(VietNamNet) - "Chống tham nhũng quan trọng là làm sao giảm bớt quyền lực kinh tế của Nhà nước, chứ không chỉ là trừng phạt người vi phạm khi sự đã rồi". Đây là ý kiến của các học giả hàng đầu Trung Quốc, quốc gia đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với G.S Chi Fulin, Viện trưởng Viện Cải cách và Phát triển Trung Quốc và T.S David Li, Đại học Khoa học và Công nghệ Hongkong.
Giảm quyền lực kinh tế sẽ bớt được tham nhũng?
| ||
- Trong suốt quá trình cải cách, Trung Quốc đã áp dụng nhiều giải pháp mạnh để tăng sức sống mới cho nền kinh tế. Một trong những sáng kiến mà nhiều người có nói tới là khuyến khích đảng viên làm kinh tế. Cá nhân giáo sư đánh giá như thế nào về chính sách này? Nó có hiệu quả hay không?
G.S Chi Fulin: Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách mạnh bạo. Và trong giai đoạn đầu đó, Trung Quốc đề ra chính sách "Go down to the Sea", nói cách khác là khuyến khích các quan chức chính phủ tiến hành các hoạt động kinh doanh, thành lập các doanh nghiệp.
Thực tế hơn 20 năm cải cách của Trung Quốc đã chứng tỏ chính sách này rất đúng đắn và thành công. Tôi có hai ý muốn nói ở đây. Thứ nhất, chúng ta không thể đối xử thiếu công bằng với khu vực tư nhân nếu không khu vực này không thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo ra các cơ hội việc làm lớn cho xã hội. Thông điệp thứ hai là môi trường kinh tế thị trường đã tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đảng viên và những người bình thường khác.
- Nhưng làm sao tránh khỏi tình trạng những đảng viên này lợi dụng chức vụ để mưu cầu lợi ích riêng vì đa số những chức vụ cao thì đều là đảng viên?
T.S David Li: Đối với vấn đề này có một loạt nguyên tắc luật pháp tách biệt rõ ràng Chính phủ và các công ty tư nhân. Những quy định này có thể không được thực hiện nghiêm túc, không hoàn toàn đảm bảo sự công bằng giữa các DN tư nhân hay đảm bảo đảng viên không lạm dụng quyền lực, nhưng ít nhất nó cũng cho thấy Trung Quốc đã nhận ra vấn đề và có ý định hạn chế hay xây dựng một "bức tường lửa" ngăn Chính phủ khỏi bị can thiệp bởi những DN tư nhân. Trên thực tế, ở miền duyên hải các nguyên tắc phân quyền này được áp dụng tốt hơn và nghiêm túc hơn so với những tỉnh miền Tây sâu trong lục địa - nơi kinh tế có phần kém phát triển.
G.S Chi Fulin: Điều đầu tiên là phải làm rõ rằng các quan chức làm kinh tế sẽ không còn giữ chức vụ trong chính quyền nữa, tức là họ sẽ không còn quyền lực chính trị trong tay để có thể tác động vào quá trình hoạch định chính sách có lợi cho họ. Phải thừa nhận một thực tế là trong giai đoạn đầu của tiến trình cải cách ở Trung Quốc có xảy ra hiện tượng các quan chức này lợi dụng các nguồn lực sẵn có trong tay để mưu lợi cá nhân. Tuy nhiên, càng về sau này, có xu hướng là khi những doanh nghiệp do họ thành lập ra thị trường cạnh tranh thì chính họ phải cạnh tranh bình đẳng với những thành phần kinh tế khác.
Chống tham nhũng: quan trọng nhất vẫn là tạo sự minh bạch!
T.S David Li: Tôi cho rằng chính sách này không mới, nó tồn tại xuyên suốt quá trình cải cách của Trung Quốc từ nhiều năm nay. Ví dụ như thời kỳ nạn lạm phát hoành hành ở Trung Quốc trong những năm 1993 hay 1985, Chính phủ đã yêu cầu các lãnh đạo Tỉnh, Thành phố phải kiểm soát được tình hình giá cả gia tăng ở địa phương mình.
Hay chuyện mới xảy ra gần đây, Tết nguyên tiêu năm ngoái, tại một thành phố gần Bắc Kinh một cây cầu bị gẫy do nhiều người xem chen chúc nhau, vài người chết. Thị trưởng thành phố này bị buộc từ chức mặc dù có thể cây cầu bị gẫy không phải lỗi do ông gây ra...
- Xét trên khía cạnh nào đó thì chế độ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cũng nhằm hạn chế tham nhũng. Tham nhũng đã trở thành vấn nạn nhức nhối của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp "mạnh tay" hơn để chống tham nhũng. Ý kiến của ông về vấn đề này?
G.S Chi Fulin: Đối với câu hỏi này tôi có 3 ý muốn chỉ rõ. Trong cuộc chiến chống tham nhũng này, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều biện pháp có thể nói là hết sức mạnh mẽ từ trước tới nay. Một là, chúng tôi xây dựng hệ thống kiểm tra do Chính quyền TW chỉ đạo và thường xuyên về các địa phương thanh kiểm tra các hoạt động của họ.
(Khi kiểm tra ở tỉnh (hoặc bộ) nào thì trưởng đoàn không phải là người của địa phương hoặc cơ quan bị kiểm tra. Năm 2003, TQ đã tổ chức năm đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra ở nhiều tỉnh như Quý Châu, Hồ Nam, Cát Lâm, Giang Tô, Cam Túc, Hải Nam... để phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực, tránh tình trạng như trước đây khi phát hiện thì đã sai phạm đã quá nghiêm trọng - NV).
Có dự đoán: với đà công nghiệp hoá và đô thị hoá như hiện nay ở Việt Nam và Trung Quốc, không bao lâu nữa, quỹ đất nông nghiệp sẽ cạn kiệt? G.S Chi Fulin: Trung Quốc đã bước đầu nhận thức rõ về vấn đề này. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc có chính sách bảo vệ đất canh tác của người nông dân. Luật pháp đã quy định rõ ràng không được phép sử dụng đất canh tác của người nông dân để xây dựng các khu công nghiệp hay vào mục đích kinh doanh. Nếu phát hiện thấy các quan chức chính quyền dùng quyền lực của mình để sử dụng đất của nông dân cho mục đích kinh doanh thì họ sẽ bị trừng phạt... |
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thành lập Tổng cục Chống tham nhũng - một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng nằm trong Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và hệ thống các cục chống tham nhũng ở viện kiểm sát các địa phương.
Thứ hai là tăng cường công khai, minh bạch hoá thông tin để người dân có thể giám sát hành vi của các quan chức. (Trung Quốc xây dựng 4 trung tâm: Trung tâm đấu thầu xây dựng công trình quốc gia (mọi công trình quốc gia đều đấu thầu thông qua đây); Trung tâm giao dịch đất đai (đất kinh doanh); Trung tâm công sản (nơi thực hiện các giao dịch đối với tài sản nhà nước) và Trung tâm mua bán của chính phủ (nơi thực hiện việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị cho các cơ quan thay vì để các cơ quan tự mua, hạn chế tiêu cực).
Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất là làm sao đẩy nhanh tiến trình chuyển giao vai trò của Nhà nước. Dưới tác động của cơ chế thị trường, quyền lực kinh tế của Nhà nước cần giảm bớt và thay vào đó là một Nhà nước hướng vào cung cấp các dịch vụ công (public service-oriented government). Bằng cách đó, chúng ta có thể kiểm soát và ngăn chặn tình trạng lạm dụng chức quyền.
- Còn David, ông nghĩ thế nào về chuyện này?
T.S David Li: Tôi chia sẻ với quan điểm của G.S Chi Fulin. Gần đây, Chính phủ mới ban hành một số quy định pháp luật hạn chế quyền lực của chính mình. Trong đó có một quy định cho phép các cá nhân được phép kiện lên toà án khi cảm thấy không thoả mãn với các quyết định của chính quyền. Mặc dù những điều luật này vẫn còn trên giấy, chúng tôi còn phải chờ đợi xem trên thực tế chúng sẽ phát huy tác dụng như thế nào nhưng ít nhất nó cũng chứng tỏ một điều là chính phủ Trung Quốc nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc hạn chế quyền lực của các cơ quan nhà nước.
Theo tôi, có hai nhân tố chủ yếu cần nói tới khi đề cập đến việc chống tham nhũng ở Trung Quốc. Một là, quyết tâm chính trị. Giới lãnh đạo Trung Quốc hết sức lo lắng, bức xúc trước tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc. Có thể nói rằng, họ nhận thức rất rõ rằng chống tham nhũng đang là vấn đề sống còn của Trung Quốc.
Khía cạnh thứ hai là hiện nay ở Trung Quốc một số khu vực đã có cơ chế chống tham nhũng khá hiệu quả. Dường như, người ta đang chứng kiến sự cạnh tranh giữa các khu vực trong giải quyết vấn đề này. Chẳng hạn như ở Quảng Châu, Thượng Hải, các cơ quan tiến hành kê khai tài sản, xem nhà ở, phương tiện sinh hoạt có phù hợp với thu nhập của cán bộ đó không. (Trung Quốc đặt ra vấn đề nếu cán bộ đảng viên không chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình trong ngân hàng, doanh nghiệp… cũng bị coi là tham nhũng, bị xử lý - NV)
Bảo hộ quyền sở hữu tư nhân bằng Hiến pháp
- Tại Hội nghị này, các nhà hoạch định chính sách cũng như giới học giả đều thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân phát triển năng động nhất trong các nền kinh tế chuyển đổi. Tuy nhiên, khu vực này mới chỉ thực sự hình thành sau cải cách. Trung Quốc có những biện pháp gì để các DN tư nhân "yên tâm" kinh doanh?
T.S David Li: Tôi chỉ muốn nói một chút đến khía cạnh đất đai do đất đai đóng một vai trò rất quan trọng trong sản xuất công nghiệp. Hiện nay DN không có quyền sử hữu đất đai mà chỉ có quyền thuê đất, đóng phí sử dụng cho nhà nước. Điều này chứa đựng nhiều yếu tố làm DN không yên tâm. Gần đây Trung Quốc đã đề xuất bổ sung vào Hiến pháp điều khoản về bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, về cơ bản các thành viên Quốc hội đều nhất trí coi quyền sở hữu tư nhân là nhân tố chính thúc đẩy công cuộc cải tổ nền kinh tế, giúp hàng triệu người Trung Quốc thoát khỏi cảnh nghèo. Điều khoản bổ sung về quyền sở hữu nói rằng: "Quyền sở hữu tư nhân hợp pháp sẽ không bị vi phạm. Nó sẽ được đặt ngang hàng với quyền sở hữu công cộng".
- Nhiều học giả ở Việt Nam có ý kiến rằng do hoàn cảnh lịch sử, tâm lý người dân vẫn còn rơi rớt cái gọi là sự "kỳ thị" đối với người giàu. Khi ai đó giàu lên một cách nhanh chóng, không ít người nghi ngờ về tính chính đáng trong tài sản của họ. Trung Quốc đã giải quyết những trở ngại tâm lý này như thế nào để sau hơn 20 cải cách đã hình thành một tầng lớp doanh nhân có tiềm lực kinh tế mạnh và được xã hội tôn vinh?
G.S Chi Fulin: Người Trung Quốc đã có sự thay đổi cơ bản về tư tưởng trong mấy năm gần đây. Chúng tôi cho rằng những người có thể làm giàu cho bản thân một cách hợp pháp cần được tôn trọng. Họ không chỉ làm giàu cho chính mình mà còn cho xã hội và nhiều người khác. Chúng tôi gọi họ là những người đóng góp tích cực cho Chủ nghĩa xã hội.
Theo tôi, chúng ta hãy để thực tế lên tiếng. Khu vực kinh tế tư nhân làm được rất nhiều điều, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, nâng cao đời sống, đóng thuế, mở ra nhiều cơ hội việc làm. Do đó dần dần mọi người sẽ phải thừa nhận vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.
Mặt khác ở Trung Quốc chúng tôi cũng có nhiều biện pháp khuyến khích người dân làm kinh tế tư nhân, làm giàu cho chính mình bằng cách trao phần thưởng, nâng cao địa vị xã hội cho những doanh nhân thành công, làm giàu hợp pháp. Bên cạnh đó pháp luật cũng có nhiều quy định bảo vệ giới DN tư nhân.
- Xin cảm ơn!
-
Việt Lâm - Cẩm Tú
thực hiện