221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
341841
Tăng trưởng kinh tế 8 tháng cuối năm phải đạt 7,8-8,3%
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Tăng trưởng kinh tế 8 tháng cuối năm phải đạt 7,8-8,3%
,

(VietNamNet) - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã kết luận như vậy sau khi nghe Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2004, tại buổi họp sáng 11/5 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XI.

"Chính phủ vẫn có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ KT-XH"

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo.

Báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2003, tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2004, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ ra lạc quan cho biết: ''Chính phủ vẫn có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2004 bằng sự nỗ lực phấn đấu nỗ lực thực hiện 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong báo cáo tại kỳ họp trước của Quốc hội''.

Phần lớn thời gian báo cáo, Phó Thủ tướng tập trung nhấn mạnh đến những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong 4 tháng đầu năm 2004. Đó là, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy các đơn vị kinh tế nâng cao hiệu quả cạnh tranh; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả đầu tư, chống tham nhũng, lãng phí vốn đầu tư nhà nước; tạo bước phát triển mới về kinh tế đối ngoại, xúc tiến khẩn trương gia nhập WTO; phát triển và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt một số việc cấp bách trong chương trình cải cách hành chính.

Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều biện pháp mạnh để tháo gỡ những khó khăn nổi cộm, gây bức xúc đối với phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, ngay trong năm nay, Chính phủ sẽ chọn một số tổng công ty và ngân hàng thương mại thực hiện trước việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ra thị trường chứng khoán. Theo đó, Nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát và điều tiết thu nhập siêu lợi nhuận của các tổng công ty kinh doanh chiếm thị phần áp đảo. Chính phủ đang tích cực chuẩn bị ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai năm 2003, xoá bỏ bao cấp về đất, đấu thầu, công khai quyền sử dụng đất cho sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cũng đang gấp rút sửa đổi một số quy dịnh không hợp lý trong các nghị định hướng dẫn thi hành chính sách thuế và tuyển dụng lao động để bảo đảm tính thống nhất về chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài mà Việt Nam đã cam kết.

Chính phủ sẽ chỉ đạo sát sao việc thực hiện những biện pháp nhằm tiếp tục giảm căng thẳng và bình ổn giá lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nguyên nhiêu vật liệu chủ yếu. Đồng thời với việc giảm giá cước viễn thông, sẽ khống chế chỉ số giá tiêu dùng không tăng đột biến vượt tầm kiểm soát, nhằm giảm tác động bất lợi đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn dành nhiều thời gian nói về cải cách hành chính. Theo đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 với các nhiệm vụ:

** Phát huy kết quả cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.

Nhanh chóng ổn định tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, đẩy nhanh tiến độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...

** Đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.

Theo chủ trương "tách hệ thống cơ quan hành chính công quyền với hệ thống cơ quan sự nghiệp, áp dụng các cơ chế tài chính thích hợp", Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp quy quan trọng như Nghị định về chế độ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc xây dựng đề án tự chủ tài chính đối với tất cả các đơn vị sự nghiệp có thu và không có thu ngoài kinh phí ngân sách đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện có kết quả các đề án này.

** Đổi mới hệ thống thang, bảng lương trong lộ trình cải cách tiền lương.

Đề án cải cách chế độ tiền lương đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, sẽ tiến hành qua nhiều bước đến năm 2007, bao gồm cải cách tiền lương tối thiểu và mở rộng hệ số tiền lương, cải cách hệ thống thang, bảng lương và phụ cấp, cải cách cơ chế quản lý tiền lương đối với các khu vực.

Nội dung cải cách chủ yếu trong năm 2004 là mở rộng hệ số tiền lương và đổi mới cơ bản hệ thống thang, bảng lương, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nguyên tắc phân phối theo lao động; mở rộng diện áp dụng tiền lương chuyên môn nghiệp vụ và phụ cấp chức vụ (nếu có), hạn chế diện áp dụng tiền lương chức vụ, nhằm khuyến khích cán bộ, công chức phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời có phương án điều chỉnh tiền lương hưu giữa các thời kỳ cho phù hợp với điều kiện mới.

Một nội dung đổi mới quan trọng là xây dựng và đưa vào áp dụng một hệ thống thang bảng lương riêng cho khu vực sự nghiệp, thực hiện Đề án cải cách tiền lương đã được đề ra.

** Tiếp tục thực hiện những giải pháp có hiệu lực để đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Những lĩnh vực sẽ được Chính phủ ưu tiên "xiết chặt" sẽ là thuế, hải quan, đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư nước ngoài, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trước mắt, Chính phủ sẽ thực hiện đề cao chế độ thủ trưởng trong cơ quan hành chính nhà nước, chấn chỉnh kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, hướng vào chống sách nhiễu, cửa quyền, vô trách nhiệm khi giải quyết công việc của dân, của doanh nghiệp và chống đục khoét, lãng phí của công, đặc biệt là trong quản lý đất đai và vốn đầu tư của Nhà nước, trong chi tiêu ngân sách (kể cả việc sử dụng các phương tiện công vào mục đích cá nhân).

Với nhiệm vụ này, các cơ quan hành chính, từ Chính phủ tới các bộ, chính quyền địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật công vụ trong bộ máy thuộc quyền quản lý của mình, đặt thanh tra công vụ thành một công tác thường xuyên trong chương trình làm việc của cán bộ lãnh đạo.

"Nhiệm vụ còn lại của 8 tháng cuối năm rất nặng nề"

Sau phần báo cáo của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên đã trình bày về báo cáo kiểm tra về kết quả thực hiện năm 2003.

Các đại biểu Quốc hội nghe báo cáo.

Theo đánh giá của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách, tình trạng giá cả của một số mặt hàng như thép, phân bón, xăng dầu, bông, chất dẻo, các loại thực phẩm, vàng, thuốc tân dược... tăng dồn dập trong một thời gian ngắn và sau đó, tăng ở hầu hết các nhóm mặt hàng đã ảnh hưởng lớn đến sức mua của dân cư và tác động không tốt đến nhiều ngành sản xuất trong nước và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Ông Kiên cho biết: Những chỉ tiêu cần phải đạt cao thì khi thực hiện chỉ đạt ở mức thấp (như ngành dịch vụ, hải sản, thực hiện khối lượng đầu tư và giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, huy động tiền gửi và cho vay, giải quyết việc làm...); những chỉ tiêu cần giữ ở mức thấp thì thực tế lại ở mức cao (như xuất khẩu khoáng sản, tài nguyên thô, giá cả thị trường, tai nạn giao thông, tệ nạn mại dâm và ma tuý, ngộ độc thực phẩm, lao động xuất khẩu phải về nước trước thời hạn...)...

''Nhịp độ tăng trưởng kinh tế quý I khoảng 7% đã là một cố gắng lớn. Tuy nhiên, so với mục tiêu cả năm tăng 7,5-8% và phấn đấu cao hơn 8% như Nghị quyết của Quốc hội đã xác định, thì nhiệm vụ còn lại của 8 tháng cuối năm rất nặng nề. Thời gian còn lại chúng ta phải phấn đấu mức tăng trưởng từ 7,8% đến 8,3%'', ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Để khắc phục những khó khăn về kinh tế, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội đã đề xuất 4 giải pháp. Thứ nhất, chú trọng và nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo và đánh giá các nhân tố và xu hướng bất lợi trong và ngoài nước có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Thứ hai, trong số các giải pháp của Chính phủ, cần quan tâm đến một số vấn đề như khôi phục đàn gia cầm và phòng chống nguy cơ tái phát dịch bệnh, kiên quyết sắp xếp, cổ phần hoá DN nhà nước, chủ động khống chế lạm phát, giải quyết nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản... Thứ ba, cần tích cực chuẩn bị các điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế đạt hiệu quả cao, giữ vững mục tiêu độc lập trong hội nhập.

Ông Kiên cho rằng: Để gia nhập WTO vào năm 2005, thời gian còn lại rất ngắn. Do đó, năm 2004, cần rà soát, đánh giá một cách tổng thể, khẩn trương công tác chuẩn bị ở tất cả các mặt để chủ động khai thác thời cơ, lợi thế, vừa chủ động vượt qua những thách thức, tăng khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế.

Giải pháp cuối cùng là chú trọng một số khâu trong quá trình triển khai tổng thể, đồng bộ chương trình cải cách hành chính. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, hệ thống pháp luật, thể chế của ta còn thiếu, chưa đồng bộ, và cái thiếu lớn nhất hiện nay là: Trách nhiệm cụ thể của một tổ chức, của người đứng đầu trước nhiệm vụ được giao; Sự phối hợp trong quản lý, giải quyết công việc có liên quan đến làm ăn và cuộc sống thường nhật hàng ngày của người dân; Vấn đề kiểm tra, kiểm soát để ngăn ngừa, xử lý tiêu cực; Trách nhiệm, trình độ, ý thức phục vụ của đội ngũ công chức nhà nước...

''Chính phủ và các cơ quan trong hệ thống Nhà nước cần tiếp tục có những chủ trương, biện pháp cụ thể đủ mạnh để làm chuyển biến sớm, rõ rệt hơn về các vấn đề trên'', ông Kiên nói.

Đối chiếu với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2004 theo Nghị quyết của Quốc hội, kết quả thực hiện trong 4 tháng đầu năm về nhiều chỉ tiêu chủ yếu còn khoảng cách khá xa. Quý I/2004, GDP tăng 7%, chỉ tiêu Quốc hội đề ra cả năm 2004 là 7,5-8%; đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt 35%, thấp hơn mức 36% Quốc hội đề ra. Trong 4 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 0,8%, thấp hơn mức 3% cùng kỳ năm 2003 và mức mục tiêu 4,6% của Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng 5,4%, trong khi Quốc hội đề ra mục tiêu khống chế giá tiêu dùng cả năm 2004 không quá 5%.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,