Công trình lớn quốc gia: Không thể làm đại khái

Cập nhật lúc 09:05, 11/10/2010 (GMT+7)

- Từ chuyện Thủy điện Sơn La muốn tăng vốn lên 40%, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội nói, các công trình lớn phải tôn trọng quy trình từ lập, phê duyệt, thực hiện dự án. Phải điều tra cơ bản để có số liệu toàn diện, chính xác. Không thể đại khái, vừa làm vừa điều chỉnh.

"Dù có phải tăng vốn"...

Theo kiến nghị của nhà đầu tư thì vốn cho thủy điện Sơn La dự kiến sẽ tăng 40% với một số lý do về trượt giá và tăng lương. Qua đợt giám sát vừa rồi của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, ông thấy các lý do tăng vốn như vậy hợp lý chưa?

- Như chủ đầu tư báo cáo, vốn cho công trình (thân đập, thiết bị tổ máy phát điện, công trình phụ trợ) không tăng đáng kể. Số vốn này tăng là do trượt giá, do lương tăng gần gấp đôi so với thời điểm dự toán. Xét về con số tiền đồng Việt Nam thì tổng mức vốn của dự án so với dự toán khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đã tăng trên 50%.

Mô tả ảnh.
Cây cầu bắc ngang sông sang khu tái định cư mới ở thị xã Mường Lay. Ảnh: Lê Nhung

Trong các khoản tăng, riêng tiền đầu tư cho di dân tái định cư (DDTĐC) đã tăng hơn gấp đôi, lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Lý do có nhiều, trước tiên là do lúc lập dự án tính đếm không hết số dân phải di dời, số dân nơi tiếp nhận chịu ảnh hưởng do dân nơi khác đến. Tiếp đến là không dự toán đủ số lượng, chất lượng các hạng mục công trình DDTĐC nên lúc triển khai phải bổ sung, điều chỉnh.

Ví dụ, chỉ nói riêng chuyện di dời và tái thiết thị xã Mường Lay, dự toán ban đầu chỉ tính đến chuyện di dời dân, còn việc tái thiết thị xã sẽ được thực hiện bằng vốn từ nguồn ngân sách đầu tư cơ bản đô thị.

Nếu theo cách này thì việc tái thiết thị xã Mường Lay kéo dài khoảng 20 năm chưa chắc đã xong. Vì thế, Nhà nước quyết định tiến hành đồng thời cả việc tái thiết và DDTĐC. Tuy có tăng vốn đầu tư nhưng đây là việc cần làm, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân và chính sách của chúng ta.

Công tác quản lý thiếu kinh nghiệm, thủ tục hành chính rườm rà đã làm tốc độ giải ngân chậm. Việc chậm trễ này không những làm tăng vốn đầu tư mà trên thực tế người dân vẫn không được hưởng lợi do đồng tiền mất giá.

Người dân Tây Bắc đã hy sinh đất cho sự nghiệp phát triển điện quốc gia. Theo ông, đời sống của người dân tái định cư đã được bù đắp tương xứng với hy sinh của họ chưa? Các kiến nghị của họ với đoàn giám sát có khả thi không?

- Có thể nói DDTĐC Thủy điện Sơn La có quy mô chưa từng có với trên 20.000 hộ, khoảng 100.000 người, lại thực hiện tại một vùng đa số đồng bào dân tộc ít người, điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nhưng khâu chuẩn bị đầu tư của hợp phần dự án DDTĐC không đạt yêu cầu, không lường hết thực tế, nên khi thực hiện còn nhiều lúng túng, phát sinh.

Để thực hiện chủ trương “người dân đến nơi ở mới phải có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ” mà Quốc hội đề ra, còn rất nhiều việc phải làm, dù có phải tăng thêm nguồn kinh phí. Tuy nhiên, kinh phí chỉ là yếu tố cần. Tổ chức thực hiện mới đóng vai trò quyết định. Tôi thấy các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đang rất nỗ lực. Nhưng sự phối hợp, phân công giữa các bộ, ngành còn thiếu chặt chẽ.

Không thể quan niệm rằng bền bù thỏa đáng bằng tiền mặt cho người dân là xong nhiệm vụ DDTĐC. Ở một số điểm tái định cư, tuy nhà cửa có khang trang, tiện nghi sinh hoạt khá hơn nhưng tệ nạn xã hội lại gia tăng.

Việc quan trọng là ngay từ đầu phát huy tính chủ động, nâng cao năng lực của chính quyền, người dân địa phương, tận dụng cơ hội để tái cơ cấu lại ngành nghề kinh tế, tạo dựng khu vực sản xuất hàng hoá đem về nguồn thu thường xuyên, ổn định. Tiền đầu tư ngoài hỗ trợ trực tiếp cho dân phải được dùng để chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, phát triển dịch vụ, các ngành nghề thủ công, tạo công ăn việc làm lâu dài.

Qua giám sát, chúng tôi thấy, điều đáng lo ngại là việc giao đất sản xuất còn rất chậm. Đa số người dân làm nông nghiệp chưa đủ đất canh tác, chăn nuôi. Phải lồng ghép các mục tiêu của tái định cư với các chương trình mục tiêu quốc gia khác như Chương trình 30A, chương trình xóa đói giảm nghèo, trồng rừng, xây dựng nhà, cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số… Chương trình thì nhiều nhưng chưa liên kết, lồng ghép với nhau nên hiệu quả tổng hợp còn thấp.

Theo Nghị quyết về các công trình trọng điểm quốc gia thì công trình tăng vốn 20% sẽ phải trình xin ý kiến Quốc hội. Vậy có thể hiểu là tới đây nếu Quốc hội đồng ý thì dự án Thủy điện Sơn La mới được tăng vốn 40%?

- Chính phủ đang triển khai việc điều chỉnh dự toán để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 của QH tới đây.

Không để xảy ra sự cố như ở Dung Quất

Từ chuyện tổng vốn của hầu hết các công trình quan trọng quốc gia đều tăng, Ủy ban rút ra được kinh nghiệm gì cho những lần Quốc hội bấm nút thông qua những dự án khác vào thời gian tiếp theo?

- Mỗi dự án đầu tư có 3 công đoạn: chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, sử dụng công trình. Các công đoạn này liên quan chặt chẽ, tác động lẫn nhau.

Mô tả ảnh.
Ông Nghiêm Vũ Khải (ngoài cùng bên trái) tại khu tái định cư thị xã Mường Lay. Ảnh: Lê Nhung

Nhưng rất tiếc, nói đúng hơn là phải kiểm điểm nghiêm túc việc đa phần các dự án, công trình quan trọng quốc gia đều tăng vốn đầu tư và đều kéo dài thời gian thực hiện. Ví dụ như các dự án đường Hồ Chí Minh, nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng…

Riêng dự án Thủy điện Sơn La thì rút ngắn được thời gian nhưng vốn lại tăng đáng kể.

Lẽ ra, công trình quan trọng quốc gia trình ra QH quyết định chủ trương đầu tư phải luôn là hình mẫu, chuẩn mực, phải là “khuôn vàng thước ngọc”.

Cho nên, muốn được như vậy việc lập, phê duyệt, thực hiện dự án phải tôn trọng quy trình, quy phạm; phải điều tra cơ bản để có số liệu toàn diện, chính xác; phải có phương pháp khoa học, khách quan. Không thể đại khái, vừa làm vừa điều chỉnh, nhất là đối với các công trình lớn.

Chúng ta lại bắt tay vào xây công trình thủy điện lớn cuối cùng trên đất nước là Thủy điện Lai Châu. Từ bài học Sơn La, Ủy ban có khuyến cáo gì với công trình lớn này?

- Thủy điện Sơn La để lại rất nhiều kinh nghiệm. Những kinh nghiệm thành công và không thành công đều có ý nghĩa.

Mặc dù địa điểm thực hiện dự án Thủy điện Lai Châu có địa hình hiểm trở hơn, xa khu dân cư tập trung, các dịch vụ hỗ trợ không bằng Sơn La nhưng lại có nhiều thuận lợi, đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề, máy móc chuyển giao từ Sơn La; chi khí khấu hao cho máy móc giảm nhiều…

Với những lợi thế như vậy, Thủy điện Lai Châu có thể phấn đấu giảm chi phí, rút ngắn tiến độ so với dự kiến mà vẫn bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối. Cụ thể là nếu như Sơn La phát điện tổ máy số 1 sau 5 năm khởi công thì Lai Châu có thể rút ngắn được thời gian so với dự kiến là năm 2016.

Dự kiến tháng 12 năm nay, Thủy điện Sơn La sẽ phát điện tổ máy số 1. Qua kiểm tra, ông thấy tiến độ thực hiện đến nay có đảm bảo để vừa phát điện sớm nhưng vừa đảm bảo được chất lượng tránh những sự cố đáng tiếc?

- Qua kiểm tra, giám sát chúng tôi thấy tiến độ rất khả quan và đó là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Nhưng lo lắng nhất là từ bây giờ đến thời điểm dự kiến phát điện là ngày 25/12 khối lượng công việc còn rất nhiều.

Một công trình lớn thế này thì khâu an toàn là rất quan trọng. Công trình đang vào giai đoạn nước rút. Nếu trục trặc một khâu là chậm toàn bộ.

Vấn đề bây giờ là kỷ luật lao động, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn và an toàn chất lượng cho công trình. Cần phải rút kinh nghiệm để không xảy ra những sự cố như đã xảy ra ở một số dự án trước đây, như cầu Cần Thơ, nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Những cuộc tái định cư lớn di dân khỏi vùng lòng hồ cũng đã được cảnh báo nguy cơ mất bản sắc văn hoá. Vậy theo ông, liệu có nguy cơ sau khi đã hoàn thành xong công trình thủy điện cuối cùng ở Lai Châu thì người ta sẽ lãng quên Tây Bắc?

- Cũng có ý kiến lo lắng như vậy. Do đó, phải bám sát chủ trương nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội về 2 dự án này, đặc biệt là nhiệm vụ “góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc”.

Giữ gìn và phát triển bản sắc các dân tộc vùng Tây Bắc cũng là 1 trong 5 yêu cầu của các dự án này khi QH quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, việc thực hiện yêu cầu này còn lúng túng.

Việc sắp xếp, bố trí dân cư phải được tính toán kỹ trên cơ sở bảo tồn nét đẹp văn hóa, tập quán các dân tộc. Một số tộc người vốn số dân đã rất ít, mà khi tái định cư lại xé lẻ ra sẽ làm cho nền văn hoá của tộc người đó biến mất. Văn hóa các dân tộc tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Để mất đi bản sắc văn hóa của bất kỳ dân tộc nào đều là một mất mát to lớn.

  • Lê Nhung




Ý kiến của bạn

Các tin khác