Giúp đỡ người nghèo không chỉ là làm từ thiện
- Tại Lễ phát động "Tháng cao điểm vì người nghèo" năm 2010 hôm nay (15/10), Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định thiên tai và dịch bệnh đang làm cho công tác xoá đói giảm nghèo khó bền vững.
Ông Hùng phân tích bao nhiêu căn nhà tình thương xây cho người nghèo đã bị bão phá hỏng , bao nhiêu ruộng đồng đã bị lũ cuốn trôi, bao nhiêu gia súc gia cầm phải tiêu huỷ trong các đợt dịch bệnh... Ông cho rằng "phải thực sự hành động" nếu muốn những việc làm vì người nghèo có hiệu quả.
Ảnh: TC |
Ông Quân chỉ ra cái khó của thành phố trong việc huy động tiền đóng góp là "các doanh nghiệp đóng góp nhiều cho trung ương rồi nên đóng góp hạn chế cho thành phố". Ông bày tỏ khâm phục khi biết tỉnh Phú Thọ huy động được hơn 100 tỉ đồng cho việc xoá nhà tạm.
Lý giải điều này, đại diện MTTQ tỉnh Phú Thọ cho biết tỉnh cũng phải "dựa bóng các vua Hùng" để vận động "nối vòng nhân ái, vì người nghèo đất tổ" trong dịp Giỗ Tổ vừa qua. Ông cho biết trong dịp này, các cán bộ lãnh đạo của tỉnh, từ bí thư trở xuống, đã đích thân đi vận động các doanh nghiệp đóng góp tiền ủng hộ người nghèo. Ông nhận định "các cán bộ lãnh đạo tỉnh vận động các doanh nghiệp hiệu quả hơn so với cán bộ MTTQ bình thường".
Thiếu tướng Võ Việt Quỳnh, Phó Chính ủy biên phòng thì chia sẻ về "những ngôi nhà làm chắc phên dậu quốc gia". Trong 3 năm qua, đã có 5.000 ngôi nhà tình thương được xây dựng ở các vùng biên giới. Ông nhận định người nghèo chủ yếu là ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, họ khó thoát nghèo vì phải bám trụ ở những nơi khó khăn, gian khổ, khắc nghiệt. Vì vậy, giúp đỡ họ không chỉ đơn thuần là công tác từ thiện mà còn là trách nhiệm đối với an ninh của đất nước.
Ông Quỳnh nói những hoạt động vì người nghèo nếu thực chất sẽ giúp "những giấc mơ giữa đời thường" của họ như có nhà ở, có cầu qua sông, con em được đi học... thành sự thật.
Đối với hải đảo, việc giúp đỡ người nghèo ở đây cũng là để "trả ơn" cho những gì khai thác từ biển đảo. Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Minh Hồng cho biết Tập đoàn tập trung chủ yếu vào việc cải tạo lưới điện và cung cấp nước ngọt cho biển đảo. Theo thông tin ông đưa ra, đến tháng 10/2010, toàn bộ quần đảo Trường Sa đã được đảm bảo về điện và nước ngọt.
Nhân dịp này, ông Hồng cũng bày tỏ "lăn tăn" về việc bị báo chí chất vấn nhiều quanh những câu hỏi như "tiền ở đâu để làm từ thiện" hay "làm từ thiện có phải để đánh bóng thương hiệu". Ông cho rằng việc phải giải trình quá nhiều có thể làm "giảm nhuệ khí" của các doanh nghiệp trong việc đóng góp ủng hộ người nghèo.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận định báo chí góp phần quan trọng trong việc thông tin sâu rộng về cuộc vận động, nhưng cũng cần cố gắng không làm các doanh nghiệp "mất nhuệ khí", giảm sự ủng hộ dành cho người nghèo.
Nhà sử học Dương Trung Quốc lại cho rằng các doanh nghiệp "không cần phải e ngại việc đánh bóng thương hiệu", vì thương hiệu là điều quan trọng với mọi doanh nghiệp, như "dao có mài mới sắc, ngọc có dũa mới sáng", quan trọng là cách làm.
Thay mặt Hội sử học, ông Quốc tặng Trung ương MTTQ Việt Nam một chiếc trống đồng khắc 100 con rồng để bán đấu giá trong chương trình "Nối vòng tay lớn" đêm 31/12 tới.
Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội cũng tặng Trung ương MTTQ 3 quả chuông đánh số 01, 100 và 1000 trong số 1000 quả chuông đúc mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để bán đấu giá lấy tiền ủng hộ người nghèo và các nạn nhân chất độc da cam.
Đại diện Hội chữ thập đỏ Việt Nam thì cam kết đảm bảo cung cấp 1.000 tấn gạo để người dân vùng lũ miền Trung có đủ gạo ăn trong 3 tháng tới.
- Thủy Chung