Sửa luật để tăng chất lượng công ty chứng khoán
- Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán lần này vẫn bỏ sót những điểm quan trọng về giám sát chất lượng công ty chứng khoán, phạm vi điều chỉnh hạn hẹp, chưa triệt để.
Sáng nay (16/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán.
Vẫn “sót” giấy phép thành lập công ty chứng khoán
Dự án sửa Luật chứng khoán dự kiến bổ sung, sửa đổi 16 điều và bãi bỏ 1 điều của Luật Chứng khoán hiện hành.
Chứng khoán Việt Nam liệu có minh bạch hơn sau khi có luật sửa đổi? |
Các sửa đổi này theo hướng giúp cho thị trường chứng khoán minh bạch hơn, tính thanh khoản cao hơn, siết chặt hơn việc giám sát chất lượng của các công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhận định, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật vẫn còn hạn hẹp, chưa triệt để. Dự thảo luật cũng không nhắc tới việc sửa đổi điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, quản lý quĩ.
Do các điều kiện cấp phép cho loại hình kinh doanh này còn quá dễ dàng, đã dẫn tới sự ra đời quá nhiều công ty trong 1 năm qua. Trong đó, không ít công ty nhỏ, năng lực kém, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Tại phiên thảo luận, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ phải nêu rõ, điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán cần thắt chặt như thế nào, trong bối cảnh qui mô thị trường đang ngày càng lớn mạnh.
Tiếp thu ý kiến này, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh bày tỏ, “thời gian qua, khi thị trường phát triển bung ra ào ạt, các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn được ban hành như tăng qui mô vốn, từ 44 tỷ lên 100 tỷ, rồi 150 tỷ đồng nhưng thị trường vẫn bung ra. Nhiều công ty sau đó lỗ, sáp nhập, giải thể”.
“Do đó, chúng tôi sẽ yêu cầu tăng cường chất lượng công ty chứng khoán”, ông Ninh nhấn mạnh.
Loại khỏi cuộc chơi những ngân hàng lỗ
Theo luật hiện hành, một trong các điều kiện để phát hành chứng khoán ra công chúng là doanh nghiệp phải có lãi ở năm liền kề trước. Điều kiện này được cho là không phù hợp khi các tổ chức tín dụng phát hành cổ phiếu để tăng vốn.
Tính hết năm 2009, mức vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 37,6% GDP, tăng 3 lần so với năm 2008. Trong 3 năm qua, tổng khối lượng huy động vốn qua thị trường chứng khoán gần 200.000 tỷ đồng, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng gần gấp đôi, từ 4,5 tỷ USD năm 2007 lên gần 9 tỷ USD năm ngoái. |
“Nếu ta quy định cứng quá thì loại ngân hàng đó ra khỏi cuộc chơi”, ông Ngoạn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Vũ Bằng, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thận trọng hơn Ông chia sẻ, phát hành chứng khoán của các tổ chức tín dụng có lỗ, chất lượng cổ phiếu không tốt, ảnh hưởng tới nhà đầu tư nên cần phải cân nhắc điều này.
Nhiều qui định bổ sung cho Luật chứng khoán được Ủy ban Kinh tế thẩm tra, nhất trí cao như qui định chứng khoán chào bán riêng lẻ không được chuyển nhượng tối thiểu là 1 năm. Các đợt chào bán phải cách nhau ít nhất 6 tháng. Trung tâm lưu ký chứng khoán và người có liên quan được bổ sung là đối tượng phải công bố thông tin trên thị trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá, việc quản lý thị trường chứng khoán nếu rộng rãi quá sẽ làm thị trường phát triển không bền vững, tác động đến lợi ích của cổ đông nên phải có những dò la, hoàn chỉnh.
Mọi hoạt động kinh tế phải hướng vào hoạt động có tổ chức, không khuyến khích hoạt động ngầm. Qua ý kiến thẩm tra sơ bộ, UBTVQH thống nhất với cơ quan soạn thảo về những nội dung dự thảo luật.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ thẩm tra chính thức vào cuối tháng này, sau đó sẽ trình Quốc hội thảo luận và có thể thông qua ở kỳ họp cuối năm nay.
Chiều nay, UBTVQH thảo luận về dự án Luật Kiểm toán độc lập. Dự thảo nêu rõ, kiểm toán là ngành kinh doanh có điều kiện. Bộ Tài chính là cơ quan thẩm quyền cấp, định chỉ và thu hồi giấy phép thành lạp và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán. Giấy phép này đồng thời sẽ là giấy phép kinh doanh. Qua thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung một chương qui định về tranh chấp, khiếu kiện và xử lý vi phạm. Ngoài ra, dự án cũng cần bổ sung đối tượng điều chỉnh bao gồm các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. |
- Phạm Huyền