VN cần tìm đường riêng, không để các lực đẩy dẫn đi
- "Việt Nam cần một cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn để xây dựng và phát triển các tài sản và năng lực nhằm giúp quốc gia tìm được con đường và vị thế riêng trong nền kinh tế toàn cầu, hơn là biến thành một chủ thể để các lực đẩy bên trong và bên ngoài dẫn dắt, đưa tới tình trạng khó kiểm soát", Tiến sĩ Chirstian Ketel, Học viện Cạnh tranh châu Á (ACI), Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nói.
Lợi thế nhân công giá rẻ ngày càng kém hấp dẫn
Tiến sĩ Chirstian Ketel phát biểu tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam hướng tới phát triển bền vững” chiều nay (5/6) tại TPHCM, sự kiện bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á 2010.
Thảo luận về Báo cáo năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2009 - 2010 do ACI thực hiện, ông Ketel lưu ý Việt Nam về lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài là yếu tố chi phí nhân công thấp đang giảm dần trong khi kỹ năng lao động chưa được cải thiện tương ứng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tiếp khách quốc tế tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á 2010. Ảnh: Trúc Quân |
Bên cạnh đó, FDI và xuất khẩu góp phần tạo việc làm, nhưng không giúp tăng nhiều mức độ thịnh vượng của quốc gia ngoài việc tạo công ăn việc làm ở mức tiền lương tối thiểu trong khu vực chế tạo. Cũng không thấy nhiều bằng chứng về tác dụng tràn của FDI đối với phần còn lại của nền kinh tế trong việc nầng cao năng suất và trình độ công nghệ.
“Có nhiều FDI đổ vào nhưng xuất khẩu lại thường từ ngành hàng có giá trị gia tăng thấp. Tình trạng tuyên bố mong muốn, thích đầu tư nhưng có thực sự bỏ tiền đầu tư hay không phải lưu ý”, ông Ketel nói.
Do đó, ông cho rằng Việt Nam cần xem xét lại mô hình tăng trưởng dựa vào FDI. Việt Nam cần một chiến lược nếu muốn thu hút FDI chất lượng cao, tức FDI tạo nhiều giá trị hơn là chỉ tạo việc làm với mức lương tối thiểu. Ngoài ra, cần thúc đẩy các mối liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Về tình trạng kinh tế, tài chính vĩ mô hiện nay, tiến sĩ Chirstian Ketel lưu ý Chính phủ cần nâng cao khả năng cạnh tranh của tiền đồng, giữ tỉ lệ giữa đồng USD và tiền đồng ổn định. Ngoài ra, ông cũng cho rằng thế mạnh của Việt Nam phần lớn là các yếu tố truyền thống sẵn có của xã hội và hệ thống, hoặc là kết quả tự nhiên của lực đẩy thị trường.
Ông cũng cho rằng điểm yếu của Việt Nam phản ánh những khó khăn đang gặp phải khi sử dụng các phương thức điều hành truyền thống để điều hành một nền kinh tế thị trường ngày càng phức tạp hơn, cũng như thiếu những nỗ lực mang tính hệ thống để tạo dựng được các lợi thế cạnh tranh mới cho quốc gia.
"Việt Nam cần một cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn để xây dựng và phát triển các tài sản và năng lực nhằm giúp quốc gia tìm được con đường và vị thế riêng trong nền kinh tế toàn cầu, hơn là biến thành một chủ thể để các lực đẩy bên trong và bên ngoài dẫn dắt, đưa tới tình trạng khó kiểm soát", tiến sĩ nói.
Lần đầu tiên, Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Trúc Quân |
Tháo điểm nghẽn tăng trưởng
Trong khi đó, bà Marjorie Yang - đồng Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc tế của ACI nhấn mạnh khâu đào tạo nhân lực hướng tới tư duy đổi mới, sáng tạo, theo đó đào tạo ở đại học phải khuyến khích sinh viên tư duy sáng tạo và tự tin với tư duy đổi mới, sáng tạo là điều quan trọng giúp Việt Nam phát triển bền vững.
Đề cập tháo gỡ những điểm tắc nghẽn trong hướng tới tăng trưởng bền vững, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng Việt Nam sẽ phải lưu ý 3 trụ cột.
Thứ nhất tạo ra cơ sở hạ tầng hiện đại, trong đó có hạ tầng về giao nhận vận tải. Thứ hai tổ chức lực lượng lao động nhiều cấp, đặc biệt lực lượng lao động có kỹ năng, để leo lên nấc thang giá trị gia tăng. Thứ ba, cải cách hệ thống hành chính, trong đó đặc biệt về cải tổ thủ tục phục vụ thị trường tài chính một cách năng động nhằm cung cấp những dịch vụ hiệu quả cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh với những diễn biến gần đây của nền kinh tế thế giới như cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, những bất ổn còn tiềm ẩn của hệ thống tài chính tín dụng Mỹ, dấu hiệu của tình trạng phát triển “bong bóng” tại một số nền kinh tế mới nổi v.v…, hơn bao giờ hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng của mô hình phát triển bền vững, dựa trên năng lực cạnh tranh làm nền tảng.
Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định "mục tiêu tăng trưởng bền vững vẫn còn ở phía trước". Trong những năm qua, tăng trưởng cao chưa thực sự gắn với tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, tăng trưởng còn dựa vào khai thác tài nguyên, vừa sử dụng các yếu tố môi trường là đầu vào sản xuất. Do đó, tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường vẫn là thách thức lớn trong thời kỳ tới.
- Xuân Linh