(VietNamNet) - Trong buổi làm việc sáng 31/5, Bộ trưởng Mai Ái Trực đã đem đến một thông tin lạc quan: "Đến năm 2010, diện tích đất ở sẽ được tăng thêm hơn 40.000ha".
Cùng ngày, các dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND, Luật Bảo vệ và phát triển rừng cũng đã được trình trước Quốc hội
Gần 3 triệu ha đất sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2005
Dự thảo “Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010” đã đề cập đến một nội dung rất quan trọng, đó là những giải pháp để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một cách có hiệu quả. Trong 6 giải pháp mà Bộ trưởng Mai Ái Trực trình bày trước QH thì việc "kiên quyết xử lý quy hoạch treo" và "cải cách triệt để thủ tục hành chính trong quản lý đất đai, hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đổi mới hệ thống tài chính đất đai" là những giải pháp xem ra "hạ nhiệt" được những vấn đề nóng về đất đai hiện nay.
Theo bản dự thảo này, đến năm 2005, sẽ đưa 2.913.200ha đất hoang hoá vào sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó phi nông nghiệp chiếm đến 101.800ha. Đến năm 2010, đất phi nông nghiệp cũng sẽ tăng thêm 672.100ha (như vậy tổng đất phi nông nghiệp năm 2010 là 3.925.300ha).
Bộ trưởng Mai Ái Trực cũng khẳng định: "Diện tích đất ở vào năm 2010 cũng sẽ tăng thêm 40.500ha".
Rừng được định giá
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định rõ hơn các thành phần chủ rừng, bao gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, tổ chức sự nghiệp khác, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế Nhà nước. Trong đó, thôn, bản, hộ gia đình cá nhân cũng được Nhà nước giao, công nhận quyền sử dụng rừng, theo điều 5 dự án Luật: “Hộ gia đình, cá nhân trong nước được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng hoặc công nhận quyền sử dụng rừng, chuyển nhượng rừng; Thôn, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc được Nhà nước giao rừng, được công nhận quyền sử dụng rừng”. Dự thảo cũng cho phép người nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam, sẽ được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để sản xuất kinh doanh.
Các quy định về chính sách mới như bảo hiểm rừng trồng, nguồn tài chính bảo vệ phát triển rừng, giá rừng, giao rừng có thu tiền và không thu tiền sử dụng, quyền và trách nhiệm của chủ thể có hoạt động liên quan đến rừng... được dự thảo quy định chi tiết.
Không trao quyền ban hành văn bản QPPL cho Chủ tịch UBND
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu khi bàn về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HNND và UBND đã có ý kiến đề nghị Quốc hội trao thẩm quyền ban hành văn bản QPPL cho Chủ tịch UBND ở 3 cấp và đề nghị chỉ quy định thẩm quyền này cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Bộ trưởng Bộ tư pháp Uông Chu Lưu cho biết quan điểm của Chính phủ: các cơ quan HĐND và UBND làm việc theo nguyên tắc tập thể để quyết định các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, các vấn đề quan trọng ở địa phương, nên việc không trao quyền ra văn bản QPPL cho Chủ tịch UBND mà chỉ trao cho UBND là để đảm bảo có sự thảo luận tập thể kỹ càng, bảo đảm tính khách quan.
“Việc không trao quyền cho Chủ tịch UBND thẩm quyền ban hành văn bản QPPL không có nghĩa là hạn chế thẩm quyền quản lý, điều hành của Chủ tịch. Để quản lý, điều hành công việc ở địa phương, Chủ tịch UBND vẫn có quyền ban hành các loại văn bản chính khác, như các quyết định, chỉ thị, công văn, thông báo... là những văn bản hànhchính có giá trị pháp lý như là những văn bản cá biệt, không chứa quy phạm pháp luật” - Bộ trưởng Uông Chu Lưu khẳng định.
Chiều 31/5, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
-
Đặng Vỹ