Cuộc sống dưới những ống khói công nghiệp:

Bài 5: “Khóc ròng” với ô nhiễm từ nhà máy quặng

Cập nhật lúc 09:27, 31/01/2010 (GMT+7)

- Nhà máy tuyển quặng sắt mới đi vào hoạt động chưa lâu, những tưởng mang lại công ăn việc làm cho người dân nhưng đã gây ra bao phiền toái cho người dân do ô nhiễm môi trường.

Lợi bất cập hại

Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang thuộc Công ty TNHH một thành viên sắt Vũ Quang (Công ty sắt Vũ Quang) hoạt động từ ngày 19/5/2009. Tuy nhiên, trước khi ra đời dự án này người dân xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang được phía chủ đầu tư hứa hẹn đủ mọi điều. Nào là giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, phần khác còn tạo ra nguồn thu nhập đáng kể trên địa bàn khi nhà máy tuyển quặng sắt hoạt động.

Mô tả ảnh.
Nhà máy sắt Vũ Quang thường xuyên xả khói bao trùm cả khu dân cư xung quanh. Ảnh: T. Thức

Thế nhưng lợi đâu chẳng thấy, lời hứa tạo công ăn việc làm cũng chỉ như “gió thoảng, mây bay” không được là bao vì nhà máy đòi hỏi người dân về bằng cấp, chứng chỉ trong khi bao năm họ chỉ quen “đầu tắt mặt tối”, nên việc có hồ sơ đúng chỉ tiêu xem ra là xa vời.

Trong khi đó, nhiều hộ dân xóm 3 xã Sơn Thọ (Vũ Quang) phải sống trong cảnh mất ăn mất ngủ vì bệnh tật. Mới đầu người dân chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, sau đó thấy nguồn nước bị ô nhiễm, khói bụi và tiếng ồn quá lớn mỗi khi nhà máy này hoạt động.

Nhà ông Nguyễn Sữu (SN 1949), là hộ dân sống gần đường dẫn nước thải của nhà máy này, nhưng không được ngăn cách bởi tường rào, nên nhiều lần nước thải tràn vào vườn nhà, làm cho đời sống của họ bị ảnh hưởng, khốn đốn, dở khóc dở cười.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Nước thải của nhà máy sắt Vũ Quang được xả ra từ nhiều cửa và chảy theo mương ra suối Trươi. Ảnh: T. Thức

Hộ dân này rất bức xúc bày tỏ “nguồn nước bị ô nhiễm, nước đỏ ngầu, múc lên một lúc là đóng váng màu vàng đầy chậu. Nguồn nước bị ô nhiễm do hồ chứa nước chưa xây ở đáy, hàng rào cũng không xây, làm cho nước nước thải chảy vào chuồng trâu, cây cối lụi tàn, giếng nước gia đình và những nhà xung quanh bị ô nhiễm nặng”.

Ông Sữu còn cho biết: Ban đêm nhà máy hoạt động tiếng ồn quá lớn, dân không thể ngủ được, lo lắng ảnh hưởng đến sức khoẻ, ngoài ra mỗi khi gió bấc về hướng vào nhà khói bụi khét lẹt, khó chịu do mùi xỉ than đá và quặng cháy.

Nhà bà Phan Thị Hà (xóm 3, xã Sơn Thọ) cũng không kém phần nguy hiểm. Những năm trước không phải đi gánh nước để ăn, nay gia đình bà phải đi gánh nước từ nhà khác về mới dùng được, vì giếng của nhà nước vàng ố, múc lên một lúc là đóng váng liền.

"Mỗi lúc đêm xuống, gia đình không được yên tĩnh chút nào, nếu không đóng cửa lại thì tiếng ồn tra tấn đầu óc và khói bụi bay vào đầy nhà. Cam, chanh thì bị héo úa, chồng tôi thời gian gần đây bị choáng đầu, không ngủ được, sợ bị ung thư và tiếng ồn quá lớn từ nhà máy” - bà Hà nói.

Bà Hà còn cho chúng tôi biết: dân đã đề xuất Công ty sắt Vũ Quang xây tường rào nhiều lần, nhưng họ vẫn cứ để vậy, dân muốn không bị “tra tấn” thì cách tốt nhất là phải đi vào rừng “lánh nạn”, thanh niên đi làm ăn xa cũng không muốn về nhà.

Mô tả ảnh.
Bà Hà ngày nào cũng phải đi gánh nước về dùng vì giếng nhà bị nhiễm sắt, nổi váng rất dày nên không dám dùng. Ảnh: T. Thức

Cô con gái lớn của bà Hà là chị Nguyễn Thanh Duyên, mới lập gia đình và có con nhỏ, chưa có nhà ở, bà muốn con về ở gần để bà chăm cháu và cho đất về ở cạnh mà chị không nhận: “Mẹ cho thì con cảm ơn, nhưng về đây ô nhiễm quá cháu còn bé sợ bị bệnh tật, con không về đây đâu” - bà Hà kể lại lời con gái.

Còn ông Cao Thanh Hiền (49 tuổi) cùng xóm, sống gần mương dẫn nước thải và hồ chứa nước thải của Công ty sắt Vũ Quang cũng rất bức xúc: “Từ khi có nhà máy người dân ở đây cơ cực, sáng ra trên tàu lá chuối không phải là những hạt sương mà thay vào đó là màu đỏ của bụi khói. Lò đốt thủ công nên hơi bốc mạnh, tạt vào nhà dân, tiếng ồn ù tai, con cái học hành không thể chịu được”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vấn đề ô nhiễm môi trường không những ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân sống gần Công ty sắt Vũ Quang mà nghiêm trọng hơn là công ty này xả nước thải ra suối Trươi, chảy xuống sông Ngàn Trươi.

Dân kêu không thấu trời…(!?)

Trong khi người dân “kêu trời” về sự ô nhiễm môi trường này thì ông Ngô Hồng Sơn, Phó Giám đốc Công ty sắt Vũ Quang khẳng định với chúng tôi: “Không ảnh hưởng đến hộ dân xung quanh, nước, công ty chúng tôi sử dụng tuần hoàn, không có một giọt nước ra ngoài”.

Trao đổi với VietNamNet, ông Sơn giải thích một cách "lý tưởng" về quy trình xử lý nước thải rửa quặng sắt của công ty một cách khoa học, đảm bảo không gây ra ô nhiễm môi trường.

Mô tả ảnh.
Nhiều giếng nước sinh hoạt trong xóm 3, xã Sơn Thọ bị nhiễm sắt, nổi váng như thế này từ khi nhà máy hoạt động. Ảnh: T. Thức
Như: Công ty xử lý nước thải bằng 8 hồ ngưng tụ, bùn lắng xuống phơi khô, hoàn thổ, còn nước cho hoàn trở lại phục vụ sản xuất. Nước sử dụng không nhiều, chỉ phục vụ rửa quặng đất, quay trở lại bơm lên không xả ra ngoài, không ảnh hưởng đến hộ dân xung quanh, đốt ở nhiệt độ thấp, khói bụi không đáng kể.

Chỉ khi chúng tôi đưa ra những hình ảnh thực tế về vấn đề ô nhiễm môi trường và vị trí mà họ xả nước thải ra suối Trươi ông Sơn mới gật đầu “lâu dài thì ảnh hưởng không đáng kể”.

Trong khi đó, ông Cù Huy Đạt, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Vũ Quang không khẳng định được việc Công ty sắt Vũ Quang có xả nước thải gây ô nhiễm hay không mà cho rằng: “Qua các đợt kiểm tra không phát hiện công ty sắt có xả nước thải ra sông Ngàn Trươi, nhưng họ có xả trộm hay không thì không biết".

Theo ông Đạt, việc giếng nước của dân ở gần đó ngả màu là có thật, nước giếng ngả màu, khói bụi và tiếng ồn có trong khuôn khổ cho phép theo quy định của pháp luật hay không thì cơ quan của huyện chỉ nhìn thấy bằng cảm quan. Không có trang thiết bị đo khói bụi cũng như tiếng ồn được nên huyện không đủ điều kiện để khẳng định là ô nhiễm hay không.

Điều đáng lên tiếng là sự ô nhiễm môi trường của nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang đã làm cho nhiều người dân hoang mang lo sợ, mà phía Công ty sắt Vũ Quang vẫn không có động thái gì đối với người dân và còn chối bỏ tránh nhiệm.

  • Trí Thức

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác