Nên xem xét tố cáo "nặc danh" có bằng chứng
- Thẩm tra dự thảo Luật Tố cáo, UB Pháp luật nhận định chiều nay (10/11), luật này phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện, cũng như đưa ra được cơ chế giải quyết tố cáo công khai, minh bạch, hiệu quả.
Tố cáo "nặc danh" cần được thừa nhận hợp pháp
Yêu cầu trong dự thảo luật về việc người tố cáo phải nêu rõ tên họ, địa chỉ nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, đây là một vấn đề hết sức phức tạp, quy định hay không quy định đối với hình thức tố cáo "nặc danh" đều có mặt tích cực và hạn chế nhất định.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng những tố cáo "nặc danh" dù có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể vẫn khiến việc xem xét, xác minh gặp nhiều khó khăn, làm mất nhiều thời gian và công sức của các cơ quan nhà nước. Những tố cáo "nặc danh" mang tính vu cáo, vu khống còn khiến việc xác định trách nhiệm và xử lý đối với người vi phạm trở nên khó khăn.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu lên thực tế thời gian qua, số lượng các tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo thường tăng vào những thời điểm nhạy cảm như chuẩn bị bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự. Có không ít trường hợp lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, tốn kém thời gian và tiền bạc cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết.
Tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ảnh minh hoạ, nguồn: congannghean.vn |
Điểm này cũng đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng và được khuyến cáo trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam tham gia ký kết. Nhưng trên thực tế, các tố cáo "nặc danh" còn diễn ra phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác.
Bảo vệ cả người bị tố cáo
Tờ trình của Chính phủ ghi nhận việc tố cáo "nặc danh" vẫn phổ biến một phần do các quy định về bảo vệ người tố cáo chưa được cụ thể hóa và thiếu cơ chế tổ chức thực hiện. Vì sợ bị trả thù, trù dập mà nhiều người không dám tố cáo hoặc chọn cách tố cáo giấu tên, giấu địa chỉ. Có không ít trường hợp người tố cáo bị trả thù, trù dập mà người vi phạm không bị xử lý gì.
Vì vậy, UB Pháp luật nhấn mạnh yêu cầu dự luật quy định chi tiết hơn về việc bảo vệ người tố cáo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tố cáo, chẳng hạn cần xác định cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ; xác thứ tự ưu tiên bảo vệ, ví dụ tính mạng, tài sản của người tố cáo, thậm chí người thân của họ, phải được đặt lên hàng đầu, sau đó là các quyền lợi về chính trị, kinh tế, việc làm, uy tín.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng yêu cầu ban soạn thảo nghiên cứu quy định cơ chế, biện pháp bảo vệ cả những người bị tố cáo, đảm bảo khôi phục danh dự, quyền và lợi ích của họ trong trường hợp bị tố cáo sai.
Báo cáo nhận định dự luật "vẫn chung chung, còn mang tính nguyên tắc, thiếu cơ chế thực hiện và chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn" trong quy định về bảo vệ cả người tố cáo và người bị tố cáo khi họ được xác nhận là oan sai, bị vu cáo, vu khống.
Dự thảo Luật tố cáo sẽ được các ĐB thảo luận tại tổ vào chiều mai (11/11).
- Thủy Chung