“Cô thích uống rượu vang đỏ...”

Cập nhật lúc 11:50, 28/10/2010 (GMT+7)

- Những năm học đầu cấp 3, người tôi gầy đét như một thanh củi khô, trong khi lũ bạn cùng trang lứa đứa nào củng phởn phơ trổ dáng.

Nguyên nhân cơ bản nhất là nhà tôi nghèo đến mức chẳng có đủ gạo mà ăn. Những chiều được nghỉ học đi làm ruộng, mẹ tôi thường nói: “Con không cố gắng học thì cả đời sẽ gắn với cây lúa như thế này”.

Như một ám ảnh sợ hãi về cái nghèo, tôi lao vào học. Tôi học để sau này không phải làm ruộng nữa, học để tương lai của mình không còn giống mẹ: đói khát và nhịn nhục trước những trận đòn của bố.

Mặc dù thành tích học tập luôn đứng đầu lớp nhưng trong lòng tôi mặc cảm khủng khiếp: mỗi lần đứa bạn thắc mắc tại sao không mặc áo ấm vào mùa đông, tôi lại đỏ mặt xấu hổ; mỗi khi lũ bạn gợi ý đến nhà chơi, tôi lại khéo léo từ chối vì lỡ đâu ở nhà bố uống rượu say, nhìn thấy tôi dẫn bạn về. bố lại chửi; tôi sợ nhiều thứ…Thành ra, dần dần tôi cách xa bạn bè, chúng nó cũng chẳng cần chơi với tôi.

Mô tả ảnh.

Trường tôi có tiếng về kỷ luật học sinh nên mọi thứ đề phải chuẩn. Mỗi lần nhà trường thu tiền nhiều hay ít, chúng tôi cũng phải nộp đúng thời hạn.

Có lần, mẹ chưa kịp vay tiền, tôi không nộp đúng hạn, lớp bị trừ điểm thi đua là cô chủ nhiệm lại trách phạt làm tôi xấu hổ thêm.

Dần dần, tôi cũng sinh ra ác cảm với các thầy cô. Tôi học để không ai nói động đến mình. Vậy mà không hiểu tại sao, các bạn lại bầu tôi làm tổ trưởng.

Chủ nhiệm lớp tôi năm lớp 10 là cô giáo dạy môn Địa. Cô dạy rất hiểu bài, các công việc của lớp cô đều quan tâm sát sao tới từng “mũi kim sợi chỉ”.

Chính vì vậy mà phong trào nề nếp của lớp tôi lúc nào cũng đứng đầu trường.

Nhưng cả lớp đứa nào cũng sợ vì cô quá nghiêm khắc. Mọi vi phạm của chúng tôi ,dù là nhỏ nhất, cũng bị cô phạt bằng nhiều hình thức khác nhau.

Lớp toàn con gái, đứa nào cũng có biết bao tâm sự. Nhưng chưa đứa nào có ý định tìm cô để “tư vấn” như hồi tôi còn học ở cấp 2 trường làng.

Riêng các bạn cán sự thì lại hay đến nhà chơi và được cô rất quý. Tôi thường thấy các bạn bàn nhau tặng cô đôi dép, hộp phấn hay thỏi son….

Buổi họp Tết Nguyên Đán đặc biệt

Hôm đó, cô chủ nhiệm thông báo các cán bộ lớp ở lại để bàn kế hoạch tổ chức chúc mừng các thầy cô nhân dịp tết Nguyên Đán.

Nghe cô thông báo, tôi thấy hơi lạ vì từ trước tới giờ, các giáo viên chủ nhiệm mà tôi học không hề làm việc này. Chúc mừng các thầy cô theo hình thức như thế nào là do lớp tự thống nhất với nhau.

BÀI VIẾT CỦA BẠN ĐỌC

Buổi họp diễn ra đầy đủ các ban bệ: lớp trưởng, bí thư, lớp phó học tập, các tổ trưởng.

Cô mở đầu:

- Sắp tới là tết cổ truyền. Cô muốn thông qua các em về công tác chuẩn bị để sao cho lớp mình tổ chức chúc tết các thầy cô được trang trọng.

