221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
238847
Tư nhân sẽ được tham gia xuất bản
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Tư nhân sẽ được tham gia xuất bản
,

(VietNamNet) - Tư nhân sẽ được tham gia các khâu của xuất bản như đầu tư vốn, lựa chọn đầu sách, tác giả, biên tập... Đây là điểm mới nhất trong dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) vừa được UBTVQH xem xét ngày 22/4.

Tư nhân hoá xuất bản - vì sao chưa dám?

Việc kiểm soát toàn bộ nội dung ấn phẩm là không khả thi.

Sau khi nghe Bộ trưởng VH-TT Phạm Quang Nghị nêu lên những ảnh hưởng tiêu cực như sách lậu, sách đen tràn lan trên thị trường do có thành phần tư nhân tham gia liên doanh xuất bản, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thẳng thắn gợi ý: "Chúng ta cũng cần phải suy nghĩ, tại sao nước ngoài cho tư nhân tham gia xuất bản được mà ta thì chưa thể. Quản lý nhà nước không phải Nhà nước phải làm lĩnh vực đó, nếu không làm được thì cấm. Quản lý tốt là Nhà nước không những phải làm tốt mà còn huy động được tối đa lực lượng xã hội tham gia".

Nhìn nhận những tồn tại trong lĩnh vực xuất bản hiện nay có nguyên nhân của việc thiếu chế tài, chế tài không đủ mạnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhấn mạnh: Xuất bản đang bị lạm dụng vì mục đích kinh doanh. Để bảo đảm hoạt động xuất bản thì nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Xuất bản phải tập trung quy định rõ trách nhiệm của Giám đốc nhà xuất bản (NXB) đối với nội dung của ấn phẩm.

Ông Hồ Đức Việt, Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và môi trường của QH đồng tình: "Đặc thù của xuất bản ở nước ta là sản phẩm xuất bản ra rồi cơ quan chủ quản mới biết. Thực tế, cơ quan chủ quan chỉ quan lý được mục đích hoạt động và nhân sự của nhà xuất bản, do vậy ta phải cần có một chế tài rõ ràng đối với những người chịu trách nhiệm về nội dung của xuất bản phẩm. Cụ thể là phải có chế tài riêng đối với Giám đốc NXB và Tổng biên tập".

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội 
"Đành rằng NXB, cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm toàn bộ về giá cả của xuất bản phẩm, nhưng Nhà nước cũng nên có cách nào đó để can thiệp quản lý giá sách".

Cũng quan tâm đến vấn đề này, Chủ nhiệm UB Kinh tế và ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên hưởng ứng: "Tôi ủng hộ quan điểm phải có sự phân cấp rõ ràng về trách nhiệm của NXB. Liên đới chịu trách nhiệm còn phải là cơ quan chủ quản nữa".

"Tôi cũng nhất trí với quy định cho phép tư nhân liên doanh NXB tham gia xuất bản ở 2 khâu: góp vốn và chuẩn bị bản thảo. Tuy vậy, trong trường hợp ấn phẩm không có nội dung ảnh hưởng lớn đến xã hội thì nên mở rộng hơn sự tham gia của tư nhân". Ông Kiên đề xuất.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cũng lên tiếng: "Hoạt động xuất bản của chúng ta có 3 tồn tại: không quản lý được hoặc quản lý yếu, xuất bản phẩm độc hại nhiều, xử lý vi phạm chưa đến nơi đến chốn".

Ông nêu ví dụ một cuốn sách "dày cộp" được xuất bản trong nước, lưu hành rộng rãi, viết về văn nhân văn hoá và trong đó có cả... Ngô Đình Diệm. "Đối với thị trường xuất bản phẩm, ta quản được đến đâu thì mở cửa đến đó. Nếu không quản lý được mà cứ mở toang thì hỏng". Chủ nhiệm Thanh góp ý.

Ông Phan Khắc Hải, Chủ tịch Hội Xuất bản
"Tôi thỉnh cầu xin cho phép Hội được tham gia quản lý về mặt nhà nước đối với xuất bản phẩm, để chúng tôi thấy rõ được trách nhiệm và vai trò của mình trong lĩnh vực này".

Trước những ý kiến trên, Bộ trưởng VH-TT Phạm Quang Nghị lý giải: "Xuất bản là một hoạt động nhạy cảm và phức tạp. Chúng ta đến nay vẫn chưa tư nhân hoá hoàn toàn được hoạt động này không phải bởi chưa làm được chế tài, mà quan trọng, do đặc điểm cơ chế thị trường của chúng ta. Tất nhiên, các biện pháp chế tài xử phát trong xuất bản còn quá mới nên chúng ta chưa thể làm ngay được".

Bộ trưởng Nghị khẳng định lại: "Theo luật này, tư nhân có thể tham gia góp vốn, lựa chọn đầu sách, tác giả biên tập, nghiên cứu thị trường, còn NXB sẽ phải có trách nhiệm thẩm định lại bản mẫu sách, ký duyệt trước khi in và trước khi phát hành. Nhà nước sẽ nắm 2 chốt an toàn trên. Tuy nhiên, tôi kiến nghị chúng ta nên cân nhắc nhiều hơn về vấn đề này".

Kết thúc buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An vẫn giữ quan điểm: "Phân cấp nhưng chỉ nắm cái cần nắm thôi. Chúng ta đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động xuất bản những cũng cần phảo có sự đổi mới". 

Chủ tịch nhắc lại: "Nước ngoài họ cũng kiểm soát được nội dung trong khi vẫn cho tư nhân làm xuất bản. Tôi nghĩ bởi họ làm chặt hơn ta, có chế tài cụ thể hơn ta...".

Rừng không nuôi được người trồng rừng

Rừng tràm ở An Giang.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ cho biết, điểm mới đáng lưu ý là Dự án luật này là quy định cụ thể trường hợp hình thành giá rừng, giao cho Chính phủ quy định phương pháp nguyên tắc xác định các loại rừng. UBND cấp tỉnh căn cứ vào đó để xây dựng giá rừng tại địa phương trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi quyết định. Giá rừng do UBND cấp tỉnh quy định được công bố vào 1/1 hàng năm, làm căn cứ tính tiền sử dụng rừng và thuế rừng.

Theo kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến năm 2001, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ hơn 1,2 triệu ha rừng và đất trồng rừng tại 1.203 xã thuộc 146 huyện của 24 tỉnh. Cộng đồng dân cư thôn, bản còn tự quản lý theo truyền thống (rừng thiên, rừng mỏ nước, rừng ma và các khu rừng, khu đất sử dụng chung cho cộng đồng) khoảng 214 nghìn ha, nhận khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức Nhà nước gần 1 triệu ha.

Tham gia cho ý kiến về dự luật, bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Uỷ ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng: "Bảo vệ và phát triển rừng phải gắn với giải quyết đời sống của người dân nơi có rừng. Nông dân có ruộng đất để sinh sống, người ở rừng phải sống được với rừng''. 

Nói về nạn phá rừng, bà Đan bức xúc: "Phải xác định cấp bao nhiêu ha rừng thì người dân đủ sống. Nếu không như thế thì bao nhiêu ''cảnh sát rừng'' cho vừa!''.

Còn theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh: ''Cũng con người đó, chính sách tốt thì sẽ thành người bảo vệ và phát triển rừng, chính sách không tốt thì sẽ thành người phá rừng''. Bà Tâm đề nghị kiểm tra lại toàn bộ đất rừng, đảm bảo diện tích đất, rừng cho người dân có thể dựa vào đó để sinh sống, sau đó mới dành đất cho các trang trại, nông trường". 

Ông Lê Huy Ngọ cho biết thêm, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người dân trồng rừng bất cập do có xuất phát điểm thấp. ''Trước đây, giao cho một hộ gia đình 30ha, nhân với 50.000 đồng/ha ra 1,5 triệu đồng, được một tấn lúa là đủ ăn. Nhưng giá lúa bây giờ lên đến 1.900-2.200 đồng/kg. Gia đình người ta lúc đó 3-4 người bây giờ lên 5-7 người. Thực tế lại giao không đủ 30ha, mà chỉ có 20ha, không đủ 50.000 đồng/ha mà cắt xén còn 30.000 - 40.000 đồng/ha. Như vậy làm sao đủ ăn?''. Ông Ngọ lo lắng.

Ông Tráng A Pao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội trăn trở: "Người chủ rừng muốn xoay sở để cải thiện cuộc sống của mình hiện nay cũng đang gặp rất nhiều cản trở. Người dân ở Yên Bái kêu với tôi nhiều lắm. Họ muốn khai thác bán gỗ do mình trồng phải lên xã, huyện, tỉnh, qua 60 con dấu. Rồi đường xá khó khăn vận chuyển rất khổ!''. 

Về chủ trương giao đất cho thôn, bản, ông Tráng A Pao cho rằng nên giao một vài ha và đối với rừng chung của thôn, bản. ''Tốt nhất là nên giao cho hộ dân để làm rõ trách nhiệm. Chứ giao cho thôn, bản thì dễ cha chung không ai khóc''.

Hôm nay, UBTVQH tiếp tục làm việc.

  • Như Quỳnh - Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,