(VietNamNet) - Trao đổi với VietNamNet về Luật Cạnh tranh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã khẳng định như vậy.
- Cơ quan Quản lý cạnh tranh lại trực thuộc Bộ Thương mại. Làm sao có thể đảm bảo Bộ không ưu ái cho doanh nghiệp của mình?
- Cơ quan này không phải do Bộ Thương mại lập ra và chỉ đạo mà do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Đây là cơ quan hoạt động có trí tuệ và quyền lực với nhiều thành viên. Nhưng thời điểm ban đầu tách ra thì rất khó. Mục đích của việc đặt cơ quan này trực thuộc Bộ Thương mại là trong thời gian ban đầu có bộ máy của Bộ hỗ trợ. Công việc chính thì cơ quan quản lý cạnh tranh phải làm, nhưng hiện tại không đủ cán bộ, việc nhiều, nên vẫn phải huy động lực lượng cán bộ ở nhiều nơi khác để thu thập, phân tích thông tin. Mặc dù ở trong Bộ Thương mại, nhưng nh
ững hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh là hoàn toàn độc lập, Bộ không can thiệp nên không thể xảy ra tình trạng Bộ Thương mại đối xử riêng tư.
Về cơ quan quản lý cạnh tranh, hiện nay có rất nhiều mô hình để áp dụng. Ở các nước có một tổ chức quản lý cạnh tranh riêng không trực thuộc Chính phủ, hoặc là một cơ quan ngang Bộ, hoặc là một Tổng cục trong Bộ Thương mại. Với chúng ta, do còn mới mẻ, nên áp dụng mô hình nào cho là chính xác thì chưa xác định được. Mô hình nào ổn định thì cũng phải qua một thời gian. Trong dự thảo đợt này đưa ra quy định phải có một tổ chức - dự kiến thành lập một Tổng cục thuộc Bộ Thương mại. Đến một lúc nào đó phát triển rồi thì có nên để trong Bộ Thương mại hay không thì ta sẽ tiếp tục xem xét.
Có vấn đề là các nước khác không quản lý theo kiểu như ta, Bộ Thương mại của họ chỉ có chức năng quản lý Nhà nước chứ không quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng không đáng sợ, vì tất cả các doanh nghiệp của Bộ Thương mại, đều sẽ cổ phần hóa cả, nên không lo.
- Việc thực thi Luật Cạnh tranh sẽ có khó khăn gì?
- Thực thi là vấn đề cực kỳ khó khăn. Sẽ không dễ nếu không có bộ máy mạnh. Ngay việc điều tra và kết luận các trường hợp được cho là cạnh tranh, nhất là cạnh tranh không lành mạnh, là một công việc khó khăn phức tạp...
- Ông có nghĩ rằng, đến nay ta mới có Luật Cạnh tranh là quá muộn?
- Theo tôi thì có hơi muộn nhưng vẫn phải thực hiện. Đến lúc này là cũng kịp thời - trước khi ta bắt đầu gia nhập thị trường quốc tế. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta trước đây, khi nền tảng kinh doanh chưa xây dựng đầy đủ nên thiếu cơ sở để ra luật này. Vì vậy, muộn là do công tác cải cách luật của chúng ta chứ không phải do bản thân Luật Cạnh tranh.
- Đã có một số văn bản luật đặt vấn đề liên quan đến hoạt động cạnh tranh. Vậy có thể sẽ xảy ra xung đột giữa các quy định trước đây và Luật Cạnh tranh?
- Trong Luật Cạnh tranh có quy định một điều khác các luật khác là: “Với những nội dung khác, nếu khác nhau thì áp dụng Luật chuyên ngành. Riêng về nội dung cạnh tranh, nếu có sự khác nhau, thì áp dụng Luật ban hành sau”. Sau khi có Luật Cạnh tranh thì các văn bản pháp luật cũ phải dựa vào đó để điều tiết nội dung, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ.
- Luật Cạnh tranh quy định áp dụng với tất cả các doanh nghiệp. Nhưng Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội đề nghị phải có chế tài với những doanh nghiệp độc quyền? Quan điểm của ông thế nào?
- Theo tôi thì không cần thiết. Vì ở ta là độc quyền tự nhiên. Độc quyền tự nhiên là hình thành tự nhiên để đảm bảo hiệu quả, nhưng do nhiều công ty đầu tư nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Ví dụ đường ray và nhà ga là của Nhà nước, còn tàu là của các hãng, nếu nhà ga chăm sóc tốt thì mới có khách hàng đến, chăm sóc không tốt thì không có khách đi tàu, tức hiệu quả kinh tế thấp. Hoặc ví dụ nhu cầu cung ứng gas của ta chưa cao, nhưng nhiều công ty đầu tư đường dẫn gas vào nhà thì hiệu quả thấp.
Loại thứ hai là hình thành trong quá trình phát triển kinh tế cơ chế tập trung. Hiện tại các đơn vị này đang dần dần cổ phần hóa. Việc doanh nghiệp độc quyền hình thành như vậy thì chống là chống cái gì? Không thể cấm được, vì đây là đặc điểm lịch sử. Vì vậy chống là chống lạm dụng để thống lĩnh, bằng cách cho các thành phần kinh tế khác cùng tham gia vào lĩnh vực này. Cách chống thứ hai là hạn chế việc dùng đồng tiền ngăn cản thành phần khác tham gia thị trường. Doanh nghiệp chiếm thị phần lớn bán hạ giá, khiến các thành phần khác không thể nào tham gia vào được, vì vậy phải trừng phạt.
- Như vậy có thể chia nhỏ các công ty để hạn chế thống lĩnh?
- Đối với nước ta thì không nên đặt vấn đề như vậy. Vì chúng ta hạn chế tập trung thống lĩnh chứ không phải phân chia làm yếu đi sức cạnh tranh. Nhất là khi ta hội nhập thị trường. Với lộ trình khác nhau, thời gian khác nhau và mức độ khác nhau, nếu chia nhỏ công ty của ta thì chừng đó các doanh nghiệp trong nước sẽ rất nhỏ bé trước các đối thủ, không đủ sức cạnh tranh với nước ngoài.
- Doanh nghiệp miễn trừ có bị gọi là vi phạm luật? Và miễn trừ có nghĩa là doanh nghiệp vẫn được phép hoạt động?
- Nếu hai doanh nghiệp sáp nhập lại mà có thị phần trên 50% là bị cấm. Miễn trừ sẽ áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp có thị phần quá nhỏ, sắp phá sản, nên có thể mua, sáp nhập để cứu doanh nghiệp. Cứu một doanh nghiệp phá sản, giúp bao nhiêu người lao động tìm được việc làm là cứu cả nền kinh tế. Hoặc khi sáp nhập lại trên 50% thị phần, không phải do phá sản, mà làm cho khả năng xuất khẩu, cạnh tranh, tiêu dùng tăng lên, thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật thì Thủ tướng vẫn cho phép. Xin nhấn mạnh một điều: Mục tiêu cạnh tranh của ta là giảm doanh nghiệp độc quyền, nhưng mặt khác vẫn phải hình thành nên những tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước.
- Xin cán ơn ông!
-
Đặng Vỹ
thực hiện