Trung Quốc triệu tập đại sứ Nhật Bản lần 3

Cập nhật lúc 14:54, 10/09/2010 (GMT+7)

Lần thứ ba kể từ khi xảy ra vụ va chạm giữa một tàu cá Trung Quốc và hai tàu tuần tra Nhật Bản, hôm nay (10/9), Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản để thể hiện sự phản đối mạnh mẽ việc giữ tàu và yêu cầu phía Nhật Bản thả thuyền trưởng cùng tàu cá vô điều kiện.

Bắc Kinh tuyên bố, vụ va chạm có thể ảnh hưởng tới quan hệ song phương. Theo giới phân tích, vấn đề này thể hiện sự nhạy cảm của việc tranh chấp lãnh thổ, cùng với một số tranh chấp khác trong khu vực, tạo nên dòng chảy ngầm bất an trong quan hệ giữa Trung Quốc và những nước láng giềng châu Á.

s
Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản kiểm tra tàu cá Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp. Ảnh: AP

Khi nhu cầu phát triển kinh tế tăng cao, Trung Quốc lại càng khát khao tìm kiếm nguồn tài nguyên, các tàu thương mại của nước này đã tiến tới xa hơn và được hộ tống bởi những đội tàu hải quân tại những vùng biển tranh chấp.

Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, vụ va chạm tàu xảy ra hôm thứ ba, sau khi tàu cá Trung Quốc từ chối dừng lại để các tàu tuần tra Nhật Bản kiểm tra, tàu cá đã phớt lờ lời cảnh báo rời khỏi khu vực từ tàu tuần tra Nhật.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói với Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa rằng, thuyền trưởng Zhan Qixiong, thủy thủ đoàn và tàu cá cần được tự do lập tức. Ông Dương nhấn mạnh, quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quần đảo Điếu Ngư và người dân là "vững chắc và kiên định".

Vụ va chạm xảy ra ở ngoài khơi bờ biển tây bắc đảo Kuba của Nhật, ngay phía bắc quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Trung Quốc cũng khẳng định sẽ điều động một tàu cảnh sát tới quần đảo ở Đông Hải này, cho dù không rõ con tàu sẽ chở các ngư dân đang mắc kẹt hay tuần tra vùng biển.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư nói, Nhật Bản “vô lý, trái phép và vô căn cứ” khi áp dụng luật pháp nội địa giải quyết vụ việc trên.

Lực lượng Phòng vệ bờ biển của Nhật tuyên bố, thuyền trưởng Zhan có thể được tự do trong vài ngày tới nếu thừa nhận đã cản trở người thi hành công vụ dẫn đến vụ va chạm tàu và nộp phạt. Nếu không, Zhan có thể phải ra tòa.

Vẫn còn lại 14 thủy thủ trên tàu cá, các thủy thủ này không thể cập bến ở Nhật vì không có hiệu chiếu nhưng được tự do trở về Trung Quốc nếu Trung Quốc cử tàu tới đón họ.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia. Tuần trước, một tàu đo đạc Trung Quốc bị cáo buộc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế tranh chấp của Nhật mà không khai báo, vi phạm một thỏa thuận ký kết trước đây giữa hai nước. Trong tháng 4, một trực thăng Trung Quốc đã lượn ngay trên đầu một tàu quân sự của Nhật, trong khi hải quân Trung Quốc đang diễn tập gần đó.

  • Thụy Phương (Theo AP)

Ý kiến của bạn

Các tin khác