"Nếu vỡ nợ, Nhật Bản có cứu chúng ta?"
- Tiếp tục những tranh luận trái chiều mạnh mẽ về đường sắt cao tốc, trong phiên họp chiều qua, một số ĐBQH còn tự cho mình "thuộc về nhóm" những người phản đối, hoặc "thuộc nhóm" ủng hộ. Hễ có một đại biểu tán thành phải gấp rút làm đường, là lại có đại biểu khác tha thiết xin lùi lại đến 2020.
>> Nóng bỏng nghị trường
>> ’Các nước có IQ cao đều làm đường sắt cao tốc’
>> "Siêu dự án" và trách nhiệm của Quốc hội
"Chốt" phiên thảo luận, ĐB Lê Việt Trường (An Giang) thậm chí còn cảm khái: "Rằng hay thì thật là hay/ Nhưng mà bấm nút kỳ này rất lo".
"Sẽ bị lệ thuộc"
Các ĐBQH cổ vũ cho dự án tiếp tục nêu viễn cảnh văn hóa giao thông sẽ cải thiện, có đường cao tốc thì chả mấy mà dân học được tác phong công nghiệp, xây nhà ga rồi thì tha hồ mở dịch vụ kinh doanh. Nói như ĐB Lê Quốc Dung, "rút gọn" từ 28 tiếng xuống 5 tiếng tuyến đường Sài Gòn - Hà Nội đồng nghĩa với việc tiết kiệm được 23 tiếng cho 50 triệu con người trong vòng 100 năm, lợi nhuận không biết đâu mà kể.
Bất kể những lý lẽ như vậy được nhiều ĐB đưa ra thuyết phục thì luồng ý kiến phản đối và thận trọng vẫn xoáy vào hiệu quả kinh tế, đặc biệt nguy cơ nợ nần và hệ lụy của vốn vay ODA.
Không tán thành Chính phủ vay nợ cho mục tiêu quá tham vọng so với thực tế, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, như vậy sẽ đẩy VN vào vết xe đổ của Hy Lạp.
"Khi đó ASEAN, châu Á hay Nhật Bản sẽ cứu chúng ta? Nhật Bản là một trong 7 nước công nghiệp phát triển, nước duy nhất chúng ta kỳ vọng vay vốn cũng đang rơi vào khó khăn bế tắc. Nợ nước ngoài 200% GDP, Thủ tướng Nhật phải từ chức sau hơn 1 năm nhậm chức vì không thể vực dậy nền kinh tế", bà Quốc Khánh lo lắng.
Không ít ĐB khuyến cáo nên thận trọng với tiền đi vay từ ODA. Rằng vốn ODA không phải lúc nào cũng tốt, các nước như Thái Lan, Philippines đã quyết định dừng ODA khá sớm, vì thấy rằng dòng vốn này đắt hơn đáng kể so với vốn vay thương mại. Vay thương mại có thể mua, chọn đấu thầu, còn ODA phải ràng buộc rất bất lợi.
Theo ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), 11 nước có đường sắt cao tốc đều tự làm. Nếu nhập khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng không nhập toàn bộ. Trung Quốc gần như đã nội địa hóa được đường tàu cao tốc. Chỉ duy nhất Việt Nam gần như nhập khẩu 100%.
Đáp lại kỳ vọng của một số ĐB rằng xây đường cao tốc thì Nhà nước sẽ tha hồ "kích cầu" vật liệu xây dựng, ĐB Xuân nói, ngay như cầu Cần Thơ cũng làm bằng xi măng của Thái Lan, sắt thép nước khác.
"Đó là lý do vì sao một đất nước nợ lên tới 200% GDP mà vẫn sẵn sàng cho nước khác vay, vì số vay này lãi thấp nhưng hiệu quả thu được nhiều hơn số lãi gấp nhiều lần, giải quyết công ăn việc làm, giải quyết lương chuyên gia, lợi nhuận khi xây dựng, bảo dưỡng, bảo trì v.v.... Con số đó lớn hơn rất nhiều so với lãi suất mà chúng ta phải trả. Nhiều nước đã xem việc không phải vay nợ ODA là độc lập thực sự", ông Xuân nói.
ĐB Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) bổ sung: "Phụ thuộc hoàn toàn Nhật Bản đem đến cho chúng ta sự lệ thuộc rất lớn trong tương lai".
"Tỉnh ông ở giữa, thế nào đường sắt cũng qua"
Trăn trở lớn nhất của các ĐBQH muốn lui dự án thêm dăm bảy năm để tính cho "chín", đó là vì sao Chính phủ chỉ "áp đặt" phương án 4 làm cao tốc cho bằng được? Khi đường xá còn ngập lụt, tắc nghẽn, dân phải đi phà đi đò, đu dây qua sông, thì rốt cuộc, đường sắt cao tốc làm cho ai, vì lợi ích của ai?
Uỷ viên trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà: Nếu ý kiến chúng tôi là thiểu số thì xin chỉ làm đoạn thí điểm.
"Dân nghèo sẵn sàng chọn những phương tiện không an toàn nhưng rẻ tiền. 20 năm nữa cho dù chúng ta có ngồi tính GDP là bao nhiêu, 3.000đôla/đầu người, nhưng phân bố GDP đó ở đâu, người nghèo còn nhiều không. Bỏ một món tiền bằng 3/4 giá vé máy bay họ có lựa chọn hay không?", ĐB Dương Trung Quốc chất vấn.
