(VietNamNet) - Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) ngày 25/5 đã đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn ngay tại kỳ họp.
Đề nghị này được đưa ra tại buổi thảo luận của Quốc hội về dự thảo quy chế hoạt động của UBTVQH (sửa đổi); dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.
Đại biểu Đặng Văn Xướng (ĐB Đồng Nai) đặt vấn đề, UBTVQH phải có kết luận khi người bị chất vấn trả lời sai. ''Đại biểu không thoả mãn ý kiến của người chất vấn nên rất bất bình. Nên chăng quy định rõ hơn vai trò của chủ toạ cần có thái độ, chính kiến, không nên ''treo'' lại như thế'', ông Nguyễn Duy Hoàng (ĐB Thừa Thiên - Huế) bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa (ĐB Nghệ An) góp ý kiến: ''Người chủ trì không nên có ý kiến ngay để giữ cho cuộc chất vấn được khách quan vô tư''. Tuy nhiên, bà Hoa cũng băn khoăn khi một số quan chức biến trả lời chất vấn của mình thành ''báo cáo ngành'' hoặc ''báo cáo thành tích''.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trong một phiên họp gần đây của UBTVQH, cho rằng, ''người chủ trì ít phát biểu để giữ tính khách quan!''. Theo ông, các đại biểu chuyên trách ở Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban hiểu rõ và sâu về từng vấn đề cụ thể thì nên tham gia chất vấn, gợi ý hoặc đặt vấn đề với thành viên của Chính phủ.
Theo ông Lê Quốc Dung (ĐB Thái Bình), thời gian chất vấn cần ''mềm'' hơn vì chất vấn gây chú ý rất nhiều trong dư luận. Ông Dung cũng phản ánh việc ''thủ trưởng đi nước ngoài cử cấp phó đi thay khiến người chất vấn cảm thấy không quan trọng''.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu giải thích với đại biểu, Quốc hội thực hiện chất vấn chỉ có 3 ngày trong khi nội dung thì nhiều. Do đó, không tránh khỏi một số nội dung hoặc một người bị chất vấn không được bố trí để trả lời trực tiếp tại hội trường. Đối với những trường hợp này, chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ được trả lời bằng văn bản.
-
Văn Tiến