Nguy cơ "bong bóng" Trung Quốc

Cập nhật lúc 07:27, 04/06/2010 (GMT+7)

- Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tại TP.HCM cuối tuần này sẽ công bố báo cáo xếp hạng các nền kinh tế thế giới lần thứ 4. VietNamNet trao đổi với Phó Giám đốc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Thierry Geiger về hai yếu tố trong Đông Á: ASEAN và Trung Quốc.

>> Quan hệ TQ-ASEAN: Điều kiện tiên quyết cho thịnh vượng Đông Á

Ông Thierry Geiger cho hay báo cáo xếp hạng 125 nền kinh tế dựa trên “điểm” về khả năng tiếp cận thị trường, quản lý biên giới, giao thông vận tải, thông tin liên lạc và môi trường kinh doanh.

Dù nhiều sáng kiến đang được đưa ra, chuyên gia kinh tế của WEF cho hay các quốc gia trong ASEAN trao đổi thương mại ở những mức độ rất khác nhau, có mức độ rất phân tán do một phần khó khăn của di chuyển hàng hóa qua biên giới. Việt Nam xếp hạng 71 trong báo cáo.

Mô tả ảnh.
Phó Giám đốc Diễn đàn Kinh tế thế giới Thierry Geiger
Gắn kết, ASEAN gia tăng tính cạnh tranh

Một lo ngại hiện nay, đó là sức cạnh tranh của hàng hóa ASEAN với hàng hóa Trung Quốc. Indonesia vừa qua đã xin tạm hoãn việc thực hiện giảm thuế đối với một số mặt hàng trong khuôn khổ thực thi FTA ASEAN - Trung Quốc. Ý kiến của ông?

Trong giai đoạn khủng hoảng, các biện pháp bảo hộ có xu hướng phổ biến hơn và điều này là dễ hiểu. Tuy nhiên, thương mại là một phần của giải pháp này, và điều này chắc chắn không phải là nguyên nhân của những hỗn loạn kinh tế thế giới hiện nay.

Các biện pháp bảo hộ dường như chỉ mang lại sự giảm nhẹ tạm thời. Trong dài hạn, những ảnh hưởng của chúng có thể trở thành thảm họa. Cho đến nay, các nhà lãnh đạo chính trị đã không áp dụng chủ nghĩa bảo hộ bất chấp khủng hoảng.

Hầu hết các FTA được thực thi dần dần, thường là nhiều năm, để các nước thích nghi với môi trường mới.

Theo ông, bên cạnh những mặt lợi, đâu là những vấn đề mà ASEAN cần cải thiện để nâng cao tính cạnh tranh? Tính kết nối giữa các nền kinh tế ASEAN đã đủ mạnh để đảm bảo hiệu quả cao thực thi FTA này?

Xét một cách riêng biệt, không nước nào trong ASEAN có sức mạnh kinh tế đáng kể trên sân khấu thế giới, ngoại trừ Indonesia. Thị trường mỗi nước tương đối nhỏ. Tuy nhiên, nếu là một nhóm, ASEAN trở nên mạnh mẽ với 600 triệu người. Điều này làm cho khu vực trở lên hấp dẫn đối với những nhà đầu tư nước ngoài.

Các thành viên của ASEAN không đồng nhất, đặc biệt là suy nghĩ của Singapore và Campuchia. Lợi thế cạnh tranh do đó cũng khác biệt giữa các nước. Giả sử ASEAN gắn kết lại, những khác biệt này có thể được bổ sung và làm tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực. Do đó có thể tạo ta chuỗi cung ứng khu vực hiệu quả và quy mô kinh tế.

Bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế với các nước trong nhóm - và các quốc gia lân cận, các đối tác thương mại, ASEAN sẽ có thể tiếp cận tốt hơn với một thị trường khổng lồ. Chúng ta không nên quên rằng 60% dân số thế giới sống ở các vùng lân cận của ASEAN.

Trung Quốc và nguy cơ bong bóng tài sản

Sau suy thoái khủng hoảng, nền kinh tế Trung Quốc đã hồi sinh nhanh chóng và mạnh hơn bất cứ cường quốc kinh tế nào khác. Điều này tác động ra sao đến Đông Á và khu vực? Đâu là bài học đáng chú ý?

Trung Quốc đã nỗ lực giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng bằng cách thực hiện rất nhanh chóng các gói kích thích khổng lồ và các biện pháp khác để kích cầu nội địa. Những biện pháp này một phần khiến xuất khẩu giảm mạnh. Sự kháng cự của Trung Quốc cho thấy tăng trưởng của nước này không hẳn quá phụ thuộc vào thương mại.

Có ý kiến nhận định trong những năm qua, Trung Quốc nổi lên trong khu vực và thế giới với sự tăng trưởng, phát triển theo mô hình thần kỳ của Nhật Bản những năm 80. Song vẫn có ý kiến nhiều chiều xung quanh sự bùng nổ của Trung Quốc liệu có dẫn tới một thập kỷ mất mát như Nhật đã từng hứng chịu. Ý kiến của ông?

Tôi không nghĩ rằng tình hình kinh tế hiện nay của Trung Quốc tương đương với Nhật Bản ở bất kỳ điểm nào trong lịch sử gần đây. Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển kinh tế rất khác.

Tuy nhiên, nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc có thể dẫn đến sự hình thành bong bóng tài sản trong tương lai, điều có thể gợi lại những rắc rối của Nhật Bản đầu những năm 1990.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Reuters

Sức phát triển quá nóng cũng làm nảy sinh nhiều ý kiến lo ngại mặt trái mô hình tăng trưởng của Trung Quốc như hiện tượng khát nhiên liệu, tài nguyên. Ý kiến của ông về điều này?

Trung Quốc đang ngày càng tăng cường liên kết quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới để đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho phát triển nhiên liệu. Công nghệ cũng cung cấp các giải pháp, mặc dù các giải pháp này chỉ là một phần những vấn đề bức xúc nhất mà Trung Quốc đang đối mặt, như ô nhiễm hoặc tiêu thụ năng lượng.

Thông qua sự cải tiến không ngừng và chuyển giao công nghệ, Trung Quốc cần đi tắt đón đầu các giai đoạn của quá trình công nghiệp và chỉ chọn lựa những công nghệ hiệu quả nhất.

Thay đổi trong hệ thống

Nhiều ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua cho thấy mô hình kinh tế cũ cần phải được tư duy, cân nhắc lại. Trong bối cảnh châu Á đang trở thành động lực cho phục hồi tăng trưởng toàn cầu sau khủng hoảng, theo ông, đâu là vai trò của Đông Á?

Mô hình của những nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang hoạt động hiện nay về căn bản giống như mô hình ở các nước đã phát triển, nhưng đối với những nền kinh tế nghèo, kém phát triển thì việc áp dụng mô hình này vẫn tương đối tốt trong nhiều thập kỷ qua.

Tôi không nói rằng mô hình này là hoàn hảo, nhưng nó đã chứng minh khá thành công. Cuộc khủng hoảng gần đây cho thấy những giới hạn của hệ thống này. Điều cần thiết là thay đổi trong hệ thống chứ không phải cả hệ thống.

Khu vực châu Á là khu vực năng động nhất thế giới hiện nay. Theo Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), trong những năm khủng hoảng 2008 - 2009, khu vực này chiếm 70% tăng trưởng GDP toàn cầu, trong khi các nền kinh tế đã phát triển chỉ chiếm 6%.

Từ nay đến năm 2015, theo IMF, sự đóng góp của khu vực châu Á đang phát triển này cho GDP toàn cầu sẽ dao động 40 - 45%. Trong suốt những năm 1980, những con số này chỉ là viễn cảnh khi nó chỉ chiếm tỷ lệ dưới 15%.

Sự thật hoàn toàn mới mẻ này đang tác động rất lớn đến khu vực và phần còn lại của thế giới. Nó ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và kinh doanh. Nó làm thay đổi, và đôi khi đảo ngược, mô hình thương mại, đầu tư, và cả dòng chảy di cư.

  • Xuân Linh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác