chất lượng nhân lực, đến mức trên 50% HSSV tốt nghiệp ra trường tuy có bằng cấp nhưng bị nhà tuyển dụng chê, và nếu nhận vào thì phải qua đào tạo lại, nhất là đào tạo về những kỹ năng mềm và văn hóa chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, sự sa sút về phẩm chất làm người còn trầm trọng hơn. Ngày càng có nhiều tội phạm là HSSV, cả những viên chức công sở (vốn trước đó là người được đào tạo trong nhà trường).
Nghĩa là, khi đời sống tăng cao, song song với những non nớt về năng lực trong sản phẩm đào tạo, một loạt những yếu kém về phẩm chất văn hóa còn nặng nề hơn, tăng cao hơn. Đó là nỗi đau văn hóa của một nền giáo dục đã lâu năm nhưng đầy bất cập.
Nguyên nhân do đâu?
Trong 5 chuẩn mực truyền thống của con người (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín), nền giáo dục Việt Nam mới chỉ chú trọng đến chữ Trí (mà ngay chuẩn này cũng chưa đạt, bởi nạn học nhồi học vẹt, làm tê liệt sự động não). Trong 4 chuẩn còn lại, yếu nhất là chữ Nhân.
Giáo dục nhân bản lấy chữ NHÂN làm gốc, nhờ vậy mà giúp HSSV biết trọng văn hóa, trọng lẽ phải, trọng công lý, trọng tín nghĩa, trọng hòa hợp, trọng bang giao...
Nhưng trên thực tế, đây lại là những điều rất ít được các cấp quản lý giáo dục quan tâm, thiếu vắng hoặc què quặt trong nội dung và phương pháp đào tạo.
Một hậu quả đau lòng bị trả giá là các hiện tượng phi nhân bản xảy ra ngày càng nhiều về lượng và tàn bạo về chất. Những yếu kém và lệch lạc về nhân cách văn hóa đã là nguyên nhân trực tiếp dẫn nhiều HSSV đến sự tụt hậu và tự đào thải. Nhưng, khách quan mà xét, những tệ hại nói trên có nguồn gốc sâu xa từ phía nhà trường, từ ngành giáo dục, từ cấp quản lý.
Lâu nay, sự non kém và không coi trọng giáo dục nhân bản chẳng những đã tạo một lỗ hổng rất lớn trong việc trồng người, mà còn, từ đó, tạo nên vết loang suy thoái trong xã hội. Lỗ hổng đó, thật đáng tiếc và cũng thật đáng lo. Một trong những nguy cơ đó là, theo các chuyên gia chiến lược, nền giáo dục của chúng ta sẽ bị đẩy đến chỗ phản giáo dục, nghĩa là phi nhân bản.
Hơn thế, nếu lỗ hỗng nói trên không được lấp đầy trong chiến lược trồng người và trong thực tế giáo dục, sẽ có nguy cơ làm “thủng” thêm các lỗ hổng khác, đưa đến suy thoái toàn diện và hậu quả khó lường, nhất là về mặt văn hóa (cội nguồn của văn minh). Nỗi đau khi đó sẽ càng kinh khủng và… hết thuốc chữa.
Phần tiếp theo: Thử xác định "Bổ đề cơ bản cho sự nghiệp trồng người"
CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở CÁC NƯỚC
|
Ý kiến bạn đọc
Nguyễn Đức, TpHCM, 03:54, 28/10/2010
Luc này đọc ý kiến của bạn nhuhau (xưng là ở Saigon,ko nói là tpHCM!), mới thấy ông Quang Dương nói chí phải, rằng thì là, giaó duc nước nhà thật "vô nhân bản" (!), vì đã sinh ra một kẻ từ tranh luận về giáo dục, đã nhanh nhảu chuyển đề tài sang "chửi nước Nam ta, khoe khoang cho nước Mỹ".
Vì nôn nóng chỉ trich bạn Ngoc Vinh, nhuhau đã xúc phạm người Việt khi nói rằng xứ ta "trộm cắp tràn lan"và hùng hổ bênh nước Mỹ rằng "ko phải ngày nào cũng biểu tình,nổ súng, sát hại nhau".
Ô hô, chắc ông Quang Dương cũng ko thể cảm ơn kẻ đồng tình với ông bằng lý lẽ này!
Việc nhiều người muốn sống ở Mỹ vì nhiều lí do (ko kể lí do chính trị),trong đó chủ yếu là "miền đất hứa" vì Mỹ là nước nhiều Đôla nhất,thế thôi!
Ai không muốn ăn sung mặc sướng. Quyết không phải họ qua đó vì ở xứ ta trộm cắp tràn lan, qua bên đó họ sẽ không bị ai nổ súng mỗi ngày!
Tóm lại tôi muốn nói rằng ông Quang Dương viết nghe có vẻ cao siêu,nhưng vẫn chỉ là cái triết lí của kẻ sùng ngoại quá đáng, luôn thành kiến định kiến với giáo dục nước nhà và lập luận theo kiểu "đẽo chân cho vừa giầy" mà thôi!
Đúng như bạn Lương Thế Minh ở Nam Định nói, cũng là cái tư duy nghèo nàn, chỉ trích giáo dục nước nhà bằng cách so sánh với giáo dục các nước G8,G20.
Tôi không được đi coi ngó giáo dục nước nào, nhưng muốn biết giáo dục của ta hay dở ra sao, quí vị hãy so sánh với các nước cùng ...nghèo, cùng chiến tranh triền miên,cùng thiên tai khủng khiếp như ta xem sao! Đừng lấy cắp hình ảnh nước ngoài để lăng mạ và dạy dỗ các thầy cô giáo nước Nam nữa.
Hoai Anh, 13:38, 27/10/2010
Đồng ý là ở đâu, lĩnh vực nào cũng có những cá nhân tốt, những việc làm tốt. Điều đó thật đáng trân trọng và cần phát huy.
Tuy nhiên, không phải những cá nhân đó, những việc làm đó để nói rằng giáo dục – đào tạo của ta “về cơ bản là rất tốt” được. Bạn hãy nhìn con bạn và so với yêu cầu từ xã hội, từ quyền được phát triển để thấy rằng, chúng ta đã quá lạc hậu (thậm chí đối với cả phần lớn những gia đình có nhiều tiền). Tôi luôn quan niệm, giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ cần đóng vai trò “bệ phóng” để xã hội phát triển. Thực tế thì điều đó ngày càng làm tôi và nhiều người thất vọng.
Nam Duong, 13:17, 27/10/2010
Tôi 100% đồng ý với quan điểm và cách đặt vấn đề của tác giả. Tuy nhiên, như thường lệ tôi vẫn đặt câu hỏi: i) ai làm? ii) làm như thế nào?
Vì vậy, tôi tiếp tục bị trăn trở với 02 phát biểu dưới đây của tác giả:
Xin thưa với bác, thứ nhất, cái “mong muốn” bác định đề cập là khát vọng của bác, của tôi và của phần lớn người dân. Khổ lỗi cái “mong muốn” đó chưa chắc đã phải là của người làm giáo dục!
Thứ hai, tôi lại muốn hình dung cụm từ “đúng hướng” bác đã sử dụng. Thực ra, vấn đề này đã được trao đổi rất rất nhiều rồi. Tuy nhiên, dường như những người có trách nhiệm lại đang bị bối rối vì thấy hướng nào cũng đúng, trong đó đặc biệt đúng là hướng người ta đã định.
Đọc xong bài viết này, tôi đề nghị mọi người dân Việt Nam cùng với tác giả Quang Dương hãy khắc hoạ lại “mong muốn” và “định hướng” của mình. Ước gì nguyện đó đến được tai những nhà quản lý, và hy vọng họ sẽ lắng nghe và coi đó là định hướng, mong muốn cháy bỏng của dân tộc.
nguyễn thị phượng, học viện an ninh nhân dân, 09:55, 27/10/2010
1 bài viết quá hay,1 cách nhìn nhận rất sâu sắc.
Nhưng cháu có 1 điều không đồng tình đó là thực trạng giáo dục không phải là nguyên nhân sâu xa của sự suy thoái đạo đức hiện nay,mà nó là nguyên nhân trực tiếp,học sinh sinh viên là nạn nhân của nền giáo dục đó.
Hầu hết những học sinh sinh viên nổi loạn phạm tội là những học sinh sinh viên hư,có kết quả học tập không tốt và nạn nhân của những vụ bạo lực là những em ngoan và học giỏi.
Vậy tại sao chúng ta không đặt 1 câu hỏi cho vấn đề này.các em bị sức ép quá lớn từ nhà trường và gia đình mà sinh ra chán nản hư hỏng.
Mỗi người có 1 tố chất khác nhau,nhưng giáo dục lại là đại trà đòi hỏi ở kết quả học tập của các môn, NHÀ TRƯỜNG, GIÁO VIÊN, GIA ĐÌNH VÀ CHÍNH CÁC EM bị mắc bệnh thành tích ham mê những kết quả ảo.
Tại sao không có 1 cuộc thi nào trong trường hay trên truyền hình dành cho những học sinh không được đánh giá là học giỏi,các cuộc thi tổ chức chủ yếu là:tài trí trẻ.học sinh thanh lịch,sinh viên thanh lịch,tiếng hát hay học sinh sinh viên.
1 lớp thường chỉ có 1 hay 2 người xuất sắc nhất được tham gia.vậy sao chúng ta không hỏi,những người không được tham gia họ tủi thân như thế nào.chưa kể sức ép tư gia đình; cha mẹ ai cũng hi vọng mong mỏi ở con cái, và thế là những học sinh bị đánh giá thấp nổi loạn,để được chú ý,vì bình thường có ai chú ý đến họ đâu.
Tại sao không có 1 nền giáo dục phát huy được tiềm năng của mỗi người, không coi trọng thành tích mà quan trọng là kiến thức họ đạt được. Tại sao không có những cuộc thi dành cho tất cả mọi người tham gia, gắn kết mọi người,như thế liệu có những sự việc đau lòng như vừa xảy ra tại việt nam không? Mong mọi người nhất là những người làm giáo dục suy nghĩ
Nguyen Ngoc Long, 12/38A Tran Dai Nghia, Ha Noi, 15:09, 26/10/2010
Mạnh Tử nói rằng: “Đạo ở chỗ gần gụi, người ta lại hay đi tìm ở chỗ xa xôi, việc làm rất dễ dàng, người ta lại hay đi tìm ở chỗ khó khăn. Nếu mọi người biết thương yêu người thân, kính trọng bậc trưởng thượng, thì thiên hạ yên bình”
Nguyen Ngoc Long, 12/38A Tran Dai Nghia, Ha Noi, 15:05, 26/10/2010
Khổng Tử dạy rằng: "Điều Nhân ở xa ta hay sao? Nếu ta muốn điều Nhân, điều Nhân tự đến với ta"
le bích hải, Phủ lý, 11:37, 26/10/2010
cũng có lý nhưng phải xem cả phía gia đình và XHnữa
Vũ Tiến Đức, Nam Định, 08:06, 26/10/2010
Tôi cho rằng, tác giả đã nói đúng một phần cái hiện trạng của giáo dục hiện nay.
Đó là việc chú trọng nhiều học lý thuyết và học ngọn, còn cái gốc là văn hóa, ứng xử đạo đức thì chưa chú ý đúng mức. T
uy nhiên, tôi không đồng ý rằng cả nền giáo dục hiện nay không tốt.
Đúng là ở chỗ này chỗ kia có những cái chưa tốt. Đúng là giáo dục Việt Nam còn đi sau thiên hạ nhiều lắm.
Nhưng ngay cả ở những nơi mà người ta đang kêu ầm lên là tiêu cực thì vẫn còn khối những thày cô tâm huyết và không thiếu học trò giỏi dang. Vì đâu cũng thày ấy, môi trường ấy mà có người ra trường làm được việc còn người khác thì không.
Đừng thụ động như thế. Ngôi trường cho anh một môi trường học tập, người thày cho anh những chỉ dẫn, còn đi như thế nào thì anh phải tự tập đi từ chập chững đến những bước chạy chứ sao lại cứ chờ người ta cõng rồi khi người ta chưa cõng mình đi được thì la lối ầm lên là giáo dục kém cỏi.
khuongtuan, nam định, 07:30, 26/10/2010
"Bổ đề "cơ bản cuả chữ "nhân" đúng .
Trong nghàng giáo dục ai chứng minh được, bộ giáo dục nên có giải thưởng thật" oách" vào. Biến bon trẻ bây giờ thành những con người khong tham danh vọng và tiền tài sớm quá, hãy học tập chu đáo khi còn trẻ, cống hiến khi đã có đủ kiến thức.
Trong sách có dạy:"Ấu bất học,lão hà vi,Nhân bất học bất tri lý". mời các thày côgiáo chứng minh bổ đề chữ "nhân" đi. Thật là có ý nghĩa nếu các thày chứng minh được chắc chắn giỏi hơn Ngô Bảo Châu.;
Lương Thế Minh, Nam Định, 05:53, 26/10/2010
Lập luận của tác giả quá phiến diện và kết luận không phải chỉ vội vàng như bạn Ngọc Vinh nói, mà theo tôi là quá hồ đồ.
