2011: Bầu đại biểu Quốc hội và HĐND cùng ngày

Cập nhật lúc 19:38, 18/09/2010 (GMT+7)

- Nhằm phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) lần đầu tiên diễn ra trong cùng một ngày trên phạm vi cả nước trong năm tới, UBTVQH trong phiên họp chiều nay (18/9) đã cho ý kiến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND.

2011: Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND cùng một ngày.
Bà con dân tộc vùng cao Lai Châu đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12. Ảnh: VNN
Năm 2011, cùng với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cả nước sẽ tiến hành bầu cử đồng thời đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành bầu cử đại biểu QH, bầu cử đại biểu HĐND trong cùng một ngày, trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, việc hiện có hai luật bầu cử khác nhau với những quy định khác nhau là Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND tạo ra một số vướng mắc phát sinh cần giải quyết.

Trưởng Ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cho hay, nếu vẫn tiến hành quy trình bầu cử độc lập theo từng luật thì sẽ rất phức tạp trong chỉ đạo bầu cử chung và tổ chức thực hiện, gây lãng phí về thời gian, tiền của và công sức. Để thực hiện bầu cử QH và HĐND các cấp trong cùng một ngày có tính khả thi, bảo đảm thuận lợi, tiết kiệm, cần có sự thống nhất về một số quy định giữa hai luật.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND đã được UBTVQH thống nhất chỉ tập trung sửa những quy định mang tính chất kỹ thuật, cần thiết liên quan đến công tác tổ chức, trình tự, thủ tục thực hiện bầu cử… mà chưa hướng tới sửa đổi về nội dung của hai luật.

Nhiều ý kiến cho rằng do đặc thù không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, nên số lượng đại biểu HĐND ở các tỉnh, thành thực hiện thí điểm sẽ trở nên mỏng, trống, khó thực hiện chất lượng công tác giám sát, nhất là với những địa phương như TP.HCM, nơi vừa đông dân, vừa rộng về diện tích đơn vị hành chính.

Vừa qua, TP.HCM đã đề nghị xin được bổ sung số lượng đại biểu từ 95 lên thành 105 đại biểu. Ngay cả Hà Nội, nơi không thí điểm cũng đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND TP do mở rộng địa giới hành chính.

Trong các cuộc bầu cử gần đây, số lượng cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ cao, như bầu cử QH khóa XII đạt tỷ lệ 99,64%, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 đạt 98,7%. Đặc biệt, số người ứng cử, tự ứng cử tăng lên.

Các luật về bầu cử đã bộc lộ bất cập về tổ chức thực hiện bầu cử, quyền bầu cử, ứng cử của công dân Việt Nam ở nước ngoài, điều kiện, tiêu chuẩn đại biểu, điều kiện tự ứng cử, số đại biểu được bầu tại mỗi đơn vị bầu cử, các bước của quy trình hiệp thương...

  • Xuân Linh

Ý kiến của bạn

Các tin khác