(VietNamNet) - Đây là điểm tiến bộ đáng kể trong dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi vừa được Bộ trưởng VH-TT trình trước QH. Cùng ngày, Quốc hội còn cho ý kiến về dự thảo Luật Điện lực.
NXB nước ngoài được đặt văn phòng đại diện tại VN
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Phạm Quang Nghị, Chính phủ vẫn để ngỏ trong dự luật 2 phương án.
Phương án 1 chỉ cho phép cá nhân, tổ chức được liên doanh với nhà xuất bản trong lĩnh vực tin và phát hành. Khi thực hiện liên doanh với nhà xuất bản, cá nhân, tổ chức phải đứng tên và liên đới chịu trách nhiệm đối với xuất bản phẩm. Phương án 2 quy định theo hướng cho phép cá nhân, tổ chức được thực hiện liên doanh với nhà xuất bản cả trong đầu tư vốn và tổ chức bản thảo. Cá nhân, tổ chức tham gia trong phương án này được quy định rõ là tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có đăng ký kinh doanh về in và phát hành, tổ chức có tư cách pháp nhân.
Có cơ sở bảo đảm là quy định ''giám đốc, tổng biên tập chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản'', bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm UB VH, GD, TTN&NĐ của Quốc hội nói: ''Uỷ ban tán thành phương án 2 nhằm huy động tiềm năng của xã hội về vốn cũng như khai thác bản thảo và khả năng tiêu thị sản phẩm, tăng cường năng lực của nhà xuất bản".
Để thực hiện phương án này, theo bà Đan, ''cần quy định rõ tổ chức nào thì được tham gia xuất bản, quy định chế tài cụ thể để điều chỉnh phương thức huy động vốn, chuẩn bị bản thảo, hợp đồng liên doanh, liên kết''.
Tư nhân hoá xuất bản - vì sao chưa dám? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thẳng thắn: "Chúng ta cũng cần phải suy nghĩ, tại sao nước ngoài cho tư nhân tham gia xuất bản được mà ta thì chưa thể. Quản lý nhà nước không phải Nhà nước phải làm lĩnh vực đó, nếu không làm được thì cấm. Quản lý tốt là Nhà nước không những phải làm tốt mà còn huy động được tối đa lực lượng xã hội tham gia".
Về mức độ tham gia xuất bản của tổ chức, cá nhân nước ngoài, dự luật quy định đối tượng này được xuất bản tài liệu lưu hành nội bộ không nhằm mục đích kinh doanh khi ''có đủ các điều kiện cần thiết'' (?) và phải được cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản cấp phép.
Ông Phạm Quang Nghị cho biết: ''Chính phủ đề nghị cho phép đặt văn phòng đại diện của các nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam. Tình hình hiện nay chưa cho phép các nhà xuất bản nước ngoài đặt chi nhánh và liên doanh xuất bản tại Việt Nam''.
Thời gian gần đây nổi lên ý kiến phản ánh tình trạng lộn xộn về giá sách trên thị trường do việc nâng giá sách hưởng chiết khấu cao của một số tổ chức, cá nhân. Có những trường hợp giá in trên bìa sách cao gấp đôi giá thành. Trước vấn đề này, bà Trần Thị Tâm Đan đề nghị ''quy định những chế tài điều chỉnh ngay trong luật để khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong việc nâng giá sách''.
Chưa bình đẳng giữa người bán và người mua điện
Cùng chiều 29/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đọc tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Điện lực. Phần thẩm tra dự án luật này do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Việt Hùng trình bày.
Trong báo cáo thẩm tra, ông Hùng nhiều lần nhắc đến phàn nàn về những khái niệm còn ''chung chung'', ''chưa cụ thể'' của dự luật này. Chẳng hạn, muốn xây dựng khung pháp lý để sớm hình thành thị trường điện lực thì luật cần phải quy định đầy đủ các yếu tố điều chỉnh hành vi, quan hệ giữa người bán, người mua và giới trung gian trên thị trường điện lực. Thế nhưng, dự luật quy định về các đối tượng tham gia cạnh tranh trên thị trường điện lực mới chỉ kể đến các nhà sản xuất, phân phối điện mà chưa có khách hàng tiêu dùng điện.
Ông Hùng cũng cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Điện lực chưa thể hiện được tính cạnh tranh về giá điện trong thị trường điện lực. Trong khi đó, tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2004-2005 của Bộ Công nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ rõ: ''Phải làm sao cho giá điện của ta rẻ hơn các nước, giúp DN giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh''. Nhiều ý kiến đề nghị có mức giá bán lẻ điện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng và giảm giá điện cho sản xuất công nghiệp.
''Giá điện không những người tiêu dùng rất quan tâm mà còn là vấn đề nhạy cảm đối với các hoạt động kinh tế - xã hội. Cần nghiên cứu thể hiện cụ thể, rõ nét hơn chính sách giá điện để vừa đảm bảo vai trò điều tiết của Nhà nước, vừa tuân theo quy luật của thị trường'', ông Hùng nói.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đánh giá: ''Dự thảo luật này chưa thể hiện được sự bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ giữa người mua, người bán điện, chưa thực sự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng điện''.
Cụ thể, dự luật quy định ''trường hợp bên mua điện không trả tiền điện trong thời hạn 15 ngày thì bị ngưng cấp điện''. Trong khi đó, có những quy định như: ''bên bán điện vi phạm hợp đồng phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật'', ''khi nhận được khiếu nại của bên mua điện, bên bán điện phải có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật''... nhưng không rõ giải quyết trong thời gian bao lâu, mức bồi thường theo quy định nào...
Dự kiến, Quốc hội sẽ dành chiều 3/6 và sáng 4/6 để các đại biểu thảo luận về dự án Luật Điện lực; dành chiều 7/6 và sáng 8/6 thảo luận dự án Luật Xuất bản sửa đổi.
-
Văn Tiến