221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
434376
Làm thế nào để thanh niên VN khỏi tụt hậu?
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Làm thế nào để thanh niên VN khỏi tụt hậu?
,

(VietNamNet) - "Mù tịt" ngoại ngữ nhưng vẫn được đi nước ngoài "hội nhập", thu về là những báo cáo kinh nghiệm "giống nhau lắm"! Tuy nhiên, điều đáng nói là thanh niên VN đang có nguy cơ tụt hậu so với thanh niên trong khu vực và thế giới. Đó là những lo lắng được đặt ra trong Hội thảo "Hội nhập quốc tế thanh niên" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức sáng 5/6.

Nguy cơ tụt hậu

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Trưởng Ban Quốc tế kiêm Bí thư Trung ương Đoàn, anh Đoàn Văn Thái nhận xét: "Tham gia hội nhập quốc tế là nhu cầu tự nhiên của thanh niên Việt Nam... tuy nhiên, thanh niên Việt Nam nhìn chung chưa có sự chuẩn bị tích cực tham gia hội nhập quốc tế (HNQT), nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Thêm vào đó, trình độ ngoại ngữ, tin học, trình độ chuyên môn của thanh niên Việt Nam nhìn chung còn thấp so với trình độ tương tự của thanh niên các nước trong khu vực và trên thế giới".

Muốn hội nhập, thanh niên phải có ý thức trau dồi kiến thức hơn nữa.
 

Ngoài những mặt còn yếu và thiếu này, anh Đoàn Văn Thái còn cho rằng: Thanh niên ta còn quá thụ động trong việc tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu như bảo vệ môi trường, phòng chống ma tuý, HIV/AIDS; chăm sóc sức khoẻ sinh sản; chống chiến tranh; tôn giáo, sắc tộc...

Cùng một nhận định trên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục tổng hợp Trung ương Đoàn, ông Trần Văn Miều phát biểu: Hội nhập quốc tế thanh niên là một xu hướng tất yếu, đòi hỏi thanh niên phải nâng cao tâm và trí mới có thể chủ động hội nhập. Tuy nhiên, ông tỏ ra lo lắng vì: "Vừa rồi, Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố chỉ tiêu về trí tuệ, trình độ ngoại ngữ, khả năng thích ứng với điều kiện tiếp nhận KHKT của thanh niên Việt Nam theo chuẩn thang điểm 10 của khu vực khiến người ta phải giật mình: trí tuệ đạt 2,3/10đ; ngoại ngữ là 2,5/10đ khả năng thích ứng với điều kiện tiếp cận KHKT chỉ đạt hơn 2/10điểm! Điều đó chứng tỏ thanh niên chúng ta đang tụt hậu rất xa so với khu vực, đấy là chưa kể đến yếu tố sức khoẻ, thể lực".

Dẫn ví dụ cụ thể từ việc yếu kém ý thức lẫn trình độ ngoại ngữ làm cản trở Hội nhập quốc tế thanh niên, ông Ngô Đức Lý, Trưởng Ban thanh niên Tổng cục An ninh kể lại lần đi Hàn Quốc của mình bằng một nhận xét đầy lo lắng và được lặp đi lặp lại không dưới 3 lần "xấu hổ vô cùng các đồng chí ạ!". Những điều khiến ông Lý phải "xấu hổ" đó là cảnh các thành viên trong đoàn cùng đi "chạy như vịt" qua đường phố Hàn Quốc vốn rất trật tự; đó là hành động "kỳ kèo trả giá taxi 2.000đồng/km" trong khi đã có đồng hồ đo đường và mức giá thống nhất ấn định; đó là việc các thành viên trong đoàn "muốn đi chợ Đông Tê Mun để mua sắm nhưng lại bảo lái xe taxi đến chợ ... Đông TiMo?!"...

Ông Lý kết luận: Mỗi một lần theo đoàn ra nước ngoài là đại diện cho bộ mặt và thể diện quốc gia, dân tộc. Hình ảnh đất nước Việt Nam sẽ được quảng bá qua tất cả những hành động, cử chỉ, lối ứng xử của chúng ta nơi đất khách nên trước khi tổ chức "đoàn ra", cần phải có sự tập huấn kỹ lưỡng về mọi mặt cho các thành viên trong đoàn, đặc biệt là văn hoá.

Đừng "chết đuối trong thông tin nhưng lại chết đói về tri thức"!

Để khắc phục tình trạng "tụt hậu" về "tâm" lẫn "trí" nói trên của thanh niên trong trong quá trình hội nhập, Bí thư Đoàn khối I (khối các cơ quan Trung ương) Đỗ Việt Hà đề xuất 3 kiến nghị: Thứ nhất: đánh giá, tuyên truyền, bổ nhiệm cán bộ Đoàn phải có yêu cầu về ngoại ngữ; thứ hai: đề nghị Đảng và Nhà nước thành lập Quỹ Hỗ trợ về phát triển công tác hội nhập quốc tế thanh niên, giao cho Uỷ ban Quốc gia về thanh niên hoặc Trung ương Đoàn quản lý; tập huấn kỹ cán bộ để tiến hành lựa chọn người đi xứng đáng; thứ ba: tăng cường thông tin đối ngoại về thanh niên vì "hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài còn thiếu và yếu".

