Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đã “lỗi thời”?
- Hướng về xuất khẩu nhằm phát huy lợi thế của mỗi quốc gia đồng thời mở rộng thị trường trong nước là cách đảm bảo phát triển cân bằng, hiệu quả và bền vững hơn trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế thế giới - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á ngày 6/6 tại TP.HCM.
>> Đánh giá lại trách nhiệm toàn cầu của Đông Á
>> Thủ tướng nhắn nhủ lãnh đạo trẻ châu Á
>> Mekong thành động lực tăng trưởng cho Đông Á
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự phiên thảo luận về chủ đề làm thế nào để châu Á nâng cao vai trò trong phát triển toàn cầu. Tiềm năng to lớn của thương mại nội khối là lý do châu Á ngày càng quan tâm đến các thị trường khu vực. Tuy nhiên, với vị thế ngày càng lớn về kinh tế, châu lục này đang không ngừng tìm kiếm vai trò lớn hơn trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Phát biểu trong phiên toàn thể trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, khu vực đã có những xu hướng hợp tác được đẩy mạnh, thông qua nhiều cơ chế như ASEAN + 3, ASEAN + 1, Cấp cao Đông Á, các cơ chế hợp tác tiểu vùng, các tam - tứ giác phát triển và các hiệp định mậu dịch tự do đa phương và song phương. ASEAN đã luôn chứng tỏ được vai trò trung tâm, vị thế chủ đạo, đóng góp hiệu quả đối với tiến trình xây dựng thể chế khu vực ở Đông Á và các thể chế liên khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tăng trưởng cao, kích cầu nội địa
Trước câu hỏi liệu tái cấu trúc nền kinh tế châu Á có nên hướng mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nhiều nước châu Á có “lỗi thời”, Thủ tướng Việt Nam khẳng định giai đoạn hậu khủng hoảng, mỗi quốc gia cần dựa vào thị trường trong nước hơn nhưng vẫn hướng tới xuất khẩu để phát triển cân bằng hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á 2010. Ảnh: HAT |
Như việc Việt Nam xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới xuất phát từ điều kiện tiềm năng sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới song cũng đảm bảo nhu cầu thực tiễn thị trường lương thực trong nước.
Để đẩy mạnh nhu cầu nội địa, theo Thủ tướng, Việt Nam phải đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao vì chỉ khi tăng trưởng cao, đời sống người dân được cải thiện thì thị trường trong nước mới được mở rộng. Mở rộng thị trường trong nước đi liền với đẩy mạnh xuất khẩu qua đó từng bước cân bằng để có cơ cấu, mô hình phát triển bền vững hơn.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng sự đo lường thành công không phải ở mức độ xuất khẩu, dự trữ tiền tệ mà là sự đóng góp cho thị trường toàn cầu.
“Liệu ASEAN có thể chuyển vào việc phụ thuộc xuất khẩu sang thị trường nội địa? Ở một số quốc gia, đấy là thách thức lớn nếu chuyển người lao động thành người tiêu dùng. Việc trở thành người tiêu dùng sẽ có tác động đối với việc quản trị nói chung. Tôi không biết chúng ta sẵn sàng cho thời điểm đó chưa”, ông nói.
Ông cũng cho rằng thương mại nội khối ASEAN đã tăng gấp 3 trong thời gian qua nhưng ASEAN cần phải “mở” cửa hơn nữa cũng như nỗ lực điều phối tốt hơn chính sách tiền tệ, tài khoá.
Đề cập đến sự phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hạ tầng có ý nghĩa quyết định song phải giải quyết vấn đề nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Đối với các nền kinh tế đang phát triển chưa cao, nguồn đầu tư sẽ không chỉ từ chính phủ, quốc gia mà cả huy động vốn từ tư nhân, doanh nghiệp (theo cơ chế PPP), kêu gọi hỗ trợ từ các định chế tài chính quốc tế, viện trợ ODA…
Tổng giám đốc Tập đoàn Tata (Ấn Độ) Hemant Nerukar cho rằng có 4 vấn đề khu vực cần tập trung giải quyết bao gồm kiểm soát về tài chính nhằm tránh vướng vào cuộc khủng hoảng như năm 2008 và châu Âu hiện tại, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, quản lý tài năng và vấn đề môi trường.
Ông cũng khẳng định châu Á không có lựa chọn khác, buộc phải cải thiện hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, vấn đề của châu Á không chỉ thiếu vốn, mà cả về khả năng tham gia của tư nhân.
Hội nhập khu vực sâu rộng là điều quan trọng nhằm củng bố sự phục hồi và ổn định của các nền kinh tế Đông Á trong việc đối mặt với rủi ro toàn cầu gia tăng, đặc biệt những rủi ro liên quan đến tài chính. Các nhà lãnh đạo khu vực cùng các doanh nghiệp cũng nhận định để củng cố nền kinh tế, các nước Đông Á cần tập trung cho hai ưu tiên khác, đó là thúc đẩy tăng trưởng và bền vững môi trường.
Nhiều ý kiến cho rằng trong khi các quốc gia Đông Á nên tập trung thúc đẩy hợp tác, mỗi nước cũng cần kiểm soát nền kinh tế hiệu quả. Cải thiện quản trị, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực hay phát triển con người được cho là những yếu tố cần thiết.
- Xuân Linh