ASEAN sẽ là trung tâm phát triển mới của thế giới?

Cập nhật lúc 22:07, 07/06/2010 (GMT+7)

- ASEAN có thể trở thành trung tâm phát triển thứ ba của thế giới tính ở quy mô thị trường 600 triệu dân, nhờ những tăng trưởng thương mại dịch vụ, tăng cường liên kết thương mại nội vùng chặt chẽ - Bộ trưởng Thương mại Indonesia Mari Elka Pangestu trao đổi tại phiên thảo luận cuối cùng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á 2010 ở TP.HCM chiều 7/6.

Sức ép các thách thức toàn cầu cùng với việc dễ bị tổn thương trước những thách thức đó thúc đẩy châu Á phải có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn, đóng vai trò lãnh đạo lớn hơn trong hợp tác toàn cầu. Các diễn giả đã thảo luận những vấn đề ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo trong khu vực.

Ảnh: WEF
Ảnh: WEF

Đề cập về khu vực ASEAN, ủy viên Hội đồng quản trị tập đoàn Metro (Đức) Frans W.Muller cho rằng thương mại nội vùng ASEAN đã phát triển lớn, tạo cơ hội cho châu Á và cả châu Âu. Nhằm cải thiện chuỗi cung ứng ở khu vực, ông Muller lưu ý cơ sở hạ tầng giao nhận vận tải. Có thực tế nhiều nước sản xuất tiêu thụ giới hạn do hạn chế về cơ sở hạ tầng vận tải, kho bãi. Cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng này sẽ giúp gia tăng sản lượng của nông dân trong tương lai.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Mari Elka Pangestu cũng cho rằng ASEAN cần nỗ lực tạo sự tích hợp hậu cần vận tải trong ASEAN và đây là một thách thức lớn. Thực tế, thương mại dịch vụ nội vùng đã tăng gấp đôi trong thời gian qua, ASEAN đã dần trở thành thị trường quan trọng của Mỹ, Ấn Độ và nhiều nước, song còn cần nỗ lực cải cách liên quan thể chế, thủ tục hành chính, đặc biệt là các cải cách về thủ tục hải quan.

Bà Bộ trưởng tự tin về mục ASEAN có thể trở thành trung tâm phát triển mới của châu Á nhờ sự hình thành một thị trường rộng lớn với 600 triệu dân, phát triển năng động về thương mại dịch vụ.

Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy nói thực tiễn cuộc khủng hoảng vừa qua cho thấy những nước có mức độ mở cửa thông thoáng là những nước kháng cự tốt hơn so với các nước có độ mở cửa ít hơn. Mở cửa nhiều thực tế có hiệu quả.

Đối với ASEAN, ông cho rằng để đảm bảo tăng trưởng, cần xây dựng năng lực thương mại. Đầu tư vào năng lực thương mại quan trọng không kém đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý sự chia sẻ lợi ích của tăng trưởng thương mại.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á, 12 công ty toàn cầu đã quyết định phối hợp với Chính phủ Việt Nam thành lập một nhóm đặc trách khu vực công - tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. Nhóm đặc trách sẽ tìm cách tiếp cận sáng tạo cho việc ổn định nông nghiệp và cải thiện an ninh lương thực trên toàn quốc.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói Chính phủ và các doanh nghiệp chia sẻ chung mục tiêu tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhóm đặc trách này sẽ phác thảo kế hoạch làm việc đầu tiên trong 6 tháng tới và giới thiệu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên 2011 ở Davos, Thụy Sĩ.

  • X.Linh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác