221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
431332
Lạm dụng ''vị trí thống lĩnh'' mới là vi phạm!
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Lạm dụng ''vị trí thống lĩnh'' mới là vi phạm!
,

(VietNamNet) - "Chỉ khi một DN có vị tri thống lĩnh hay vị trí độc quyền thực hiện các hành vi lạm dụng để cản trở cạnh tranh thì mới vi phạm Luật Cạnh tranh". Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết như vậy khi báo cáo dự án luật này trước Quốc hội sáng 29/5.

DN có thị phần trên thị trường liên quan từ 30% trở lên được coi là có vị trí thống lĩnh

Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, dự thảo luật cấm thoả thuận hạn chế cạnh tranh trong một số trường hợp: thông đồng trong đấu thầu, cấm thoả thuận ấn định giá bán lại. Ngoài ra, dự thảo luật cấm các DN tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh có tổng thị phần từ 30% trở lên. ''Vì chỉ khi đạt đến một sức mạnh kinh tế đó, những thoả thuận hạn chế cạnh tranh mới gây tác hại thực sự cho môi trường kinh doanh và người tiêu dùng'', ông Tuyển nói.

Một điểm mới là dự luật quy định DN có thị phần trên thị trường liên quan từ 30% trở lên được coi là có vị trí thống lĩnh. 2 DN có thị phần từ 50% trở lên, 3 DN có thị phần từ 65% trở lên, 4 DN có thị phần từ 75% trở lên được coi là nhóm DN có vị trí thống lĩnh. Tuy nhiên, DN hay nhóm DN thống lĩnh chỉ bị coi là vi phạm pháp luật khi lợi dụng vị trí thống lĩnh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và DN khác!

Theo dự thảo Luật Cạnh tranh, kết quả tập trung kinh tế đạt được mức thị phần trên thị trường liên quan từ ''ngưỡng'' 30% trở lên phải được kiểm soát bằng cơ chế thông báo. Nhưng ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra dự án luật này, cho rằng, cơ chế thông báo này như một loại ''giấy phép'' đối với DN. ''Nếu DN kinh doanh những mặt hàng dịch vụ không bị cấm chỉ nên quy định DN phải thông báo và chịu trách nhiệm về tính trung thực của việc thông báo'', ông Thanh đề nghị.

Cấm hình thành DN chiếm trên 50% thị phần?

Một vấn đề trong dự thảo còn có ý kiến khác nhau là quy định cấm việc hình thành DN chiếm trên 50% thị phần thông qua tập trung kinh tế, trừ trường hợp sau khi thực hiện tập trung kinh tế mà các DN vẫn thuộc diện vừa và nhỏ.

Giảm độc quyền nhưng phải có tập đoàn kinh tế mạnh!

Trao đổi với VietNamNet về Luật Cạnh tranh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã khẳng định: Mục tiêu cạnh tranh của ta là giảm doanh nghiệp độc quyền, nhưng mặt khác vẫn phải hình thành nên những tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước.

Ý kiến của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tập trung kinh tế như sáp nhập, hợp nhất, mua lại DN, liên doanh là ''hiện tượng bình thường''. Hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích các DN liên doanh, liên kết hình thành các tập đoàn kinh tế có đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài. Hơn nữa, các luật về DN đều công nhận quyền tập trung kinh tế của DN. ''Cấm DN thực hiện tập trung kinh tế cần được xem xét thận trọng! Phải căn cứ vào hậu quả, mục đích của tập trung kinh tế chứ không chỉ đơn thuần dựa vào thị phần của DN'', ông Đặng Văn Thanh nói.

Đáng lưu ý dự luật có đưa ra 2 trường hợp ''miễn trừ'' khi tập trung kinh tế chiếm thị phần từ 50% trở lên. Một là thẩm quyền miễn trừ của của cơ quan quản lý cạnh tranh (thuộc Bộ Thương mại) khi một hay nhiều bên trong vụ tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc phá sản. Hai là trường hợp miễn trừ thuộc quyền của Thủ tướng trong trường hợp tập trung kinh tế mở rộng xuất khẩu, phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy phát triển tiến bộ kỹ thuật.

Cấm gièm pha DN khác?

Dự luật cũng quy định cấm 9 hành vi cạnh tranh không lành mạnh: gièm pha DN khác, xâm phạm bí mật kinh doanh, gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác, quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, bán hàng đa cấp bất chính, giả mạo chỉ dẫn thương mại, phân biệt đối xử trong hiệp hội, mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc trong kinh doanh.

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh này và vi phạm các quy định của Luật Cạnh tranh sẽ được đưa ra Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại xem xét, xử lý. Hội đồng này ''hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật'', có quyền ''áp dụng hình phạt và các chế tài khác'', quyết định xử lý được ''cơ quan thi hành án cấp tỉnh thi hành''... Với các quy định như vậy, đại diện cho Uỷ ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội, ông Đặng Văn Thanh cho rằng, ''Hội đồng này giống như một cơ quan xét xử tư pháp; Hội đồng cạnh tranh chỉ nên có chức năng tư vấn để Bộ trưởng Thương mại (Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh) ra các quyết định xử lý''.

Dự kiến, ngày 2/6 Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Luật Cạnh tranh để có thể thông qua vào kỳ họp cuối năm nay. Theo dự kiến, luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2005.

Cũng trong ngày 29/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh đọc tờ trình về dự án Luật An ninh quốc gia. Thẩm tra dự án luật này do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Văn Khá trình bày. Đáng lưu ý trong luật này là quy định Chính phủ xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; áp dụng một số biện pháp cần thiết khi có tình hình đe doạ nghiêm trọng đến an ninh quốc gia nhưng chưa ban bố tình trạng khẩn cấp; tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ an ninh quốc gia ở cấp xã...

Cùng buổi sáng, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đọc tờ trình Quốc hội về  việc phê chuẩn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đọc báo cáo về Hiệp định này. Phần thẩm tra báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão trình bày.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,