Tán thành kiến nghị thành lập Quỹ Hỗ trợ về phát triển công tác hội nhập quốc tế thanh niên của đại biểu Đỗ Việt Hà, ông Nguyễn Xuân Kiên, Phó Chánh Văn phòng Ban Khoa giáo Trung ương cho rằng:Nên có chính sách đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác này bởi đó sẽ là cơ hội để chúng ta thu thập, chắt lọc những tinh hoa, kinh nghiệm quý báu của khu vực và thế giới làm giàu cho kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình.

Ông Kiên đề nghị thêm: Nên cải cách thủ tục về "đoàn ra, đoàn vào", đặc biệt với những nước láng giềng gần gũi như Trung Quốc, Lào...) vì hiện nay, "thủ tục còn phiền hà lắm". 

Cho rằng "thanh niên cần phải đi tiên phong trong quá trình hội nhập quốc tế", Th.sỹ Hoàng Minh Thái, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Văn hoá Thông tin gợi ý: Trong quá trình hội nhâp, quan trọng là giáo dục cho thanh niên nếp sống, trang bị ngoại ngữ và đặc biệt là phải chuẩn bị trình độ để hoà nhập. Hiện nay, vì thiếu và yếu những thứ đó mà thanh niên thiếu tự tin khi hội nhập quốc tế. 

Nhấn mạnh đến phương tiện thích ứng để thanh niên có thể "đi trên con đường hội nhập", đại diện của Ban thường vụ Thành Đoàn Hà Nội cho rằng: Ngoại ngữ và Tin học chỉ là một phần rất quan trọng trong hội nhập chứ không phải là tất cả. Điều quan trọng là phải đẩy mạnh tuyên truyền để thanh niên tự trang bị kỹ năng toàn diện chuẩn bị hội nhập, đồng thời, phải tính toán một cách hiệu quả, hợp lý để giảm bớt chi phí "đoàn ra", tăng cường thu hút "đoàn vào"

Theo đại diện của Thành Đoàn Hà Nội, không phải cứ đi ra nước ngoài mới là hội nhập. Ở ngay trong nước, thanh niên chúng ta vẫn có thể hội nhập bằng nhiều cách và một trong những cách đó là "mời thanh niên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam tham gia phong trào tình nguyện và học hỏi kinh nghiệm của họ qua quá trình hoạt động tình nguyện này".

Cùng một quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: Chúng ta nên nghĩ đến phương thức hội nhập. Nhờ kinh tế, tri thức giúp con người phá bỏ được khoảng cách biên giới, không gian, ta ngồi tại đây vẫn có thể hội nhập được. Vấn đề là ta có được hội nhập hay không và hội nhập bằng phương tiện gì? Ngoài cách hội nhập bằng "đoàn ra, đoàn vào", thanh niên nước ta vẫn có thể hội nhập bằng văn hoá, bằng các phương tiện hiện đại khác.

Theo ông, yếu tố cơ bản nhất để giúp thanh niên hội nhâp quốc tế hiện nay chính là học. Nhưng ông cũng cảnh báo về nguy cơ "thanh niên có thể chết đuối trong thông tin nhưng lại chết đói về tri thức" do thiếu định hướng. "Nếu ví hội nhập là thả thanh niên vào biển cả thì không phải cứ thả vào là xong, muốn biển cả thông tin đó trở thành tri thức của mình thì thông tin đó phải được xử lý có định hướng" - ông nhấn mạnh.

____________________

"Hội nhập" của thanh niên chỉ đáp ứng 1/5 - 1/4 yêu cầu thực tế

Ngay sau khi Hội thảo "Hội nhập quốc tế thanh niên kết thúc", VietNamNet đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Đoàn Văn Thái, Trưởng Ban Quốc tế, Bí thư Trung ương Đoàn về những vấn đề liên quan đến hội nhập QTTN. 

Ông Thái cho biết, kể từ năm 1997 đến hết năm 2003 (trong vòng 6 năm), Ban Quốc tế Trung ương Đoàn đã tổ chức được 477 "đoàn ra" với 3.948 lượt người, đón 401 "đoàn vào" với 4.127 lượt khách quốc tế. Đầu năm đến nay cũng đã có nhiều hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của Đoàn TN Việt Nam với ĐTN các nước bạn như "giao lưu thanh niên Nhật Bản, giao lưu Thanh niên Việt - Hàn và mới đây, đoàn vừa cử 50 người đi học tập kinh nghiệm ở Trung Quốc.

- Trước nay, các đoàn thanh niên Việt Nam thường được tổ chức đi thăm và học hỏi ở những quốc gia nào? Thanh niên phải có tiêu chuẩn gì để được lựa chọn đi theo các đoàn này?