Chưa ai nói gì, cô lại tiếp:

- Các em đã bàn bạc thống nhất kế hoạch với nhau chưa?

Một vài bạn trả lời:

- Thưa cô, chưa ạ!

Cô hơi gắt:

- Đến thời điểm này mà chúng ta chưa chuẩn bị gì là hơi chậm đấy.

Bạn lớp trưởng nhanh ý:

- Thưa cố, chúng em cũng đã bàn qua với nhau thôi nhưng tổ chức như thế nào thì cần sự góp ý của cô để ngày lễ được ý nghĩa.

Cô tươi tỉnh trở lại:

- Được, cô tổ chức buổi này cũng vì việc đó. Rút kinh nghiệm nhiều khóa trước rõ có lòng chúc mừng các thầy cô nhưng vì vụng về nên lại làm các thầy cô phiền lòng. Vậy em đã có ý tưởng gì?

Lớp trưởng trả lời:

- Em mới dự trù kinh phí để mua quà chúc mừng các thầy cô dạy ở lớp thôi ạ. Nhưng em chưa bàn mua quà gì.

Cô gật đầu rất nhẹ, sau đó cô đột ngột quay lại hỏi:

- Theo Trinh thì chúng ta nên mua quà gì cho thích hợp?

Từ trước tới giờ, ngày tết hay 20/11, chúng tôi thường mang hoa và thiếp mừng đến nhà các thầy cô giáo, đó là những bó hoa sặc sỡ mua ở chợ làng được gói bằng rất nhiểu nilông xanh đỏ.

Sau vài lời chúc mừng theo khuôn mẫu chúng tôi túa ra vườn nhà các thầy cô vặt tất cả loại quả gì có thể ăn được, kể cả búp ổi xanh, có thầy cô chuẩn bị sẵn bánh kẹo, chúng tôi đến cùng nhau chén sạch, chẳng ngại ngần gì. Các thầy cô cũng vui vẻ ân cần hỏi chuyện từng đứa, không khí rất thoải mái. Nghĩ vậy, tôi liền trả lời cô:

- Thưa cô, chúng ta chọn mua tặng mỗi thầy cô một bó hoa thật đẹp cùng thiệp mừng.

Các bạn tự nhiên im lặng. Cô chủ nhiệm đột ngột không cười nữa, đổi hẳn giọng:

- Chị tưởng mua được hoa đẹp dễ lắm sao? Ngày tết ai bán hoa cho chị? Hơn nữa, ngày hôm đó bao nhiêu lớp mua, quanh đây lại có ba bốn trường…

Tôi định khẳng định tiếp với cô là có thể mua được hoa, nhưng cái Thu ngồi cạnh cấu vào đùi tôi ra hiệu đừng nói nữa. Tôi im bặt. Thu đứng lên:

- Thưa cô, theo em, chúng ta vẫn mua tặng mỗi thầy cô một bó hoa tượng trưng nhưng kèm với hoa là một món quà thật ý nghĩa ạ.

Cô tươi tỉnh trở lại:

- Được! Em có ý tưởng gì không?

- Thưa cô! Em nghĩ nên mua kèm hoa là một bộ ấm chén uống nước.

Buổi họp tiếp tục bởi bao nhiêu ý kiến khác nhau, người mua cái này, người mua cái nọ. Các bạn quay ra thảo luận sôi nổi với cô. Riêng tôi ngồi im chẳng dám nói gì, cô cũng chẳng hỏi gì đến ý kiến.

Cuối cùng, cô nói với các bạn:

- Cô nghĩ rằng ngày tết, các thầy cô giáo ai cũng có nhiều hoa và quà. Cái khéo của người chúc mừng là nên tìm hiểu sở thích của từng thầy cô rồi sau đó mình mua quà cho có ý nghĩa.

Rồi cô liệt kê ra một loạt sở thích khác nhau của từng giáo viên dạy trong lớp:

Thầy A. thích calavat bằng lụa, cô B. thích đi giày màu trắng, thầy C. thích áo sơ mi kẻ sọc, cô D. thích uống sữa tươi không đường. Còn cô và gia đình thích uống rượu vang đỏ. Tổng hợp chi phí phát sinh tăng gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu của lớp.

Một tuần sau, cô cho bầu lại cán sự. Bạn Hường được sử làm tổ trưởng thay tôi, các cán sự khác vẫn giữ nguyên.

Đã 15 năm trôi qua, tôi đã thành đạt, cô cũng đã nghỉ hưu. Tuy vậy, buổi họp hôm đó vẫn ám ảnh tôi như một kỷ niệm buồn.

Tôi buồn cho sự quê mùa của mình ngày đó. Tôi buồn khi nhớ nét mặt của mẹ tất tả sang nhà hàng xóm vay một bao thóc và bán vội đi để cho tôi có tiền kịp đóng quỹ lớp. Và hình như có một nỗi buồn nào đó nữa mà tôi không thể lí giải được.

  • Ngọc Trinh

**************

Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Bài được chọn đăng sẽ có chế độ nhuận bút. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Trần Quốc, Hà Nội, 18:54, 30/10/2010

Chào chị Trinh, đúng là một kỷ niệm buồn nhưng nó đã qua rồi. Hiện tại chị đã là người thành đạt, đó mới là điều quan trọng và đáng để chị tự hào.

Tôi nghĩ, những việc làm như kỷ niệm hay chúc tụng trong nhà trường đã hoàn toàn lỗi thời vì việc này không mang lại chút ý nghĩa tích cực nào cho học sinh và quan hệ thầy trò. Nếu thầy cô thực sự là những người tốt, được học sinh quý mến thì điều đấy đã là một món quà đích thực.

Như những gì chị mô tả trong buổi họp đó, cô giáo đã gợi ý để học sinh mua những gì mà cô thích. Đó là điều thật sự tệ hại! Học sinh là học sinh, không phải là lái buôn. Lái buôn mới phải tìm cách để làm hài lòng khách hàng của họ. Việc làm trên đã vô tình "dạy" cho các em học sinh biết tạo ra sự giả dối.

Chúng ta hiện giờ rất thất vọng về nền giáo dục. Những nếu muốn sửa, hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất.

nguyen kim dung, Ha noi, 21:30, 29/10/2010

Toi la 1 giao vien day nghe, hoc sinh cua toi rat ngheo va hoc khong gioi lam, bu lai cac em rat kheo tay.

Da co khong it lan cac em tu­ cam hoa tang cac thay co. Cam nhung bo hoa ay chung toi rat cam dong va con dem ve khoe voi gia dinh ve s­u kheo tay cua hoc tro minh.

The nhung co lan Tet den hoc tro hoi toi chung em nen mua qua gi tang cac thay trong khoa? Toi cung biet cac em kho khan trong viec chon qua nen da bao chung mua 1 hop bia tang chung cac thay giao cua Khoa.

Sau lan do toi an han mai, boi hoc tro se nghi rang toi bao chung mua qua cac thay thich. Hoc tro nhu to giay trang, chung ta viet gi len do deu phai can nhac that can than

Nguyễn Thế Quang, TT. An Châu - Sơn Động - Bắc Giang, 12:58, 29/10/2010

Chúc tết các thầy cô giáo nhân dịp lễ, tết là một việc hết sức tốt đẹp và đầy ý nghĩa.

Nhưng theo ý kiến cá nhân, tôi không đồng tình với việc Cô giáo tổ chức họp BCS lớp để bàn việc phải mua quà gì tặng thầy, cô cho có ý nghĩa. Mẹ tôi trước đây cũng là giáo viên, tôi còn nhớ ngày Nhà giáo VN 20/11 năm nào cũng vậy.

Mẹ dặn trước tập thể lớp(Mẹ cũng là cô giáo của tôi. Khi đến nhà cô chơi, không em nào được mang bất cứ thứ gì, kể cả hoa.

Học sinh thì làm gì ra tiền mà mua quà tăng chứ, tôi thấy mẹ rất vui và xúc động khi cả nhóm đến chúc mừng cô nhân ngày 20/11. Cả nhà cùng ngồi uống nước, nói chuyện rất vui vẻ.

Hoang Minh Thai, 12:05, 29/10/2010

Đọc bài này xong, tôi cũng hơi buồn và nhớ đến một ngày vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cách hơn 20 năm. Ngày đó, tôi đang học phổ thông cuối cấp hai.

Hôm đó là ngày 21/1. Cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp và hỏi ngay: " Hôm qua ai là người đầu têu mua quà tặng , đến nhà tôi mang về mà dùng. Nhà tôi rất nhiều nón và chậu".

Quả thực, tôi là người nghĩ ra mua những món quá đó.

Mỗi cô, chúng tôi sẽ tặng một món quà thôi (nón hoặc chậu nhôm) và cô chủ nhiệm sẽ được tặng chậu.

Nhưng vì dư tiền nên chúng tôi bàn ( vì là cô chủ nhiệm) nên chúng tôi mua thêm một chiếc nón nữa để tặng cô và vẫn còn tiền mua hai gói kẹo để liên hoan.

Kế hoạch như vậy nên chúng tôi rất vui vì nghĩ rằng mình đã làm đúng ( cô chủ nhiệm được tặng nhiều quà hơn). Nhưng sau hôm 20/11, và sang 21/11 thì chúng tôi đã bị bất ngờ và không hiểu nổi?

Sau đó suy nghĩ và tôi đã hiểu một phần. Và từ đó đến nay, năm nay, tôi đã gần 40 tuổi rồi, tôi vẫn rất lo lắng và cẩn thận tìm hiểu , suy nghĩ rất kỹ trước khi mua quà tặng cho ai đó. Không hiểu những người nhận được quà tặng của tôi mua ( mua cho chính mình đi tặng hoặc mua cho chồng mình đi tặng hoặc mua cho các con đi tặng vào các dịp sinh nhật, ngày phụ nữ, ngày nhà giáo Việt Nam, ngày kỷ niệm ....) có hài lòng hay không? Tôi cũng không rõ được hết nhưng chỉ thấy rằng không có ai phản ứng lại như cô giáo chủ nhiệm của tôi ngày đó.

le van tuan, 90 duong 46 binh trung dong quan 2 Ho chi Minh, 11:25, 29/10/2010

Chuyện của bạn làm tôi chợt nhớ đến chuyện của mình ngày xưa.

Bố mẹ tôi là người thoát ly hoạt động bí mật. Nên gởi tôi cho người cô ruột nuôi. Đất nước thống nhất , ai cũng có gia đình riêng nên tôi vẫn phải sống chung cùng cô, dượng nuôi.

Nhà rất nghèo, tôi phải vừa đi học vừa phụ dượng đẩy xe bò chở hàng hoá cho người ta tại thành phố Đà Nẵng.

Tuổi thơ của tôi trôi qua trong đói nghèo ,cơ cực.

Giống như bạn, tôi đã nguyện phấn đấu đễ đổi đời bằng việc học tập. Tôi đã từng ước mơ sau này sẽ là một thầy giáo đứng trên bục giảng.

Thế nhưng cuộc đời không đơn giản như chúng ta nghĩ. Có những chuyện thật buồn lòng xảy ra mà không phải ai cung may mắn như bạn ... có thể vượt qua.

Bạn còn có nguòi Mẹ hiền tần tảo mượn được bao lúa để tiếp tục việc học. Còn tôi, không đủ can đảm nói thật với gia đình về mọi chuyện nên đành chia tay học đường khi đang dở dang năm 11.

Chuyện qua đã hai mươi mấy năm rồi.

Tôi giờ cũng đã lãng quên và không còn trách cứ ai nữa.

Nếu không tình cờ đọc được những dòng tâm sự của bạn, chắc tôi cũng không muốn nhắc lại kỷ niệm đau lòng này. Chỉ mong sao sau này nếu ai đó được cuộc đời trao cho nhiệm vụ cao cả, được đứng trên bục giảng.

Xin hãy trân trọng công việc của mình. Đừng làm vấy bẩn tâm hồn các em. Vì không ai muốn sinh ra trong một gia đình nghèo cả.

Lê Tuấn, Vĩnh Phúc, 11:16, 29/10/2010

Tôi khẳng định câu chuyện bạn kể trên là hoàn toàn có thật.

Tôi đã từng là cán bộ lớp, nhưng tôi may mắn hơn bạn là bố mẹ tôi đủ điều kiệp để cho tôi đóng góp các khoản chi phí.Có những thầy cô giáo bây giờ tôi vẫn dẫn con tôi đến nhà thăm lại thầy cô, tôi luôn nhớ ơn họ. Nhưng có những "cô" những "thầy" tôi không biết có nên coi họ là cô, là thầy không vì ông cha ta vẫn dạy "1 chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy".

Nhưng thú thực họ đã làm tâm hồn trong sáng của những cô, cậu học trò cấp III như chúng tôi cảm thấy bị vẩn đục khi họ gợi ý Ban cán sự lớp như chúng tôi nên mua quà gì.

Cô giáo chủ nhiệm của tôi còn nói "nếu các em không biết mua quà thì để phong bì cũng được".

Bây giờ mỗi lần gặp lại cô, tôi đều lảng tránh, tôi sợ tôi phải chào hỏi người mà tôi không kính trọng.

Tram, Da Nang, 08:41, 29/10/2010

Sao mà giống tôi trước đây quá!

Tôi rất nhớ thời gian ấy bạn bè và vài thầy cô hay nhìn tôi bằng ánh mắt khinh thị.

Nhưng tôi may mắn hơn vì sau này thầy cô ai cũng yêu quý tôi và cho tôi đi học thêm, bồi dưỡng mà không hề lấy tiền.

Thầy cô cũng có nhiều người cư xử không đẹp.

Thầy cô đôi lúc nên nhìn lại mình để có cách ứng xử hay hơn, vì dù là thầy cô đi chăng nữa thì họ cũng cần phải tiếp tục ..học, thậm chí học từ chính học trò của mình.

Chu M. Đạt, 08:15, 29/10/2010

Tất cả chỉ phản ánh mặt bằng dân trí của ta còn thấp quá.
Hiện tượng như bạn đọc vừa nêu là hoàn toàn có thật. Tuỳ từng điều kiện, từng nếp sống, văn hoá khác nhau nhưng nhìn chung là học sinh Việt Nam rất lo lắng đến việc thăm viếng thầy cô vào các dịp lễ. Có em thì đến với thầy cô vì tấm lòng, nhưng cũng rất nhiều em đến vì cơ hội. Hiện tượng quà cáp, lãng phí cũng rất nhiều. Thầy cô, hơn ai hết hiểu điều đó. Tuy nhiên, đáng lẽ thầy cô cần ngăn chặn (hoặc thậm chí lảng tránh) vì đây là việc làm nhạy cảm. Nhưng cũng rất nhiều thầy cô tham gia vào việc này, thật đáng tiếc.
Cũng từ đây, xin thầy cô nhớ rằng, việc của thầy cô hãy tập trung vào công việc chính của mình. Thầy cô cần đi trước các thế hệ phụ huynh và học sinh, không sa đà vào những việc ngoài chuyên môn như vậy nữa. Một bài học đắt giá cho những người thầy!
GV. Chu Mạnh Đạt

henry nguyen, hcm, 08:05, 29/10/2010

Đọc bài của bạn mà sao tôi thấy giống hoàn cảnh của mình ngày xưa quá. Thật cảm động. Hồi ấy, tôi không những không đóng học phí đúng thời hạn mà ngay cả đi học thêm ở nhà cô chủ nhiệm cũng không có điều kiện nữa. Chính vì điều đó mà tôi luôn bị gọi lên bảng làm bài nữa đó và luôn bị chì chiết. Thật buồn chính vì vậy cho đến bây giờ những mặc cảm về khoảng cách giữa tôi và các giáo viên luôn tồn tại. Cám ơn bạn đã chia sẻ bài viết.

Hà Hoài Nam, Quảng Trị, 00:19, 29/10/2010

Cách đây hơn 30 năm. Tôi cũng là một học sinh cấp 3 sức học được bầu là cán sự toán của lớp và thanh niên cờ đỏ của trường. Những tưởng những kỷ niệm sẽ phai mờ theo năm tháng nhưng đọc xong bài này nước mắt tôi cứ muốn trào ra.
Hồi ấy, tôi học ở một trường cấp 3 của miền trung du nên nhiều cọ lắm. Quê tôi nghèo và nhà tôi cũng nghèo nhất trong những người nghèo ở làng. Các anh đi bộ đội hết cả tôi là con út, bố mẹ đã hết tuổi lao động và sức khỏe kém. Nhà xa trường tôi phải đi ở trọ (chính xác hơn là đi ở nhờ nhà dân).
Tuổi còn nhỏ mà phải lo đủ thứ. Tôi thương bố mẹ muốn nghỉ học mà các cụ không cho. Đầu mỗi tuần, có nhiều khi mẹ tôi chưa kịp chuẩn bị gạo cho tôi thì tôi không thể ở lại nhà trọ được. Gạo mẹ lo cho tôi là những hạt thóc rơi mẹ mót trên cánh đồng hợp tác. Khi bà con đã cầy ngả rạ thì mẹ tôi nạo vét dưới lớp cỏ và đất những hạt thóc rụng trên bờ (Những chỗ xếp lúa đã gặt xong trên thửa ruộng). Thế rồi, những hạt lúa được sàng lọc từ đất cát cỏ rác và đãi rửa dưới mương nước cho hết bùn. Mẹ đem về cho lên chảo vừa sấy vừa rang cho khô để xay ra thành gạo cho tôi đem đi.
Tôi nghĩ không cần nói thêm điều gì nữa về sự nghèo khó của mình. Ấy thế mà thày giáo chủ nhiệm của tôi có hiểu cho hoàn cảnh của tôi hay không?
Trên bục giảng, ở góc tường có một tổ mối. Theo quy định của thày, mỗi buổi sáng đi học lớp phải đổ vào đó một chai dầu hỏa. Hôm đó đến lượt tôi, vì là học trò thật thà nên tôi thú thật với thày là tôi không có dầu để đổ vì tôi cũng không có dầu để thắp đèn học buổi tối mà phải học ké con của chủ nhà.
Thày nhìn tôi như thể tôi đến từ hành tinh khác và thày nói những gì thì tôi cũng không muốn nói ra nữa. Cũng từ đó, thày không những lạnh lùng mà còn gây bao áp lực cho tôi. Tôi tưởng không qua nổi cấp 3. Thế rồi, sự kiện tháng 2 năm 1979 tất cả đều hướng ra biên giới phía bắc tôi cũng tốt nghiệp được và lận đận. Cho đến nay cũng có bằng cái đại học mặc dù nó chỉ là (Tại chức).
Giá mà tôi sớm thành đạt trước khi mẹ tôi mất; giá mà thày đừng làm cho tôi mỗi lần đến lớp là một cảm giác nặng nề và giá mà ngày ấy thày đừng nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng và nếu ngày ấy tôi có đày đủ đóng góp như các bạn. Ôi! Giá mà...
Tôi viết ra những tâm sự của mình, không phải để mong sự chia sẻ của mọi người đâu, vì giờ đây, tôi đã hơn 50 tuổi rồi. Con tôi cũng có đứa đang là sinh viên, có đứa đang đi học phổ thông nên tôi có thói quen cứ mỗi khi con đi học về lại hỏi: "Hôm nay, ở lớp cô thày cô có vui với con không?"
Thày cũng thứ lỗi cho con, Con cũng không trách thày đâu. Nhưng có lẽ cái số của con nó phải thế. Phải chịu cảnh nghèo hèn ở cái tuổi cắp sách tới trường.
Các bạn ạ. Làm thày dạy học là người chở đò cũng không sai nhưng hãy là người chở đò có tấm lòng nhân ái.

