Mất thưởng vì quần áo xấu

Cập nhật lúc 06:22, 31/10/2010 (GMT+7)

- Không biết có phải có cứng nhắc hay không, nhưng đối với tôi, học trò sai có thể tha thứ được, còn giáo viên thì không. Vì giáo viên là tấm gương cho học trò noi theo, một hành động sai trái của giáo viên sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng, nó gieo vào đầu và trở thành nỗi ám ảnh với những mái đầu thơ dại đó.

Xuất thân từ trong một gia đình nghèo, đông con nên bố mẹ đã rất vất vả nuôi anh em chúng tôi ăn học.

Trong lúc các bạn cùng trang lứa được bố mẹ diện nhiều quần áo đẹp, sách vở luôn mới tinh thì với anh em tôi lại khác.

Nhà tôi cứ theo lệ, quần áo đứa lớn mặc chật thì để lại cho đứa nhỏ, sách giáo khoa cũng vậy, anh học xong để lại cho em. Là con gần út nên đến lượt tôi sách vở hay quần áo đã qua tay sử dụng của nhiều anh chị nên không còn được đẹp như các bạn.

Bố tôi thường bảo chỉ có học mới là con đường duy nhất thoát nghèo nên anh em chúng tôi đều nỗ lực học.

Những cố gắng đó như được bù đắp, khi tôi được nhà trường chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện cả 2 môn văn và toán.

5 giờ sáng bố chở tôi vượt qua gần 9km để lên thị trấn dự thi, trên chiếc xe đạp cọc cạch mà con đường lại ghồ ghề vì sỏi đá, lưng bố ướt đẫm mồ hôi.

Buổi trưa, vắt cơm nắm mẹ cất công dậy từ sáng sớm đã cứng đờ nhưng 2 bố con vẫn vui vẻ vừa ăn vừa giải đề thi.

Những cố gắng đó như được bù đắp khi tôi đạt giải nhì môn toán cấp huyện.

Ngày nhà trường trao phần thưởng học sinh giỏi là ngày ám ảnh tôi trong suốt tuổi thơ, đó là một cú sốc lớn.

TIN LIÊN QUAN
Tôi không bao giờ quên cảm giác bị tổn thương mà cô giáo phụ trách Đoàn Đội đã gây cho tôi.

Niềm vui được vinh dự được thầy hiệu trưởng đọc tên biểu dương trước toàn trường. Chưa kịp đón nhận thì cô giáo phụ trách phong trào Đoàn Đội đến bên bảo: “Phần thưởng này vẫn là của em nhưng bạn Mai Chi sẽ đứng lên nhận thay và chụp ảnh lưu niệm”.

Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì cô tiếp: “Tại quần áo của em không được đẹp, chụp ảnh cũng sẽ không đẹp…” và theo tay cô chỉ, tôi phải đi xuống phía dưới lớp ngồi xem.

Mặt đỏ lên, tôi cũng không kịp phản ứng gì. Chỉ kịp ngoái lại khi thầy hiệu trưởng đọc tên tôi và bạn Mai Chi bước lên nhận phần thưởng rồi cười tươi cùng thầy hiệu trưởng.

Cô phụ trách và các bạn học sinh giỏi vui vẻ tạo dáng chụp hình…không ai để ý đến con bé trong bộ quần áo mà qua tay 2 người chị sử dụng để lại.

Con đường đất hơn 1km từ trường về nhà nhạt nhòa. Trước mắt tôi cứ hiện lên cảnh bố còng lưng đạp xe chở tôi trên con đường sỏi đá và nắm cơm vắt cứng đờ vì để lâu và nụ cười hãnh diện của bố khi tôi thi đậu.

Hình ảnh của buổi trao phần thưởng đó cứ ám ảnh tôi mãi, phần thưởng, vinh dự mà đáng lẽ tôi đã nhận được đã bị cô giáo tước đi chỉ vì bộ quần áo tôi mang trong người không được đẹp như các bạn khác.

  • Bùi Thị Lan Anh

    ***********************************

    Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Bài được chọn đăng sẽ có chế độ nhuận bút. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Nguyen thu Thuy, 02:08, 01/11/2010

Tôi xin chia xe cam xuc cua ban. Toi cung tung duoc mot giai nhat ve ngoai ngu o Thu do va cung duoc moi len nhan phan thuong truoc toan truong. Nhung toi khong dam len vi tu thay quan ao cua minh cu va nhech nhac qua. Gia ma hom ay toi co quan ao tu te hon..Nhung toi da lam lai dieu ay sau mot thoi gian rat dai o mot dat nuoc khac va lan nay thi toi daco du cam dam va dieu kien de len nhan phan thuong cua minh. Tuy nhien cam giac ay cu xot xa mai.

minh việt, mỹ đình, 23:40, 31/10/2010

Tôi đọc các bài viết nếu câu chuyện các bạn viết là sự thật các bạn đã trải qua thì nhân vật thật phải được xuất hiện với cái tên thật , người tốt phải được tôn vinh , điều xấu cần phê phán trực tiếp để môi trường sống tươi đẹp hơn.

nguyen dung, Gia Lam, Ha Noi, 16:05, 31/10/2010

Đó là lỗi của giáo dục đã tồn tại từ bao lâu nay mà vẫn không ý thức hay nhận ra cần phải có sự chuyển biến.

Giáo viên xử sự như vậy vì con người vẫn coi trọng vẻ ngoài, hình thức, xã hội vẫn coi trọng hình thức, bề ngoài trong khi cái cốt lõi là trí thức thì không được coi trọng.

Giáo dục cũng không khuyến khích cái tôi trong mỗi con người được bộc lộ, hay có bộc lộ thì cũng bị dìm tắt nhanh chóng, học sinh Việt Nam thụ động và không có tự tin.

Rõ ràng em bé trong câu chuyện trên cảm thấy bị xúc phạm và rõ ràng bị xúc phạm khi thành quả của mình bị dẫm đạp, nhưng không dám cất tiếng nói của mình vì giáo dục đã không dạy em cần phải làm gì để bảo vệ quan điểm của mình

Nguyễn Quốc Việt, Ho Chi Minh, 11:53, 31/10/2010

Cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp nhưng cũng có nhiều điều đáng quên và cần khắc sâu.

Bởi ta không nhớ nó thì ta không rút ra được sai lầm cho bản thân mình.

Tôi không dám nói giai đoạn xa xôi mà chỉ tính khoảng 20 năm trở lại đây giáo dục nước nhà đã chứng kiến quá nhiều sai lầm.

Ở đây tôi mạn phép không đi vào chi tiết nhưng qua sự việc này tôi nghĩ ngành sư phạm nên dạy lại giáo viên của mình.

nguyen binh, hanoi, 10:58, 31/10/2010

Tại sao bạn lại không nói sớm hơn cho mọi người về chuyện này mà để đến giờ mới kể. Nếu như bạn nói sớm hơn thì sẽ không có sai lầm tiếp theo xảy ra cho những người khác.

hương, văn quán -hà đông, 09:25, 31/10/2010

Thật đau lòng. Tôi không tưởng tượng nổi trên đời lại có người cạn nghĩ như cô giáo này. tôi không hiểu nổi cô ta đã bao giờ nghe đến từ tình yêu thương và tôn trọng hay chưa. Chia sẻ với bạn, hãy quên đi và luôn bao dung với mọi người bạn nhé! cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp để nhớ, giờ hãy để nỗi buồn này như ký ức thoáng qua.

Các tin khác