- Mong muốn Đảng đổi mới tư duy, vượt qua chính mình là suy nghĩ được phần đông bạn đọc chia sẻ sau loạt bài của ông Bùi Đức Lại. Trong số họ, có rất nhiều đảng viên.
>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
>> Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trình ĐH Đảng XI
>> Tướng Đồng Sĩ Nguyên góp ý cho Đại hội Đảng
>> Có đại hội bàn đi bàn lại khi chọn Tổng bí thư
LTS: Ông Bùi Đức Lại, nguyên chuyên gia cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương là tác giả của 3 bài viết góp ý cho dự thảo Cương lĩnh bổ sung sửa đổi Cương lĩnh 1991: Cương lĩnh phải vì lợi ích chính đáng của dân tộc, Cần một cương lĩnh xây dựng chế độ dân chủ nhân dân và Đảng lãnh đạo trong chế độ dân chủ nhân dân.
Các bài viết của ông đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi. Mời bạn đọc tiếp tục góp ý.
Bày tỏ lòng yêu nước và “rất mong Đảng thay đổi để đất nước phát triển”, bạn đọc Phạm Lâm, phố Phùng Hưng, Hà Nội, email phamlam0803@…, Nhân (email nhan@…), Nguyễn Xuân Điện (phuongxl@…), Nguyễn Văn Vinh (đường Điện Biên Phủ, quận 1, TP.HCM) có chung nhận xét ông Bùi Đức Lại đã có cách đặt vấn đề biện chứng, sâu sắc, thẳng thắn, trách nhiệm, thể hiện lòng nhiệt huyết với Đảng, với nhân dân.
Nhiều bạn đọc đặc biệt đồng cảm với vấn đề được ông Bùi Đức Lại đặt ra về công tác nhân sự. Bạn đọc Trần Hậu (Quảng Trị) và Nguyen Van (quanghoan01@…) cùng góp ý phải xây dựng quy chế bầu cử thực sự dân chủ, dành quyền lựa chọn cho đại biểu, tức là danh sách bầu phải có từ hai ứng viên trở lên cho một chức vụ.
Bỏ phiếu bầu Bí thư quận Tây Hồ, Hà Nội tháng 7/2010. Ảnh: LAD |
Mong muốn Đảng không áp đặt và các nhà lý luận khi soạn dự thảo Cương lĩnh phải vì lợi ích dân tộc, bạn đọc Nguyễn Lê Hoàng ở địa chỉ hoang4566@… cùng bạn đọc Nguyễn Văn Sửu từ TP Thanh Hóa (nghieuthuan49@…) tự nhận mình “không đủ trình độ góp ý” cho dự thảo Cương lĩnh, nhưng “tâm nguyện của chúng tôi là Đảng, những người làm lý luận phải thực tiễn, không giáo điều”. Bởi như bạn đọc Thái Huy ở Thái Nguyên phân tích, các bài viết của tác giả Bùi Đức Lại cần được nghiên cứu “để thực sự có một cuộc cách mạng trong tư tưởng cũng như hành động”.
“Không nên cứng nhắc, bảo thủ đi theo những tư duy đã lỗi thời, đã là đảng cách mạng thì phải vận động theo kip sự phát triển của thời đại. Nhân dân sẽ ghi nhớ những người quyết định những đường lối, quan điểm mới, sức mạnh mới, đưa đất nước ta phát triển”, bạn Thái Huy viết.
Cho rằng phân tích và góp ý của tác giả Bùi Đức Lại “rất phù hợp với mong muốn của người dân”, bạn đọc Nguyễn Tuấn Thịnh (đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) nhận định: Đã có một bộ phận miệng nói XHCN, nhưng chân bước đi theo con đường mà chủ nghĩa tư bản từng bắt buộc phải đi qua vào một thời điểm lịch sử khác, trong giai đoạn tích lũy ban đầu: tàn phá thiên nhiên, bóc lột sức lao động, thâu tóm đất đai, của cải, tài sản nhà nước, lũng đoạn quyền lực.
Do đó, như bạn Trần Thanh Toàn (Long An) viết, Đảng cần can đảm nhìn thẳng vào sự thật để từ đó nhìn rõ căn nguyên đằng sau những bất cập, tồn tại trong xã hội.
Mời bạn đọc gửi góp ý cho các dự thảo văn kiện của Đảng về địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn
Nằm trong số những bạn đọc gửi phản hồi cho cả 3 bài viết của ông Bùi Đức Lại, ông Trần Ngọc Tân (Hải Phòng, email nhattanhpg@…) kể ông là một đảng viên, cũng từng có những kiến nghị như ông Bùi Đức Lại. “Điều tôi nhận được là thái độ khó chịu ̣của cả tập thể chi bô như đối với một kẻ đến từ hành tinh lạ. Điều này có phải là biểu hiện của sự chưa chín muồi của tư duy, hay là biểu hiện của căn bệnh do bao cấp về tư duy quá lâu? Không thể có gì khác, không thể có gì mới?”.
“Các ý thức hệ có cách chứng minh thuyết phục nhất bằng thực tế, hãy dành cho giới học giả tranh cãi và chứng minh. Trách nhiệm chính trị của Đảng là những nhiệm vụ rất cụ thể trước dân tộc. Điều gì chưa rõ ràng, chưa thuyết phục, không cần đưa vào Cương lĩnh. Điều đó sẽ tạo sự đồng thuận cao của cả dân tộc”, ông Tân viết.
Giống như niềm tin nếu Đảng đổi mới tư duy, vượt qua chính mình thì Đại hội XI “sẽ là cuộc bứt phá như Đại hội VI” của bạn đọc Phan Trọng Phan (quyphan3335@…), bạn lyviet@… khẳng định: “Lợi ích của dân tộc Việt Nam là cao nhất. Khi lợi ích của dân tộc đồng hành với lý luận và hành động của Đảng, thì Đảng chắc chắn tập hợp được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân quanh mình để xây dựng đất nước ta phồn thịnh, dân chủ và văn minh”.
-
Hiền Anh