Hai góc nhìn về Đông Á

Cập nhật lúc 12:05, 26/09/2010 (GMT+7)

- Đông Á là khu vực gồm nhiều quốc gia có sự khác biệt lớn về chế độ chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng... Những diễn biến mới đây trong quan hệ Trung - Nhật, tình hình bán đảo Triều Tiên và kinh tế của các quốc gia Đông Á hơn lúc nào hết cho thấy hai góc nhìn trái chiều về khu vực này.

s
Tàu tuần tra Nhật sau vụ va chạm với tàu cá Trung Quốc. Ảnh: AP

"Điểm nóng" bất ổn

Ở góc nhìn thứ nhất, nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng Đông Á là "điểm nóng" của những vấn đề an ninh có thể đe dọa tới hòa bình và ổn định thế giới.

Sự chuyển dịch quyền lực và những xung đột về lợi ích chiến lược trong cặp quan hệ Trung - Nhật là đặc trưng rõ nhất trong chính trị khu vực Đông Á. Trong khi Nhật Bản là cường quốc kinh tế đã xác lập vị thế, là đồng minh chủ chốt lâu đời của Mỹ thì Trung Quốc có nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ, sức ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng trong khu vực, trở thành đối thủ tiềm tàng của Mỹ. Muốn giành quyền lãnh đạo Đông Á trong tương lai, Nhật Bản và Trung Quốc buộc phải đối mặt, tăng cường đề phòng và kiềm chế lẫn nhau. Điều này làm tăng tính phức tạp, bất ổn tiềm tàng cũng như căng thẳng lâu dài cho khu vực.

Thời gian qua, quan hệ Trung - Nhật xấu đi trông thấy. Từ sự cố nhỏ là tàu đánh cá của Trung Quốc va chạm với 2 tàu tuần duyên của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản hôm 7/9 ở khu vực đang xảy ra tranh chấp ngoài khơi quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) đã leo thang thành bế tắc ngoại giao toàn diện. Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng khiến Trung Quốc 6 lần triệu Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh đến để phản đối, sau đó chính thức ngưng các cuộc tiếp xúc cấp cao với Tokyo. Trong lúc căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngày 23/9, Trung Quốc bắt giữ bốn người Nhật với cáo buộc xâm phạm và quay phim trái phép một khu quân sự nước này.

Tâm lý chống Nhật lan rộng ở Trung Quốc trong khi tại Nhật, nhiều người tiếp tục đổ lỗi việc Trung Quốc tăng cường mua gom trái phiếu chính phủ Nhật Bản khiến đồng yên tăng giá kỷ lục trong vòng 15 năm qua, tác động nặng nề tới nền kinh tế Nhật Bản vốn đang rơi vào tình trạng giảm phát.

Theo một số nhà phân tích chính trị, lập trường cứng rắn của cả Tokyo và Bắc Kinh cho thấy hai nước đều muốn “nắn gân” thử phản ứng của nhau nhằm khẳng định vị thế và mở rộng lợi ích quốc gia, đặc biệt là lợi ích chủ quyền trên biển, tới cực điểm tại Đông Á. Tuy nhiên, những động thái tương tự có thể gây ra các cuộc xung đột tiềm tàng, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa quân đội còn Nhật Bản tăng cường bố trí lực lượng phòng vệ, củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Trong khi đó, quan hệ thương mại Nhật Bản - Trung Quốc trắc trở cũng ảnh hưởng tới sự phồn vinh và an ninh kinh tế của cả khu vực, bởi hai nước này là những nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới.

s
Hàn Quốc tập trận chống tàu ngầm. Ảnh: Reuters
Trên bán đảo Triều Tiên bị chia cắt, CHDCND Triều Tiên - quốc gia đang phát triển chương trình hạt nhân gây tranh cãi, một đồng minh lâu năm của Trung Quốc, nằm sát Hàn Quốc - đồng minh thân cận của Mỹ. Mâu thuẫn địa chính trị khiến vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng luôn là “nhân tố gây bất ổn lớn” trong khu vực, rất dễ chuyển hướng thành đối kháng và xung đột quân sự quy mô nhỏ giữa các nước, từ đó làm đảo lộn cán cân an ninh vốn mong manh tại Đông Á.

Sau vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng vào tháng 5/2009, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên căng thẳng trở lại bởi vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3 vừa qua. Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng sử dụng ngư lôi đánh đắm tàu, đồng thời liên tiếp tổ chức tập trận hải quân quy mô lớn với Mỹ nhằm “răn đe” CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, phía Bình Nhưỡng bác bỏ sự dính líu, triển khai tên lửa sát biên giới Hàn Quốc và cảnh báo đáp trả mạnh mẽ các cuộc tập trận của Seoul. Bắc Kinh cũng không khoanh tay đứng nhìn mà gay gắt phản đối địa điểm tập trận Hàn - Mỹ trên biển Hoàng Hải, cho đó là nguy cơ đe dọa an ninh Trung Quốc và khu vực.

Diễn biến “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong quan hệ giữa Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc khiến các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, vốn được coi là tia sáng hy vọng mang lại ổn định cho khu vực Đông Á, không biết bao giờ mới được nối lại. Nhưng ngay cả khi đối thoại trở lại, quy chế hiện tại giữa hai miền Triều Tiên cũng khó thay đổi bởi vấn đề này còn có sự can dự của các bên trung gian quốc tế, mà bên nào cũng có những quyền lợi của riêng mình.

Trong lúc này, cả thế giới dõi theo Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên dự kiến diễn ra vào ngày 28/9. Cuộc họp nhằm bầu ra ban lãnh đạo tối cao mới của Đảng, với khả năng Kim Jong Un - con trai thứ ba của nhà lãnh đạo Kim Jong II - tiếp quản các vị trí chủ chốt trong Đảng nhằm củng cố vị trí người kế nhiệm cha. Nhiều nhà quan sát chính trị nhận định rằng, nếu sức khỏe của ông Kim Jong II suy yếu và quá trình chuyển giao quyền lực không suôn sẻ thì chế độ Bình Nhưỡng sẽ có thể sụp đổ đột ngột. Lúc đó, an ninh Đông Á sẽ bị đe dọa nghiêm trọng bởi làn sóng người tị nạn tràn sang Hàn Quốc hoặc Trung Quốc; bởi sự mất kiểm soát của kho vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt tại CHDCND Triều Tiên; bởi sự tranh giành định hình trật tự mới trên bán đảo Triều Tiên giữa các cường quốc liên quan như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga…

Cùng với những nguy cơ mang tính “truyền thống” trên, Đông Á còn tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ “phi truyền thống” như khủng hoảng tài chính, dịch bệnh, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…Trong đó, chủ nghĩa khủng bố là đáng lo ngại nhất, đặc biệt ở Indonesia, Philippines.

g
Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ảnh: Getty Images

"Điểm sáng" thịnh vượng

Ở góc nhìn thứ hai, Đông Á lại được coi là một khu vực hòa bình, hợp tác và thịnh vượng. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Đông Á không còn xuất hiện chiến tranh hay xung đột vũ trang quy mô lớn. Hàn Quốc và Nhật Bản nhanh chóng đạt được những thành tựu kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử nhân loại. Cùng lúc, trong vòng 20 năm qua, kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng bùng nổ, trở thành một trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới và hiện là đối tác thương mại hàng đầu của cả Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngân hàng Thế giới dự báo năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân thực tế của các quốc gia trong khu vực Đông Á có thể lên tới 8,7%, dẫn đầu thế giới trong đà hồi phục. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tốc độ tăng trưởng năm nay của Trung Quốc lên tới 10,5%, tiếp đó là Hàn Quốc với mức 6,1%. Thực tế tới tháng 8, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh, với sản lượng công nghiệp tăng 13,9% và doanh số bán lẻ đạt khoảng 185,4 tỷ USD. Tại Hàn Quốc, dự trữ ngoại tệ cao kỷ lục trong tháng 7 với mức 285,96 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 6 về dự trữ ngoại tệ trên thế giới.

Trong một diễn biến gần đây nhất, với việc ông Naoto Kan được bầu lại làm Chủ tịch Đảng Dân chủ cầm quyền ở Nhật Bản và qua đó tiếp tục nắm giữ chức vụ Thủ tướng, người ta có quyền hy vọng nền chính trị và kinh tế xứ sở Phù Tang sẽ bước vào một giai đoạn ổn định và phục hồi nhanh chóng. Điều này sẽ kéo theo sự thịnh vượng chung cho toàn khu vực Đông Á bởi Nhật Bản vẫn đang là nền kinh tế chi phối thương mại toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Đông Á ngày càng trở nên hấp dẫn giới đầu tư quốc tế bởi các quốc gia trong khu vực này có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu mở rộng hạ tầng cơ sở cao, cơ cấu vĩ mô cân đối, dân số trẻ, lao động có tay nghề, thị trường rộng lớn với tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và chi tiêu nhiều hơn... Từ Seoul tới Đài Loan và Jakarta, các nhà lãnh đạo Đông Á đang thực hiện cải tổ mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh các ngành công nghiệp mới.

Đúng như những gì mà Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á tổ chức tại Việt Nam đã khẳng định, giờ là lúc Đông Á đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới và tự tin gánh vác gánh vác những trọng trách to lớn hơn trong quản trị toàn cầu.

Có thể nói, cả 2 góc nhìn khác nhau như trên sẽ vẫn đúng trong một tương lai trung và dài hạn ở Đông Á. Tuy nhiên, để đối phó với các vấn đề an ninh Đông Á và giúp khu vực phát triển thịnh vượng, chỉ có một con đường là các quốc gia cần xem xét lại lợi ích chiến lược trên cơ sở hòa giải, hợp tác; xóa bỏ ảnh hưởng của tư duy Chiến tranh Lạnh về sức mạnh quân sự đồng thời xây dựng quan niệm an ninh mới, thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau để hình thành cơ chế an ninh khu vực hiệu quả; tăng cường giao lưu kinh tế, văn hóa để thu hẹp sự khác biệt.

  • Võ Giang

Ý kiến của bạn

Các tin khác