- Dân tộc ta đang bước vào một giai đoạn mang tính lịch sử vì chúng ta đang bước vào thập kỷ cuối cùng trong mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để có thể vận hành và triển khai hội nhập theo đường lối của Đảng, cần phải tìm cho được người có tư tưởng Đổi Mới để giao việc.
>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
>> Tướng Đồng Sĩ Nguyên góp ý cho Đại hội Đảng
>> Có đại hội bàn đi bàn lại khi chọn Tổng bí thư
LTS: Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI, VietNamNet trân trọng giới thiệu lại với bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tháng 7/2009. Cuộc trò chuyện xoay quanh tính cấp bách của Đổi Mới toàn diện đất nước - bao gồm cả Đổi Mới kinh tế và Đổi Mới chính trị, trong đó chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới.
Giờ là lúc phải Đổi Mới toàn diện
- Thưa ông, hơn 20 năm Đổi Mới, chúng ta đã làm nên thành công to lớn nhờ đổi mới tư duy và chuyển cơ chế kinh tế từ bao cấp sang thị trường. Nhưng giờ đây, đất nước lại đang đứng trước những thách thức mới, chúng ta cần tiếp tục Đổi Mới mạnh mẽ như thế nào cho phù hợp thời cuộc?
Đúng! Công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo trong hơn 20 năm qua đã rất thành công. Chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn, đưa đất nước đi lên, hội nhập với thế giới.
Tuy nhiên, lúc đó, chúng ta chủ trương Đổi Mới kinh tế trước, đổi mới chính trị sau. Nhưng thực ra Đổi Mới kinh tế cũng đã có phần Đổi Mới chính trị rồi. Lúc đó ta nói Đổi Mới chính trị sau ý là nói về thể chế chính trị - một lĩnh vực rất nhạy cảm, cực kỳ hệ trọng.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: Đổi Mới chính trị chính là phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội về mặt chính trị. Ảnh: PH |
Hơn 20 năm đã qua, giờ đây chính là lúc chúng ta phải Đổi Mới toàn diện hơn, Đổi Mới triệt để hơn.
- Để làm được như vậy, theo ông, chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu?
Bắt đầu từ việc phát huy tốt hơn nữa dân chủ và mở rộng hơn nữa dân chủ trực tiếp trong Đảng và trong xã hội, điều đó sẽ tạo động lực Đổi Mới toàn diện đất nước và thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh hơn nữa.
Đổi Mới kinh tế chính là phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội về mặt kinh tế.
Đổi Mới chính trị chính là phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội về mặt chính trị.
Nếu phát huy dân chủ tốt hơn, mở rộng dân chủ trực tiếp tốt hơn, chắc chắn sẽ tạo động lực mới vô cùng to lớn trong công cuộc Đổi Mới toàn diện đất nước vì dân chủ chính là động lực. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực.
- Vậy phải làm thế nào để mở rộng được dân chủ như ông vừa đề cập?
Kể ra với cơ chế, thể chế như hiện nay, để phát huy dân chủ, nếu hiểu đúng và làm đúng, làm tốt thì chắc chắn thành tựu Đổi Mới toàn diện đất nước sẽ còn to lớn hơn nhiều.
Với cơ chế hiện nay cũng đã tạo ra khá nhiều điều kiện để phát huy dân chủ rồi. Vấn đề là ở chỗ con người vận hành cái cơ chế đó thế nào? Hiểu và làm có đúng không?
Nên nhớ rằng, phát huy dân chủ luôn có hai mặt. Đó là quan hệ giữa người lãnh đạo và người bị lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo biết khơi dậy và tạo điều kiện cho người bị lãnh đạo thì như vậy dân chủ sẽ được phát huy và ngược lại.
Mặt khác, nếu người bị lãnh đạo không biết sử dụng đúng đắn quyền dân chủ mà cứ để người khác vi phạm thì dân chủ cũng không thể được phát huy.
Phát huy dân chủ cũng phải gắn liền với tăng cường kỷ cương. Dân chủ càng cao thì kỷ cương cũng phải càng cao. Phát huy dân chủ cũng phải cảnh giác với những âm mưu lợi dụng, phá hoại của các thế lực thù địch.
- Vừa rồi ông có đề cập tới việc cần phải mở rộng dân chủ trực tiếp. Vậy nội dung của dân chủ trực tiếp này nên hiểu thế nào cho chính xác?
Nội dung của nó cũng nằm trong phạm trù phát huy dân chủ. Song đây là những nội dung mở rộng so với hiện nay.
"Nếu phát huy dân chủ tốt hơn, mở rộng dân chủ trực tiếp tốt hơn, chắc chắn sẽ tạo động lực mới vô cùng to lớn trong công cuộc Đổi Mới toàn diện đất nước" |
Ví dụ, đại hội Đảng các cấp trực tiếp bầu bí thư Đảng bộ, đại hội đại biểu toàn quốc trực tiếp bầu Chủ tịch Đảng (hoặc Tổng bí thư Đảng). Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1951) đã làm như vậy.
Hoặc trước khi Ban chấp hành TƯ hoặc Bộ Chính trị đưa ra chủ trương gì thì nên lắng nghe Chính phủ, Quốc hội rồi mới quyết định.
Nghe rồi mới quyết sẽ giúp cho Bộ Chính trị và TƯ nghe được ý kiến của nhiều Đảng viên là cán bộ cao, trung cấp đang công tác ở Chính phủ và Quốc hội. Như vậy ý Đảng, lòng dân sẽ là một, không chủ quan, áp đặt.
Đó là một vài ví dụ mở rộng dân chủ trực tiếp trong Đảng, còn trong xã hội cũng vậy.
Ví dụ, cử tri các cấp nên trực tiếp bầu người đứng đầu cơ quan Nhà nước cấp mình (chủ tịch UBND). Hiện nay là HĐND bầu chứ cử tri chưa được trực tiếp bầu.
Hoặc Nhà nước phải trưng cầu ý kiến nhân dân về những vấn đề hệ trọng của đất nước, như Hiến pháp, những vấn đề sửa đổi Hiến pháp, những vấn đề hệ trọng khác, liên quan đến vận mệnh của dân tộc đều phải đưa ra dân phúc quyết. Đấy là quyền làm chủ thực sự của người dân.
Muốn vậy, phải xây dựng Luật Trưng cầu dân ý. Hiến pháp năm 1946 đã nói rất rõ, nay cần phải được thực hiện .
Đấy là một vài ví dụ cần và khả thi về việc mở rộng dân chủ trực tiếp trong Đảng và trong xã hội.
Chưa có tầm kỹ trị
- Để có một Nhà nước mạnh, nhất thiết phải có đội ngũ quản trị giỏi. Theo nhiều nhà quan sát, nhân tài mình không thiếu nhưng chúng ta rất thiếu vắng những nhà kỹ trị giỏi. Ông có suy nghĩ như thế nào về việc này?
Về chuyên môn, nhiều anh em nhà mình khá lắm. Nhưng về quản trị, cả hành chính, cả doanh nghiệp, đúng là còn nhiều yếu kém. Do khách quan cũng lớn, song do chủ quan cũng không nhỏ.
- Thưa ông, lâu nay khi bổ nhiệm những vị trí quan trọng, chúng ta vẫn có thói quen đánh giá thành tích trong quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, đánh giá trên những tiêu chí chung chung như “trung thành với Đảng, với đất nước, có phẩm chất đạo đức tốt….”. Nhưng giờ đây, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập, trong lúc chúng ta đang đứng trước những thách thức to lớn, chúng ta đang cần những người có năng lực chuyên môn và tầm nhìn chiến lược. Quan điểm của ông?
Bất cứ vấn đề gì cũng phải được xem xét với quan điểm lịch sử cụ thể. Các cụ nhà ta thường nói có công thì thưởng, có tài thì giao trọng trách.
Nếu người có công mà lại có tài thì vừa được thưởng, vừa được giao trọng trách. Công ít mà thưởng cao cũng nguy hiểm. Không có tài mà được giao chức cao càng nguy hiểm.
"Phải làm sao để khi bầu chọn nhân sự, danh sách nhiều hơn và các ứng viên tranh cử thực sự... Trong bối cảnh của mình vẫn có thể tổ chức tranh cử minh bạch nếu khuyến khích để các ứng viên trình bày quan điểm độc lập trong cương lĩnh chính trị, trong chiến lược kinh tế, trong báo cáo chính trị, về đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân và chủ trương giải pháp".
Trong chống ngoại xâm, trong bảo vệ độc lập chủ quyền thì mình tài thật, nhưng mà trong xây dựng hoà bình thì còn đang trong quá trình trưởng thành.
Việc chọn cán bộ đương nhiên phải phù hợp với đường lối hiện hành. Trong sự nghiệp Đổi Mới, thì phải tìm được người có tư tưởng Đổi Mới để giao việc. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà giao cho người sản xuất nhỏ thì làm sao làm được.
- Ông cũng như nhiều vị lãnh đạo khác rất hay dùng cụm từ “vừa hồng, vừa chuyên” để nói về tiêu chí chọn nhân sự chủ chốt. Chuyên thì rõ rồi, còn Hồng thì lâu nay ta quen nghĩ đó là chất Đảng. Giờ đây yếu tố Hồng có nên được mở rộng không, và mở như thế nào?
Theo tôi, Hồng nên hiểu là đạo đức cách mạng thực chất, chứ không phải chỉ là cái danh Đảng viên. Hồng phải thực chất, chứ không phải chỉ là danh.
Ông cha ta đã nói danh phải đi với thực. Nhưng bây giờ không ít người cứ thấy danh thôi mà không thấy thực.
Ngày xưa, đường lối của mình là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thì ai đồng ý, ai tán thành giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thì đấy là người Hồng.
Ngày nay trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đổi Mới, hội nhập rồi, do vậy ai là người có tư tưởng Đổi Mới, ai là người có tư tưởng hội nhập theo đường lối của Đảng thì người đó là Hồng.
Như vậy, Hồng không đồng nhất với Đảng viên. Nhiều người ngoài Đảng vẫn có thể Hồng.
Và như vậy, những người không phù hợp đường lối buộc phải để ra bên ngoài, không giao trọng trách, không có cách nào khác cả. Nhưng mà vẫn phải tạo điều kiện để cho họ đóng góp ý kiến, không được phân biệt đối xử.
Chọn người tài chứ không chọn người hiền
- Xin được chuyển sang một vấn đề khác. Thưa ông, trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, nhân sĩ, trí thức sẽ đóng một vị trí vô cùng quan trọng để đưa nước nhà hưng thịnh. Đảng và Nhà nước đã có những nghị quyết, chính sách rất cụ thể. Nhưng tại sao nhiều nhân sĩ, trí thức vẫn trăn trở và vẫn cảm thấy chưa thực sự có cơ hội đóng góp cho đất nước?
Đôi khi việc đánh giá con người còn bị phụ thuộc vào sự đánh giá thiếu khách quan của cá nhân người có quyền khiến ta có cảm giác những người có tài đức chưa được trọng dụng.
Người tài thì họ thường rất nhanh nhạy, sáng tạo. Những người có tài thường là những người rất yêu tự do, họ tự do tư duy không lệ thuộc vào những cái có sẵn, họ độc lập sáng tạo trong công việc không lệ thuộc vào ý kiến của người khác, họ coi tự do tư duy như không khí hít thở, coi độc lập sáng tạo như cơm ăn nước uống hàng ngày và coi chân – thiện – mỹ (cái đẹp) như là bái vật tôn thờ. Họ chỉ tôn thờ Đức – Tài thật, Hồng – Chuyên thật. Họ thường ghét, khinh cái giả.
Những người tài này hay nói đến cái mới, nhiều khi khó nghe. Có người chưa nghe họ nói xong đã gạt ý kiến của họ đi rồi. Có khi chỉ do những người lãnh đạo trực tiếp họ đánh giá, hoặc những cơ quan tham mưu đánh giá, còn lãnh đạo cấp trên thì không sâu sát, không nghe thấu đáo, hoặc lơ đi, không để cho họ có tiếng nói, không để cho họ có chỗ nói.
- Bài học kinh nghiệm của người Singapore, người Hàn Quốc hay người Nhật Bản, để tìm được nhân sự xứng đáng, các nước này đã xây dựng được những cơ chế phản biện hữu hiệu, tạo diễn đàn ngôn luận công khai để người tài thi thố minh bạch. Ông có ý kiến gì khi nhìn về câu chuyện của đất nước và nhìn sang các nước láng giềng?
Phải làm sao để khi bầu chọn nhân sự, danh sách phải nhiều hơn và phải cho các ứng viên tranh cử thực sự. Trong kinh tế không cạnh tranh cũng hỏng. Trong chính trị không cạnh tranh cũng hỏng.
