Tố cáo nặc danh thường tăng sát ngày bầu cử
- Số lượng tố cáo "nặc danh" thường tăng vào những thời điểm nhạy cảm như chuẩn bị bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự.
Dù đảm bảo những quy định bảo vệ người tố cáo, song việc bắt buộc họ phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ khi tố cáo vẫn khiến không ít các thành viên UBTVQH băn khoăn trong phiên thảo luận sáng nay (15/9) về dự thảo Luật Tố cáo.
Bảo vệ người... bị tố cáo
Quy định trên kế thừa tinh thần của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành vốn không điều chỉnh tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo dù hình thức tố cáo "nặc danh" diễn ra khá phổ biến.
Đặc biệt, số lượng tố cáo "nặc danh" thường tăng vào những thời điểm nhạy cảm như chuẩn bị bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thừa nhận việc tồn tại một số lượng lớn các đơn thư tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ họ tên, địa chỉ là do pháp luật chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo.
Nhưng ngay cả khi dự thảo Luật Tố cáo cấp tiến hơn, với một chương thiết kế những quy định bảo vệ người tố cáo, không ít các thành viên UBTVQH vẫn băn khoăn.
Ông Thuận: Quy định bảo vệ người tố cáo chung chung, nguyên tắc, thiếu cơ chế thực hiện. Ảnh: VNN |
Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng các quy định liên quan bảo vệ bí mật, an toàn, tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người tố cáo chung chung, "mang tính nguyên tắc, thiếu cơ chế thực hiện và chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo để có thể thực hiện trên thực tiễn".
Đặt vấn đề luật quy định bảo vệ người tố cáo bởi đối tượng này yếu thế hơn nhưng Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng có thực tế xảy ra ngược lại, đó là khi bị tố cáo thì "người được bảo vệ không phải người tố cáo mà là người bị tố cáo". Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội thì e ngại sự liên kết bao che để phản người tố cáo.
Đặt câu hỏi những vụ việc như của Vinashin rõ ràng có nhiều cán bộ, công chức trong ngành biết mà không dám tố cáo mạnh mẽ, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình cho rằng luật phải đặt ra chế tài đối với người biết mà không tố giác.
Bỏ tố cáo nặc danh dễ bỏ sót tội
Một số ý kiến khác cho rằng nếu "lờ" đi dạng tố cáo nặc danh, không đặt ra những quy định giải quyết thì sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót, không xử lý những hành vi vi phạm pháp luật bị tố giác.
Dự thảo luật cũng quy định rõ người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về cố tình tố cáo sai sự thật, bồi thường, bồi hoàn thiện thiệt hại do hành vi cố tình tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
UB Pháp luật cho rằng cần quy định đối với những hành vi chưa đến mức độ xử lý hình sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính, kỷ luật. Điều này giúp hạn chế việc lợi dụng quyền tố cáo nhằm xuyên tạc, vu khống, làm giảm uy tín, gây thiệt hại cho người bị tố cáo. Ngoài ra, cần nghiên cứu biện pháp xử lý đối với những trường hợp tố cáo sai toàn bộ, sai một phần, hoặc trường hợp trong quá trình tố cáo mà người tố cáo rút đơn thì có xử lý không?
Chủ thể tố cáo theo dự thảo luật bó hẹp là công dân, cá nhân cụ thể mà không bao gồm tổ chức, pháp nhân cũng gây nhiều tranh cãi.
Ông Lê Quang Bình nói có những trường hợp đơn tố cáo tập thể thể hiện sức mạnh, trọng lượng của tố cáo để buộc cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết. Nếu quy định "cứng" chủ thể chỉ là công dân, cá nhân sẽ khó đảm bảo cho việc bảo vệ các quan hệ xã hội bị xâm hại như trong trường hợp tố cáo tập thể có bằng chứng rõ ràng.
-
Xuân Linh