Nguyễn Quang Vũ, Hà Nội, 23:11, 28/10/2010

Bạn không có gì phải cảm thấy buồn hay xấu hổ, hãy xấu hổ thay cho người giáo viên kia kìa. Việc tặng quà đơn giản chỉ là thể hiện tấm lòng của các em học sinh đối với thầy cô của mình, việc tặng hay không, hoặc tặng quà gì là do các em chứ sao cô giáo chủ nhiệm lại phải gợi ý??

Ha trinh, 22:41, 28/10/2010

Cau chuyen ban ke that co y nghia. No la mot noi buon va cung du lam nguoi ta giat minh vi su thuc dung cua mot so thay co.

Co the nhung mon qua nay no chang dang la gi doi voi nhung gia dinh kha gia,nhung doi voi nhung dua tre ngheo thi la ca van de.

Quan trong nua co danh mat di o hoc sinh mot cai nhin kinh trong,su nguong mo va hon the la con la thu cao quy hon:dao duc nguoi thay.

Mong rang se chi co it,rat it nhung mang mau den nhu the de tam hon hoc sinh duoc boi dap boi nhung dieu tot dep nhat,de moi khi nho toi co thay chi muon goi len nhung tieng than thuong:con yeu thay co nhieu lam lam!

Nguyễn Hoàng Duy, 20:39, 28/10/2010

Chào chị Trinh.

Em viết những lời này để nói với chị một điều: chị không có gì phải xấu hổ. Người đáng xấu hổ phải là cô giáo ấy.

Ngày xưa, tuy gia đình em không quá nghèo, nhưng cũng không dư dả mấy. Vì thế, khi tặng quà cho các thầy cô, em không cầu kỳ, chỉ tặng những gì có ý nghĩa. Các thầy cô của em cũng không ai gợi ý học sinh làm rầm rộ tốn kém như cô của chị. Có năm, em rất thương cô chủ nhiệm, nhưng không tặng quà đắt tiền (đơn giản vì em chẳng có tiền) mà chỉ là một nhánh hoa. Một nhánh hoa giả duy nhất, méo mó, xấu xí, nhưng đó là tấm lòng của em đặt vào đấy khi tự tay kết từng mảnh giấy làm nên nó. Và cô cũng vui vẻ nhận, không hề chê hay trách móc gì.

Cũng có dịp cả lớp theo phong trào nộp lồng đèn cho trẻ em nghèo vui trung thu. Em không có tiền mua lồng đèn giấy kính sặc sỡ để nộp cho các bạn, mà chỉ lấy lon sữa đục đẽo tự làm thành sản phẩm. Lồng đèn của em "nổi bật" trong số ấy vì nó quái dị hơn ai hết. Nhưng em không hề xấu hổ, bởi vì đó là thành quả lao động của em, nó đáng quý hơn một món quà mua dễ dàng bằng tiền. Và hơn nữa, nó không tốn kém nhiều tiền bạc của cha mẹ. Em tự hào vì đều ấy, dù cho mọi người có khinh rẻ em đi nữa.

Người ta nói xấu mình, chê mình nghèo, chê mình quê mùa... thì cứ mặc kệ. Chính mình hiểu rõ mình hơn ai hết. Chỉ cần chị sống thật với lòng mình, không làm hại ai, có lòng nhân ái, biết suy nghĩ đến người khác... thì dù chị có quê mùa (như chị nghĩ) cũng còn hơn những kẻ giàu sang mà thấp kém về đạo đức.

Em chỉ muốn nói, chị hãy cố lên. Mình trong sạch thì không có gì phải xấu hổ.

đỗ quang đại, hải phòng, 18:44, 28/10/2010

Theo tôi thì bạn như vậy hoàn toàn không có lỗi gì cả mà phải xấu hổ.

Tôi cũng đã từng trait qua những năm tháng như bạn, nhưng tôi không bao giờ cho mình làm một chức gì trong lớp cả, tôi luôn sống biệt lập với các bạn khác, vì đó là do hoàn cảnh mà thôi.

Mình sinh ra ở nông thôn thì đương nhiên là gia đình phải khó khăn, vậy mà thầy cô lại bắt mình bày tỏ lòng thành một cách như vậy thì tất nhiên là không được, nó phải dựa trên tấm lòng thành của học sinh.