Trong bối cảnh của mình vẫn có thể tổ chức tranh cử minh bạch nếu khuyến khích để các ứng viên trình bày quan điểm độc lập trong cương lĩnh chính trị, trong chiến lược kinh tế, trong báo cáo chính trị, về đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân và chủ trương giải pháp.
Cái quan điểm độc lập này của từng ứng viên rất quan trọng vì nó chính là cái để các ứng viên thuyết phục mọi người và để mọi người có điều kiện so sánh, lựa chọn.
Thật ra do truyền thống “khiêm tốn”, nhiều người vẫn còn tâm lý ngại nói về cái gì đó to tát, nói về quan điểm của chính mình, phê phán quan điểm của người khác. Đôi khi họ sợ bị mang tiếng tham quyền, tự kiêu này nọ. Nhiều khi vì họ chưa tự tin. Cái cá nhân bị hòa tan trong tập thể. Cá nhân nằm trong tập thể là đúng, còn hòa tan trong tập thể lại là không đúng.
- Nhưng trong thực tế, nhiều khi chưa kịp thể hiện quan điểm độc lập thì đã bị cái này cái khác ngăn giữ lại rồi?
Thì đó là câu chuyện hai mặt. Một mặt người lãnh đạo phải tạo điều kiện, mặt khác cấp dưới cũng phải biết sử dụng quyền của mình.
Trong cương lĩnh, Điều lệ Đảng, trong Hiến pháp và Pháp luật nhà nước đều nói cả rồi đấy, chỉ có cái không ít vấn đề mình hiểu chưa đúng và làm chưa tốt, hoặc chưa dám làm. Một khi mình chưa dám làm mà lãnh đạo có khuyến khích thì cũng chả làm gì được.
- Liệu có diễn đàn dân chủ như vậy không khi mà động một cái là sợ động chạm, động một cái là lo bị kiểm duyệt này nọ. Vậy thì làm sao người tài có cơ hội xuất lộ được?
Một khi anh chưa dám xuất lộ thì anh chưa phải là người tài thật sự, người tài trong hành động, mà có thể mới chỉ là người tài tiềm ẩn.
- Có vẻ chưa thực sự thuyết phục cho lắm. Theo ông, với cơ chế hiện nay đã thực sự tạo điều kiện cho người tài thể hiện?
Không thể đổ hết lỗi cho cơ chế.
Tôi nói rất thực tiễn nhé, trong lịch sử từ cổ chí kim, tất cả những người tài là người vượt lên làm thay đổi cả Hiến pháp và pháp luật, còn nếu không vượt lên được thì anh chưa phải là người tài thật sự.
Con người cụ thể nhé: Mác, Ănghen và Cụ Hồ của chúng ta đều là những người như thế. Trong đêm dài tăm tối, Cụ Hồ và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thay đổi được cả chế độ cũ, chuyển từ chế độ thực dân nửa phong kiến sang chế độ dân chủ cộng hòa từ tay không và ngoài vòng pháp luật.
Bây giờ ta có pháp luật bảo vệ, được luật pháp cho phép mà còn không dám xuất đầu lộ diện thì rõ ràng đó chưa phải là người tài thật sự.
- Nhưng trước hết phải tôn trọng phản biện xã hội và xã hội dân sự… Với hai khái niệm này, ông có suy nghĩ gì?
Phản biện xã hội, xã hội công dân, xã hội dân sự là những biểu hiện, những dấu mốc phát triển của Nhà nước của dân, do dân và vì dân, của Nhà nước dân chủ nhân dân, nhân dân làm chủ thực sự nhà nước của mình, một Nhà nước dần dần tự tiêu vong sẽ chỉ còn là “nửa” Nhà nước.
Tính cộng đồng, tính tự quản của nhân dân ngày càng cao. Tính công bộc, tính dịch vụ của Nhà nước cũng ngày càng cao.
- Xin được quay trở lại chuyện chọn người thạo việc. Thưa ông, cần có quy trình, có cách thức chọn lựa như thế nào để bộ máy lãnh đạo đất nước từ Trung ương đến địa phương hội tụ được những người xứng đáng nhất?
Đây là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm. Nhiều người có cảm giác những người tài đức chưa được trọng dụng. Đánh giá thế nào là người tài - đức là rất khó. Nếu chỉ đánh giá của cá nhân, nhất là cá nhân của người lãnh đạo chi phối thì nhiều khi rất nguy hiểm, nên phải để cái đánh giá đó cho cả quảng đại quần chúng nữa thì sẽ khách quan hơn.
Cách làm, cách sàng lọc là rất quan trọng. Cách làm của chúng ta lâu nay còn nhiều hạn chế vì nhiều khi bị phụ thuộc vào người lãnh đạo, từ đó mà nảy sinh tư tưởng cơ hội.
Cho nên người muốn được giao trọng trách thường hay đón ý, lựa chiều lấy lòng người lãnh đạo, không bằng tài năng thực sự, mà có khi chỉ do khéo ăn khéo nói là được chọn.
Đổi Mới phải từ những người chủ chốt
- Phải làm thế nào để tìm cho được người tài vào các vị trí chủ chốt để có thể lựa chọn được cán bộ đủ năng lực đảm đương trách nhiệm đưa đất nước hưng thịnh như tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu?
Cách làm trước đây có mấy điểm thành nếp không tốt, tuy không thành văn. Ai là người đứng đầu các cấp, ít ra là các thứ, bộ trưởng, bí thư, phó bí thư, chủ tịch rồi mới vào được Trung ương. Trong thực tiễn cũng có những người hiền tài nhưng họ lại chưa vào những vị trí đó, vì chưa có cơ hội. Vậy thì làm sao để khắc phục được điều này.
Thứ hai nữa là phải ủy viên Trung ương hai khóa mới vào Bộ Chính trị, vừa rồi TQ đã có bước đi ngoạn mục cũng là bài học tốt cho ta suy ngẫm.
Trước đây thường phải qua 2 khóa UVBCT mới được làm chủ chốt. Như vậy họ sẽ già mất.
Những quy định này không thành văn đã vô tình sàng lọc đi mất nhiều rồi, còn lại lớp trên thì đã già mất rồi.
Một điểm nữa là lâu nay mình hạn chế tuổi một cách máy móc. Ở các khóa đều quy định dùng độ tuổi để xây dựng cơ cấu cấp ủy. Đúng là buộc phải có một cơ cấu tuổi, nhưng đấy là cơ cấu một tập thể cơ mà. Nếu tập thể này cùng một lứa tuổi thì nhiều khi không tránh khỏi lúc ốm ốm hết, lúc nghỉ, nghỉ hết.
Cơ cấu tuổi của một tập thể là đúng. Song máy móc trong những trường hợp cụ thể lại là không đúng.
- Như vậy, trong vấn đề nhân sự, chúng ta cũng cần phải đưa ra những tiêu chí rõ ràng, mạch lạc như thế nào?
Kinh nghiệm cho thấy, ít nhất cần phải có 3 độ tuổi: cao tuổi, trung tuổi và trẻ tuổi.
Nhưng với một số trường hợp cụ thể, nhất là người đứng đầu thì đừng như thế. Và ngay cả 3 cái đó cũng đừng làm máy móc. Nói tóm lại đừng vì mấy cái tiêu chí này mà sàng lọc mất nhiều người Đức - Tài.
Mời bạn đọc gửi góp ý cho các dự thảo văn kiện của Đảng về địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn
Đặc biệt người đứng đầu các cơ quan phải lấy tiêu chuẩn trí tuệ và sức khỏe làm chính. Nói đúng ra thì phải là: Đức – Tài và sức khỏe.
Đức là lẽ đương nhiên rồi. Trong thực tế cuộc sống, người có đức chắc là có nhiều, còn người tài thì chắc là không nhiều.
Tuy nhấn đức là gốc là đúng cơ mà mình chỉ đưa người có đức lên cầm quyền là cũng hỏng. Quan trọng hơn cả là phải cần người có tài. Thật ra, không thể tách Đức - Tài một cách cơ học, song trong thực tế phải chăng chúng ta thiếu những người tài?
Trong thực tiễn có nhiều dẫn chứng rất cực đoan, đưa một người hiền hiền hoặc một người nói nhiều, làm ít, chung chung, tròn vo lên làm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cuối cùng cơ quan, đơn vị đó lãnh đủ hậu quả, nhân dân lãnh đủ hậu quả. Cán bộ ở đâu đần thì dân ở đó khổ.
Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Hiền tài thời nào cũng có. Đất nước hưng thịnh hay suy vong đều do việc trọng dụng hiền tài mà ra.
Ta không dám xuất lộ, không biết lựa chọn, không biết trọng dụng Hiền - Tài thì ta cũng có lỗi, có tội to với nhân dân.
-
Thu Hà - Lan Anh