Ông Quốc gọi tính toán này là tư duy của những người "đi lại bằng tiền nhà nước". Người nhiều tiền thì tiếc thời gian, người ít tiền không quan trọng thời gian, miễn là rẻ. Chưa kể, vì "lợi ích cục bộ" nên tỉnh nào cũng muốn phải xây ga ở đất nhà mình.
Tán thành ý kiến chưa nên làm ngay, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà góp lời "để tô đậm thêm quan điểm của những đại biểu thuộc nhóm cùng chung quan điểm".
Theo ông Hà, Bộ GTVT ước tính đến năm 2020 có hàng triệu khách vất vưởng trên các ga chỉ để chờ đường sắt cao tốc đến giải quyết thì sao không tập trung nâng cấp đường bộ, đường sắt hiện tại và mở rộng đường hàng không, thậm chí đường thủy.
Bí thư Bình Định thấy "rất đáng buồn cười" vì bàn chuyện phân kỳ đầu tư "nhưng có ĐB nói nếu có ít tiền thì kéo tới Thanh Hóa vì đồng chí đó ở Thanh Hóa, có ĐB nói phải qua Đà Nẵng mới phát huy tác dụng được vì ĐB đó ở Đà Nẵng. Nghỉ giải lao một số người nói đùa với tôi: "Ông Hà ơi, ông vào phát biểu tốt nhất là dung hòa đề nghị với QH đầu tư tuyến từ Đà Nẵng vào Khánh Hòa, ông ở giữa thế nào đường sắt cũng qua". Như thế đâu có được".
Đã hết giờ nhưng ông Hà vẫn xin "nói với" thêm: "Nếu như những ý kiến của chúng tôi là thiểu số, mà đa số lại muốn làm ngay thì tôi tha thiết đề nghị nên chọn làm thí điểm đoạn từ TP.HCM đi Nha Trang là có hiệu quả, rút kinh nghiệm".
"Chính phủ làm khó Quốc hội"
Càng về cuối ngày, càng thêm nhiều ĐBQH "than" rằng "Chính phủ làm khó Quốc hội" khi trình một dự án mang tính kỹ thuật, chuyên môn sâu nhưng thiếu hẳn thông tin phản biện.
Kể lại chuyện TGĐ Tổng công ty đường sắt trong cuộc họp báo cuối tuần qua nói hiệu quả tài chính của dự án tuy chỉ 2,4-3% nhưng hiệu quả lan tỏa thì đến 12-15%, Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Quốc Anh nhận xét: "Ngồi đây mà tính hiệu quả lan tỏa 30, 40 năm sau là không có cơ sở".
ĐB Lê Việt Trường (An Giang) lo lắng vì gần 500 ĐBQH hoàn toàn không có thông tin gì về 3 nhà tư vấn Nhật.
"Liệu họ có phải những tư vấn hàng đầu về đường sắt cao tốc hay đã từng tư vấn cho dự án nào cỡ 56 tỷ USD?. Không nước nào hay chủ hàng nào muốn bán được hàng của mình mà lại đi tư vấn chỉ ra toàn những khiếm khuyết của mình, người ta phải nói toàn những mặt tốt, mặt hay để người ta có thể bán được", ĐB Trường đặt câu hỏi.
Ông Trường dẫn lại lời TGĐ Tổng công ty Đường sắt khi được hỏi tại sao có sự chênh nhau quá lớn về mức đầu tư trước và sau của hai phương án trong thời gian rất ngắn đã trả lời đây là ý kiến tư vấn của Nhật Bản chứ chúng tôi làm gì đủ khả năng lập báo cáo như vậy.
Ông Trường kết luận, đến chủ đầu tư còn không hiểu thì sao ĐBQH có thể tin được.
Ông Trường lo lắng khi bất trắc xảy ra, tuyến đường độc đạo này sẽ mất khả năng tự vệ, chưa kể, tuy tốc độ nhanh nhưng chỉ chở được người, không thể chở vũ khí, thực phẩm. "Dự án đòi hỏi phương án phòng thủ, phương án bảo vệ, đi theo nó là chi phí", ông Trường tính toán. Theo ông, dự án cần lùi sang khóa sau.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho biết sẽ chọn vấn đề để đưa vào nghị quyết của QH trong kỳ họp này về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc. Sau đó sẽ gửi lại ĐB cho ý kiến trước khi trình QH quyết định thông qua chủ trương đầu tư (theo nghị trình sẽ là ngày bế mạc 19/6).
"Tôi rất tiếc chương trình hôm nay không truyền hình trực tiếp để nhân dân thấy được trách nhiệm ĐBQH trước vấn đề lớn của đất nước được thể hiện như thế nào. Có những vấn đề khi bấm nút xong chúng tôi cảm thấy thanh thản và khi về nói với cử tri thì rất vui. Tuy nhiên, có những quyết định mà bấm nút xong vẫn thấy còn trăn trở, suy tư, không biết mình xác định thế có chính xác không, có chịu trách nhiệm gì trước nhân dân nếu sau này những vấn đề đó mang lại một hệ quả xấu hơn". ĐB Vũ Quang Hải - Hưng Yên |
-
Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng