Tường trình "bạo lực học đường"

Cập nhật lúc 06:23, 30/10/2010 (GMT+7)

- Dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng cảm nhận nhiều người như một "tần suất các đoạn clip nữ sinh đánh nhau" ngày càng nhiều. Đó là biểu hiệu xuống cấp trong đạo đức của một bộ phận giới trẻ hay người lớn mải tậu xe hơi, biệt thự?; Các trường học mải "chạy" theo bệnh thành tích mà xao nhãng giáo dục nhân cách?

Bởi chỉ cần vào google gõ "bạo lực học đường" chỉ 0,27 giây cho kết quả khoảng 2.160.000 đường dẫn bài phản ánh. Học gõ từ khóa “nữ sinh đánh nhau” trên YouTube, có thể tìm thấy nhiều đoạn clip nữ sinh đánh nhau mà mức độ tàn nhẫn khiến ai cũng rợn người.

Vô cảm và đậm chất bạo lực

a
Ảnh chụp từ clip nữ sinh Cẩm Phả bị lột áo, cắt tóc

Từ năm 2008, các clip nữ sinh đánh nhau được tải lên mạng bắt đầu xuất hiện. Đầu năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT đưa con số thống kê của cả nước có đến gần 1.600 vụ học sinh (HS) đánh nhau ở trong và ngoài trường học.

Gần đây, các clip HS đánh nhau được tung lên mạng ngày càng nhiều. Số lượng cụ thể khó liệt kê hết bởi nó trải dài từ các tỉnh miền núi (Lào Cai, Yên Bái) đến đồng bằng (Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh), rồi vào các tỉnh phía Nam.

Dù các nhà trường đã có những biện pháp xử lý kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm) nhưng đều vô hiệu?

TIN LIÊN QUAN
Chỉ trong hơn một tháng trở lại đây, đã xảy ra ít nhất ba đoạn clip quay cảnh các nữ sinh tụ tập đánh nhau được đưa lên mạng. Nguyên nhân đánh nhau của cả ba đoạn clip đều xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân như chuyện tình cảm, va chạm nhỏ trong lớp, hoặc hiểu nhầm qua lời nói.

Đoạn clip nữ sinh đánh nhau của nhóm nữ sinh Cẩm Phả (Quảng Ninh) được đưa lên mạng vào chiều tối 23/10 khiến người xem phẫn nộ. Gần 4 phút clip toát lên lối hành xử vô nhân và dã man của một bộ phận giới trẻ.

Không chỉ ở clip này mà nhiều đoạn clip nữ sinh đánh nhau khác đều có sự xuất hiện của các nam sinh. Nhưng họ chỉ đứng xem và còn buông ra vô số lời tục tĩu, thậm chí kích động để...hoàn thành clip.

Trước đó, các phụ huynh, HS Hà Nội xôn xao với clip một nữ sinh Trường THPT Trần Nhân Tông bị các bạn đánh hội đồng tại vườn hoa. Đứng, ngồi xem nhóm bạn đánh hội đồng một nữ sinh có cả các bạn nam. Họ ngồi như đang xem "phim chưởng"!

Những lý do dẫn đến đánh nhau cũng lãng xẹc, khi một nhóm HS lớp 8, lớp 9 ở Hà Nội xử nhau chỉ vì nghĩ "bạn mình gọi điện vào máy di động chửi bậy" nên...đánh. Nạn nhân là Nguyễn Ngọc A.- 13 tuổi (HS lớp 8 Trường THCS Vân Hồ).

Đau lòng và đáng lên án hơn là việc HS Nguyễn Thị Hương T. lớp 12B Trường THPT dân lập Hữu Nghị (TP.Vinh, Nghệ An) đoạt được một huy chường (HC) vàng, hai HC bạc giải quốc gia và giải trẻ quốc gia về karatedo cũng tham gia đánh bạn dã man vào giữa tháng 9 vừa rồi.

Sẽ lại thêm, rồi tiếp diễn...

a
Nữ sinh Nghệ An bị đánh hội đồng
Sau mỗi đoạn clip được đưa lên mạng, ai cũng mong có giải pháp ngăn chặn triệt để nhưng xem ra chưa có thuốc chữa. Nhà báo Ngô Thiệu Phong nêu thực tế, những đoạn băng ghi hình cảnh HS đánh nhau được tung lên mạng đều quay bằng điện thoại di động. Đáng lưu ý là, HS dùng điện thoại để quay phim chứ không phải để báo cho thầy cô và người lớn.

"Bởi vậy, Điều lệ trường và nội quy mỗi trường nên có thêm các điều khoản bổ sung để theo kịp sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet" - ông Phong đề xuất.

Trước hiện tượng bạo lực học đường đã trở thành vấn đề nóng, báo động, đã có luồng ý kiến cho rằng đó là sự xuống cấp về đạo đức và đề nghị đuổi học những HS hư đó để môi trường giáo dục được yên bình.

Cũng có nhận định, các trường phổ thông quá mải "chạy" theo thành tích nên xao nhãng giáo dục nhân cách cho HS?

Trả lời phỏng vấn báo VietNamNet, luật sư Nguyễn Văn Tú chia sẻ, trước mỗi vụ bạo lực cụ thể chúng ta vẫn lúng túng trong việc lựa chọn hình thức và mức độ xử lý. Việc đình chỉ học tập đôi khi là mục đích của các cháu khi thực hiện hành vi bạo lực, đối với các cháu không muốn đi học. Và như vậy là chính nhà trường và chúng ta mắc vào bẫy mà các em đặt kế hoạch.

Vậy nên các nhà trường, gia đình và xã hội đều "bó tay"?

Trong số gần 1.600 vụ HS đánh nhau Bộ GD-ĐT "tóm" được thì có đến 735 HS bị buộc thôi học có thời hạn từ 3 ngày đến 1 năm; số còn lại nhận hình thức khiển trách và cảnh cáo. Tuy nhiên, không vì thế mà bạo lực học đường giảm.

  • N.Hiền

Bài 2: Cùng bốc thuốc trị bệnh "bạo lực học đường"

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Đỗ Mạnh Dương, 27 đường 13- kp 01- P. Hiệp Bình Chánh -Thủ Đức _TP HCM, 00:09, 31/10/2010

Theo tôi nguyên nhân sâu xa của bạo lực học đường hiện nay là cách giáo dục đạo dức, tư tưởng, cách ứng xử của học sinh bị buông nhẹ. Người học, người dạy và cả xã hội thì chú trọng đến học để thi, đa phần chọn học ban cơ bản khoa học tự nhiên (trên 90%) mà lơ là các môn khoa học xã hội. Chính những môn KHXH mới có ưu điểm nổi trội để rèn đạo đức, lối ứng xử vị tha, thương yêu đồng loại...Chúng ta phải trả giá cho vấn đề này là tất yếu thôi.

Ngô Đề, Nam Định, 15:14, 30/10/2010

Tôi theo dõi bạo lực học đường của HS thời mở cửa cũng thấy VÔ CÙNG BỨC XÚC.Nhà trường gia đình và xã hôi cần có những pháp chế với học sinh.Trước tiên từ gia đình nếu cha mẹ không chiều theo sở thích của con như xe máy,điện thoại di động...mà phải có tác động tích cực cho con về đạo đức và học tập.HS suy đồi về đạo đức ngày càng nhiều nhà trường không vì THÀNH TÍCH mà để hỏng cả thế hệ học sinh nhà trường cần nghiêm khắc với những học sinh vi phạm nôi quy nhà trường...Xã hội các cơ quan chức năng cần khởi tố hình sự điển hình như hai vụ gần đây:HS Nguyễn Thị Hương T ở Nghệ An và HS Nhâm ở Quảng Ninh.Phải có biện pháp rắn mới có tính răn đe các bạc phụ huynh không phải e dè nể nang giải quyết nội bộ nếu như vậy thì bạo lực học đường càng gia tăng

Nguyễn Chung, TP Thanh Hóa, 08:54, 30/10/2010

Là những đồ đệ của Khổng Tử, Mạnh Tử cho rằng ; con người sinh ra vốn là thiện " , nhưng Tuân Tử cho rằng con người sinh ra vốn là ác, nên mới cần đến trường học và pháp luật.

Trường học để dạy người ta điều tốt điều thiện, pháp luật để ngăn chặn và trừng phạt cái xấu , cái ác .

Có lẽ quan điểm của Tuân Tử là khoa học và khách quan hơn.

Vậy tình trạng BLHD và các tệ nạn XH ngày càng gia tăng, chứng tỏ hai nền của chúng ta kém hữu hiệu đó là nền giáo dục và nền pháp quyền, đơn gian vậy thôi, có gì đâu mà suốt ngày hỏi và tìm nguyên nhân của tình trạngh BLHĐ..tìm nguyên nhân ..chẳng qua là né tránh trách nhiệm, không nhìn thẳng váo sự thật mà thôi.

Thế hệ 9x, Hà Nội, 08:09, 30/10/2010

Chào các anh chị,cô chú độc giả.

Theo cháu thfi tình trạng đánh nhau giữa nữ sinh hay nam sinh với nhau ở tuổi chúng cháu cũng bình thường thôi mà.Cháu xin được phép nhận định rằng:

Chuyện này là rất đỗi bình thường và diễn ra như cơm bữa.

Các bác với cô chú là thế hệ đi trước thì cũng có thể nói là lỗi thời và đi chậm so với thời đại nên suy nghĩ có phần truyền thống nên dĩ nhiên nhìn mấy hình ảnh này choáng là phải .Còn đối với thế hệ chúng cháu thì :là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Xin cảm ơn .

Thế hệ 9x, Hà Nội, 07:49, 30/10/2010

Chào các anh chị,cô chú độc giả.

Theo cháu thfi tình trạng đánh nhau giữa nữ sinh hay nam sinh với nhau ở tuổi chúng cháu cũng bình thường thôi mà.

Cháu xin được phép nhận định rằng: Chuyện này là rất đỗi bình thường và diễn ra như cơm bữa.

Các bác với cô chú là thế hệ đi trước thì cũng có thể nói là lỗi thời và đi chậm so với thời đại nên suy nghĩ có phần truyền thống nên dĩ nhiên nhìn mấy hình ảnh này choáng là phải .

Còn đối với thế hệ chúng cháu thì :là một phần ko thể thiếu của cuộc sống.

Xin cảm ơn .

Các tin khác