Cần một phút mặc niệm cho miền Trung trong ngày Đại lễ

Cập nhật lúc 20:38, 09/10/2010 (GMT+7)

- “Máu chảy, ruột mềm”. Câu thành ngữ từ ngàn đời xưa cha ông ta đã nói, hiển nhiên như một đạo lý sống. Hoạn nạn và khốn khó vì thiên tai những ngày này của đồng bào miền Trung, cũng chính là nỗi đau của người Hà Nội, của cả nước.

Chưa bao giờ, đất nước ta, Thủ đô Hà Nội ta phải sống trong một tâm trạng "đối cực" như những ngày này. Một đầu phía bắc - Thủ đô Hà Nội hân hoan, trang hoàng rực rỡ, chuẩn bị hoàn tất cho đến tận khâu cuối cùng để bước vào lễ Kỷ niệm trang trọng và linh thiêng - 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, 1000 năm hiện diện đất Rồng bay - nơi hội tụ hào khí của cả dân tộc.

1000 năm Thăng Long - Hà Nội trên hành trình gian nan, khổ đau, nhưng luôn quật cường và bất khuất chống lại ách đô hộ của giặc ngoại xâm, góp phần giữ vững nền độc lập dân tộc, cũng là của chính Thăng Long- Hà Nội.

1000 năm Thăng Long - Hà Nội bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa bất biến, để tỏa sáng mãi với thời gian, với nhân gian, làm nên cốt cách, phong cách và sự hào hoa của một mảnh đất văn hiến.

Nhưng ở một đầu ruột thịt của đất nước - miền Trung gian lao, nghèo khó, đồng bào của chúng ta, người viết bài này xin được dùng chữ "đồng bào" - lại đang phải từng ngày oằn vai chống đỡ cơn lũ lớn bất ngờ. Sức con người dù có mạnh mẽ đến dường nào, cũng trở thành bé nhỏ, mỏng manh, trước thiên tai. Dù có dũng cảm đến dường nào, cũng trở nên yếu ớt, vô vọng, cô đơn trước biển nước mênh mông.

Những mất mát to lớn của đồng bào miền Trung trước con lũ dữ liên tục cập nhật trên các báo. Đã có 85 người chết, mất tích và bị thương. Hai chục vạn ngôi nhà "đắm chìm" trong nước lũ. Tài sản hoa màu, súc vật, vật dụng sinh hoạt của nhiều gia đình mất sạch. Trắng trời, trắng đất và...trắng tay.

Hàng ngàn người dân ở xã Tân Hóa (huyện miền núi Minh Hóa, kéo nhau vào hang, thoát chết, nhưng đang phải sống của đời sống người... nguyên thủy - không gạo, không muối, không áo quần thay đổi. Chỉ có cây rừng âm u, và dòng nước đỏ ngầu phù sa lạnh lẽo, vô cảm, có thể cuốn phăng bất cứ sinh mệnh nào nếu vô tình gặp phải.

Không phải ngẫu nhiên, rất nhiều các trang mạng cá nhân (blog) cũng đồng loạt đưa những thông tin sự hoạn nạn của đồng bào trong cơn thủy thần tai ác. Ở đó, là những nỗi đau xé lòng, từng ngày, từng giờ hướng về dải đất hẹp quanh năm bão gió.

Ở đó, là những hình ảnh chới với vô vọng và bất lực của người dân cố thoát khỏi con nước đã ngập tới cổ. Của những cánh tay đói ăn khẳng khiu, xuyên qua cả mái nhà như cầu cứu, kêu cứu, như trông đợi vào một phép lành...khi xung quanh ba bên bốn bề chỉ đục ngầu một mầu đỏ của nước phù sa. Người xem, người đọc âm thầm, lặng lẽ mà nước mắt rơi.

Xót xa cho số phận miền Trung và cũng cay cực cho số phận miền Trung.

Những thông tin làm người Hà Nội đau nhói tận tâm khảm.

Chính vì thế những ngày này, trong xã hội có không ít ý kiến khác nhau về chuyện Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thậm chí ý kiến đối lập đến mức phân hóa, phân ly. Có ý kiến đúng mực, có trước có sau thấu tình đạt lý, cũng có những ý kiến cực đoan, quá khích.

Giữa lúc đó, đáng tiếc, vụ cháy nổ 2 container pháo hoa ở Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình mới đây, chuẩn bị cho tối vui của Đại lễ, lại khiến 4 người nữa tử nạn, trong đó có 3 người là chuyên gia nước ngoài, khiến dư luận xã hội càng ồn ào và phân cực. Thật đau xót!

Nhưng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thế nào đây, trong nỗi đau của đồng bào miền Trung, trong nỗi đau của 4 gia đình có cha, vợ, chồng, con em họ vừa tử nạn? Có lẽ, cần bình tĩnh để thấu hiểu một cách công bằng, cả trách nhiệm trước những việc không thể "đặng đừng" của chính quyền Thủ đô.

Đó cũng không thể là một hoạt động kỷ niệm thuần túy. Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng chỉ có ngàn năm mới có một lần, đã được chuẩn bị công phu từ 8 năm trước đây, là dịp để Thăng Long - Hà Nội nhìn lại mình qua biết bao cơn dâu bể.

Nhìn lại, để biết sửa mình, hoàn thiện mình, tìm mọi giải pháp vượt lên chính mình trước những cơn dâu bể mới. Cũng là những cơ hội thể hiện cao nhất ý chí, trí tuệ, tài năng của Thủ đô Hà Nội thời hiện đại. Vì lòng tự trọng mà có thêm nghị lực, bản lĩnh quyết liệt vươn lên, hy vọng sánh vai với các thủ đô văn minh, tiên tiến. Một cơ hội, cũng là một thách thức ngàn vàng.

Chính vì thế, mới đây, có một ý kiến nhỏ khiến những người cầm bút của VietNamNet quan tâm. Một bạn đọc có email:phungnguyenanhvu@gmail.com, hiện đang sống ở Philadelphia - Mỹ đã gửi cho chúng tôi một lá thư chân thành, tha thiết:

Hà Nội vẫn phải tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong buổi lễ kỷ niệm chính vào tối 10/10, xin hãy có phần "1 phút mặc niệm" tưởng nhớ tới đồng bào miền Trung đã không may bị mất vì lũ lụt, tới những chuyên gia nước ngoài, người lao động không may bị tử nạn vì vụ nổ pháo vừa qua.

Đây là một ý kiến sáng suốt. Tấm lòng của một Việt kiều, nhưng cũng là tấm lòng của hàng triệu Việt kiều yêu nước ở nước ngoài luôn hướng về quê cha, đất Tổ, hướng về Thăng Long - Hà Nội dấu yêu, và hướng về miền Trung đang cơn hoạn nạn.

Xin chuyển ý kiến của bạn đọc, và cũng là kiến nghị của VietNamNet, của những người cầm bút luôn gắn đời mình với mỗi buồn vui, mỗi khổ đau, hạnh phúc của nhân dân tới chính quyền TP Hà Nội. Trong buổi kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban Tổ chức Đại lễ hãy dành 1 phút mặc niệm tất cả những đồng bào yêu quý miền Trung đã bỏ mình trong cơn lũ dữ, những người bạn nước ngoài, người lao động của chúng ta vì Đại lễ - không may đã tử nạn.

Xin TP Hà Nội, Ban Tổ chức hãy nhân Đại lễ này, mà truyền tới cho toàn thể người dân Hà Nội một tinh thần, một tình cảm, một ý thức "lòng yêu nước, nghĩa đồng bào", có nhiều việc làm thiết thực, tích cực và khẩn trương ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục những tổn hại sau cơn lũ.

Xin được cảm ơn bạn đọc có email phungnguyenanhvu@gmail.com.

Tin chắc ý kiến của quý bạn đọc sẽ nhận được sự cộng hưởng của hàng triệu con tim, tấm lòng người dân Hà Nội, của cấp chính quyền quản lý Thăng Long - Hà Nội.

Được biết, UBND TP Hà Nội, Ban tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa quyết định hủy chương trình bắn pháo hoa buổi tối 10/10, dành số tiền đó ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua cơn khốn khó vì lũ lụt.

Dư luận cả nước, dư luận Hà Nội đều đồng tình với một quyết định sáng suốt, đúng đắn và đầy tình người của Thủ đô Hà Nội.

Miền Trung yêu quý ơi!
Đất nước là đất nước chung.
Nỗi đau cũng là nỗi đau chung.

Xin miền Trung hãy vững lòng gắng vượt qua cơn lũ dữ. Xin hãy tin, Thủ đô Hà Nội, người Hà Nội vẫn luôn bám theo tin cơn lũ hằng ngày, hằng giờ, xót xa trước những thiệt hại do thiên tai, và sẽ bằng nhiều việc làm thiết thực, cụ thể chia sẻ với nỗi gian khó của người miền Trung, của dải đất miền Trung rất xa mà rất gần trong tâm tưởng.

"Máu chảy, ruột mềm". Câu thành ngữ từ ngàn đời xưa cha ông ta đã nói, hiển nhiên như một đạo lý sống. Hoạn nạn và khốn khó vì thiên tai những ngày này của đồng bào miền Trung, cũng chính là nỗi đau của người Hà Nội, của cả nước.

Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng hãy là Đại lễ hướng về miền Trung, chia sẻ và chung vai, thiết thực và thực chất với đồng bào miền Trung còn đang cơn đói lạnh. Làm giảm nỗi đau của đồng bào miền Trung, cũng chính là làm giảm nỗi đau trong lòng của chính chúng ta, những người ở Thăng Long - Hà Nội.

Xin miền Trung hãy vững lòng và ấm lòng vượt qua!

  • Kim Dung

Ý kiến của bạn

Các tin khác