(VietNamNet) - "Trong 10, 15 năm qua, đoàn của Việt Nam đi Thâm Quyến tới hàng trăm đoàn. Đa số đi về rồi viết báo cáo để... cất đấy. Trong một ngày, một địa phương của Trung Quốc tiếp tới 10 đoàn Việt Nam mà đoàn nào cũng đặt những câu hỏi như nhau. Trong khi, để tổ chức một chuyến đi nước ngoài, tốn kém không ít tiền của của Nhà nước". Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Mão, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại QH nói.
Đi về, các đoàn viết báo cáo rồi cất đấy?
Ô
ng Vũ Mão thẳng thắn chỉ ra: Vì thế, vấn đề đặt ra: mục đích đi thăm là để làm gì, phải đạt được gì. Tiền của ngân sách nhà nước bỏ ra thì phải thu được kết quả. Nếu đi mà không đạt hiệu quả cao thì thật là đáng tiếc, nếu không muốn nói là đáng trách.- Nhưng đoàn nào đi về cũng báo cáo là "kết quả tốt đẹp"?
- Thường thường các đoàn đi khi về đều có báo cáo là mang lại hiệu quả tốt đẹp. Tuy nhiên, hiệu quả tốt đẹp cụ thể là như thế nào thì không thấy chỉ rõ. Cái nhìn chủ quan của các đoàn đều thấy thế, nhưng khi báo cáo xong thì không ai kiểm tra, không ai giám sát xem các đoàn đi có thắng lợi thực không.
Đúng là có hiện tượng có 30 đoàn thậm chí 50 đoàn tới thăm một nước hoặc một địa phương của nước đó. Thậm chí cá biệt có nơi cả trăm đoàn đến thăm. Ví dụ trong 10, 15 năm qua, đoàn của Việt Nam đi Thâm Quyến tới hàng trăm đoàn. Nội dung trùng lắp nhau nhưng có thể bạn nói hoặc không nói ra.
- Theo ông, tại sao lại có chuyện ấy?
- Vấn đề là các đoàn đi thăm về thì đoàn nào biết đoàn đấy, viết báo cáo rồi cất đấy. Đoàn sau đi với mục đích tìm cái mới nhưng rồi cũng hỏi những cái đó, hoặc đoàn vào cũng thế.
" Các đoàn đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm là chủ yếu. Cái dở là những kinh nghiệm đó không phổ biến được. Những thông tin của các đoàn đi trước không được lưu trữ ở một nơi mà khi cần có thể tra cứu được. Rốt cục, những cố gắng của người đi trước gần như vô ích đối với đoàn đi sau"...T.S Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
- Với tư cách là người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Quốc hội, ông có đề xuất gì để nâng cao hiệu quả các chuyến xuất ngoại của ta?
- Giải pháp tổng thể là chúng ta phải hệ thống hoá lại những thông tin của từng nước một. Tôi rất mong là làm sao chúng ta có một đầu mối để tập hợp lại và tổng kết các chuyến đi.
Lấy trường hợp cụ thể, ví dụ như đi Trung Quốc có bao nhiêu đoàn. Hay cụ thể là có bao nhiêu đoàn đi Thâm Quyến, kinh nghiệm học được của Thâm Quyến là thế nào. Như thế, sau này các đoàn có đi Trung Quốc hay Thâm Quyến thì chỉ cần xem lại tất cả những kinh nghiệm đã có từ Thâm Quyến và chỉ tìm cái mới thôi. Nếu đến với Thâm Quyến, chúng ta sẽ nói với các bạn Thâm Quyến rằng "chúng tôi đã có 100 đoàn đến đây rồi. Chúng tôi cũng đã hệ thống tài liệu của 100 đoàn rồi. Chúng tôi thấy kinh nghiệm của các bạn thế này là rất hay. Còn chỗ này chúng tôi muốn hỏi thêm, muốn nghiên cứu thêm". Như thế, họ sẽ thích hơn là nói lại từ đầu (nếu không, người ta vẫn nói nhưng sẽ cười ta).
- Chúng ta đã có đầu mối đó chưa, thưa ông?
- Ước mong của tôi là thế. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa có đầu mối. Bộ Ngoại giao thì chỉ biết phần của Chính phủ thôi. Ngay cả phần Chính phủ, Bộ Ngoại giao cũng chỉ biết phần của Bộ Ngoại giao và phần của lãnh đạo cấp trên thôi, còn các Bộ ngành thì không nắm được. Bên Đảng thì Ban đối ngoại cũng nắm một phần thôi, bên Quốc hội thì không thể bao quát hết tình hình của quốc gia.
Tôi nghĩ rằng nơi tập hợp tốt nhất là Bộ Ngoại giao, nhưng Bộ Ngoại giao lại quá nhiều việc, trong khi để làm được việc này cần phải có thời gian để lắng đọng lại nghiên cứu tập hợp, phân loại...
Vấn đề quan trọng là có thống nhất nhận thức không. Khi đó, có thể giao cho một cơ quan nào đó của Bộ Ngoại giao như Học Viện Quan hệ Quốc tế, hoặc cũng có thể lập một phòng riêng.