- Hầu hết điểm đến của các đoàn, ngoài các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, còn có Úc, Pháp, Nga... Lực lượng chính tham gia các đoàn vẫn là cán bộ Đoàn. Cũng có khá nhiều hoạt động chỉ cử đoàn viên tiên tiến tham gia mà điển hình là tài năng trẻ trên các lĩnh vực, sinh viên, thanh niên tiêu biểu, có thành tích học tập tốt, hoạt động Đoàn - Hội năng nổ, xuất sắc... 

-  Những chuyến đi đó có giúp cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên học hỏi được kinh nghiệm từ nước bạn hay chủ yếu chỉ là tham quan, thưởng ngoạn du lịch? 

- Tôi thấy sau mỗi chuyến đi, ý thức, tác phong làm việc của thanh niên cũng có phần nào thay đổi, chuyển biến tích cực. Cụ thể, thanh niên ta học được ở bạn nhiều điều: từ cách quản lý xã hội, kỷ kuật lao động, tác phong làm việc cho đến thái độ phục vụ. Trong đó, điển hình là sự thay đổi giờ giấc, tác phong làm việc: ít đến muộn, phát biểu, trình bày vấn đề gì cũng ngắn gọn, bớt rề rà hơn.

- Tại hội thảo "Hội nhập quốc tế thanh niên" sáng nay, nhiều đại biểu có chỉ ra nguyên nhân khiến thanh niên thiếu tự tin trong hội nhập QT là do không biết tiếng Anh. Theo ông, nên giải quyết thực trạng này như thế nào trong thời gian tới?

- Tôi đang nung nấu một dự định, đó là đề xuất với Nhà nước coi tiếng Anh là thứ tiếng thứ hai của mình giống như một vài nuớc tân tiến trên thế giới đã làm (Singapore, Tây Ban Nha, Malaisia...), thế nhưng đề xuất này có vẻ không mấy khả quan vì sẽ có nhiều người cho rằng, nó động chạm đến tính chủ quyền quốc gia. Trong khi đó, nếu coi ngoại ngữ là thứ ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ sẽ là cơ hội để Việt Nam nói chung, thanh niên Việt Nam nói riêng hội nhập quốc tế tốt hơn. 

Ở các nước, hầu hết những người đi ra nước ngoài hội họp, đàm phán... phải tự nghe nói ngoại ngữ trong khi mình luôn kè kè phiên dịch bên người, vừa bất tiện vừa gây tốn kém, lãng phí không cần thiết. Tôi lấy ví dụ, anh em trong Ban Quốc tế chúng tôi biết ngoại ngữ nhưng lại không có hiểu biết về mảng chuyên môn nào đó theo nội dung hội nghị, trong khi những người có chuyên môn lại không biết ngoại ngữ. Trong trường hợp này, để kết hợp cả hai người cùng đi rất khó vì yêu cầu về số lượng, phụ thuộc vào kinh phí. Chỉ có cách kết hợp hai điều kiện trên trong một con người mà thôi. Đó là lý do vì sao, tôi đề xuất coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ. Hơn nữa, nếu có chính sách về ngoại ngữ như vậy, chúng ta có thể đặt ra yêu cầu: sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai ĐH phải nghe nói, đọc bằng tiếng Anh. Như vậy, sinh viên họ sẽ cố gắng học...

- Nói vậy là lâu nay, các đoàn thanh niên của ta đi "hội nhập" nhưng "mù tịt" ngoại ngữ? Còn các trưởng đoàn thì sao, chẳng lẽ cũng có tình trạng như vậy?

- Đúng là có tình trạng đó!

- Ông vừa nói trong vòng 6 năm qua, riêng khối Đoàn có tới gần 480 "đoàn ra". Những đoàn đi trước về có truyền đạt kinh nghiệm cho các đoàn sau không?

-  Thường thì các đoàn bao giờ đi về cũng có báo cáo rút kinh nghiệm nhưng viết giống nhau lắm. Mục đích tổ chức các chuyến đi của Trung ương Đoàn là nhằm giúp cán bộ, đoàn viên thanh niên tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm của Đoàn Thanh niên nước bạn cũng như cơ chế chính sách thanh niên của nước đó song hầu như các đoàn đi về không làm được điều đó. Phần lớn còn nặng về tham quan du lịch, ngắm cảnh.

- Không có biện pháp hữu hiệu nào để chấn chỉnh tình trạng này sao?

- Nói vậy chứ khó lắm. Lý do là những thành viên tham gia trong Đoàn được lựa chọn từ các tỉnh xa. Đi xong họ về đến Hà Nội là trở lại địa phương luôn thì làm được gì người ta? Trong khi đó, cơ hội đi như vậy với mỗi người nhiều lắm chỉ được một hai lần là cùng và phần lớn các chuyến đi "hội nhập" như thế đều do nước bạn tài trợ gần hết... Mỗi năm, thường chúng tôi chỉ phải bỏ khoảng 1 tỷ đồng để tổ chức 1 -2 hoạt động tương tự như vậy, tính ra chỉ đáp ứng được 1/5 - 1/4 so với nhu cầu thực...

- Xin cảm ơn ông!

  • Nguyệt Minh
    thực hiện
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,