- Đối với chức danh Tổng bí thư, tốt nhất là có một danh sách 2 người để đại biểu lựa chọn. Danh sách này được lập thông qua phiếu thăm dò.
>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
>> Thể chế hóa chức danh Tổng bí thư
>> Có đại hội bàn đi bàn lại khi chọn Tổng bí thư
>> “Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới”
LTS: Xuất phát từ vị trí, vai trò của Tổng bí thư - người phải có lòng yêu nước nồng nàn, xem lợi ích chính đáng, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phẩm giá của dân tộc là trên hết; có tinh thần dân chủ, có sức quy tụ tài năng; không bị chi phối bởi các lợi ích cá nhân, nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương Bùi Đức Lại cho rằng nên thực hiện việc Đại hội toàn quốc bầu Tổng bí thư.
Trên tinh thần tôn trọng tính thông tin đa chiều và không khí tranh luận cởi mở, chúng tôi giới thiệu bài viết thứ hai của ông Bùi Đức Lại. Mong nhận được ý kiến tranh luận của bạn đọc.
Vừa qua, Đảng đã thực hiện thí điểm đại hội đảng các cấp bầu bí thư. Những ai kỳ vọng việc này sẽ tạo ra một chuyển biến rõ rệt trong không khí và chất lượng bầu cử có lý do để chưa hài lòng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, nếu việc này được Điều lệ Đảng chính thức thừa nhận, sẽ có thể đưa đến những thay đổi thích hợp trong quy chế đại hội, quy chế bầu cử, trong việc cấp trên “lãnh đạo công tác nhân sự” đại hội cấp dưới… Từ đó thúc đẩy mở rộng và thực hành dân chủ trong Đảng, góp phần cải thiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Nếu Đại hội Đảng lần thứ XI sửa đổi Điều lệ hiện hành, thay đổi một số nội dung trong Quy chế đại hội và Quy chế bầu cử để Đại hội trực tiếp bầu Tổng bí thư, thì việc này sẽ có tác động tốt nhiều mặt đến sinh hoạt đảng trong và sau Đại hội.
Phẩm chất cá nhân nổi trội
Nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng đã đề cập về tiêu chuẩn cấp ủy viên các cấp. Tuy chưa ở đâu nói cụ thể, nhưng chắc rằng, tiêu chuẩn Tổng bí thư Đảng cũng không ngoài những nội dung đó, nhưng với yêu cầu cao hơn.
Đảng, nhân dân luôn luôn mong muốn có một người lãnh đạo xứng đáng là “người đại diện cho trí tuệ, lương tâm, danh dự, đạo đức và khí phách của dân tộc” như ông Trần Đình Huỳnh đã nêu ra trong một bài viết.
Hệ thống giáo dục, môi trường chính trị và công tác cán bộ của đất nước có vai trò lớn để nảy nở những người lãnh đạo như vậy. Những việc này còn nhiều yếu kém cần khắc phục, nhưng nếu có khắc phục được, thì cũng khó chờ đợi một kết quả tức thời. Cũng cần thừa nhận một thực tế là ngay cả khi làm tốt mọi việc nói trên, cũng không phải là đã xuất hiện những "lãnh tụ tầm cỡ" theo yêu cầu.
Lãnh tụ tầm cỡ luôn luôn là "của hiếm" đối với mọi dân tộc, có khi hàng trăm năm mới xuất hiện. Nhưng cứ mỗi nhiệm kỳ, năm năm một lần, người ta vẫn phải bầu ra ông chủ tịch, ông thủ tướng, ông tổng bí thư… để làm việc, dù có hay không những nhân vật xuất chúng.
Vậy thì, bài toán thực tế luôn luôn là, tìm ra cách thức tối ưu, để chọn người đáp ứng tốt nhất yêu cầu của mỗi cương vị trong từng giai đoạn. Trong hoàn cảnh chính trị cụ thể mỗi giai đoạn, người lãnh đạo cần có một số phẩm chất cá nhân nổi trội, được cử tri ưu tiên chọn lựa.
Đối với nước ta hiện nay, cơ hội và thách thức đều hiển hiện trước mắt. Đất nước có thể thành rồng, thành phượng mà cũng có thể chỉ là gà ăn quẩn vườn nhà. Đảng có thể đảm nhận tốt sứ mệnh lãnh đạo dân tộc đi trên đường lớn mà cũng có thể suy thoái và bị đào thải. Đây là việc của toàn dân, toàn Đảng, nhưng không thể không thừa nhận rằng, cơ hội và thời cơ thường thể hiện thông qua các tình huống. Nắm bắt và xử lý tình huống chủ yếu là trách nhiệm của ban lãnh đạo và người đứng đầu.
Phải chăng, trên cơ sở tiêu chuẩn cán bộ chung, trong điều kiện hiện nay, người đảm nhận cương vị Tổng bí thư Đảng phải có một số mặt nổi trội cần được ưu tiên xem xét, xem như "điều kiện cần" là: Có lòng yêu nước nồng nàn, xem lợi ích chính đáng, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phẩm giá của dân tộc là trên hết; biết chớp thời cơ, biết vận dụng mọi sức mạnh của dân tộc, của thời đại trong xây dựng và phát triển đất nước, có tinh thần dân chủ và tinh thần trách nhiệm cao, biết quyết đoán, gần dân, có sức quy tụ, tập hợp và sử dụng tài năng; có nhân cách ngay thẳng, chân thật, phải trái phân minh, đáng tin cậy, không bị chi phối bởi các lợi ích cá nhân, cục bộ, tập đoàn. Đó phải là vàng đã được tôi luyện trong lò lửa của thực tiễn và đã thể hiện rõ năng lực qua những kết quả lãnh đạo cụ thể.
Không được rút khi đã có danh sách từ 2 ứng viên
Thời gian từ nay đến Đại hội XI không còn dài. Mọi kiến nghị và chủ trương xung quanh việc chuẩn bị và bầu Ban Chấp hành Trung ương, Tổng bí thư và các chức danh lãnh đạo cần tính tới tính hiện thực, khả thi trong khuôn khổ thời gian và không gian chính trị này.
Hiện nay, đại hội đảng bộ cấp trực thuộc trung ương đã gần hoàn tất. Hầu hết bí thư các đảng bộ cấp tỉnh đã được bầu. Các đoàn đại biểu dự Đại hội toàn quốc đã hình thành. Trong điều kiện đó việc tranh cử để lựa chọn người tham gia Trung ương không còn nhiều ý nghĩa, trừ trường hợp Đại hội quyết định số lượng ủy viên trung ương không đủ để cơ cấu tất cả các tỉnh thành, các bộ, ban, ngành, đoàn thể…
Hiện nay, yêu cầu mở rộng đối tượng ứng cử Tổng bí thư và các chức danh lãnh đạo khác ngoài số ủy viên trung ương đương chức có lẽ cũng không có nhiều tác dụng thực tế. Không phải vì trong mấy triệu đảng viên còn lại không có người xứng đáng hơn, mà bởi vì sinh hoạt chính trị lâu nay trong Đảng và trong xã hội chưa tạo ra điều kiện để đại biểu đại hội nhận biết những người đó (trừ trường hợp có tính tới người đã từng tham gia ban lãnh đạo).
Vì vậy, trong việc bầu cử Ban Chấp hành, Tổng bí thư và các chức danh lãnh đạo khác, có lẽ hợp lý hơn là tập trung vào các biện pháp phát huy dân chủ trong Đại hội, chủ động tạo ra các phương án nhân sự khác nhau để các đại biểu cân nhắc, chọn lựa và chủ động quyết định bằng phiếu bầu.
Mời bạn đọc gửi góp ý cho các dự thảo văn kiện của Đảng về địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn
Để làm việc đó, cần tiến hành công tác nhân sự trong các phiên họp công khai, toàn thể, nhất là việc giới thiệu, ứng cử, đề cử, chất vấn và trả lời chất vấn. Cần thông tin công khai, trung thực, đầy đủ, không cắt xén về các vấn đề liên quan đến nhân sự các ứng cử viên. Đây là tiền đề để đại biểu thực hiện quyền dân chủ bầu cử của mình, cũng là một biện pháp quan trọng để hạn chế việc các thế lực bên trong và bên ngoài sử dụng các thủ đoạn vận động ngầm, tung dư luận, gây sức ép với người này, tạo uy tín cho người khác, nhằm tác động đến công tác nhân sự đại hội có lợi cho mưu đồ và toan tính của họ.
Riêng đối với chức danh Tổng bí thư, tốt nhất là có một danh sách ít nhất có 2 người để đại biểu lựa chọn. Danh sách này được lập thông qua thăm dò bằng phiếu trong đại biểu. Trong mỗi phiếu, đại biểu giới thiệu 2 phương án nhân sự, ghi rõ phương án 1, phương án 2. Ít nhất hai người được nhiều phiếu tín nhiệm nhất đương nhiên lập thành danh sách để bầu; không chấp nhận rút khi đã hình thành danh sách.
Trước khi bầu, những người trong danh sách có một bài phát biểu kế hoạch hành động nếu trở thành Tổng bí thư của Đảng.