- Nhưng liệu có dễ dàng tập hợp được báo cáo của các cơ quan, đoàn thể không, thưa ông?
- Nếu có chủ trương thống nhất thì phải làm được chứ. Còn nếu sợ các nơi không cung cấp văn bản, thì dùng một văn bản pháp luật hoặc chỉ thị của cấp trên yêu cầu các cơ quan phải gửi báo cáo đến. Thậm chí có thể yêu cầu rút ra những điểm cốt lõi của các báo cáo đó rồi mình sàng lọc và tổng hợp lại. Theo tôi, đây không chỉ là vấn đề tiết kiệm, hạch toán kinh tế trong hoạt động đối ngoại. Mà những gì chúng ta làm còn để cho sau này. Cũng như bây giờ ta đọc lại lịch sử thì thấy những đoàn của ông cha ta đi sứ ngày xưa người ta ghi lại hết.
- Vậy Quốc hội đã thử áp dụng sáng kiến này chưa, thưa ông?
- Chúng tôi đã thực hiện việc đó rồi. Năm 2003, Quốc hội có một kỷ yếu về hoạt động của các cơ quan Quốc hội. Kỷ yếu này có ghi đoàn của Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội năm 2003 đã đi thăm những nước nào; báo cáo kết quả cụ thể từng nước như thế nào. Báo cáo về đoàn của các uỷ viên thường vụ quốc hội, chủ tich hội đồng dân tộc, các uỷ ban chuyên trách cũng đều được tập hợp lại.
Nhưng có một cái mà chúng ta chưa làm được, đó là từ những báo cáo đó rút ra cái gì của hoạt động đối ngoại Quốc hội, hệ thống lại bao nhiêu vấn đề, về Chính trị là gì, về hoạt động Quốc hội là gì, về kinh tế là gì, về các lĩnh vực như thế nào. Muốn làm được phải đầu tư, phải có người, phải có trình độ và tâm huyết. Chúng tôi đang cố gắng phấn đấu thực hiện được điều đó.
Tôi cũng muốn rằng việc này được thực thi ở một tầm cao hơn là toàn quốc, kể cả Chính Phủ, Bộ Ngoại giao, các ngành... bên Đảng, Quốc Hội, mặt trận....
- Như ông vừa nói, trong trường hợp mỗi đoàn đi về phải có báo cáo về hiệu quả của các đoàn đi như thế nào, thu lại những gì. Nên chăng, phải có cơ chế kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các chuyến đi đó (hiệu quả tương ứng với số tiền chi phí cho các thành viên trong đoàn - NV)?
- Sẽ phải có đoàn kiểm tra là chuyện cần thiết. Nhưng vấn đề là ai kiểm tra ai, ai có quyền được kiểm tra. Rồi việc đánh giá có hiệu quả hay không hiệu quả. Ông cha ta đã nói "đi một ngày đàng học một sàng khôn", mà "sàng khôn" nhiều khi không thể đo đếm được. Người ta lập luận như vậy, nếu mình chi ly quá, kiểm tra giám sát kiểu nào đó thì người ta lại cho rằng như vậy hơi xét nét.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đúng là phải có một cơ chế. Có lẽ, nên đặt ra vấn đề này để cùng nhau trao đổi, tính toán từng bước một. Phải có thời gian nhưng nhất định phải làm nếu muốn nâng cao hiệu quả của hoạt động đối ngoại.
Nhiều đoàn đi chưa đưa được hình ảnh VN "xuất ngoại"?
Nên thay đổi cách thông tin đối ngoại
"Trong mắt nhiều người ở nước ngoài, Việt Nam vẫn như một ốc đảo". Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhận xét như vậy khi trao đổi với VietNamNet về thông tin đối ngoại. Một trong những nguyên nhân chính là phương thức thông tin đối ngoại chưa hấp dẫn. |
- Các đoàn khi đến Việt Nam thường có ấn tượng tốt đẹp về một Việt Nam đang phát triển năng động. Tuy nhiên, ở nước ngoài, người ta phàn nàn rằng thông tin về Việt Nam rất ít. Đa số mọi người vẫn hình dung Việt Nam như một cuộc chiến tranh.
- Phải thừa nhận một thực tế, công tác thông tin đối ngoại là một trong những điểm yếu nhất của hoạt động đối ngoại. Cũng có thể có nhiều người sẽ nói rằng chúng ta đã rất cố gắng đấy thôi.
Không thể phủ nhận là chúng ta đã nỗ lực rất lớn và làm được nhiều việc. Ví dụ như truyền hình có tác dụng tốt trong phạm vi đất nước và Việt Kiều ở nước ngoài. Tuy nhiên, nói cho đúng thì những việc làm đó cũng chỉ như "muối bỏ bể" thôi. Vấn đề cốt lõi ở đây là chiến lược. Chúng ta phải có một chiến lược lâu dài và cụ thể về quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế.
Về chuyện này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng có ý tưởng: phải đem đến một thông điệp sáng láng... Ông kể lại cuộc nói chuyện với Việt Kiều gần đây nhân chuyến đi Mỹ của đoàn đại biểu QH: Ban đầu, không khí khá căng thẳng. Nhưng khi đại diện đoàn Việt Nam đứng lên nói " Chúng tôi hiểu rằng những mối quan tâm của các anh chị cũng là sự quan tâm của chúng tôi. Chúng ta nghĩ như nhau, cảm nhận vấn đề như nhau. Dù có ai ngăn cản, dù có đâm chém nhau thế nào đi chăng nữa máu chảy trong huyết quản của chúng ta vẫn là một dòng máu người Việt Nam". Cả hội trường lặng đi. Bức thông điệp chân thành đó của đoàn Việt Nam đã được bà con Việt Kiều tiếp nhận. |
- Có ý kiến cho rằng, để người khác hiểu mình không gì bằng chính chúng ta tự nói về chúng ta. Quốc tế hiểu Việt Nam qua chính những người khách Việt Nam đến thăm đất nước họ. Liệu các đoàn đi của chúng ta có ý thức được "sứ mệnh" mang hình ảnh đất nước mình đến với bạn bè quốc tế?
- Đáng tiếc là các đoàn của chúng ta không đặt việc đó là một yêu cầu quan trọng. Thường các đoàn đi chỉ chú ý nghiên cứu cái này, học hỏi cái kia... Muốn làm được điều này phải đưa thành chủ trương.
Học từ các đoàn đến VN sẽ bớt tốn kém!
- Nói về đoàn đi của Việt Nam thì như vậy, còn việc đón các đoàn vào Việt Nam thì như thế nào, thưa ông?
- Chúng ta chủ trương đón các đoàn quốc tế sang Việt Nam nhiều hơn là đi thăm các nước bởi như thế sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Nói một cách "nôm na" là ta đến để cho bạn hiểu ta thì ta tốn kém, bạn đến mà bạn hiểu ta lại ít tốn kém hơn (Tiền vé máy bay, ăn uống sinh hoạt ở Việt Nam họ tự lo, chúng ta vừa có thêm nguồn thu vừa được tình cảm hữu nghị, có lợi về chính trị). Vì thế, nếu có bạn bè nào muốn đến thăm Việt Nam thì ta sẵn sàng tiếp đón.
Qua thực tế cho thấy, chủ trương này thực sự hiệu quả, ở chỗ là các đoàn khách quốc tế sang đây và hiểu Việt Nam hơn. Có người trước đã sang Việt Nam rồi giờ họ trở lại và được chứng kiến Việt Nam phát triển như thế là tốt. Lại có người lần đầu tiên sang Việt Nam mới thấy thực tế ở Việt Nam, trong khi ở bên ngoài họ có thể nghe nói thế này thế khác.
Mặt khác, chính những đoàn khách đến thăm Việt Nam là một "kho" kinh nghiệm quý giá. Các đoàn thăm cấp cao thì chính trị là chính, còn đoàn ở cấp vừa thì đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, học tập. Tại sao mình không khai thác họ? Tất nhiên không phải kinh nghiệm nào của họ chúng ta cũng vận dụng được.
- Theo ông, nên làm thế nào để các đoàn đến có thể trao đổi kinh nghiệm với chúng ta một cách thẳng thắn?
- Ở đây, không gì bằng sự chân thành, cởi mở và thái độ thực sự cầu thị. Không thể nói với người ta là phải thế này, phải thế kia, như thế khác nào "mình dạy đời".
Tôi còn nhớ một kỷ niệm cách đây khoảng chục năm khi đón đoàn của đồng chí Vương Hán Bân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc. Ông là người đi sâu nghiên cứu hệ thống pháp luật từ sau Đại Cách mạng Văn hoá. Sau Cách mạng Văn hoá, Trung Quốc chuyển từ mô hình nhà nước mà người đứng đầu có quyền lực tuyệt đối sang Nhà nước đặt pháp luật lên trên hết. Tới năm 92-95 về cơ bản Trung Quốc xây dựng tương đối hoàn thiện hệ thống luật pháp tới 1.000 luật. Trong khi đó chúng ta mới có 150 luật. Muốn hoàn thiện hệ thống pháp luật của ta thì phải có 500, 700 luật. Tôi mới hỏi họ và xin tài liệu thì họ cung cấp những phần mang theo, còn lại về TQ họ gửi tiếp. Những tài liệu đó thực sự bổ ích.
Tất nhiên, việc áp dụng kinh nghiệm của người khác còn phải tính tới bản sắc và những đặc thù của Việt Nam. Ví dụ như ở Trung Quốc họp Quốc hội rất ngắn vì có tới gần 3.000 đại biểu. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được coi trọng hơn, còn họp Quốc hội chỉ là để đưa ra biểu quyết. Ta vẫn phải có thảo luận thông qua, bởi nếu không dân không chịu.
- Xin cảm ơn ông!
-
Việt Lâm (thực hiện)