(VietNamNet) - "Cuộc bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 là một bước tiến quan trọng trong quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội của Việt Nam" - đây là nhận xét của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế cho đợt bầu cử này.
Cử tri hào hứng tham gia bầu cử. |
Tại hội thảo "giới thiệu với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế về cuộc bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2005" do Văn phòng Quốc hội và UNDP tổ chức sáng 13/4, đa số các nhà tài trợ quốc tế đều có chung đánh giá cuộc bầu cử lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ, thể hiện rõ Việt Nam ngày càng coi trọng và nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử trong đời sống chính trị - xã hội đất nước.
Ông Jordan Ryan, Trưởng đại diện của Cơ quan Hợp tác phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Hà Nội cho rằng: Việc cho phép báo chí được tham gia nhiều hơn, quy chế tự ứng cử, cung cấp thông tin rộng rãi về các ứng cử viên, quy định kê khai tài sản cho thấy Việt Nam ngày càng cởi mở và minh bạch hơn.
Theo ông, chính những tiến bộ trong cuộc bầu cử lần này sẽ khiến cho người dân thường cảm nhận được vai trò sở hữu của họ trong quá trình bầu cử và ý thức rõ hơn về các đại biểu mà mình sẽ bỏ phiếu với tư cách là đại diện của nhân dân. Vì thế, cuộc bầu cử lần này là một bước tiến mạnh trong tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam, ông Jordan Ryan nói.
T.S Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã giới thiệu chi tiết về tình hình triển khai công tác bầu cử ở các địa phương. Liên quan đến kê khai tài sản, một vấn đề khá nhiều đại biểu quan tâm, ông Dũng giải thích: Quyết định kê khai nhưng không công khai tài sản của các ứng cử viên trước khi tiến hành bầu cử là sáng suốt, vì qua nghiên cứu tình hình thực tế, chúng tôi thấy do hoàn cảnh lịch sử hơn một nửa thế kỷ qua đã hình thành trong tâm lý người dân Việt Nam thái độ rất kỳ thị đối với người giàu. Mặc dù hiện nay, cách nhìn người giàu đã có phần nào thay đổi song thời gian chưa chín muồi để xã hội có thái độ thật công tâm đối với giàu - nghèo. Vì thế, việc công khai tài sản các ứng cử viên rất có thể dẫn tới những thiên kiến không đáng có, để lọt những ứng cử viên thực sự có năng lực.
Trả lời VietnamNet về vấn đề này, ông Jordan Ryan cho rằng, quyết định kê khai tài sản của các ứng cử viên có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc chống tham nhũng.
"Tôi nghĩ, việc kê khai tài sản của các ứng cử viên là một việc làm cần thiết mà nhiều nước khác cũng đã tiến hành. Quyết định này do đó là một tiến bộ rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu được rằng, trong tình hình hiện tại của Việt Nam, việc công khai tài sản các ứng cử viên gặp khá nhiều khó khăn, nhất là khi tâm lý người dân vẫn tồn tại những định kiến về giàu - nghèo". Ông J.Ryan cũng nói thêm rằng việc công khai tài sản của ứng cử viên cần được tiến hành trong tương lai.
Cộng đồng quốc tế đã và đang dành nhiều nguồn lực hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình bầu cử HĐND các cấp. UNDP phối hợp với Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thuỵ Sĩ (SDC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA) đang tài trợ 3,5 triệu USD cho dự án VIE/02/07 giai đoạn 2003-2008 nhằm nâng cao năng lực của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và HĐND các cấp.
Vừa qua, dự án này đã triển khai trang web phục vụ cuộc bầu cử. UNDP, SDC và CIDA cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá kinh nghiệm tổ chức các cuộc bầu cử ở địa phương dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
-
V.Lâm