Thủy điện Sơn La tăng vốn: kiểm toán để chống thất thoát
- Với lý do vốn cho dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La đã tăng gần 60% so với nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường QH một mặt đề nghị Chính phủ giải trình phương án tăng vốn, mặt khác cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước thanh tra, kiểm toán các hạng mục công trình để tăng hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước.
Tạo điều kiện bố trí vốn
Báo cáo giám sát về dự án thuỷ điện Sơn La vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội.
Theo Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, đến nay, tổng mức đầu tư hiệu chỉnh cho công trình đã lên tới là 58.483,412 tỷ đồng, tăng gần 60% so với Nghị quyết của Quốc hội (36 nghìn tỷ đồng).
Cụ thể, dự án thành phần xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La là 34.900,141 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay trong quá trình xây dựng là 8.208 tỷ đồng). Dự án thành phần di dân tái định cư là 20.293,821 tỷ đồng, giao thông tránh ngập: 3.289,450 tỷ đồng.
Dự án thủy điện Sơn La đang gấp rút hoàn thành. Ảnh: Lê Nhung
Ủy ban kiến nghị Bộ Công thương, EVN, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng khác cần tạo điều kiện để tập trung vốn cho các hạng mục chính của dự án để hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
Do vốn đầu tư cho thủy điện Sơn La tăng khoảng 60% so với Nghị quyết của Quốc hội nên đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội để xem xét, quyết định.
Đề nghị Kiểm toán Nhà nước, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, thanh tra, kiểm toán các hạng mục công trình để tăng hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát tiền của nhà nước.
Tiếp tục theo dõi vết nứt cũ
Liên quan đến một số vết nứt tại đập bê tông trong quá trình thi công, báo cáo cho biết, hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã có kết luận các vết nứt này không ảnh hưởng đến sự an toàn đập và cho phép đóng cống dẫn dòng thi công tích hồ chứa nước.
"Số liệu quan trắc cho thấy các vết nứt không phát triển, chiều rộng vết nứt đang khép lại so với ban đầu. Số liệu thu được từ các thiết bị quan trắc đặt trong thân đập cho thấy đập đang làm việc ở trạng thái bình thường. Quan trắc các hành lang cao độ 105m và 138m khi tích nước lên trên cao độ 160m cho thấy lượng thấm vào hành lang thấp hơn dự kiến”, báo cáo nêu rõ.
Do thời gian phát điện tổ máy số 1 đang đến gần, nên để đảm bảo không xảy ra sự cố, Ủy ban kiến nghị phải thường xuyên quan trắc và kiểm tra các hạng mục thi công theo đúng quy trình, tiêu chuẩn, quan tâm đến an toàn.
Phải thường xuyên theo dõi các thông số kỹ thuật về độ thấm, độ ổn định của thân đập; theo dõi diễn biến của các vết nứt cũ. Quan trắc thường xuyên lưu lượng nước, dự báo và đưa ra phương án tích đủ nước cho việc phát điện tổ máy số 1.
Theo dự báo thì việc tích nước cho thủy điện Sơn La là khó khăn, do các đập phía Trung Quốc tích nước, hiện trạng rừng đầu nguồn bị chặt phá.
Ủy ban cũng đề xuất Bộ Công thương khảo sát, đánh giá và lập quy trình vận hành liên hồ chứa cho thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà, Hòa Bình, Sơn La và thủy điện Lai Châu sau này để tránh tình trạng gây lũ lụt lớn cho đồng bằng sông Hồng về mùa mưa, thiếu nước về mùa khô, thiếu nước phát điện cho các đập thủy điện ở bậc thang dưới.
Theo kết quả giám sát, công trình đập và nhà máy thủy điện Sơn La đang thực hiện đúng tiến độ, bám sát mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào ngày 25/12 tới và phấn đấu hoàn thành công trình vào năm 2012.
-
Lê Nhung