Lâu nay ở ta có cái cách chỉ trích giáo dục nước nhà dễ dàng nhất là so sánh với cac nước giàu có, ít nhất cũng G20! \
Nay thì tac giả dùng một khái niệm rất mơ hồ là các nước có "nền GD nhân bản" (?).
Với kiểu "chơi chữ" này, xin tác giả trả lời câu hỏi của Ngọc Vinh xem sao? Tôi chỉ xin tác giả trả lời câu hỏi : ngoài các nước có "hiền tài" Nobel, Fields (xin lỗi tôi không xếp giải Oscar vào đây) ,thì "phần còn lại của Thế giới" ( khoảng trên dưới 190 nước) đều là những nước "vô nhân bản" như nước ta chăng ?!
Và nhân đây cũng mượn "học thuyết" của ông để khẳng định rằng : Giáo dục nước ta cũng "có nhân bản" đó thưa ông, vì trong những năm chống Mỹ, chúng ta cũng có một lãnh tụ cach mạng được giải Nobel hòa bình (nhưng không nhận vì người Việt nam rất...nhân bản!), nay lại có thêm một Fields nữa, thì giáo dục nươc ta ... "dư nhân bản " rồi, thưa ông!
Ông khỏi phải "giáo huấn và tìm "bổ đề" cho các thầy cô giáo nữa!
Lẽ ra phải hiểu rằng Ngô Bảo Châu chính gốc được đào tạo cơ bản ở VN,tại trường chuyên của VN,do cac thầy cô VN dạy dỗ. Nếu nước ta giàu ...như Mỹ, có đủ phương tiện nghiên cứu khoa học,có môi trường làm khoa học (như cac nước "có nhân bản" -theo ý tac giả),thì những người tài giỏi Viet nam đâu phải "di tản" ? Và vì thế phải vừa tự hào, vừa cảm thông cho nền GD nước nhà còn nhiều khó khăn mới đúng lương tâm người Việt chứ? tại sao lại nhằm vào tin vui này để chỉ trich rồi "dạy dỗ" các thầy cô Viet nam? Tôi rất đồng tình với suy nghĩ tốt đẹp, thiện chí và khach quan của cac bạn Lê Song Mộc,Lê Thao...khi nói về bài này.
nhuhau, saigon, 01:28, 26/10/2010
Tui thấy bác Ngọc Vinh đặt vấn đề để 'vặn' bác Quang Dương, tác giả bài viết trên là hơi 'móm méo' rồi, nếu không muốn nói thẳng là đôi mắt nhìn đời của bác hơi chật chội, cục bộ.
Bác hiểu gì về 'nhân bản'? Bác thấy khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ lớn hả?
Vậy, thì ở đâu là có sự chênh lệch không lớn? Bác có biết lí do vì sao không ít người ta muốn chạy sang Mỹ không- không chỉ là kẻ không học cũng muốn sang, mà kể cả người tri thức cũng muốn và đã sang đó làm việc. Bác có biết người mới nhận giải Fields toán học họ Ngô của nước mình không? Đang ở nước mà theo cách đặt vấn đề của bác là nước không nhân bản đấy.
Tôi thì nghĩ thế này, nếu không có tính nhân bản trong đó, dù có tiền nhiều, không ai dám sang, vì như kiểu bác nghĩ là chết khi nào không hay. Bác nhầm rồi. Xã hội ấy, không phải ngày nào cũng biểu tình (mà có biểu tình cũng có luật của nó), nổ súng, sát hại nhau đâu.
So với sự trộm cắp tràn lan ở xứ mình và những cuộc va chạm đụng độ chết người không chính đáng được báo giới đăng hàng ngày thì họ vẫn là một xã hội lí tưởng, cần phải học hỏi nhiều bác ạ.
Xin lỗi bác, tôi thấy câu hỏi "tại sao ở Mỹ lại có nhiều chuyện xả súng..." này của bác hẹp quá. Khó tiến bộ trong việc cải cách. Dù sao, bác cũng có quyền phát ngôn, đó là cái quyền tối thiểu nhứt của con người bác.
Đôi lời trao đổi, có gì mạo phạm, xin thứ tha bác nhé!
Lương Tâm Tri Tử
Huỳnh Ngọc Hiếu, Đà Nẵng, 22:57, 25/10/2010
Thực trạng về ngành giáo dục nước nhà rất tốn nhiều giấy mực. Nhưng chưa có lời giải nào đúng trong sâu thẩm của ngành, cứ đem ra mổ xẻ hoài. Nếu nhìn lại lịch sử 10 năm về trước. Ngành đã gặt hái nhiều thành tích rất đáng tự hào. Giáo dục không phải chỉ “dạy và học” mà có rất nhiều tác động cần được quan tâm phân tích.
Thứ nhất: thời tiết và thiên tai ở nước ta hầu như năm nào cũng có, miền Trung là chịu nhiều ảnh hưởng.
Thứ hai: lương của giáo viên các quận xa trung tâm còn thấp, không có điều kiện đầu tư riêng cho mình 1 máy tính xách tay. Và Internet tại nhà
Giá như 2 vấn đề đó sớm có lời giải thì ngành sẽ có 1 bước tiến mới.
( Hiếu – Đà Nẵng)
trần văn khái, Cộng lạc, Tứ Kỳ, Hải Dương, 22:42, 25/10/2010
Tôi rất tâm đắc với bài viết, nhưng "bổ đề cơ bản" của Bác mới chỉ là nói về quan điểm và mục tiêu chứ chưa có giải pháp. Như thế chỉ là hô hào. Nếu làm Bộ trưởng GD thì Bác cũng chỉ hô hay thôi." Bổ đề cơ bản" của GD phải là giải pháp. Không có gì khác là phát triển thị trường GD chân chính trên quan điểm và mục tiêu như nhiều người đã hô hào.
Ngọc Vinh, Đại Cồ Việt Hà Nội, 21:23, 25/10/2010
Tôi hơi giật mình vì bài viết tương đối tốt, chỉ tiếc thiếu số liệu minh họa vài thiếu thông tin và vội vã phán những dòng dưới đây:
"Nhiều nhà văn hóa và nhà khoa học đã đặt vấn đề trước nền giáo dục ở mọi quốc gia trên thế giới: Do đâu mà từ lâu nay, các giải thưởng quốc tế có giá trị cao nhất (như giải Nobel, giải Fields, giải Oscar… ) hầu hết đều được trao cho những người có tài năngđược đào luyện từ những nước có nền giáo dục nhân bản?"
Xin miễn bình luận và gửi đến Vietnamnet thông tin sau đây về phân bố người nhận giải thưởng Nobel ở các quốc gia khác nhau.
1. Mỹ có 203
2. Đức có 88
3. Thụy Điển có 29
4. Nga có 19
5. Hà Lan 16
6. Đan Mạch có 13
7. Nhật Bản có 12
Theo cách lập luận của tác giả thì Mỹ có nền giáo dục "nhân bản" nhất, vậy tại sao sự chênh lệch giàu nghèo ở nước Mỹ vẫn khá cao? Tại sao thỉnh thoảng ở nước Mỹ lại có nhiều chuyện xả súng vào trường học v.v..và rất nhiều câu hỏi khác về nhân bản ở nước Mỹ.
NV Hà Nội
Vĩnh Toàn, Đồng Tháp, 11:23, 25/10/2010
Những yếu kém, lạc hậu của nền giáo dục nước ta thì nhiều, chưa biết bao giờ mới dứt. Chúng ta đã chứng kiến bao lần cải cách, đổi mới. Chúng ta cũng nhận biết rằng quá trình cải cách, đổi mới vô cùng tốn kém, nhưng không hiệu quả. Rõ ràng cái gốc của vấn đề chưa được tìm ra. Ngành giáo dục của chúng ta có xu hướng đứng yên tại chổ sau mổi lần cải cách, sửa đổi. Đây là dấu hiệu cho chúng ta thấy sự trì trệ, trái ngược với nguyên tắc vận hành của cuộc sống: cuộc sống là một quá trình khao khát tự hoàn thiện, khao khát tiến bộ.
Con người dù rất tài giỏi cũng không thể tuyệt đối không sai sót. Bởi vậy tự hoàn thiện là một quá trình liên tục không ngừng. Nhưng quá trình này đã không diễn ra, hoặc diễn ra chậm chạp không có biến chuyển đáng kể nào, chưa kể là nó còn có khuynh hướng duy trì cái cũ, cái lạc hậu. Tại sao vậy?
Lý giải điều này không khó. Những cái cũ, vô bổ, không có ích cho xã hội, nhưng nó lại là những yếu tố để trục lợi cá nhân, tạo ra lợi ích cục bộ. Trong thế giới tiến bộ hôm nay, chúng ta có thể tham khảo những nền giáo dục thành công ở khắp mọi nơi. Bởi vậy không khó khăn gì để cải tiến nền giáo dục nước nhà. Nhưng người ta đã không không làm điều đó, hoặc làm qua loa theo yêu cầu của chính phủ, nhưng ẩn chứa sâu kín bên trong là luôn tìm cách duy trì cái cũ để trục lợi. Sự phi tự nhiên, kiềm hãm sự tiến bộ đã trở nên trầm kha, toàn diện. Bởi vì chính giáo viên là người trực tiếp giảng dạy cũng thừa khả năng để chỉ ra những thứ vô bổ, phải loại bỏ, nhưng họ đã không làm điều đó cũng chỉ vì lợi ích cục bộ, để dạy thêm.
Nói chính xác thì chính tham nhũng trong giáo dục là nguyên nhân chính cản trở đất nước chúng ta có được nền giáo dục nhân bản, tất cả vì con người, vì sự hoàn thiện không ngừng, hướng tới tiến bộ tốt đẹp. Bởi vậy việc cần làm hiện nay là phải loại bỏ tham nhũng trong giáo dục. Phải xử lý thật mạnh tay những cá nhân tham nhũng trong giáo dục, một khi không thể trục lợi cá nhân, không thể tham nhũng thì người ta mới hướng tới yếu tố làm việc tích cực, hướng tới sự hoàn thiện.
Lê Song Mộc, Thanh Hóa, 10:53, 25/10/2010
Ở đâu cũng vậy, giáo dục luôn được dư luận và xã hội quan tâm.
Tại Việt Nam trong những năm gần đây giáo dục được đưa ra mổ xẻ nhiều. Có những ca mổ làm cho người ta trở nên khỏe mạnh, có những ca mổ làm người ta phải bỏ mạng hoặc tàn phế suốt đời. Đa phần những ý kiến về giáo dục là phê phán.
Hơn thế nữa là phê phán theo cái kiểu "nếu để tao làm thì tốt hơn rất nhiều" hoặc "ta kém quá, chẳng thể bằng một nước X, Y, Z nào đó". Có lẽ chẳng ở quốc gia nào mà nền giáo dục "được" nhiều người phán xét như ở Việt Nam!
Đành rằng còn nhiều hạn chế nhưng chẳng lẽ chỉ có phê phán thôi ư?
Ít lắm những bài tuyên dương giáo dục, tuyên dương nhà giáo (có lẽ chỉ xuất hiện nhiều trên báo Giáo dục và Thời đại - một tờ báo của ngành!).
Hãy về những vùng miền xa xôi nhất nước như nơi chúng tôi đang công tác đây sống một thời gian rồi hãy phê phán.
Các vị có thấy các thầy cô nhường cơm sẻ áo cho học sinh, thậm chí còn phải cõng chúng nó đến trường, có thấy nhờ đến trường mà nhiều em thoát khỏi kiếp sống như nhân vật Mị trong "Vợ chồng A Phủ" không. Đừng nhìn vào hiện tượng mà quy kết. Phải công bằng. Đặt mình vào cương vị những người bị phê phán ấy.
Le Thọ, 09:45, 25/10/2010
Bài viết mang tính chất chung chung, không rõ ràng và định hướng giải quyết vấn đề quá mơ hồ. Thiếu các con số thống kê cụ thể minh họa cho bài viết, thiếu hiểu biết thực tiễn vì đúng ra ông chưa đi dạy nên không thấy tình hình cụ thể của trường lớp giáo viên, thiếu đặt giáo dục trong hoàn cảnh một nước đang phát triển thì bản chất giáo dục cũng đang phát triển. Tôi thấy ông dùng toàn mỹ từ mà chính ông không rõ hiện trang nền giáo dục hiện nay.
hương, văn quán -hà đông, 09:43, 25/10/2010
Thật là tâm đắc với bài viết này. Tôi thấy ong quang Dương đã nói đúng và trúng về cái yếu nhất của GD Việt Nam. Chính vì cái yếu này khiến cho hàng loạt cái mạnh khác, hoặc là bị sử dụng cho mục đích không tốt, hoặc là yếu theo. Mong sao mỗi cá nhân người lớn tự làm mạnh cái yếu này cho mình và giúp đỡ những mầm non phát triển nó.
Nhân, Ha noi, 09:32, 25/10/2010
Tiên học lễ hậu học văn:
Học sinh ra khỏi cổng trường chửi nhau như ngoài chợ!