Trung Quốc lao vào cuộc đua đường sắt cao tốc

Cập nhật lúc 16:35, 07/06/2010 (GMT+7)

Năm trước, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Nước này đang nhanh chóng nỗ lực chế tạo máy bay để cạnh tranh với Boeing và Airbus. Và, ở một khía cạnh ít có sự chú ý của thế giới hơn, Trung Quốc đang cố nhảy vọt trong giao thông vận tải khi hướng tới vị trí dẫn đầu toàn cầu về đường sắt cao tốc.

"Siêu dự án" và trách nhiệm của Quốc hội

Đường sắt cao tốc từng là “thương hiệu” của Nhật Bản với con tàu đầu đạn và Pháp với TGV. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đã trở thành cái tên trong xếp hạng tàu nhanh nhất thế giới, mạng lưới đường sắt dài nhất thế giới.

Nước này vẫn tiếp tục mở rộng kế hoạch đầy tham vọng của mình. Vào năm 2012, chỉ bốn năm sau khi Trung Quốc bắt đầu dịch vụ đường sắt cao tốc đầu tiên, Trung Quốc sẽ có mạng lưới đường sắt cao tốc nhiều hơn cả những nước khác trên thế giới cộng lại.

Nhà máy sản xuất tàu cao tốc tại Thanh Đảo, Trung Quốc
Nhà máy sản xuất tàu cao tốc tại Thanh Đảo, Trung Quốc

Sau nhiều năm đầu tư mạnh tay vào đường quốc lộ, Trung Quốc giờ đây sẵn sàng chi hàng tỉ USD vào mạng lưới đường sắt và xe điện ngầm tốc độ cao nhằm thúc đẩy xuất khẩu và cách mạng hoá dòng chảy nhân lực cùng hàng hoá tại một cường quốc kinh tế mới nổi phát triển nhanh nhất thế giới.

"Giống như chúng tôi từng đầu tư vào hệ thống quốc lộ những năm 1950 và hệ thống đường sắt, lần đầu tư này sẽ mang lại những lợi ích khổng lồ cho Trung Quốc nhiều năm tới”, Tim Schweikert, Giám đốc điều hành GE Transportation China - hãng năm ngoái ký được một hợp đồng đầu tư vào việc mở rộng đường sắt của Trung Quốc để đổi lại việc sử dụng tàu và công nghệ Trung Quốc trong các dự án tàu cao tốc tại Mỹ - nói.

Quan chức Trung Quốc cho hay, xuất khẩu sang Mỹ là một phần mục tiêu mà nước này đặt ra để trở thành nhà cung cấp đường sắt cao tốc hàng đầu trên thế giới, đồng thời mang lại lợi ích cho thị trường nội địa.

Hãng quốc doanh CSR Sifang của Trung Quốc đã giành được sự thu hút từ các khách hàng Thái Lan, Singapore, Trung Đông cũng như Mỹ - Công Minh, kỹ sư trưởng nhà máy của CSR tại thành phố Thanh Đảo nói.

Mỹ nuối tiếc

Cùng Nhật Bản và Pháp, Trung Quốc nằm trong số ít quốc gia có hứng thú với thị trường đường sắt cao tốc Mỹ. Trung Quốc đang cố gắng giành lợi thế về mình bằng cách giúp đỡ các hãng cạnh tranh với nguồn tài chính cho vay lãi suất thấp. Để đối phó với “cuộc xâm nhập” của Trung Quốc, hợp đồng của GE quy định, các bộ phận cấu thành đầu máy xe lửa sẽ gồm 80% của Mỹ và 20% của Trung Quốc, tất cả cuối cùng sẽ được lắp ráp tại Mỹ.

Rất nhiều tàu đường sắt cao tốc của Trung Quốc được lắp ráp tại Thanh Đảo - một thành phố công nghiệp hướng ra Hoàng Hải - tại một nhà máy với hơn 7.000 nhân công bao gồm 2.000 nhà nghiên cứu và kỹ sư thiết kế. Nhà máy này đưa ra khoảng 200 bộ máy tàu đầu đạn mỗi năm, mỗi tàu có khả năng đạt vận tốc 347,2km/h.

Trong một phân xưởng, nơi nhân viên gọi là “bí mật”, việc phát triển con tàu thế hệ tiếp theo với tốc độ nhanh nhất thế giới - 377,6km/h - đang diễn ra. Mẫu tàu đầu tiên dự kiến sẽ được thử nghiệm trong vài tuần tới.

Năm tới đây, khi tuyến đường cao tốc mới giữa Bắc Kinh - Thượng Hải (hai thành phố quan trọng nhất của Trung Quốc) khánh thành - sớm hơn một năm so với dự kiến - những đoàn tàu nhanh sẽ cắt giảm thời gian chỉ còn khoảng bốn tiếng cho lộ trình dài 960km.

Con tàu cao tốc theo đó đang tạo ra khả năng cạnh tranh với hàng không: Sau khi một mạng lưới đường sắt cao tốc đi vào hoạt động trong năm ngoái giữa Trịnh Châu và Tây An, ngành hàng không đã dừng mọi chuyến bay giữa hai thành phố này. Khách du lịch thích đi tàu hai tiếng đồng hồ với giá 57 USD thay vì đi máy bay trong 40 phút với giá 73 USD.

Mọi chú ý về sự mới nổi của Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt cao tốc là nó khá mới mẻ; tàu chở khách đầu tiên của nước này đạt vận tốc tối đa 297,6km/h từ Bắc Kinh đến Thiên Tân bắt đầu đi vào hoạt động năm 2008. Đó là thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama - khi ấy vẫn là thượng nghị sĩ đang thực hiện chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, cảm thấy nuối tiếc cho một sự thật rằng, Mỹ đã tụt lại phía sau.

Triệu Hiếu Cương, Chủ tịch công ty mẹ của CSR tại Bắc Kinh cho biết, ông vui mừng khi nghe thấy trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11, ông Obama tỏ ra hứng thú về công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc. "Tôi vui mừng khi thấy chính quyền của Obama tỏ ra hứng thú với các dự án tàu cao tốc. CSR cũng rất chú ý tới các dự án đường sắt cao tốc tại Mỹ”.

Từ quốc lộ tới đường sắt

Cho tới giữa thập niên này, Trung Quốc phần lớn vẫn đầu tư vào việc mở rộng mạng lưới quốc lộ để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của xe hơi. Đường sắt vẫn được coi là phương tiện vận chuyển, phần lớn là khoáng sản từ phía Tây sang những trung tâm sản xuất ở phía Đông. Từ 1997 - 2002, chi tiêu cho xây dựng quốc lộ gấp bảy lần đầu tư vào đường sắt.

Bắt đầu từ 2004, số tiền đầu tư vào ngành đường sắt tăng mạnh, và tới tháng 10/2008, chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn hơn 100 tỉ USD cho đường sắt nằm trong gói kích cầu đối phó với ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu và tạo việc làm.

Ngược lại, trong gói kích thích kinh tế của chính quyền Mỹ trị giá 787 tỉ USD chỉ có 8 tỉ USD đầu tư vào đường sắt cao tốc. Theo một số chuyên gia, số tiền này đủ vừa “gieo hạt” cho các dự án đường sắt, bao gồm một tuyến đường từ Orlando đến Tampa ở Florida và một tuyến ở California.

Năm nay, Trung Quốc sẽ đầu tư thêm 120 tỉ USD khác cho phát triển đường sắt cao tốc trong khi tiếp tục mở rộng hệ thống đường quốc lộ. Nước này cũng chi tiêu nhiều cho hệ thống xe điện ngầm đô thị để kết nối với các tuyến đường sắt cao tốc trong nhiều thành phố. Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 60 dự án tàu điện ngầm đang trong quá trình thực hiện ở hơn 20 thành phố.

Thượng Hải đã sẵn sàng cho tàu “đệm từ” nhanh nhất - tàu này sử dụng công nghệ đệm từ của Đức. Tàu đệm từ khiến con đường dài gần 30km tới sân bay Phố Đông của Thượng Hải chỉ mất 8 phút, đạt tốc độ tối đa gần 300km/h.

Một số nhà kinh tế học nước ngoài đã đặt câu hỏi rằng, liệu chính phủ Trung Quốc có thể duy trì tốc độ đổ tiền vào việc xây dựng mạng lưới đường sắt, tàu điện ngầm và quốc lộ trong bao lâu? Đã có nhiều “bóng gió” từ các quan chức chính phủ Trung Quốc rằng, gói kích cầu sẽ sớm giảm dần.

Còn giới phê bình thì lên tiếng về giá vé dành cho người dân. Một con tàu cao tốc mới từ Quảng Châu đến Vũ Hán, vé từ 71-129 USD, nghĩa là gấp ba so với giá ghế rẻ nhất trên một con tàu thông thường.

Tháng trước, một nhóm gồm bốn luật sư tại Bắc Kinh đã gửi thư lên chính quyền để trình bày việc Bộ Đường sắt Trung Quốc gây tổn hại cho người tiêu dùng và tìm kiếm “lợi nhuận tối đa” với giá vé ngất ngưởng.

  • Thái An (Theo WashingtonPost)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác