Siết chi tiêu để tài chính quốc gia trong ngưỡng an toàn
- Mức dư nợ công năm nay lên tới 52,6% GDP đã cho thấy độ an toàn tài chính quốc gia sắp vượt ngưỡng cho phép. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ khống chế nợ công không quá 60% GDP năm tới.
Nợ công năm nay ước sẽ lên tới 52,6% GDP, nợ nước ngoài chiếm 38,8% GDP. Năm tới, Chính phủ dự kiến nợ công sẽ là 57,1% GDP.
Nguồn nhiệt điện luôn cần vốn vay rất lớn. Ảnh: LHM |
Khó khăn lớn nhất cho kiểm soát nợ công là áp lực chi tiêu ngân sách vẫn không ngừng tăng lên, trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội lại bị thiếu vốn.
Tại phiên thảo luận chiều nay (2/10), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đánh giá, chúng ta có nhiều cơ hội để giảm bội chi, nhưng thực tế cho thấy, bội chi ngân sách vẫn rất cao.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách yêu cầu Chính phủ phải giải trình rõ hơn các nguyên nhân tăng chi đầu tư năm nay: vượt dự toán tới 15,5%, tương đương 19.500 tỷ đồng.
Số tăng này chủ yếu ở khâu chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, vượt 15,8% dự toán, chi bổ sung dự trữ quốc gia, vượt tới 69,3% dự toán. Các khoản chi khác của ngân sách cũng tăng lên tận 145,5% và chi trợ giá các mặt hàng chính sách tăng tới 161,2%.
Đặc biệt, chi trả nợ và viện trợ tăng tới 14,2%, tương đương 10.000 tỷ đồng. Ủy ban này cũng đề nghị Chính phủ phải làm rõ và báo cáo chi tiết hơn vè tình hình vay nợ và trả nợ.
Chi thường xuyên tăng tới 6,8% so với dự toán, chứng tỏ thực hành tiết kiệm chi thường xuyên chưa triệt để. Ủy bàn này đánh giá, Chính phủ quản lý chi tiêu chưa chặt chẽ, thanh quyết toán chưa nghiêm, còn lãng phí, tiêu cực.
Bội chi ngân sách giai đoạn 2006 - 2010 tăng 5,6% GDP trong khi giai đoạn trước chỉ là 4,85% GDP, bao gồm cả chi trả nợ gốc, nhưng chưa tính vốn trái phiếu Chính phủ. Vấn đề này đã tác động sâu sắc tới nợ công của Việt Nam.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, nợ công tăng cao so với giai đoạn trước, trong khi hiệu quả sử dụng vốn vay chưa được đánh giá cao. Hệ số ICOR đã cao gấp 3 lần so với mức được cho là hiệu quả cao.
Với tình hình bội chi ngân sách ở mức cao nhiều năm liên tục, tốc độ phát hành trái phiếu Chính phủ như hiện nay thì chỉ số nợ vượt ngưỡng an toàn là rất dễ xảy ra trong trung hạn.
Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ khi trình Quốc hội ở kỳ họp tới phải khống chế nợ công không vượt ngưỡng 60% GDP, trong đó, dư nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương không quá 50% GDP.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội chia sẻ: “Tôi cảm thấy hơi lo. Nếu nói ngưỡng 60% GDP này, thì Quốc hội không yên tâm”.
Bà Mai phân tích: “Nợ công còn phụ thuộc tăng trưởng kinh tế, mà hiện nay, tăng trưởng lại cứ tiếp tục dựa vào đầu tư. Quốc tế đã dự báo GDP Việt Nam sau 2020 sẽ giảm. Quản lý nợ công không chỉ dựa trên chi thu ngân sách. Vay thì phải trả”.
Lý giải thêm về con số “ngưỡng” này, ông Phùng Quốc Hiển rất thẳng thắn: “Nếu đến năm 2011, con số đề nghị không quá 60% GDP thực ra cũng là trần của nợ công rồi. Tôi sợ là con số này không giữ được đâu. Nó là con số ngắn hạn chứ không phải là trung hạn nữa”.
Đồng thời, Chính phủ sẽ phải kiểm soát chặt chẽ nợ bảo lãnh cho các doanh nghiệp và cả các khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước đi vay, không có sự bảo lãnh của Chính phủ.
Cơ cấu nguồn vốn sẽ phải thay đổi, đa dạng hóa hình thức đầu tư, tăng cường hiệu quả, đảm bảo duy trì chỉ số nợ trong giới hạn an toàn.
-
Phạm Huyền