Lọc dầu Dung Quất: Chậm 9 năm, vốn tăng gấp đôi
- Chiều nay (4/11), Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của UB Khoa học, công nghệ và môi trường xung quanh dự án xây dựng công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự án chậm khoảng 9 năm so với yêu cầu trong Nghị quyết Quốc hội năm 1997 do các nguyên nhân như chuyển đổi hình thức đầu tư nhiều lần dẫn đến tốn thời gian giải quyết các vấn đề pháp lý và ổn định tổ chức; việc thiết kế tổng thể, lựa chọn nhà thầu bị kéo dài do các bên liên quan thiếu đồng thuận; ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á; khung pháp lý chưa hoàn chỉnh; công tác chỉ đạo điều hành có lúc còn chưa quyết liệt...
Một số yếu tố khách quan như tình hình thị trường thế giới biến động, điều kiện địa chất khó khăn, khí hậu miền Trung khắc nghiệt và các yếu tố chủ quan là năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư Vietnampetro và năng lực thi công của các nhà thầu trong nước còn hạn chế cũng được nêu lên trong số các nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ.
Theo UB Khoa học, công nghệ và môi trường, việc chậm tiến độ, đặc biệt trong giai đoạn trước năm 2005, tức là trước khi QH khoá XI thông qua Nghị quyết tập trung chỉ đạo xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, là do chưa được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các dự toán, phương án huy động tài chính, lựa chọn nhà thầu đều chưa chuẩn xác.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất có doanh thu 25 nghìn tỉ đồng kể từ ngày bàn giao. Ảnh: VOVNews |
Cùng với với việc kéo dài thời gian, chi phí đầu tư cho dự án cũng được điều chỉnh hai lần, tăng từ mức tạm tính 1.500 triệu USD năm 1997 lên mức 2.501 triệu USD năm 2005 và mức 3.053,5 triệu USD năm 2009. Theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân dẫn đến tăng tổng mức đầu tư phần lớn là do các chi phí phát sinh và biến động tỉ giá ngoại tệ.
Với tổng mức đầu tư khoảng 51,7 nghìn tỉ đồng (tương đương 3.053,5 triệu USD tính theo tỉ giá trung bình 16.937 đồng.USD), doanh thu của của nhà máy kể từ ngày bàn giao (30/5/2010) đạt trên 25 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 3.000 tỉ đồng.
Vậy là sau 13 năm triển khai, đến nay dự án đã hoàn thành cơ bản tất cả các gói thầu, hạng mục, đã chạy thử nghiệm, nghiệm thu, bàn giao, đưa vào vận hành thương mại ổn định ở 100% công suất thiết kế, cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Do đó, Chính phủ kiến nghị QH công nhận kết thúc việc xây dựng công trình quan trọng quốc gia này để vận hành chính thức Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.
UB Khoa học, công nghệ và môi trường QH ủng hộ kiến nghị này, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ cần rút kinh nghiệm về việc lập dự án, đối phó với các vấn đề phát sinh, quản lý, chỉ đạo, phân công, phối hợp... để áp dụng trong giai đoạn 2 của dự án cũng như trong các dự án công trình quan trọng quốc gia khác.
Chưa thấy đánh giá về môi trường
Báo cáo thẩm tra của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH đánh giá dự án đã thành công bước đầu trong việc góp phần hình thành tổ hợp lọc hoá dầu đầu tiên của nước ta, trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn một số tồn tại về công tác di dân, tái định cư, bồi thường và giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo của Chính phủ, để giải phóng mặt bằng và bàn giao 532 ha đất cho dự án, đã có 2.525 hộ dân được đền bù, trong đó có 611 hộ được bố trí tái định cư. Nhà máy cũng đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.400 lao động, trong đó có gần 800 lao động địa phương.
Nhưng do cơ chế bồi thường còn bất cập và hay thay đổi, người dân và các bên thực hiện dự án vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc định giá đền bù. Tái định cư chưa gắn với tái định canh và chuyển đổi ngành nghề cho bộ phận lao động vốn thuần nông, lại thêm thiếu đất và vốn, khiến công tác di dân phục vụ dự án chưa thực sự hiệu quả.
Khi chuẩn bị báo cáo thẩm tra hồi tháng 10, ĐB Trần Thị Quốc Khánh, ủy viên thường trực UB Khoa học, công nghệ và môi trường, đã yêu cầu có những đánh giá cụ thể về đời sống của nhân dân ở khu vực có nhà máy. Tuy nhiên, đánh giá về vấn đề này trong báo cáo của Chính phủ còn chung chung. Các tác động về môi trường cũng chưa được đề cập một cách sâu sắc.
Cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của QH đều chưa nhắc đến những vấn đề nổi lên liên quan đến nhà máy lọc dầu Dung Quất khiến công luận chú ý gần đây như xăng tồn kho quá nhiều và khí thải gây ô nhiễm.
- Thủy Chung