Dù bây giờ tôi đã trưởng thành, nhưng những thầy cô như vậy thì tôi coi như mình không có gì liên quan đến họ, thành quả học hành là do mình tự mày mò mà đạt được, mình đã bỏ tiền để đi học cơ mà.

Còn những thày cô tâm huyết đã giảng dạy cho mình thì đó lại là những công ơn to lớn mà chúng ta nên khắc ghi.

Dihoha, Cầu Giấy, 16:39, 28/10/2010

Đọc câu truyện của bạn, tôi thấy thật buồn.

Tôi cũng làm công tác giảng dạy, nhưng chỉ dạy tại chức thôi.

Tôi dạy trên lớp lúc vui thì thật vui nhưng có lúc tôi rất nghiêm khắc, có học sinh thích có người thì không. Hôm 20-10 vừa rồi, học sinh lớp tôi không hoa không quà tặng tôi, chỉ 1 học sinh quý tôi tặng 1 bông hoa. Tôi nhận và rất cảm động, lớp bên cạnh cô giáo được tặng 1 bó hoa đẹp và cả 1 túi quà. Tôi thấy thế nhưng ko ghen tị hay gì cả, vì mình luôn làm tốt nhiệm vụ của mình. Tôi thấy, giờ đây nhiều thầy cô quá quan trọng hình thức, ko quan tâm đến học sinh!

ABC, HN2, 16:32, 28/10/2010

Mình cũng từng đã ngôi ghế nhà trường.

Hiện tại, mình đã tốt nghiệp thông qua tình huống sư phạm. Phần nào đó mình cũng có cảm giác nhớ trường xưa.

Tuy nhiên đọc bài báo này mình thấy xã hội học đường bây giờ khác quá , không còn trong sáng như hồi mình còn đi học.

Việc tổ chức tết là việc đáp lại những tình cảm của thầy cô đã dạy mình sao lại phải do giáo viên trực tiếp gợi ý là sao, cái này hãy để các em học sinh tự làm ,và từ trước tới giờ các thầy cô của mình chưa bao giờ làm việc đó cả và cũng sẽ không bao giờ làm điều đó.

Trần Hữu Trưởng, 16:23, 28/10/2010

Tôi cũng là giáo viên nhưng không cảm thấy lạ vì chuyện này.

Hiện tượng này là có thật trong thực tế đời sống.

Tôi chỉ nêu câu hỏi: tại sao khi tuyển dụng giáo viên người ta không đề cập nhiều đến tiêu chí tư cách, đạo đức người làm thầy nhỉ?

Dù nói và làm là hai việc khác nhau nhưng tôi tin rằng, nhiều thầy cô không biết (dù vô tình hay cố ý) đến các tiêu chí này là gì. Vì vậy, khi hành động người ta không cảm thấy ngượng.

Hoàng Văn Thể, Thái Nguyên, 15:48, 28/10/2010

Đọc xong bài này, tôi rất buồn. Tôi gần 50 tuổi, làm nghề giáo.

Tôi đang quản lý những lớp đại học tại chức, tôi cũng biết rằng nhiều thầy cô đã làm tương tự. Riêng tôi thì tôi chưa lần nào gợi ý sinh viên mua quà gì tặng thầy cô, kể cả những thầy cô dạy bộ môn hay là giáo viên quản lý. Nhưng hình như chuyện đó hơi lạc lõng trong thời điểm hiện nay. Nhưng tôi nói sinh viên rằng không cần phải thế mà phải cố học tốt, điểm cao.

Hình như các em vẫn có quà cáp đến các thầy cô giáo mà không cho tôi biết.

Tôi rất buồn. Ngay cả những món quà sinh viên tặng trường trong ngày ra trường, tôi cũng luôn cố gợi ý để các em tặng những món vừa phải, nhưng luôn ghi tên lớp, khóa học đầy đủ. Tôi nghĩ như vậy là được rồi, nhưng một số người không đồng tình đâu. Thời buổi khó thật.

Các tin khác