EU không quan tâm dự án đường sắt cao tốc của VN
- Tại cuộc họp báo chiều 7/6 ở Hà Nội, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Liên minh châu Âu (EU) Sean Doyle cho hay các quốc gia khối này chưa từng thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vì đây không phải là vấn đề mà EU quan tâm.
>> Khi số liệu và thực tế cách xa nhau
>> Đường sắt cao tốc: Cứ để cho Nhật xây với thể thức BOT hay BOO
>> "Dục tốc bất đạt"
>> Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Kim tự tháp của Việt Nam
Hôm nay, EU đã công bố Sách Xanh 2010, ấn bản thường niên tóm tắt các hoạt động hợp tác phát triển của EU tại Việt Nam cũng như công bố tài trợ Kế hoạch hành động thường niên 2010 cho Việt Nam với ngân quỹ 62,25 triệu euro.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Liên minh châu Âu (EU) Sean Doyle (phải). Ảnh: NQ |
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Đại sứ Sean Doyle EU không quan tâm nhiều đến dự án này.
“Liên minh châu Âu không phải là những nhà tài trợ lớn, cũng như nhà đầu tư lớn về giao thông và các dự án hạ tầng. Chỉ có ngân hàng đầu tư châu Âu cung cấp các khoản vay với các dự án đường tầu điện ngầm nhẹ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong dự án này có sự tham gia của các quốc gia Đức, Pháp”, ông cho hay.
Ông cũng khẳng định đại sứ của các quốc gia thành viên tại Hà Nội của EU cũng chưa từng thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vì đây không phải là vấn đề mà EU quan tâm.
“Quan điểm của liên minh châu Âu là tăng trưởng phát triển phải có những dự án lớn và Quốc hội Việt Nam cần cân nhắc kỹ”, Đại sứ nói. Ông cũng nêu 2 mối quan ngại lớn của EU với các khoản ODA cho VN là nguy cơ tham nhũng và sự bất bình đẳng trong phân chia lợi ích từ sự tăng trưởng.
Về sự liên quan vấn đề đường sắt cao tốc Bắc - Nam và nguy cơ nợ công của Việt Nam, Đại sứ cho rằng nợ công là vấn đề quan trọng, tuy nhiên vấn đề này ở Việt Nam chưa ở mức nguy hiểm so với Hy Lạp. Tuy nhiên, VN lại không có được nguồn lực dồi dào như một số nước châu Âu và không phải là thành viên của một khối kinh tế mạnh như EU.
Đánh giá về việc sử dụng ODA, Đại sứ cho rằng trong những năm qua Việt Nam đã sử dụng tốt và hiệu quả các nguồn vốn, đặc biệt là sử dụng hiệu quả trong giáo dục, đô thị hoá, và những nỗ lực của chính phủ đối với dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao mức sống của người dân.
Ông khẳng định EU lạc quan về hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam. Bất chấp những khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế, EU vẫn sẽ cung cấp viện trợ ổn định cho Việt Nam với tổng tài trợ dự kiến năm 2010 là 940,10 triệu euro, trong đó có 1/3 tài trợ không hoàn lại.
Theo Sách Xanh EU 2010, Liên minh châu Âu nói chung vẫn là đối tác then chốt hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và là nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam.
- Như Quỳnh