Mekong thành động lực tăng trưởng cho Đông Á

Cập nhật lúc 08:40, 07/06/2010 (GMT+7)

- Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2010 tại TP.HCM, trưa 6/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi ăn trưa làm việc về hợp tác tiểu vùng Mekong.

VietNamNet giới thiệu bài phát biểu của Thủ tướng tại buổi làm việc:

Thưa các Ngài Thủ tướng,

Thưa Ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới,

Thưa quý bà, quý ông,

Tôi vui mừng được gặp lại quý vị tại buổi ăn trưa với chủ đề hết sức quan trọng về Tăng cường vai trò lãnh đạo và tăng trưởng trong tiểu vùng Mekong.Từ bao đời nay, dòng Mekong kỳ vĩ đã bồi đắp nên một vùng châu thổ rộng lớn và màu mỡ, trở thành cái nôi cho nhiều nền văn minh rực rỡ.

Ngày nay, với diện tích 2,6 triệu km2 và khoảng 325 triệu dân, Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) bao gồm các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Đây là khu vực có vị trí địa - chính trị quan trọng ở Đông Nam Á, một điểm đến đầy tiềm năng và cơ hội đầu tư rộng mở với tài nguyên thiên nhiên phong phú, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, thủy điện và khai thác khoáng sản…

Mô tả ảnh.
Ảnh: HAT

Với những nỗ lực to lớn gần đây của các nước trong vùng trong việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết và phát triển kinh tế thông qua các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa dạng, lưu vực Mekong đang nhanh chóng trở thành một tâm điểm thu hút sự chú ý của nhiều đối tác phát triển, trong đó có các nền kinh tế lớn Đông Á như Nhật Bản và các đối tác quan trọng khác như Mỹ và châu Âu.

Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần đầu tiên tại Tokyo tháng 11/2009, sáng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thành lập Diễn đàn Hạ lưu Mekong - Mỹ, và Cấp cao mở rộng đầu tiên của Ủy hội sông Mekong quốc tế với sự tham gia của Trung Quốc và Myanmar tại Hua Hin tháng 4/2010 là những minh chứng sống động cho sự quan tâm ngày càng tăng của các đối tác.

Thưa quý vị,

Vấn đề đặt ra cho những nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này là cần phải làm gì để nhanh chóng biến các tiềm năng thành nguồn lực tăng trưởng thực tế, sao cho trong một thập kỷ tới, lưu vực Mekong trở thành một động lực tăng trưởng mới bền vững cho Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung?

Tôi cho rằng các nước chúng ta cần thể hiện mạnh mẽ hơn nữa sự chủ động và vai trò lãnh đạo của mình trong việc phát triển khu vực này. Không thể có tăng trưởng bền vững nếu như không nâng cao vai trò lãnh đạo một cách chủ động và sáng tạo. Trên tinh thần đó, theo chúng tôi, có bốn ưu tiên hàng đầu như sau:

Một là, chúng ta cần củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong khu vực và với các đối tác bên ngoài, bao gồm ASEAN, ACMECS, CLV, CLV+, Tam giác phát triển, Mekong cộng các đối tác lớn như Nhật, Mỹ, Diễn đàn Hợp tác sông Hằng - sông Mekong, Ủy hội Mekong quốc tế, GMS v.v... Có cơ chế hài hòa hóa các diễn đàn hợp tác này để tránh trùng lặp và tạo tính bổ sung và cộng hưởng lợi ích lớn nhất.

Hai là, cần nhấn mạnh yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước trong lưu vực Mekong, bảo vệ môi trường sinh thái và tiến tới xây dựng một Mekong phát triển Xanh trên cơ sở nâng cao vai trò, hiệu quả và mở rộng hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong là một vấn đề sống còn.

Ba là, bên cạnh việc tiếp tục tranh thủ nguồn vốn và sự trợ giúp của các tổ chức tài trợ quốc tế cũng như các đối tác phát triển ở Đông Á và trên thế giới chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi nhất về hành lang pháp lý và các khuyến khích tài chính để đẩy mạnh các dự án hợp tác trên cơ sở đối tác công - tư (PPP), đặc biệt cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển đô thị, đầu tư và thương mại.

Bốn là, chúng ta cũng cần phối hợp chính sách tốt hơn nữa, để cùng đưa ra những lĩnh vực ưu tiên thống nhất trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước, trong đó đặc biệt chú ý phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm, giao thông vận tải, nhất là các hành lang kinh tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành dịch vụ then chốt như tài chính – ngân hàng, viễn thông, các nguồn năng lượng mới và tái tạo được.

Ở đây, vấn đề xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm phát triển cân bằng, bền vững và đều khắp cả ở cấp quốc gia và khu vực phải là một ưu tiên hàng đầu.

Thưa quý vị,

Tương lai của các nước lưu vực sông Mekong là tươi sáng và nó nằm trong tay của chúng ta. Tôi tin rằng với sự lãnh đạo sáng suốt của các chính phủ trong khu vực, chúng ta sẽ bảo đảm được một sự tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bền vững và thân thiện với môi trường cho các nền kinh tế nằm dọc theo con sông vĩ đại này.

  • VietNamNet (giới thiệu)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác